1. Tài sản gây thiệt hại thì ai phải chịu trách nhiệm bồi thường?

Theo điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 đã tách bạch hành vi gây thiệt hại và tài sản gây thiệt hại, cụ thể như sau:

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Theo khoản 1 ta thấy, đó là những hành vi của người gây thiệt hại và theo khoản 3 sẽ do tài sản gây ra thiệt hại.

=> Về nguyên tắc, theo khoản 3 “Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại”. Tuy nhiên, “nếu do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác” thì tài sản đó thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Trân trọng!

 

2. Khi tài sản gây thiệt hại thì có tồn tại hành vi trái pháp luật không?

Theo quy định trong Bộ luật dân sự trước đây và văn bản hướng dẫn thi hành, cơ sở pháp lý chung để xác định các điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra.

Tuy nhiên, khi tài sản gây thiệt hại thì có tồn tại hành vi trái pháp luật không? Đây là vấn đề đã tồn tại nhiều những quan điểm khác nhau.

a. Quan điểm thứ nhất

Ở quan điểm này cho rằng hành vi trái pháp luật là một trong các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra.

Ví dụ: Cơ sở pháp lý của trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ bao gồm 4 điều kiện, mà một trong 4 điều kiện đó là hành vi gây thiệt hại (bất kể đó là nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại hay hành vi điều khiển phương tiện giao thông gây thiệt hại).

b. Quan điểm thứ hai

Ở quan điểm thứ hai cho rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra chỉ được áp dụng khi tự thân tài sản đó gây thiệt hại… Sự kiện gây thiệt hại của tài sản trong những trường hợp này theo cơ chế “tự gây thiệt hại”, hoàn toàn không có sự tác động của con người”.

Theo quan điểm này, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại không phải là hành vi gây thiệt hại mà là hoạt động tự thân của tài sản gây ra thiệt hại. Đây là quan điểm của hầu hết các tác giả khi nghiên cứu về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra nói chung cũng như trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra trong từng trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên, điều đó cũng không thể khẳng định rằng trong mọi trường hợp tài sản gây thiệt hại thì đều không tồn tại hành vi trái pháp luật của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản. Khi tài sản gây thiệt hại mà chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản vi phạm quy định về quản lý tài sản thì họ bị xác định là có hành vi trái pháp luật. Trong trường hợp họ chứng minh được mình đã tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý tài sản thì không tồn tại hành vi trái pháp luật, vấn đề đặt ra là có tồn tại hành vi trái pháp luật thì hành vi đó có phải là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại hay không?

Về nguyên tắc, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản phải tuân thủ tuyệt đối các quy định pháp luật liên quan đến việc quản lý tài sản. Nếu chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản không tuân thủ các quy định về quản lý tài sản thì đã tồn tại hành vi trái pháp luật. Người có hành vi vi phạm pháp luật đương nhiên phải chịu trách nhiệm pháp lý ngay cả khi thiệt hại chưa xảy ra, nhưng trách nhiệm này là trách nhiệm hành chính mà không phải trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Điều này cho thấy, hành vi vi phạm pháp luật trong trường hợp này không phải là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại. Do đó, nếu thiếu hoạt động của tài sản thì chắc chắn thiệt hại không xảy ra.

Ví dụ, ông A buộc trâu ở đường đi lại trong nông thôn khiến cho mọi người đi lại khó khăn và ảnh hưởng mỹ quan (hành vi của ông A là trái pháp luật – hành vi buộc trâu ở nơi không đúng quy định). Nếu con trâu nhà ông A chỉ nằm một chỗ mà không gây thiệt hại cho ai thì trách nhiệm không phát sinh, nếu con trâu của ông A đứng dậy húc người đi đường bị thương thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh. Như vậy, dù Con trâu nằm im hay đứng dậy húc người thì hành vi của ông A vẫn không thay đổi (vẫn là hành vi buộc trâu ở nơi không đúng quy định). Trách nhiệm bồi thường thiệt hại có phát sinh hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc con trâu nằm im hay đi lại húc người chứ không phục thuộc vào hành vi buộc trâu sai quy định.

 

3. Có nên tách bạch hoạt động tự thân gây thiệt hại của tài sản với hành vi trái pháp luật gây thiệt hại

Khi tài sản gây thiệt hại có thể vẫn tồn tại hành vi trái pháp luật của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản.

