Cơ sở pháp lý:

– Luật đa dạng sinh học năm 2008

– Thông tư 35/2018/TT-BTNMT

1. Sinh vật ngoại lại xâm hại là gì?

Theo quy định tại khoản 18, 19 Điều 3 Luật Đa dạng sinh học năm 2008 thì có thể hiểu: Sinh vật ngoại lai xâm hại là sinh vật xuất hiện và phát triển ở khu vực vốn không phải là môi trường sống tự nhiên của chúng, lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, l àm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển.

 

2. Ví dụ về sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam

Theo Phụ lục 1 ban hành tại Thông tư 35/2018/TT-BTNMT ghi nhận danh mục loài ngoại lai xâm hại. Có thể liệt kê một số loài sinh vật ngoại lai xâm hại điển hình như sau:

– Cây mai dương (còn gọi là cây trinh nữ thân gỗ): Đây là loài ngoại lai gây thiệt hại nặng nề nhất ở nước ta. Cây có nguồn gốc từ cùng nhiệt đới châu Mỹ, phát tán vào VIệt Nam năm 1979 tại Long An. Hiện nay thì có lẽ loài sinh vật này không còn ai trên khắp đất nước ta còn xa lạ với chúng, bởi nó đã có mặt trên khắp cả nước.

Hình ảnh cây trinh nữ đầm lầy

– Ốc bươu vàng: là loài sinh vật ngoại lai xâm hại có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sinh sống ở vùng đầm lầy, du nhập vào nước ta trước năm 1975. Cho đến nay ốc bươu vàng vẫn là loài sinh vật đe dọa nghiêm trọng đến việc trồng lúa nước của nước ta. Chúng sinh sôi nhanh chóng và tốc độ tàn phá cây mạ, cây lúa cũng rất đáng sợ.

Ốc bươu vàng

– Ốc sên: Có xuất xử từ lục địa châu Phi. Du nhập vào nước ta vào những năm 1960. Chúng gây hại cho cây trồng trên cạn trên khắp cả nước.

Ốc sên

– Cây lục bình (bèo tây): Bắt đầu du nhập vào nước ta từ năm 1902, chúng có đặc điểm sinh trưởng với tốc độ rất nhanh, phủ kín mặt nước trong thời gian ngắn. 

Cây lục bình

Xem chi tiết tại Phụ lục 1 Thông tư 35/2018/TT-BTNMT.

 

3. Tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại theo pháp luật Việt Nam

Theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư 35/2018/TT-BTNMT thì tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại là loài sinh vật ngoại lai đáp ứng một trong các tiêu chí sau:

(i) Đang lấn chiếm nơi sinh sống, cạnh tranh thức ăn hoặc gây hại đối với các sinh vật bản địa, phát tán mạng hoặc gây mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển ở Việt Nam;

(ii) Được đánh giá là có nguy cơ xâm hại cao đối với đa dạng sinh học và được ghi nhận là câm hại ở khu vực có khí hậu tương đồng với Việt Nam hoặc qua khảo nghiệm, thử nghiệm có biểu hiện xâm hại.

Cùng với việc ban hành tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại thì tại Thông tư này cũng ban hành cụ thể danh mục loài ngoại lai xâm hại (Phụ lục 1) để mọi cá nhân đều có thể soi chiếu, tra cứu.

 

4. Loài ngoại lai xâm hại du nhập vào nước ta thông qua con đường nào?

Theo bài viết “Kiểm soát sự du nhập của sinh vật ngoại lai xâm hại nhìn từ góc độ pháp lý” của các tác giả PGS.TS. Phan Huy Hồng, ThS. Danh Phạm Mỹ Duyên và ThS. Đăng Hoa Trang đăng trên Tạp chí khoa học pháp lý số 3 (115) năm 2018 thì con đường du nhập của loài ngoại lai xâm hại vào nước ta bao gồm:

(i) Nhập khẩu hợp pháp hoặc bất hợp pháp;

(ii) Đi kèm hàng hóa nhập khẩu hoặc các phương tiện chuyên chở;

(iii) Đi theo nước dằn tàu và cặn lắng nước dằn tàu.

