NỘI DUNG TƯ VẤN:

1. Chính sách dân tộc ở nước ta hiện nay:

– Quan điểm chung:

Chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta xuất phát từ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề dân tộc và trên cơ sở tình hình, đặc điểm dân tộc ở nước ta, Đảng cộng sản Đông Dương đã đề ra chính sách dân tộc ngay từ cương lĩnh đầu tiên của Đảng. Từ đó về sau, chính sách dân tộc của Đảng tiếp tục hoàn thiện và được thể chế vào Hiến pháp, Luật cơ bản của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hiến pháp năm 1992 ghi rõ: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hoá tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số”.

“Bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc tốt đẹp của mỗi dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta”. Nội dung chính sách dân tộc đã được vận dụng sáng tạo, thích hợp với từng điều kiện lịch sử của mỗi giai đoạn cách mạng.

Dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về vấn đề dân tộc và thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam cũng như dựa vào tình hình thế giới hiện nay, Đảng và Nhà nước ta đã luôn luôn coi vấn đề dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết có tầm quan trọng đặc biệt.

Trong mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước coi việc giải quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là nhiệm vụ có tính chiến lược nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, cũng như tiềm năng riêng của từng dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và đưa đất nước quá độ lên CNXH.

Trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta nêu rõ: Vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc luôn giữ vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng. Thực hiện tốt chính sách các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phát triển sản xuất hàng hóa, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đi đôi cùng với “ giữ gìn, làm giàu, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; thực hiện công bằng giữa các dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi”, kiên quyết “ Chống kì thị và chia rẽ dân tộc; chống tư tưởng dân tộc lớn, dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan; khắc phục tư tưởng tự ti, mặc cảm dân tộc”.

– Những chính sách cụ thể:

Có chính sách phát triển kinh tế hàng hóa ở vùng dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh từng vùng, từng dân tộc, đảm bảo cho đồng bào các dân tộc khai thác được thế mạnh của địa phương để làm giàu cho mình và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề cực kì quan trọng để khắc phục sự chênh lệch về kinh tế, văn hóa, bảo đảm sự bình đẳng thực sự giữa các dân tộc.Đi đôi với phát huy tiềm lực kinh tế của các vùng kinh tế cần chú trọng bảo vệ môi trường thiên nhiên, ổn định đời sống cho đồng bào, phát huy mối quan hệ tốt đẹp, gắn bó giữa đồng bào tại chỗ và đồng bào từ nơi khác đến, chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi.

Tôn trọng lợi ích truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc; từng bước nâng cao dân trí đồng bào các dân tộc, nhất là các dân tộc ở vùng núi cao, hải đảo.Đây là vấn đề quan trọng và hết sức tế nhị, cần lắng nghe ý kiến của đồng bào và có chính sách thực sự cụ thể nhằm làm cho nền văn hóa chung vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc, ngày càng đa dạng và rực rỡ.

Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết và đấu tranh kiên cường của các dân tộc vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, nghiêm cấm mọi hành vi miệt thị và chia rẽ dân tộc.

Tăng cường bồi dưỡng ,đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; đồng thời giáo dục tinh thần đoàn kết hợp tác cho cán bộ các dân tộc.Bởi vì, chỉ tinh thần đó mới phù hợp với đòi hỏi khách quan của công cuộc phát triển dân tộc và xây dựng đất nước. trong công cuộc đó, không dân tộc nào chỉ sử dụng đội ngũ cán bộ chỉ xuất thân từ dân tộc mình, ngược lại, cần sự hỗ chợ lẫn nhau giữa các đội ngũ cán bộ thuộc mội dân tộc khác nhau trong cả nước.

Như vậy chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước mang tính toàn diện, tổng hợp, quán xuyến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan đến mỗi dân tộc và quan hệ giữa các dân tộc trong cả cộng đồng quốc gia. Phát triển kinh tế – xã hội của các dân tộc là nền tảng để tăng cường đoàn kết và thực hiện quyền bình đẳng dân tộc, là cơ sở để từng bước khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các dân tộc. Do đó, chính sách dân tộc còn mang tính cách mạng và tiến bộ, đồng thời còn mang tính nhân đạo, bởi vì, nó không bỏ sót bất cứ dân tộc nào, không cho phép bất cứ tư tưởng khinh miệt, kì thị, chia rẽ, phân biệt dân tộc;nó tôn trọng quyền làm chủ của mỗi con người và quyền tự quyết của các dân tộc.Mặt khác, nó còn nhằm phát huy nội lực của mỗi dân tộc kết hợp với sự giúp đỡ có hiệu quả của các dân tộc anh em trong cả nước.

