1.Tai nạn giao thông gây chết người tự thỏa thuận được không?

Thưa Luật sư của LVN Group, xin Luật sư của LVN Group cho em hỏi em đang đi xe trên đường, đi ở phần đường của mình thì có một xe moto say rượu lao vào em và bị chết. Gia đình em đã bồi thường theo yêu cầu của gia đình bên kia, bây giờ hai gia đình em muốn giải quyết không liên quan tới pháp luật liệu có được không thưa Luật sư của LVN Group? Em cảm ơn.

Tai nạn giao thông gây chết người hai bên gia đình có thể tự hòa giải không liên quan đến pháp luật được không ?

Luật sư tư vấn pháp luật về bồi thường thiệt hại khi xảy ra tai nạn giao thông – Ảnh minh họa

Luật sư trả lời:

Khi xảy ra tai nạn giao thông, pháp luật luôn ưu tiên và khuyến khích sự thỏa thuận của các bên, chỉ khi nào không thỏa thuận được và quyền lợi của các bên bị xâm phạm thì nên đưa ra Tòa án để giải quyết tranh chấp.

Vì vậy trường hợp này việc hai gia đình bạn tự thỏa thuận là hoàn toàn hợp lý.

Mặc dù vậy, bạn cũng cần lưu ý bên gia đình thiệt hại có thể khởi kiện bất cứ lúc nào về mức bồi thường chưa thỏa đáng hoặc yêu cầu công an truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi gây tai nạn giao thông chết người. Vì thế để bạn có thể yên tâm hơn chúng tôi xin tư vấn như sau.

Trường hợp thỏa thuận về dân sự thì bạn nên thỏa thuận bằng văn bản và yêu cầu gia đình bên bị hại có chứng từ chứng minh những khoản thiệt hại

Về vấn đề hình sự, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định như sau:

“Điều 260. Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;”

Đối với trường hợp này vì bạn không có lỗi vi phạm giao thông nên dù cho hậu quả là bên kia chết thì bạn cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

>> Xem thêm: Rút đơn tố cáo người gây tai nạn giao thông thì người đó có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không ?

2. Tư vấn bồi thường tai nạn do người chưa thành niên?

Kính chào công ty Luật LVN Group, hiện tại em đang có thắc mắc muốn nhờ Luật sư của LVN Group tư vấn giúp như sau: thưa Luật sư của LVN Group Ngày 09 tháng 02 năm 2018 mẹ em bị tai nạn giao thông do một thanh niên chưa đủ 18 tuổi lái xe máy đụng trúng, bên gây tai nạn có chở mẹ em đi bệnh viện huyện U Minh điều trị. Bác sỹ ở đây chụp hình, chuẩn đoán mẹ em chỉ bị chấn thương phần mềm, bên gây tai nạn đồng ý chi trả viện phí và sửa xe tổng cộng khoảng 5 triệu (bên gây tai nạn không chịu thêm bất kỳ một chi phí gì khác nữa).

Hai bên thỏa thuận xong.Thời gian sau khi từ bệnh viện huyện về thì mẹ em mất khoảng 50% sức lao động, thu nhập thấp hơn và sức khỏe ngày càng yếu. Ngày 03 tháng 06 năm 2018 mẹ em lên bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM khám sức khỏe tổng quát, có CT Scan phần đầu và bác sỹ kết luận mẹ em bị vẹo vách ngăn mũi (J34.2)/ quá phát cuốn dưới, chấn thương hàm mặt trái và phải tiến hành phẩu thuật để chỉnh hình vách ngăn, tạo hình xương hàm trên bằng Bone Cement (mẹ em năm nay 51 tuổi). Ngày 26 tháng 06 năm 2018 mẹ em nhập viện phẫu thuật, bản thân em phải xin nghỉ phép hơn tuần để vào viện chăm mẹ, chi phí phẫu thuật cho lần này khoảng 30 triệu, mẹ em không đủ tiền nên phải chạy đi vay mượn để thực hiện ca mổ này.

Luật sư cho em hỏi bây giờ mẹ em có thể yêu cầu bên gây tai nạn bồi thường những chi phí này không? Nếu bên gây tai nạn không đồng ý bồi thường thì mẹ em khởi kiện được không và tỷ lệ % thắng kiện bao nhiêu? Thủ tục hành chính để khởi kiện là những gì?