Như vậy, có thể thấy con đường du nhập loài ngoại lai xâm hại vào nước ta theo hai cách thức đó là có chủ đích (i) và không có chủ đích (ii, iii).

 

5. Biện pháp kiểm soát sự du nhập của loài ngoại lai xâm hại vào Việt Nam

Trên cơ sở con đường du nhập của loài ngoại lai xâm hại vào Việt Nam, để kiểm soát hiệu quả cũng như ngăn chặn triệt để sự du nhập của loài ngoại lai xâm hại vào Việt Nam đó là phải đồng thời triển khai các biện pháp kiểm soát chính thống việc nhập khẩu tại các cửa khẩu thông qua công tác hải quan và nâng cao tinh thần kiểm soát về loài ngoại lai xâm hại đi kèm hàng hóa nhập khẩu/các phương tiện chuyên chở/ nước dằn tàu, cặn lắng nước dằn tàu.

Theo quy định tại Luật đa dạng sinh học năm 2008 thì có các biện pháp kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại như sau:

(i) Điều tra và lập danh mục loài ngoại lai xâm hại để tăng tính nhận diện

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra để lập Danh mục loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn và báo cáo Bộ tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

– Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bộ, cơ quan ngang bộ khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định loài ngoại lại xâm hại, thẩm định và ban hành Danh mục loài ngoại lai xâm hại

(ii) Tổ chức kiểm soát việc nhập khẩu loài ngoại lai xâm hại và sự xâm nhập từ bên ngoài của loài ngoại lai xâm hại.

– Nhiệm vụ này trước hết thuộc về trách nhiệm của Cơ quan hải quan. Theo đó, cơ quan hải quan chủ trì phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tại cửa khẩu kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm trong việc nhập khẩu loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại;

– Tiếp đến là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, đánh giá khả năng xâm nhập của loài ngoại lai từ bên ngoài để có biện pháp phòng ngừa, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại. Một trong những biện pháp được triển khai đó là công tác kiểm dịch động thực vật theo quy định tại Luật thú y năm 2015 và Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật năm 2013. Cụ thể, tại Thông tư 25/2016/TTBNNPTNT đã ban hành danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam (Phụ lục IV) và Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam được quy định tại Điều 2 Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT tương đối khái quát, giúp cho các cơ quan chức năng không bỏ sót đối tượng cần kiểm dịch. Đây thực sự là một trong những biện pháp góp phần vào sự kiểm soát sự du nhập của loài ngoại lai xâm hại vào Việt Nam hiệu quả.

(iii) Kiểm soát sự lây lan, phát triển của loài ngoại lai xâm hại. Theo đó:

– Nhà nước đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện các chương trình cô lập và diệt trừ loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại.

– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định khu vực phân bố, lập kế hoạch cô lập và diệt trừ loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại tại địa phương;

– Tổ chức, cá nhân phát hiện loài ngoại lai xâm hại phải thông báo ngay với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất. Sau khi nhận được thông báo, Ủy ban nhân dân cấp xã phải kịp thời báo cáo với cơ quan cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để có biện pháp kiểm soát.

Kết luận: Có thể thấy các biện pháp kiểm soát sự du nhập của loài ngoại lai xâm hại vào Việt Nam theo con đường có chủ đích được triển khai hiệu quả hơn vì có quy trình cũng như căn cứ rõ ràng. Đối với kiểm soát sự du nhập loài ngoại lai xâm hại du nhập vào Việt Nam theo con đường không chủ đích như kèm theo hàng hóa, phương tiện chuyên chở hay nước dằn tàu, cặn nước dằn tàu thì chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng, hiện nay Việt Nam cũng chưa gia nhập Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn tàu năm 2004 (Công ước BWM 2004). Trong khi đó, việc áp dụng các quy định của Công ước BWM 2004 được đánh giá sẽ góp thêm một giải pháp hữu hiệu ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm, lây nhiễm dịch bệnh và sự du nhập của các loài thủy sinh gây hại cho các vùng nước cảng biển và vùng nước ven biển của Việt Nam.