Nhận thức đúng đắn bản chất, nội dung, tính chất, của chính sách dân tộc có ý nghĩa đối với việc quyết định tới định hướng và đổi mới các biện pháp thực hiện chính sách dân tộc, làm cho chính sách dân tộc đi vào cuộc sống.

2.Một số phương hướng để thực hiện tốt chính sách dân tộc nhằm giải quyết tốt vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay:

2.1 Phương hướng để thực hiện tốt chính sách hàng hóa ở vùng dân tộc thiểu số

Phải lấy dân làm gốc, dựa vào dân, vì lợi ích mọi mặt của người dân để đầu tư, hỗ trợ, vận động. Tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số. Như vậy, trong những năm đến, để đẩy nhanh tốc độ xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng sống, năng lực sản xuất của người dân và hệ thống chính trị ở cơ sở cần tiến hành các biện pháp, giải pháp một cách đồng bộ và cụ thể mà mục tiêu quan trọng nhất nhằm vào con người, vị chủ nhân của núi rừng một cách toàn diện. Phải hỗ trợ, giúp dân từ bỏ càng nhanh càng tốt tập quán canh tác lạc hậu, hình thành nền sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện cho từng hộ dân và cộng đồng tại chỗ gắn bó với rừng, giữ được rừng, sống được bằng nghề rừng và giảm nghèo từ việc khai thác các thế mạnh đa dạng của rừng, đất rừng, các đặc thù khác về tự nhiên và văn hóa tộc người.

Tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách, dự án về dân tộc, miền núi để tăng cường thêm cơ sở hạ tầng tuyến xã, thôn, nhất là thôn, phát triển mạnh và có chất lượng kinh tế hộ gia đình; giải quyết đất ở và nước sinh hoạt cho các đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn. Cần coi trọng công tác tuyên truyền, vận động ý thức tự giác vươn lên của từng hộ dân trong sản xuất và tổ chức cuộc sống của mình. Sớm quy hoạch, bố trí đất ở, đất khu dân cư ở từng hộ gia đình, thôn, xã theo hướng gắn đất phát triển sản xuất; thuận lợi trong giao lưu đi lại; gắn cơ sở hạ tầng đã có trong đầu tư xây dựng sắp đến; phù hợp nguyện vọng và tập quán của người dân. Cần chỉ đạo tập trung các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các tuyến đường liên xã, phấn đấu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, đi lại được hai mùa mưa, nắng; trước mắt tập trung đầu tư khai thông các tuyến đường lên các xã vùng cao, biên giới.

2.2 Phương hướng để thực hiện tốt việc tôn trọng lợi ích các dân tộc và nâng cao tinh thần đoàn kết:

Phương hướng để thực hiện tốt việc tôn trọng lợi ích văn hóa, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số và tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đấu tranh kiên cường của dân tộc:

Trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể của thế giới hôm nay, quyền của các dân tộc là vấn đề cần được quan tâm cụ thể là:Một là, mỗi dân tộc đều phải được quyền sống, quyền sinh tồn. Quyền được sống bao gồm việc cộng đồng quốc tế phải công nhận quyền sinh tồn của mỗi dân tộc, bộ tộc, không được nhân danh bất kể lẽ gì để ngăn trở quyền đó. Trong một quốc gia đa dân tộc, Nhà nước phải thừa nhận và bảo vệ sự tồn tại của các cộng đồng dân tộc người, tránh việc hòa tan tộc người nhỏ vào cộng đồng lớn. Hai là, mỗi dân tộc phải kiên quyết đấu tranh chống hai xu hướng, hai nguy cơ của chủ nghĩa sôvanh: chủ nghĩa sôvanh nước lớn, những cuộc “huynh đệ tương tàn”.Ba là, mỗi dân tộc và bộ tộc đều có quyền bình đẳng. Thế giới phải công nhận quyền bình đẳng của mỗi quốc gia. Trong mỗi quốc gia cũng phải thực hiện quyền bình đẳng của các dân tộc, không cho phép một dân tộc này là thượng đẳng, đứng trên dân tộc khác. Bốn là, quyền tự quyết, tự quản, chủ quyền dân tộc. Đa số chúng ta đang sống trong các quốc gia đa dân tộc. Mỗi quốc gia đều có chủ quyền của mình và bảo vệ chủ quyền chính đáng của mình, không được can thiệp vào công việc nội bộ của dân tộc khác. Quyền tự quyết bao gồm cả quyền tự do lựa chọn quyết định xây dựng chế độ xã hội của mình, tự quản xã hội của mình, không ai có quyền xâm phạm. Năm là, quyền bảo lưu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Văn hóa dân tộc là tài sản quý báu được chắt lọc qua lịch sử lâu dài của mỗi dân tộc. Quyền bảo lưu, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc bao gồm các lĩnh vực ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật, thuần phong, mỹ tục, truyền thống dân gian, các ngành nghề truyền thống, các giá trị văn hóa.Sáu là, quyền kiểm soát và sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Đây vừa là sự bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa có nội dung bảo vệ môi trường sinh thái. Bảy là, quyền được tiếp thu những thành tựu của nền văn hóa thế giới. Mọi dân tộc có quyền hòa nhập với thời đại, sử dụng những thành tựu chung của loài người trong khoa học, kỹ thuật, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật…Tám là, quyền công dân. Mỗi quốc gia phải củng cố cơ sở pháp lý, hiến pháp, bảo đảm quyền lợi cho mọi công dân trong nước. Bất kể công dân có nguồn gốc là dân tộc nào trong một quốc gia đều có quyền bình đẳng trong mọi mặt hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội. Tóm lại, để xây dựng được khối đoàn kết dân tộc, giải quyết được vấn đề dân tộc, cần nâng cao trình độ sản xuất, tạo ra cơ sở vật chất, kỹ thuật cao, giải quyết tốt quan hệ xã hội bằng cách thủ tiêu bóc lột, bảo đảm công bằng xã hội, xóa mọi tình trạng áp bức giai cấp, áp bức dân tộc, đấu tranh khắc phục chủ nghĩa dân tộc sô vanh, tôn trọng quyền tự quyết của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc; hợp tác phát triển trên cơ sở đảm bảo lợi ích của các dân tộc.Mặt khác, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia cần tăng cường động viên, giáo dục ý thức trách nhiệm với cả cộng đồng, tăng cường đoàn kết với các dân tộc khác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, cùng chung sức xây dựng khối đoàn kết, hòa bình, tương thân, tương ái giữa các dân tộc và đấu tranh chống các hành động gây chia rẽ, hận thù giữa các dân tộc.

2.3 Phương hướng tăng cường bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số:

Cán bộ dân tộc thiểu số có thể từ các nguồn trưởng thành từ các hoạt động thực tiễn ở cơ sở lên, trưởng thành qua quân đội hoặc cơ quan Nhà nước rồi về địa phương công tác, nhưng nguồn chủ yếu là qua đào tạo con em các dân tộc một cách có hệ thống qua các trường phổ thông, các trường dân tộc nội trú, sau đó tiếp tục đào tạo các trường trung học chuyên nghiệp, các trường đại học và cao đẳng.Ở những nơi, đối với những dân tộc có điều kiện thuận lợi thì nên tạo nguồn cán bộ qua đào tạo ở các trường tiểu học và trung học phổ thông rồi đào tạo chuyên nghiệp. Ở những nơi, đối với những dân tộc vùng cao, vùng xa thì tạo nguồn cán bộ qua hệ thống trường nội trú.Thực tế chứng tỏ, các trường phổ thông dân tộc nội trú và trường dự bị đại học dân tộc thực sự là những cơ sở tạo nguồn cán bộ dân tộc rất quan trọng. Vì vậy, trong giải pháp tạo nguồn cán bộ dân tộc cần đặc biệt trú trọng xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo của các trường này. Hướng củng cố các trường phổ thông dân tộc nội trú từ huyện đến Trung ương và các trường dự bị đại học dân tộc là không chạy theo số lượng, tuyển sinh phải đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn gắn với quy hoạch theo địa chỉ cụ thể, coi trọng chất lượng trong giáo dục, đào tạo. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo hợp lý; hiện đại hoá cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập; đảm bảo các điều kiện về ăn, mặc, ở, học tập cho học sinh dân tộc, gắn đào tạo với quản lý nguồn cán bộ.

3. Kết luận:

Thực trạng tình hình dân tộc của nước ta hiện nay là tốt đẹp hơn bao giờ hết, các dân tộc đang cùng đồng bào cả nước phát triển tiến bộ vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, đồng thời nhà nước ta đang huy động mọi nguồn lực làm cho miền núi và vùng dân tộc phát triển nhanh hơn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mọi mặt giữa vùng đồng bào dân tộc với các vùng khác. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng: dân tộc là vấn đề chiến lược lớn, là vấn đề rất dễ nhạy cảm. Hơn nữa, tính chất quan trọng của nó không phải chỉ là nhất thời mà còn là vấn đề chiến lược lâu dài.Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, cùng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, là sức mạnh và điều kiện đảm bảo an ninh và phát triển bền vững của một nước có nhiều dân tộc như nước ta.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group