Vậy một vấn đề đặt ra là có sự tách bạch giữa hành vi trái pháp luật gây thiệt hại với hoạt động tự thân của tài sản gây ra thiệt hại hay không? Đây là vấn đề còn tồn tại hai cách hiểu khác nhau:

a. Cách hiểu thứ nhất

Ở cách hiểu này cho rằng không nên tách biệt hoạt động tự thân gây thiệt hại của tài sản với hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, bởi vì khi tài sản gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng luôn bị coi là vi phạm pháp luật (tức là tồn tại hành vi trái pháp luật).

Những người theo cách hiểu này thường quan niệm hành vi gây thiệt hại theo nghĩa rộng bao gồm hành động trái pháp luật gây thiệt hại và không hành động trái pháp luật gây ra thiệt hại.

Theo đó, nếu một người thực hiện hành vi quản lý, sử dụng tài sản nhưng không tuân thủ quy định pháp luật dẫn đến thiệt hại cho người khác (điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ gây thiệt hại) thì người đó đã thực hiện một hành vi trái pháp luật dưới dạng một hành động. Ngược lại, nếu một người có trách nhiệm trông nom, giám sát, bảo quản tài sản nhưng lại lơ là, mất cảnh giác hoặc không có sự quan tâm đúng mức đến tài sản, dẫn đến tài sản gây thiệt hại cho người khác (không kiểm tra kỹ xe ô tô trước khi lưu thông nên trong quá trình vận hành, xe ô tô nổ lốp gây thiệt hại) thì người quản lý, sử dụng tài sản trong trường hợp này cũng bị coi là có hành vi trái pháp luật dưới dạng không hành động gây ra thiệt hại.

Cách hiểu này chịu ảnh hưởng bởi quan điểm lập pháp của một số quốc gia trên thế giới, hiện tại các quốc gia này chưa có sự tách biệt rạch ròi giữa hành vi trái pháp luật với hoạt động gây thiệt hại của tài sản, đồng thời cũng phù hợp với quan điểm lập pháp trong bộ luật dân sự trước đây cũng văn bản pháp luật liên quan.

Cách hiểu trên cũng có những ưu điểm và hạn chế nhất định như:

  • Về ưu điểm, cách hiểu này đảm bảo rằng chỉ cần có sự kiện tài sản gây thiệt hại thì người bị thiệt hại sẽ được bồi thường mà không cần phải chứng minh thiệt hại do tự thân tài sản gây ra hay chịu sự tác động từ hành vi bất cẩn trong quản lý và sử dụng của con người;
  • Về nhược điểm, cách hiểu này chỉ hướng tới việc bảo vệ quyền lợi của người bị thiệt hại mà không đứng trên phương diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ thể có liên quan. Nếu không tách biệt rạch ròi giữa hành vi trái pháp luật ra khỏi hoạt động tự thân của tài sản sẽ khó có thể xác định chính xác chủ thể phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Ví dụ: Pháp nhân A giao xe cho nhân viên B đi chở hàng, khi xe gây thiệt hại mà không xác định cụ thể lái xe có lỗi trong điều khiển xe hay tự thân xe hỏng gây thiệt hại thì khó xác định pháp nhân A có được yêu cầu B hoàn trả số tiền đã bồi thường hay không.
  • Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, việc buộc một chủ thể không có lỗi cũng không được hưởng lợi từ việc quản lý tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản mà mình quản lý gây ra sẽ không phù họp với lẽ công bằng mà pháp luật của hầu hết các quốc gia đều hướng tới. Ví dụ: Vợ chồng A nhờ B trông nhà hộ để đi xem phim, nếu nhà của vợ chồng A sụp đổ gây thiệt hại cho nhà c mà không xác định cụ thể nhà đổ do lỗi của B hay do tự đổ thì sẽ khó có thể xác định B có phải chịu trách nhiệm bồi thường với tư cách là người quản lý tài sản hay không.

b. Cách hiểu thứ hai

Cách hiểu thứ hai cho rằng nên tách biệt hoạt động tự thân của tài sản gây thiệt hại với hành vi trái pháp luật gây thiệt hại.

Theo cách hiểu này, hành vi gây thiệt hại phải được hiểu theo nghĩa hẹp, tức là đó là hành động gây thiệt hại của một chủ thể nhất định, nếu hành vi gây thiệt hại gắn với hoạt động của tài sản thì hành vi đó chỉ có thể là hành vi sử dụng tài sản không đúng quy định của pháp luật (ví dụ vận hành, điều khiển phương tiện cơ giới vận tải vượt quá tốc độ cho phép, đi vào đường ngược chiều, vượt đèn đỏ) gây ra thiệt hại chứ không bao gồm việc không tuân thủ quy định về quản lý tài sản (không quản lý súc vật dẫn đến súc vật phá hoại mùa màng).

