1. Cơ chế bảo đảm quyền con người

Mặc dù khái niệm Cơ chế bảo đảm quyền con người được nhắc đến khá nhiều trong các tài liệu nghiên cứu về quyền con người ở Việt Nam, nhưng định nghĩa thế nào là cơ chế đảm bảo quyền con người lại ít được đề cập đến. Từ “cơ chế” là chuyển ngữ của từ mécanisme của phương Tây. Từ điển Le Petit Larousse (1999) giải nghĩa “mécanisme” là “cách thức hoạt động của một tập hợp các yếu tố” phụ thuộc vào nhau”. Còn Từ điển Tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học 1996) giải nghĩa “cơ chế” là “cách thức theo đó một quá trình thực hiện”. Theo một số tài liệu thì cụm từ “cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người” (United Nations human rights mechanism) hay được sử dụng trong các tài liệu chuyên môn để chỉ bộ máy các cơ quan chuyên trách và hệ thống các quy tắc, thủ tục có liên quan do Liên hợp quốc thiết lập (chúng tôi nhấn mạnh) để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người. Như vậy, “Cơ chế đảm bảo quyền con người” bản thân cụm từ này bao hàm hai nội dung cơ bản:

Thứ nhất, đó là những nguyên tắc, phương thức, cách thức, quy tắc, thủ tục, v.v… để thúc đẩy và đảm bảo quyền con người.

Thứ hai, đó là các yếu tố, bộ phận, v.v… tham gia vào việc thúc đẩy và đảm bảo quyền con người.

Đối với nội dung thứ nhất, do quyền con người phong phú, đa dạng và không kém phần phức tạp, do đó để thúc đẩy và đảm bảo quyền con người cần có những nguyên tắc, quy tắc, cách thức khác nhau. Hoặc nói cách khác, với mỗi cơ chế đảm bảo quyền con người khác nhau, lại có những cách thức, nguyên tắc, quy tắc khác nhau.Các nguyên tắc, quy tắc khác nhau này góp phần đảm bảo, thúc đẩy quyền con người ở một phương diện khác nhau.

Mặt khác, các nguyên tắc, quy tắc, biện pháp, cách thức đảm bảo quyền con người thì vô cùng phong phú, đa dạng, bỗi nó còn phụ thuộc vào các chủ thể khác nhau. Các nguyên tắc, quy tắc này qui định tính chất, đặc trưng của các cơ chế bảo đảm quyền con người. Các nguyên tắc, quy tắc là nhân tố cấu thành quan trọng của các cơ chế bảo đảm quyền con người, tính hiệu quả của việc đảm bảo, thúc đẩy quyền con người phụ thuộc nhiều vào các nguyên tắc, quy tắc này.

Đối với nội dung thứ hai, có rất nhiều yếu tố, bộ phận tham gia vào quá trình hình thành và hoạt động của các cơ chế bảo đảm quyền con người, chẳng hạn: đó là các yếu tố của hệ thống chính trị như: Đảng, Quốc hội, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, v.v… Ngoài ra, còn có các hiệp hội, tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Cộng đồng châu Âu, Hiệp hội ASEAN, v.v…

Các chủ thể đảm bảo quyền con người trong phạm vi quốc gia bao gồm các yếu tố của hệ thống chính trị như: Đảng, Quốc hội, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, v.v… thông qua các nguyên tắc, cách thức, quy tắc (bao gồm cả hệ thống pháp lý, các chính sách, v.v…) để đảm bảo và thúc đẩy quyền con người. Nhưng đây không phải là quá trình tác động đơn chiều, bản thân quyền con người trong tính phong phú, đa dạng của nó cũng có sự tác động trở lại đồi với những cách thức, nguyên tắc, quy tắc và các chủ thể đảm bảo quyền con người. Do đó, trong quá trình phát triển của quyền con người, các nguyên tắc, cách thức, quy tắc đảm bảo, thúc đẩy quyền con người cũng phải có sự điều chỉnh cho phù hợp theo.

2. Tác động của Đảng Cộng sản Việt Nam đến các cơ chế bảo đảm quyền con người

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền và là chính đảng duy nhất được phép hoạt động tại Việt Nam theo Hiến pháp. Theo Cương lĩnh và Điều lệ chính thức hiện nay, Đảng là đại diện của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

Không giống như các nước khác, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản có vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo và thúc đẩy quyền con người. Sở dĩ như vậy là vì Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo đất nước. Việc đảm bảo, thúc đẩy quyền con người của Đảng được thể hiện thông qua việc đề ra các chủ trương, đường lối phát triển của đất nước nói chung và vì sự phát triển của con người nói riêng. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi con người là mục tiêu, động lực của sự phát triển kinh tế – xã hội. Từ Đại hội VI, Đảng đã chủ trương lấy dân làm gốc, lấy con người làm trung tâm, trong đó vấn đề đảm bảo và thúc đẩy quyền con người là một nội dung vô cùng quan trọng. Trên cơ sở những chủ trương, đường lối và định hưởng chung của Đảng trong xây dựng và phát triển đất nước, phát triển con người, toàn bộ hệ thống chính trị cùng tham gia xây dựng các nguyên tắc, quy tắc, cơ chế, v.v… từ mỗi phương diện và lĩnh vực khác nhau nhằm triển khai và thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển con người, đảm bảo quyền con người.

