1. Cơ chế bảo vệ quyền con người
Khi nói đến “Cơ chế đảm bảo quyền con người” bản thân cụm từ này bao hàm hai nội dung cơ bản:
Thứ nhất, đó là những nguyên tắc, phương thức, cách thức, quy tắc, thủ tục, v.v… để thúc đẩy và đảm bảo quyền con người.
Thứ hai, đó là các yếu tố, bộ phận, v.v… tham gia vào việc thúc đẩy và đảm bảo quyền con người.
Đối với nội dung thứ nhất, do quyền con người phong phú, đa dạng và không kém phần phức tạp, do đó để thúc đẩy và đảm bảo quyền con người cần có những nguyên tắc, quy tắc, cách thức khác nhau. Hoặc nói cách khác, với mỗi cơ chế đảm bảo quyền con người khác nhau, lại có những cách thức, nguyên tắc, quy tắc khác nhau.Các nguyên tắc, quy tắc khác nhau này góp phần đảm bảo, thúc đẩy quyền con người ở một phương diện khác nhau.
Mặt khác, các nguyên tắc, quy tắc, biện pháp, cách thức đảm bảo quyền con người thì vô cùng phong phú, đa dạng, bỗi nó còn phụ thuộc vào các chủ thể khác nhau. Các nguyên tắc, quy tắc này quy định tính chất, đặc trưng của các cơ chế bảo đảm quyền con người. Chẳng hạn, nguyên tắc kiểm tra, thanh tra, giám sát; nguyên tắc phối hợp; nguyên tắc đối thoại; nguyên tắc hợp tác quốc gia, khu vực và quốc tế, v.v… sẽ quy định nên cơ chế kiểm tra, thanh tra, giám sát, cơ chế phối hợp, cơ chế đối thoại, v.v… Nếu như nói, các chủ thể đảm bảo quyền con người đóng vai trò là những điều kiện cần, thì các nguyên tắc, quy tắc là điều kiện đủ.
Các nguyên tắc, quy tắc là nhân tố cấu thành quan trọng của các cơ chế bảo đảm quyền con người, tính hiệu quả của việc đảm bảo, thúc đẩy quyền con người phụ thuộc nhiều vào các nguyên tắc, quy tắc này.
Đối với nội dung thứ hai, có rất nhiều yếu tố, bộ phận tham gia vào quá trình hình thành và hoạt động của các cơ chế bảo đảm quyền con người, chẳng hạn: đó là các yếu tố của hệ thống chính trị như: Đảng, Quốc hội, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, v.v… Ngoài ra, còn có các hiệp hội, tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Cộng đồng châu Âu, Hiệp hội ASEAN, v.v…
Các chủ thể đảm bảo quyền con người trong phạm vi quốc gia bao gồm các yếu tố của hệ thống chính trị như: Đảng, Quốc hội, cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp, các tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội, v.v… thông qua các nguyên tắc, cách thức, quy tắc (bao gồm cả hệ thống pháp lý, các chính sách, v.v…) để đảm bảo và thúc đẩy quyền con người. Nhưng đây không phải là quá trình tác động đơn chiều, bản thân quyền con người trong tính phong phú, đa dạng của nó cũng có sự tác động trở lại đồi với những cách thức, nguyên tắc, quy tắc và các chủ thể đảm bảo quyền con người. Do đó, trong quá trình phát triển của quyền con người, các nguyên tắc, cách thức, quỹ tắc đảm bảo, thúc đẩy quyền con người cũng phải có sự điều chỉnh cho phù hợp theo.
2. Tác động của Quốc hội
Như trên đã đề cập Quốc hội là một yếu tố tham gia vào quá trình hình thành và hoạt động của các cơ chế bảo đảm quyền con người.
