1. Tôn giáo

Singapore có tên gọi chính thức là nước Cộng hòa Singapore, là một đảo quốc có chủ quyền tại khu vực Đông Nam Á, nằm ngoài khơi về mũi phía nam của bán đảo Mã Lai và cách xích đạo 137 km về phía bắc. Lãnh thổ Singapore bao gồm có một đảo chính hình thoi và khoảng 60 đảo nhỏ hơn. Singapore tách biệt với bán đảo Malaysia qua eo biển Johor ở phía bắc cũng như tách biệt với quần đảo Riau của Indonesia qua eo biển Singapore ở phía nam. Singapore là quốc gia có mức độ đô thị hóa rất cao, chỉ còn lại số lượng ít thảm thực vật nguyên sinh. Lãnh thổ của Singapore hiện đang liên tục được mở rộng thông qua các hoạt động cải tạo và lấn biển.

Phật giáo là tôn giáo được thực hành phổ biến nhất tại Singapore, với 33% số cư dân tuyên bố bản thân họ là tín đồ đạo Phật trong cuộc điều tra dân số gần đây nhất. Tôn giáo được thực hành phổ biến thứ nhì là Ki-tô giáo, sau đó là Hồi giáo, Đạo giáo, và Ấn Độ giáo. 17% dân số không gia nhập tôn giáo nào. Tỷ lệ tín đồ Ki-tô giáo, Đạo giáo, và người không tôn giáo tăng trong khoảng thời gian giữa năm 2000 và 2010, mỗi nhóm tăng 3%, trong khi tỷ lệ tín đồ Phật giáo thì giảm xuống. Các đức tin khác vẫn ổn định trên quy mô lớn về tỷ lệ dân số.

Tại Singapore có các chùa và trung tâm Phật pháp từ cả ba tông phái truyền thống chính của Phật giáo: Thượng tọa bộ, Đại thừa, và Kim cương thừa. Hầu hết tín đồ Phật giáo tại Singapore là người Hoa và theo truyền thống Đại thừa. Đại thừa Trung Hoa là tông phái Phật giáo chiếm ưu thế nhất tại Singapore, với các hòa thượng truyền giáo đến từ Đài Loan và Trung Quốc trong vài thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, Phật giáo Thượng tọa bộ từ Thái Lan ngày càng phổ biến trong cư dân Singapore (không chỉ người Hoa) trong thập niên qua. Học hội Sáng giá Quốc tế là một tổ chức Phật giáo của Nhật Bản, hiện được nhiều người thực hành theo tại Singapore, song hầu hết họ là người gốc Hoa. Phật giáo Tây Tạng cũng xâm nhập chậm vào quốc đảo trong những năm gần đây.

2. Chính trị

Singapore là một nước cộng hòa nghị viện, có chính phủ nghị viện nhất viện theo hệ thống Westminster đại diện cho các khu vực bầu cử. Hiến pháp của quốc gia thiết lập hệ thống chính trị dân chủ đại diện. Freedom House xếp hạng Singapore là “tự do một phần” trong báo cáo Freedom in the World của họ và The Economist xếp hạng Singapore là một “chế độ hỗn hợp”, hạng thứ ba trong số bốn hạng, trong “Chỉ số dân chủ” của họ. Tổ chức Minh bạch Quốc tế liên tục xếp Singapore vào hạng các quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới.

Quyền hành pháp thuộc về Nội các Singapore, do Thủ tướng lãnh đạo, và ở một mức độ thấp hơn rất nhiều là Tổng thống. Tổng thống được bầu thông qua phổ thông đầu phiếu, và có quyền phủ quyết đối với một tập hợp cụ thể các quyết định hành pháp, như sử dụng dự trữ quốc gia và bổ nhiệm các thẩm phán, song vai trò phần lớn mang tính lễ nghi.