Thực tế cho thấy, thương mại hàng hóa, du lịch, vận tải quốc tế càng phát triển thì việc kiểm soát sự du nhập của loài ngoại lai xâm hại thông qua con đường không chủ đích càng khó khăn hơn nếu như mỗi quốc gia không tự xây dựng quy trình, quy cơ sở pháp lý phù hợp để kiểm soát. Đây cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc làm sao để có cơ chế kiểm soát dự du nhập loài ngoại lai xâm hại hiệu quả để đảm bảo đa dạng sinh học trong nước mà vừa không cản trở đến hoạt động thương mại quốc tế.

 

6. Biện pháp kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm phạm vào Việt Nam

Bên cạnh việc triển khai các biện pháp kiểm soát sự du nhập (tức ngăn chặn trước khi sinh vật ngoại lai vào Việt Nam) thì việc triển khai các biện pháp kiểm soát khi sinh vật ngoại lai xâm hại đã du nhập vào Việt Nam cũng rất quan trọng, góp phần tiêu diệt, ngăn ngừa sự lây lan mạnh của loài ngoại lai xâm hại tới các khu vực khác. Chính vì vậy, nhiệm vụ kiểm soát sự phát triển, lây lan của loài ngoại lai xâm hại được Nhà nước trú trọng, đầu tư và khuyến khích và quy định đó không chỉ là nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân các cấp mà còn là nhiệm vụ chung của mọi cá nhân, tổ chức.

 

7. Chế tài xử lý vi phạm quy định về kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại

Và không thể không kể đến các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại trong hệ thống pháp luật nước ta. Đây là biện pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc kiểm soát sự xâm hại của sinh vật ngoại lai vào nước ta. Cụ thể gồm trách nhiệm hành chính; Trách nhiệm dân sự và Trách nhiệm hình sự. 

Về trách nhiệm hành chính:

Theo quy định tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 55/2021/NĐ-CP), cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về kiểm soát loài ngoại lai xâm hại thì tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Trong đó theo quy định tại Điều 43 Nghị định này thì mức phạt tiền thấp nhất là 5 triệu đồng và cao nhất lên đến 1 tỷ đồng (đối với tổ chức là gấp đôi). Ngoài ra chủ thể vi phạm còn phải chịu các hình thức xử phạt bổ sung: tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả: buộc tiêu hủy toàn bộ loài ngoại lai xâm hại, buộc tái xuất toàn bộ loài ngoại lai xâm hại nhập khẩu trái phép ra khỏi Việt Nam.

Về trách nhiệm dân sự:

Theo quy định tại Luật bảo vệ môi trường năm 2020, chủ thể có hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường cụ thể thiệt hại được xác định gồm:

+ Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường;

+ Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người, tài sản và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân do hậu quả của việc suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường gây ra.

Trách nhiệm hình sự:

Điều 246 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại. Theo đó, mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm tù. Trong đó, pháp nhân thương mại phạm tội này sẽ bị phạt tiền từ 01 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng. Ngoài ra còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Trên đây là chia sẻ của chúng tôi về nội dung “Pháp luật Việt Nam về biện pháp kiểm soát sự du nhập của sinh vật ngoại lai xâm hại”. Bài viết được đăng tải nhằm mục đích phổ biến pháp luật, không vì mục đích thương mại. Mọi vướng mắc pháp lý liên quan tới vấn đề này cần tham vấn ý kiến Luật sư của LVN Group vui lòng liên hệ tới số1900.0191 để được tư vấn hỗ trợ bởi Luật LVN Group.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên soạn