Có thể nói, xây dựng Hiến pháp và luật có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quyền con người, quyền công dân, vì không có pháp luật thì không có cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền con người, cũng bởi lẽ “không có gì thúc đẩy sự vi phạm quyền con người hơn là tình trạng thiếu pháp luật hoặc pháp luật dựa trên những cơ sở không khoa học”, và do vậy, hoạt động lập hiến và lập pháp là cơ sở ban đầu, tiền đề cho các hoạt động đảm bảo quyền con người tiếp theo của các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước và cửa chính cá nhân, công dân. Quốc hội xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy và đảm bảo quyền con người, đồng thời cũng xây dựng cơ sở, tiền đề cho việc hình thành các cơ chế bảo đảm quyền con người. Đối với bất kỳ cơ chế bảo đảm quyền con người nào, yếu tố pháp lý đều đóng vai trò quan trọng hàng đầu. Trên cơ sở pháp lý do Quốc hội xây dựng, mỗi cơ chế bảo đảm quyền con người xây dựng các quy tắc, nguyên tắc, biện pháp để đảm bảo và thúc đẩy quyền con người. Quốc hội không chỉ xây dựng Hiến pháp, pháp luật – cơ sở của các cơ chế, mà còn trực tiếp xây dựng các cơ chế bảo đảm quyền con người, do đó nhiều cơ chế bảo đảm quyền con người được quy định trong các văn bản pháp luật. Không những thế, Quốc hội còn đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của các cơ chế bảo đảm quyền con người. Vai trò đó thể hiện ở việc Quốc hội thực hiện chức năng giám sát đối với việc thực hiện, đảm bảo quyền con người nói chung, hoạt động của các cơ chế bảo đảm quyền con người nói riêng. Trong trường hợp có cơ chế bảo đảm quyền con người hoạt động không hiệu quả, Quốc hội có thể xem xét, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng những cơ chế mối đảm bảo cho việc thực hiện và đảm bảo quyền con người có hiệu quả. Tuy nhiên, không phải tất cả những cơ chế bảo đảm quyền con người đều do Quốc hội xây dựng.
Ở Việt Nam Quốc hội không chỉ đơn thuần là cơ quan lập pháp, mà còn là cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, bao gồm quyền giám sát tối cao đối với mọi hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong đó bao gồm cả chính Quốc hội.
3. Trong hoạt động lập pháp và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước
– Về các quyền liên quan đến phụ nữ và trẻ em: Ðây là lĩnh vực xã hội rất quan tâm, đã được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, góp phần quan trọng vào những thành tựu về bảo đảm và thúc đẩy các quyền của phụ nữ và trẻ em. Các quy định cụ thể trong Luật Bình đẳng giới cùng với các quyền được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em; các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ thai sản, chế độ đối với lao động nữ,… đã tạo điều kiện để phụ nữ từng bước thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người; đồng thời, cũng góp phần phòng, chống các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ, trẻ em.
Các quyền cơ bản của trẻ em như: quyền được sống, được bảo vệ thân thể, nhân phẩm; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được học tập, được phát triển; quyền được vui chơi, giải trí; quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng… đều được cụ thể hóa trong các quy định của pháp luật. Quốc hội đã phê chuẩn việc Việt Nam tham gia Công ước Quốc tế về bảo vệ trẻ em; thông qua Luật trẻ em. Nội dung này cũng được quy định tại nhiều văn bản luật khác. Trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, Ðảng và Nhà nước vẫn dành nhiều ưu đãi cho trẻ em bằng việc miễn phí khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, chính sách phổ cập giáo dục phổ thông cơ sở,… là một cố gắng lớn.
– Về các quyền nhân thân: Quốc hội đã quy định khá cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật, bao gồm: quyền tự do đi lại, tự do cư trú; quyền tự do ngôn luận; quyền tự do tín ngưỡng; quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở; quyền được bảo đảm bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền bất khả xâm phạm về thân thể…
4. Trong hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật
Việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải làm sao thực thi đúng pháp luật, làm cho pháp luật đi vào cuộc sống, biến thành hiện thực sinh động. Trong thời gian qua, Ðảng và Nhà nước ta đã có nhiều biện pháp chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có kết quả các chính sách và pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ và thực hiện quyền con người; có nhiều việc rất thành công được dư luận trong nước và quốc tế thừa nhận, đánh giá cao (như vấn đề đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, thương binh, gia đình liệt sĩ, công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện bình đẳng giới, chăm sóc những người có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện các sinh hoạt văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo,…).
Cùng với công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Quốc hội đã thường xuyên tiến hành hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật, coi đây là một nhiệm vụ rất quan trọng bảo đảm cho luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội được thực hiện trong thực tế. Quốc hội thực hiện quyền giám sát thông qua các hình thức: xem xét báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; giám sát chuyên đề một số lĩnh vực; giám sát cụ thể một số vụ việc quan trọng; tiến hành chất vấn,…
5. Kết luận
Có thể thấy rằng, hoạt động lập pháp và hoạt động giám sát của Quốc hội đã góp phần quan trọng vào việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy hoạt động đúng đắn, có hiệu quả của các cơ quan nhà nước, thúc đẩy việc thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến quyền con người; đồng thời chỉ ra những quy định của pháp luật còn thiếu hoặc chưa phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung để bảo đảm việc thực thi.
LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)