Quốc hội Singapore đóng vai trò là nhánh lập pháp của chính phủ. Các thành viên của Quốc hội gồm có các thành viên đắc cử, phi tuyển khu và được chỉ định. Các thành viên đắc cử được bầu vào Quốc hội trên cơ sở “đa số ghế” và đại diện cho các khu vực bầu cử có một hoặc nhóm đại diện. Đảng Hành động Nhân dân giành quyền kiểm soát quốc hội với đa số lớn trong tất cả các cuộc bầu cử kể từ khi Singapore tự trị vào năm 1959. Hệ thống tư pháp của Singapore dựa trên thông luật Anh, song có các khác biệt địa phương đáng kể. Việc bồi thẩm đoàn xử án bị bãi bỏ vào năm 1970, các phán quyết tư pháp sẽ hoàn toàn nằm trong tay các thẩm phán được chỉ định.

Singapore có các hình phạt rất nghiêm khắc, bao gồm cả trừng phạt thân thể tư pháp dưới dạng đánh đòn hoặc phạt roi ngay tại nơi công cộng, có thể áp dụng đối với các tội hình như hiếp dâm, quấy rối tình dục, gây rối loạn, phá hoại, và các vi phạm di trú nhất định. Các tội danh về ma túy bị xử rất nặng, bao gồm cả án tử hình kể cả đối với người có quốc tịch nước ngoài.

Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng một số điều khoản pháp lý của Singapore xung đột với quyền được cho là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội, và cho rằng Singapore “có thể có tỷ lệ hành quyết cao nhất trên thế giới so với dân số của quốc gia”. Chính phủ Singapore phản đối các tuyên bố của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Trong một nghiên cứu vào năm 2008, Singapore và Hong Kong xếp hàng đầu về chất lượng hệ thống tư pháp tại châu Á.

Hiện tại, Singapore vẫn duy trì diện mạo của một nền dân chủ nhưng trong thực tế, Đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền đã thống trị nền chính trị kể từ khi nước này giành được độc lập bằng cách tạo ra những rào cản lớn đối với các đảng chính trị đối lập, và hiện nay PAP nắm hơn 90% số ghế trong Quốc hội.

3. Quan hệ đối ngoại

Chính sách đối ngoại của Singapore có mục đích duy trì an ninh tại Đông Nam Á và các lãnh thổ phụ cận. Một nguyên tắc cơ bản là tính ổn định chính trị và kinh tế trong khu vực. Singapore có quan hệ ngoại giao với hơn 180 quốc gia có chủ quyền. Là một trong năm thành viên sáng lập của ASEAN, Singapore là một quốc gia ủng hộ mạnh mẽ đối với Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) và Khu vực đầu tư ASEAN. Cựu Thủ tướng Ngô Tác Đống đề xuất hình thành một Cộng đồng Kinh tế ASEAN, một bước vượt qua AFTA, đưa Đông Nam Á tiến gần hơn đến một thị trường chung. Singapore duy trì tư cách thành viên trong các tổ chức khu vực khác như Hội nghị Á-Âu, Diễn đàn Hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh, Hệ thống các thành phố lớn châu Á 21, và Hội nghị cấp cao Đông Á. Đảo quốc cũng là một thành viên của Phong trào không liên kết và Thịnh vượng chung Các quốc gia.

Về tổng thể, Singapore có quan hệ song phương vững chắc với các thành viên khác trong ASEAN; tuy nhiên, có những bất đồng phát sinh, và quan hệ với Malaysia và Indonesia đôi khi trở nên căng thẳng. Malaysia và Singapore phát sinh mâu thuẫn về vấn đề cung cấp nước sạch đến Singapore, và vấn đề Quân đội Singapore tiếp cận không phận Malaysia. Có những vấn đề biên giới tồn tại với Malaysia và Indonesia, và hai quốc gia này đều cấm bán cát biển đến Singapore do những tranh nghị về hành động cải tạo đất của Singapore. Một số tranh chấp trước đó được giải quyết thông qua Tòa án Công lý Quốc tế. Vấn nạn hải tặc trên eo biển Malacca tạo ra mối quan tâm chung của cả ba quốc gia. Singapore có các quan hệ kinh tế mật thiết với Brunei, và hai quốc gia chia sẻ một giá trị tiền tệ cố định.

