1. Hình phạt tù chung thân theo pháp luật của một số quốc gia

Tù chung thân là hình phạt tù mà người bị kết án phải sống phần đời còn lại của mình trong nhà tù, được áp dụng đối với những trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Trên thế giới, tồn tại hai hình thức tù chung thân là tù chung thân có thể được ân giảm và tù chung thân không thể được ân giảm (không thể được phóng thích hoặc tù suốt đời). Đối với những quốc gia áp dụng hình phạt tù chung thân có thể được ân giảm, người bị kết án có thể được phóng thích sớm nếu đáp ứng đủ điều kiện và thời gian chấp hành án mà pháp luật của mỗi nước quy định, ví dụ như: cải tạo tốt, có nhiều tiến bộ, lập công lớn… Điều 110 Quy chế Rome của Tòa án Hình sự quốc tế quy định đối với những tội phạm nghiêm trọng (ví dụ: tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và diệt chủng), người bị kết án tù chung thân phải đảm bảo thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 25 năm thì mới được xét giảm án.

Hình phạt tù chung thân không tồn tại trong tất cả các quốc gia. Bồ Đào Nha là quốc gia đầu tiên trên thế giới bỏ hình phạt tù chung thân bằng cải cách nhà tù của Sampaio E Melo vào năm 1884. Hiện nay cũng có rất nhiều quốc gia đã bãi bỏ hình phạt tù chung thân và điều này được quy định rõ trong Hiến pháp, ví dụ như Brazil, Khoản 19 Điều 84 Hiến pháp Brazil quy định thời gian tối đa của hình phạt tù là 30 năm. Một số nước châu Âu đã bãi bỏ hình phạt tù chung thân, đó là: Serbia, Croatia, Tây Ban Nha, Bosnia và Herzegovina, Bồ Đào Nha. Trong đó, chỉ có Bồ Đào Nha quy định thời gian tối đa của hình phạt tù là 25 năm, các nước còn lại đều là 40 năm. Ở châu Á, Nepal là quốc gia duy nhất xóa bỏ hình phạt tù chung thân. Ở châu Phi, Cộng hòa Congo cũng xóa bỏ hình phạt tù chung thân và quy định thời gian tối đa của hình phạt tù là 30 năm. Ở Nam và Trung Mỹ, Honduras, Nicaragua, El Salvador, Costa Rica, Venezuela, Colombia, Uruguay, Bolivia, Ecuador và Cộng hòa Dominica đã xóa bỏ tù chung thân. Hình phạt tù tối đa ở Honduras là 40 năm; 50 năm ở Costa Rica; 60 năm ở Colombia; 30 năm ở Nicaragua, El Salvador, Bolivia, Uruguay và Venezuela; và 25 năm ở Ecuador.

Phần lớn các quốc gia có hình phạt tù chung thân đều không áp dụng hình phạt này với người chưa thành niên phạm tội. Tuy nhiên, ở một số ít quốc gia trên thế giới, vẫn áp dụng hình phạt tù chung thân không thể được ân giảm đối với người chưa thành niên phạm tội (độ tuổi quy định là người chưa thành niên ở các quốc gia có sự khác nhau). Đó là các quốc gia: Antigua và Barbuda, Argentina, Australia, Belize, Brunei, Cuba, Saint Vincent và Grenadines, quần đảo Solomon, Sri Lanka và Hoa Kỳ. Trong số các quốc gia này, chỉ có Hoa Kỳ hiện có người chưa thành niên đang chấp hành hình phạt này. Năm 2009, Human Rights Watch đã thống kê có khoảng 2.589 người chưa thành niên đang chấp hành hình phạt tù chung thân không thể được ân giảm ở Hoa Kỳ. 

2. Hình phạt tù chung thân theo pháp luật Việt Nam

Tù chung thân là hình phạt tù tước quyền tự do của người bị kết án đến hết đời, được áp dụng đối với người phạm tội có tính nguy hiểm đặc biệt lớn cho xã hội, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình.

Phạm vi áp dụng hình phạt tù chung thân:

BLHS năm 2015 quy định rõ phạm vi áp dụng đối với hình phạt tù chung thân là “đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, nhưng chưa đến mức bị xử phạt tử hình” (Điều 39). Hình phạt tù chung thân cũng là một trong những tiêu chí phân loại tội phạm, nhằm xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội quy định trong BLHS. Khoản 1 Điều 9 của Bộ luật Hình sự 2015.

Mặt khác, khoản 2 Điều 8 BLHS năm 1985 quy định: “…2. Tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 5 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”. Khoản 3 Điều 8 BLHS năm 1999 quy định: “ ….. 3……….; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.

Ngoài việc sử dụng mức hình phạt để phân loại tội phạm quy định tại Chương III Phần chung BLHS năm 2015, trong Phần chung còn nhắc đến tù chung thân tại Chương VI về Hình phạt. Theo Khoản 1 Điều 32 BLHS năm 2015, tù chung thân là hình phạt chính đối với người phạm tội. Bên cạnh các hình phạt như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn và tử hình, tù chung thân là một trong những hình phạt nghiêm khắc nhất trong BLHS. Bằng cách sắp xếp các hình phạt chính theo mức độ từ thấp đến cao, hình phạt tù chung thân được coi là chế tài nghiêm khắc chỉ sau hình phạt tử hình.

Đối tượng áp dụng hình phạt tù chung thân:

Đối tượng áp dụng hình phạt tù chung thân chính là chủ thể của tội phạm – và chỉ có thể là cá nhân, theo quy định của BLHS, cần có những điều kiện về năng lực TNHS, độ tuổi chịu TNHS.