Em xin chân thành cảm ơn Luật sư của LVN Group!

Trả lời:

Thứ nhất: về vụ tai nạn giao thông của mẹ bạn

Điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

…”

Như vậy, căn cứ vào quy định trên, đối với trường hợp của mẹ bạn, mẹ bạn bị tai nạn giao thông do một thanh niên chưa đủ 18 tuổi lái xe máy đụng trúng và bị chấn thương phần mềm, như vậy, sức khỏe của mẹ bạn đã bị xâm phạm, tuy nhiên, để được bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp này thì phải xác định được người gây thiệt hại phải có lỗi, vì bạn không nêu rõ ai là người có lỗi trong trường hợp này nên bạn cần căn cứ xem mức độ có lỗi của người gây thiệt hại như thế nào để xác định mức bồi thường tương ứng với hành vi gây thiệt hại.

Thứ hai: về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Căn cứ Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm thì người gây tai nạn cho mẹ của bạn phải bồi thường những thiệt hại sau:

– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

– Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

– Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

Việc bồi thường sẽ dựa trên những thiệt hại do hành vi gây thiệt hại gây ra tuy nhiên cũng cần chú ý mức bồi thường thiệt hại phải tương ứng với phần trăm lỗi của người gây thiệt hại. Như vậy, khi kiểm tra ngày 3 tháng 6 tại bênh viện phát hiện ra bị chấn thương phải mổ mà chấn thương đó là kết quả của hành vi gây thiệt hại thì bạn vẫn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Chú ý: Vì trong trường hợp mẹ của bạn do 1 thanh niên chưa đủ 18 tuổi gây ra nên theo quy định tại khoản 2 Điều 586 Bộ luật dân sự năm 2015 thì người thanh niên đó phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

Thứ ba: Nếu bên gây tai nạn không đồng ý bồi thường.

Điều 588 Bộ luật dân sự năm 2015quy định về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại như sau:

“Điều 588. Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại

Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.”

Như vậy, đến ngày 26 tháng 6 năm 2018 thì thời hiệu của khởi kiện bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp của mẹ bạn vẫn còn nên bạn có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu bên gây tai nạn không đồng ý bồi thường.

Thứ tư: về thủ tục khởi kiện

Điều 189 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về hình thức, nội dung đơn khởi kiện như sau:

“Điều 189. Hình thức, nội dung đơn khởi kiện

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện.

2. Việc làm đơn khởi kiện của cá nhân được thực hiện như sau:

a) Cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ;

…”

Như vậy, căn cứ vào quy định trên mẹ của bạn cần phải làm đơn khởi kiện với nội dung được quy định như trên.

Sau khi chuẩn bị xong những yêu cầu trên, thì mẹ của bạn nộp đến Tòa án nơi cư trú của bị đơn bằng các phương thức sau đây:

– Nộp trực tiếp tại Toà án;

– Gửi đến Toà án qua bưu điện.

3.Tư vấn về bồi thường thiệt hại khi tai nạn giao thông?

Chào Luật LVN Group, tôi có câu hỏi: Em vợ tôi đi chơi về thì gặp một anh đi ngược chiều do uống rượu phóng nhanh, trượt đá mất lái va vào xe của em tôi ngã ra và bị chết trên đường đi cấp cứu. Em tôi do sợ quá và bị bạn đi cùng của người bị ngã đòi đánh nên bỏ chạy, không đưa người này đi cấp cứu được. Sáng hôm sau do hẹn bác sỹ phải đi khám mổ viêm tai giữa nên đã đi bệnh viện và không hỏi thăm gì đến người bị ngã.
Công an đã tìm đến và yêu cầu đến trụ sở làm việc sau đó cho bảo lãnh về, cho 2 bên tự giải quyết trước. Bên gia đình người bị ngã chết đòi bồi thường 100 triệu nhưng gia đình tôi không nghe vì anh kia do ngã xe va vào xe em tôi chứ không phải do bị xe em tôi đâm vào. Xin hỏi Luật sư của LVN Group trong trường hợp này em tôi vi phạm luật giao thông ở múc nào? Có phải chịu trách nhiệm không? Có phải bồi thường bên kia không? Bồi thường bao nhiêu? Nếu bên kia kiện thì em tôi chịu tội gì? Nếu hai bên giải quyết thỏa thuận với nhau thì phải làm giấy cam kết không? Em tôi có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật không khi đã bồi thường cho gia đình người kia?