Singapore có tiếp xúc ngoại giao đầu tiên với Trung Quốc trong thập niên 1970, và quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai quốc gia được thiết lập trong thập niên 1990. Kể từ đó, Singapore và Trung Quốc là những bên chủ yếu trong việc tăng cường quan hệ ASEAN–Trung Quốc. Singapore và Hoa Kỳ có quan hệ mật thiết lâu dài, đặc biệt là trong các lĩnh vực quốc phòng, kinh tế, y tế, và giáo dục. Hoa Kỳ là đối tác mậu dịch lớn thứ ba của Singapore trong năm 2010, sau Trung Quốc (thứ 2) và Malaysia (thứ 1). Hai quốc gia có một hiệp định mậu dịch tự do, và Singapore nhận định quan hệ với Hoa Kỳ là một đối trọng quan trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc.

4. Quyền con người

Trong số các quốc gia theo thể chế cộng hoà ở Đông Nam Á, Singapore là quốc gia phát triển nhất. Đây cũng là một trong những nước được coi là trong sạch (hầu như không có tham nhũng), có chính sách an sinh tốt. Tuy nhiên, vấn đề thực thi quyền con người ở Singapore cũng vẫn hứng chịu nhiều luồng dư luận khác nhau. Hiến pháp Singapore quy định các quyền con người cơ bản như quyền tự do, không bị nô lệ và lao động cưỡng bức, được bảo vệ khỏi sự hồi tố và kết án nhiều lần, quyền bình đẳng, tự do di chuyển, tự do ngôn luận, lập hội, tự do tôn giáo, quyền được chăm lo về mặt giáo dục. Tuy nhiên, ở Singapore chưa có cơ quan đảm trách về quyền con người và chính sách hạn chế sự phát triển của các cso của chính phủ cũng gây ra nhiều ý kiến về vấn đề quyền con người.

5. Các cơ chế bảo vệ nhân quyền

Trên bình diện quốc tế, có các thiết chế như các cơ quan chuyên trách của Liên Hợp Quốc, các văn kiện của Liên hợp quốc về vấn đề quyền con người và những thiết chế được tổ chức nhằm thực hiện nội dung của những vặn kiện đó, các cơ quan giám sát, tòa án hình sự quốc tế, v.v… Từ góc độ khu vực, ở mỗi khu vực khác nhau trên thế giới có các hình thức pháp lý thực hiện quyền con người khác nhau. Ví dụ ở châu Âu, đó là Hiến pháp của Liên minh châu Âu, Công ước về quyền con người ở châu Âu, Tòa án nhân quyền châu Âu (thiết chế mang tính chất ràng buộc) và Hiến chương về các quyền cơ bản của Liên minh châu Âu (thiết chế không mang tính ràng buộc)”. Riêng ở châu Á, như đã đề cập ở trên, chưa có một cơ chế khu vực thực thi các quyền con người. Dù sao, ở các tiểu khu vực, các văn kiện về quyền con người và các cơ quan đã bước đầu được hình thành, đánh dấu những bước tiến trong vấn đề quyền con người và nỗ lực khắc phục những mâu thuẫn giữa các vấn đề quyền con người và những vấn đề về văn hoá, tôn giáo, chính trị, sắc tộc, v.v…

Trên bình diện quốc gia, các thiết chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là hết sức đa dạng. Người ta kể đến trước tiên là nội dung của Hiến pháp (ở mỗi nước, Hiến pháp có ghi nhận các quyền và tự do cơ bản hay không), rồi đến các luật cụ thể, các cơ quan phụ trách các vấn đề nhân quyền (ví dụ uỷ ban quyền con người quốc gia), v.v… về các cơ chế bảo đảm và bảo vệ quyền con người ở cấp độ quốc gia, từ trước đến nay các quốc gia châu Âu (đặc biệt là Tây Âu và Bắc Âu) vẫn được đánh giá cao hơn cả. Những cơ chế đó ở các khu vực khác, nhất là châu Á, đểu là đối tượng của nhiều luồng dư luận khác nhau.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)