3. Quyền con người ở Việt Nam

Quyền con người là sự kết tinh những giá trị cao đẹp nhất trong nền văn hóa của nhân loại, được hình thành với sự đóng góp của tất cả các quốc gia, dân tộc, giai cấp, tầng lớp và cá nhân con người trên trái đất. Kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập (10/1945), quyền con người đã được quy định trong rất nhiều văn kiện pháp lý quốc tế, trở thành một hệ thống tiêu chuẩn pháp lý toàn cầu được các quốc gia tôn trọng và thực hiện. Ở Việt Nam, trải qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam đã phải đổ biết bao xương máu để giành lấy những quyền cơ bản của con người: được sống trong điều kiện độc lập, tự do, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, được học hành, nhân phẩm được tôn trọng. Nhà nước Việt Nam không chỉ khẳng định sự tôn trọng và bảo vệ quyền con người mà còn làm hết sức mình để đảm bảo và thực hiện quyền con người.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước; thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng trong phát triển bền vững, đảm bảo thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để xác lập cơ sở cho việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đảng ta đã xác định những tư tưởng và đường lối về nhân quyền. Các quan điểm của Đảng, Nhà nước về quyền con người được thể hiện tập trung trong các văn kiện của Đảng (Cương lĩnh chính trị, Nghị quyết, Chỉ thị,…) và văn kiện của các cơ quan Nhà nước (Báo cáo của Chính phủ, Sách trắng của Bộ Ngoại giao,…). Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về QCN được hình thành, đúc rút từ lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc, nền tảng lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, những nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, thực tiễn và những yêu cầu đặt ra trong công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.

4. Quyền con người là giá trị chung của nhân loại

Quyền con người là giá trị chung của nhân loại. Quan điểm này được thể hiện trong Chỉ thị số 12/CT/TW ngày 12/7/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó nêu rằng: “Nhân quyền là thành quả của cuộc đấu tranh lâu dài qua các thời đại của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên thế giới và cũng là thành quả của cuộc đấu tranh của loài người làm chủ thiên nhiên; qua đó, nhân quyền trở thành giá trị chung của nhân loại”. Ngoài ra, trong bài phát biểu tại Hội nghị thế giới về Nhân quyền lần thứ II tổ chức tại Viên (Áo), tháng 6/1993, Phái đoàn Việt Nam cũng khẳng định: “Nhân quyền là một phạm trù tổng hợp, vừa là “chuẩn mực tuyệt đối” mang tính phổ biến, vừa là “sản phẩm tổng hợp của một quá trình lịch sử lâu dài”.

Khái niệm quyền con người ra đời muộn, gắn liền với các cuộc cách mạng tư sản, nhưng những nội dung của quyền con người thì xuất hiện sớm và tồn tại trong mọi nền văn hóa. Các nhà nghiên cứu thường trích dẫn những bộ luật cổ ban hành qua các thời kỳ ở nhiều quốc gia, khu vực khác nhau để phân tích sự phát triển của tư tưởng nhân quyền trong lịch sử nhân loại. Bên cạnh đó, tư tưởng về quyền con người còn được phản ánh trong các học thuyết, ấn phẩm tôn giáo, chính trị và pháp lý của nhân loại từ xưa cho đến nay. Thực tiễn đã chứng minh những tư tưởng về quyền con người, cũng như những quy định trong pháp luật và thực tiễn bảo vệ quyền con người là sự đóng góp chung của mọi quốc gia, dân tộc, qua các thời kỳ phát triển của lịch sử. Mỗi bước tiến, nhân loại đều đánh dấu nấc thang mới trong nhận thức và việc thực hiện hóa các quyền con người, vì vậy, quyền con người phát triển không ngừng, gắn liền với các hình thái kinh tế – xã hội, với nền văn minh nhân loại. Như vậy, quyền con người vừa là sản phẩm của văn minh nhân loại, vừa là sản phẩm đấu tranh lâu dài của con người chống lại áp bức, bóc lột, làm chủ thiên nhiên và tự hoàn thiện chính mình.

5. Ý nghĩa

Ngày nay, những nguyên tắc và quy định của luật Nhân quyền quốc tế được coi là mục tiêu phấn đấu của nhiều quốc gia. Ở hầu hết các nước, nội dung các công ước nhân quyền đã được nội luật hóa và từng bước tổ chức thực hiện bảo đảm quyền con người trên thực tế. Là giá trị chung nên tất cả các dân tộc, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa đều có quyền thụ hưởng và có nghĩa vụ bảo vệ, phát triển giá trị xã hội cao quý đó.

Quan điểm “quyền con người là giá trị chung của nhân loại” có ý nghĩa quan trọng, chỉ rõ nguồn gốc của quyền con người, giúp chúng ta có cơ sở bác bỏ các quan điểm, luận điệu sai trái, coi quyền con người là phát kiến, là giá trị riêng của giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản phương Tây, do đó dẫn đến các biểu hiện phiến diện, cực đoan: hoặc quay lưng, khước từ những giá trị tiến bộ, văn minh; hoặc áp đặt mô hình của nước này cho nước khác.

Với quan điểm này, Đảng và Nhà nước ta thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ những giá trị cao quý về quyền con người được thế giới thừa nhận rộng rãi. Đảng chỉ đạo: “Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính vì phẩm giá con người”. Đảng luôn khẳng định, việc bảo đảm quyền con người là một mục tiêu, động lực của cách mạng, là trách nhiệm to lớn của Đảng và Nhà nước, đồng thời nhấn mạnh: “chăm lo cho con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia”. Trong bối cảnh mới, Đảng nêu rõ: Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”, cần “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)