Trả lời:

Chào bạn! Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Đối với vấn đề mà bạn thắc mắc chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015

Trong trường hợp của em bạn, tuy em bạn không có lỗi trong việc dẫn đến việc tai nạn giao thông. Tuy nhiên, em bạn lại có lỗi khi thấy người khác đang trong tình trạng nguy hiểm mà không cứu giúp. Mặc dù nhìn thấy có người bị tai nạn giao thông, nguy hiểm đến tính mạng mà em bạn lại bỏ chạy, không gọi cấp cứu hay thực hiện các biện pháp sơ cứu. Hành vi này của em bạn là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiệt hại về tính mạng cho người kia. Vì vậy, đây cũng là một trong những căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại của em bạn cho gia đình người kia.

Vì trong trường hợp của bạn, nạn nhân cũng là bên có lỗi, nên việc xác định mức bồi thường trong trường hợp này được xác định theo quy định tại Khoản 4 Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.”

Hơn nữa, về các khoản chi phí để làm căn cứ xác định mức bồi thường được quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015:

“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm

1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:

a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;

….

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Như vậy, về việc xác định số tiền phải bồi thường thì pháp luật dân sự quy định sẽ do các bên thỏa thuận dựa trên các khoản chi phí được xác định như trên, và mức độ lỗi của người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và cả người bị thiệt hại.

Trong trường hợp gia đình bạn không tiến hành bồi thường, và gia đình người bị thiệt hại có đơn tố cáo. Thì lúc này em bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, chứ không phải vì hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ (trong trường hợp có chứng minh là em bạn hoàn toàn không vi phạm Luật giao thông đường bộ lúc xảy ra tai nạn). Theo đó, tại Điều 132 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 quy định:

“Điều 132. Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

…”

Như vậy, trường hợp của em bạn được xác định tại điểm a khoản 2 của điều luật, tức là em bạn là người vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm của người kia mà lại không cứu giúp. Lúc này, em bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cơ quan công an thấy có căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

4.Xe gây tai nạn giao thông bị tạm giữ bao nhiêu ngày?

Xin chào công ty Luật LVN Group, tôi có một số thắc mắc muốn nhờ công ty tư vấn giúp như sau: tuần trước khi điều khiển xe tham gia giao thông, tại ngã 4, tôi có va quệt với một chiếc xe máy khiến người đó bị thương, hiện người đó đã được đưa vào bệnh viện để chữa trị nhưng xe của tôi vẫn bị công an tạm giữ, vậy sau bao lâu thì tôi mới được trả lại xe? Làm thế nào tôi mới có thể lấy lại xe được?

Trả lời:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn đã điều khiển xe gây tai nạn giao thông nhưng lại chưa xác định rõ là thương tích bạn gây cho người bị hại là như thế nào và nguyên nhân gây ra tai nạn là do lỗi của bạn, của người bị hại hay của cả 2 bên.

Đối với các hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ thì tùy vào tính chất và mức độ bạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 100/2019/NĐ-CP hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, cụ thể Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

“1. Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

Đối với việc tạm giữ phương tiện vi phạm quy định về giao thông gây ra tai nạn xử lý theo thủ tục hành chính thì thời hạn thu giữ phương tiện là từ 07- 30 ngày, đối với những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 2 tháng. Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định như sau:

” …2. Việc tạm giữ tang vật, phương tiện quy định tại khoản 1 Điều này phải được chấm dứt ngay sau khi xác minh được tình tiết làm căn cứ quyết định xử phạt, hành vi vi phạm không còn gây nguy hiểm cho xã hội hoặc quyết định xử phạt được thi hành

8. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

5. Tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính trong trường hợp nào?

Việc tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng trong trường hợp thật cần thiết sau đây:

a) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt. Trường hợp tạm giữ để định giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì áp dụng quy định;

b) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội;

c) Để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt theo quy định

Trong trường hợp hành vi gây ra tai nạn giao thông của bạn bị truy cứu theo pháp luật Hình sự thì việc trả lại phương tiện cho chủ sở hữu chỉ được thực hiện nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án theo quy đinh của Bộ luật tố tụng Hình sự.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự về bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông, gọi: 1900.0191 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự – Công ty luật LVN Group