Thứ nhất, về năng lực TNHS: được hiểu là khả năng nhận thức của cá nhân về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi và khả năng điều khiển hành vi đó, tức họ có sự lựa chọn thực hiện hay không thực hành vi nguy hiểm cho xã hội đó.

Thứ hai, về độ tuổi chịu TNHS được quy định tại Điều 121 BLHS năm 2015, có thể hiểu, độ tuổi để bị truy cứu TNHS là từ đủ 14 tuổi trở lên. Trong đó, từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ bị chịu TNHS về các tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các điều trên.

3. Hình phạt tử hình theo pháp luật Việt Nam

Trong các hình phạt được quy định trong pháp luật Hình sự, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất đối với người phạm tội. Lịch sự phát triển pháp luật hình sự từ BLHS năm 1985 đến nay, các quy định tội phạm và hình phạt được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở sự thay đổi của kinh tế xã hội và trên cơ sở thực tiễn của tình hình tội phạm của thời kì đó. BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) đã có những sửa đổi, bổ sung, quy định mới nói chung, hình phạt tử hình nói riêng. 

Hình phạt tử hình có những đặc điểm sau:

Thứ nhất, tử hình là một loại hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, nó tước đi quyền sống của người bị kết án, vì thế nó chỉ được quy định áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ hai, hình phạt tử hình có mục đích phòng ngừa tái phạm tội mới một cách triệt để từ phía người bị kết án. Hình phạt này không có mục đích cải tạo, giáo dục người bị kết án, như vậy nó tước bỏ cơ hội tái hòa nhập và phục thiện của họ.

Thứ ba, hình phạt tử hình đồng thời có khả năng đạt được nhiều hiệu quả cao trong phòng ngừa chung;

Thứ tư, hình phạt tử hình có tính chất không thay đổi, nó tước đi khả năng khắc phục sai lầm trong hoạt động tư pháp. 

Theo Bộ luật hình sự 2015 thì:

Chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật hình sự.

Loại bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh trong BLHS năm 2015, đó là: Tội cướp tài sản (Điều 168); Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193); Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249), Tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy (Điều 252); Tội phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303); Tội chống mệnh lệnh (Điều 394) và Tội đầu hàng địch (Điều 399).

4. Quy định của BLHS về các trường hợp chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân

Một trong những định hướng cơ bản sửa đổi, bổ sung Bộ luật hình sự 2015 là tiếp tục thực hiện chủ trương cải cách tư pháp của Đảng về hạn chế hình phạt tử hình trên ba phương diện: một là, quy định chặt chẽ điều kiện áp dụng hình phạt tử hình; hai là, mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình; ba là, thu hẹp diện các tội đặc biệt nghiêm trọng có thể áp dụng hình phạt tử hình. Trên tinh thần đó, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định 03 trường hợp không thi hành án tử hình đối với người bị kết án, theo đó, ngoài việc kế thừa quy định không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 đã được bổ sung thêm 02 trường hợp không thi hành án tử hình nữa. Đó là: (1) Đối với người đủ 75 tuổi trở lên; (2) Đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Đối với 03 trường hợp không thi hành án tử hình cũng như trường hợp người bị kết án tử hình được Chủ tịch nước ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

5. Nội dung sửa đổi, bổ sung BLTTHS liên quan đến thủ tục chuyển hình phạt tử hình thành hình phạt tù chung thân

Việc xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án đã được quy định tại khoản 1 Điều 259 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về thủ tục thi hành hình phạt tử hình.

Chánh án Tòa án đã xử sơ thẩm ra quyết định thi hành án và thành lập Hội đồng thi hành hình phạt tử hình gồm đại diện Tòa án, Viện kiểm sát và Công an. Hội đồng thi hành án phải kiểm tra căn cước của người bị kết án trước khi thi hành án.

Trong trường hợp người bị kết án là phụ nữ thì trước khi ra quyết định thi hành án, Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm phải tổ chức kiểm tra các điều kiện không áp dụng hình phạt tử hình được quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự. Nếu có căn cứ người bị kết án có điều kiện quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự thì Chánh án Toà án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án và báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.

Trước khi thi hành án đối với người bị kết án là phụ nữ thì Hội đồng thi hành án ngoài việc kiểm tra căn cước, phải kiểm tra các tài liệu liên quan đến điều kiện không thi hành án tử hình được quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự.

Trong trường hợp Hội đồng thi hành án phát hiện người bị kết án có điều kiện quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự thì Hội đồng thi hành án hoãn thi hành án và báo cáo Chánh án Toà án đã ra quyết định thi hành án để báo cáo Chánh án Toà án nhân dân tối cao xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án.

Điều 367 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 tiếp tục kế thừa tinh thần quy định về chuyển đổi hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án, nhưng đã đưa nội dung này về đúng vị trí của nó – thủ tục xem xét bản án tử hình trước khi thi hành, đồng thời, bổ sung thêm các trường hợp không thi hành án tử hình theo quy định mới của Bộ luật hình sự năm 2015, theo đó, khi có căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự năm 2015 thì, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình mà báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án. Cụ thể, sau khi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã quyết định không kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm và người bị kết án không có đơn xin ân giảm án tử hình lên Chủ tịch nước hoặc sau khi Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm mà xác định được người bị kết án thuộc một trong ba trường hợp sau đây thì Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm không ra quyết định thi hành án tử hình mà báo cáo Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để xem xét chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân cho người bị kết án:

Thứ nhất, người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;

Thứ hai, người bị kết án là người đủ 75 tuổi trở lên;

Thứ ba, người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)