1. Bị hại
Bị hại là cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra.
Bị hại hoặc người đại diện của họ có quyền: Được thông báo, giải thích quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 62 BLTTHS 2015; Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá; Đề nghị giám định, định giá tài sản theo quy định của pháp luật; Được thông báo kết quả điều tra, giải quyết vụ án; Đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; Đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường; Tham gia phiên tòa; trình bày ý kiến, đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi bị cáo và người khác tham gia phiên tòa; tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; xem biên bản phiên tòa; Tự bảo vệ, nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình; Tham gia các hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật này; Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, người thân thích của mình khi bị đe dọa; Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án; Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Bị hại có nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải; Chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
2. Người định giá tài sản
Người định giá tài sản là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực giá, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá tài sản theo quy định của pháp luật.
Người định giá tài sản có quyền: Tìm hiểu tài liệu của vụ án liên quan đến đối tượng phải định giá; Yêu cầu cơ quan yêu cầu định giá, người tham gia tố tụng yêu cầu định giá cung cấp tài liệu cần thiết cho việc định giá; Từ chối thực hiện định giá trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành định giá, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để định giá, nội dung yêu cầu định giá vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình; Ghi ý kiến kết luận của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận của Hội đồng định giá tài sản; Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Người định giá tài sản có nghĩa vụ: Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện định giá tài sản; Các nghĩa vụ khác theo quy định của luật.
3. Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp liên quan đến trách nhiệm của người bị bại và người định giá tài sản
Điều 382 Bộ luật hình sự năm 2015 đã có sửa đổi, bổ sung tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối (Điều 307 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009) theo hướng bổ sung thêm chủ thể phạm tội là người định giá tài sản.
Điều 382. Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối
1. Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội..
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Điều 383 Bộ luật hình sự năm 2015 đã có sửa đổi, bổ sung tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu (Điều 308 Bộ luật hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009) theo hướng xác định rõ chủ thể của tội phạm, theo đó, người bị hại không còn là chủ thể của tội này nữa, đồng thời, bổ sung thêm chủ thể của tội này là người định giá tài sản.
Điều 383. Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu
1. Người làm chứng nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
4. Nội dung sửa đổi, bổ sung BLTTHS liên quan đến nghĩa vụ của người bị hại và người định giá tài sản
Thứ nhất, khoản 4 Điều 62 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của người bị hại đã bỏ quy định tại khoản 4 Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 liên quan đến trách nhiệm hình sự của người bị hại về việc “từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng” và xác định rõ người bị hại có hai nghĩa vụ chính trong tố tụng hình sự: một là, có mặt theo giấy triệu tập của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; trường hợp cố ý vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan thì có thể bị dẫn giải; hai là, chấp hành quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Thứ hai, khoản 4 Điều 69 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ của người định giá tài sản đã bổ sung quy định: “Người định giá tài sản kết luận gian dối hoặc từ chối tham gia định giá mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự”, cụ thể là về tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối (Điều 382) hoặc tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu (Điều 383).
5. Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu
Điều 383. Tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu
1. Người làm chứng nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 19 của Bộ luật này, người giám định, người định giá tài sản, người dịch thuật từ chối khai báo, trốn tránh việc kết luận giám định, định giá tài sản hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
– Từ chối khai báo, được hiểu là hành vi của người làm chứng, người bị hại trong vụ án hình sự đã không đồng ý thực hiện nghĩa vụ khai báo trước cơ quan tiến hành tố tụng hoặc trốn tránh để không thực hiện việc khai báo đó.
– Từ chối kết luận giám định, được hiểu là hành vi của người giám định đã không đồng ý tiến hành việc giám định hoặc trốn tránh thực hiện việc giám định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.
– Từ chối cung cấp tài liệu, được hiểu là hành vi không đồng ý chuyển giao các tài liệu cho các cơ quan tiến hành tố tụng theo yêu cầu của các cơ quan đó.
* Mặt khách quan
– Có hành vi từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng.
Từ chối khai báo, được thể hiện qua việc người đó có nghĩa vụ khai báo như người làm chứng, người bị hại (trong các vụ án hình sự) đã trả lời không thực hiện (không đồng ý thực hiện) nghĩa vụ khai báo theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng (việc trả lời có thể bằng văn bản, bằng miệng hoặc sự im lặng không trả lời) mà không có lý do chính đáng.
Lưu ý:
Trường hợp từ chối khai báo mà thuộc trường hợp quy định tại của Bộ luật Hình sự thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
– Từ chối kết luận giám định, được thể hiện qua việc người được trưng cầu giám định hoặc giao nhiệm vụ giám định đã trả lời không tiến hành việc kết luận giám định (và cũng không tiến hành việc giám định) theo yêu cầu của cơ quan đó mà không có lý do chính đáng.
– Từ chối cung cấp tài liệu được thể hiện qua hành vi của người đang giữ các tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ án đã không đồng ý chuyển giao các tài liệu mà các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu giao nộp cho các cơ quan đó mà không có lý do chính đáng.
– Trốn tránh việc khai báo, việc kết luận giám định.
Trốn tránh việc khai báo, được thể hiện qua việc người có nghĩa vụ khai báo đã lẩn tránh, không đến địa điểm được triệu tập hoặc không gặp người có thẩm quyền để khai báo với cơ quan tiến hành tố tụng (mặc dù không thể hiện việc từ chối khai báo) mà không có lý do chính đáng.
Trốn tránh việc kết luận giám định được thể hiện qua việc lẩn tránh trách nhiệm để không thực hiện việc giám định theo yêu cầu (mặc dù không thể hiện việc từ chối giám định) mà không có lý do chính đáng.
Lưu ý:
Dấu hiệu đặc trưng bắt buộc của tội từ chối khai báo, từ chối kết luận giám định hoặc từ chối việc cung cấp tài liệu là ngoài các hành vi nêu trên phải kèm theo (phải có) dấu hiệu là việc từ chối hoặc trốn tránh đó phải “không có lý do chính đáng” thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Lý do chính đáng được hiểu là những trở ngại, những căn cứ hợp lý và hợp pháp cho người có nghĩa vụ khai báo, giám định, cung cấp tài liệu không thể thực hiện được hoặc không phải thực hiện nghĩa vụ đó.
* Khách thể
Hành vi nêu trên xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan tiến hành tố tụng.
* Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý
* Chủ thể
Chủ thể của tội danh này là loại chủ thể đặc biệt, có ba nhóm, cụ thể như sau:
– Đối với tội từ chối khai báo, chủ thể là người làm chứng, bị hại (trong vụ án hình sự).
Mặc dù điều luật này không quy định cụ thể nhưng trong tố tụng dân sự, hành chính, lao động, kinh tế thì các đương sự có quyền tự định đoạt nên nếu họ không khai báo thì bản thân họ phải gánh chịu bất lợi khi bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Ngoài ra Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì chỉ người bị hại, người làm chứng mới phải chịu trách nhiệm về hành vi từ chối khai báo.
– Đối với tội từ chối kết luận giám định, chủ thể là người giám định.
– Đối với tội từ chối cung cấp tài liệu, chủ thể bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự (tức bất kỳ người nào được yêu cầu phải cung cấp các tài liệu liên quan đến việc giải quyết vụ án mà họ đang cất giữ).