Như vậy, việc tách biệt này có thể đảm bảo xác định cơ sở xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là ai, qua đó xác định chính xác chủ thể phải bồi thường khi tài sản gây ra thiệt hại. Nếu tài sản gây thiệt hại mà có lỗi của chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản thì người có lồi phải bồi thường. Nếu không ai bị coi là có lỗi thì người nào được hưởng lợi cũng như được quyền khai thác lợi ích từ tài sản sẽ chịu trách nhiệm bồi thường.

Ví dụ, A nhờ B trông cửa hàng hộ để đi công việc, sau đó hệ thống điện trong cửa hàng của A bị chập gây ra cháy, dẫn đến thiệt hại cho các nhà xung quanh. Trong trường họp này, nếu xác định nguyên nhân là do B tự ý sử dụng điện trong cửa hàng quá tải gây ra chập điện (hành vi của B gây ra thiệt hại) thì B phải bồi thường thiệt hại, nếu xác định nguyên nhân là do dây điện hở cọ xát vào nhau dẫn đến chập gây thiệt hại thì A phải bồi thường;

Việc tách biệt giữa hành vi gây thiệt hại có liên quan đến hoạt động của tài sản với tự thân hoạt động của tài sản gây thiệt hại sẽ đảm bảo việc xác định chính xác chủ thể chịu trách nhiệm cuối cùng là ai.

=> Như vậy, quan điểm về việc tách biệt giữa hành vi gây thiệt hại với hoạt động tự thân của tài sản gây ra thiệt hại sẽ bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của tất cả các chủ thể mà không chỉ là người bị thiệt hại.

 

4. Sự tách bạch hành vi gây thiệt hại với hoạt động tự thân của tài sản

Theo quy định của điều 584 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

“Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.”

Trong Bộ luật dân sự năm 2015, trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra nói chung đã được tách biệt với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi gây ra theo khoản 1 Điều 584.

Theo quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015, dù thiệt hại do hành vi gây ra hay thiệt hại do tài sản gây ra thì người bị thiệt hại cũng không phải chứng minh lỗi của người gây thiệt hại cũng như của người quản lý, sử dụng tài sản.

Do đó, chỉ cần có hành vi gây thiệt hại hoặc có hoạt động gây thiệt hại của tài sản thì người bị thiệt hại có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại. Việc chứng minh các căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về người gây thiệt hại cũng như chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng tài sản.

 

5. Tài sản có thể gây thiệt hại sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín không?

Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung, thiệt hại thường được xác định là những tổn thất về vật chất và những tổn thất về tinh thần. Thiệt hại do hành vi gây ra hay do tài sản gây ra cũng đều có thể bao gồm hai yếu tố cấu thành này. Thiệt hại về vật chất thường có thể được tính toán một cách cụ thể bằng những đơn vị đo lường, do đó những thiệt hại về vật chất do hành vi hay do tài sản gây ra đều được xác định bằng những đơn vị đo lường cụ thể, biểu hiện thông qua những con số cụ thể mà người bị thiệt hại chứng minh. Tổn thất về tinh thần thường không xác định được một cách cụ thể bằng các đơn vị đo lường. Trước hết, mức bù đắp tổn thất về tinh thần sẽ do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận hoặc không đạt được sự thỏa thuận thì mức độ tổn thất về tinh thần sẽ do Hội đồng xét xử xác định phù hợp với từng nhóm đối tượng bị xâm phạm (mức bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa trong trường hợp tính mạng bị xâm phạm là 100 tháng tiền lương cơ sở, sức khỏe bị xâm phạm là 50 tháng tiền lương cơ sở, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là 10 tháng tiền lương cơ sở).

Theo quy định tại các điều từ Điều 589 đến Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015, đối tượng bị xâm phạm dẫn đến phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có thể là tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Hiện nay, còn tồn tại hai luồng ý kiến khác nhau về yếu tố tài sản sẽ có thể gây thiệt hại sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín – đối tượng có thể bị xâm phạm bởi hoạt động của tài sản dẫn đến phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại này. Cụ thể:

a. Quan điểm thứ nhất

Quan điểm thứ nhất cho rằng hoạt động của tài sản không xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín bởi vì danh dự, nhân phẩm, uy tín chỉ là đối tượng chịu sự tác động của hành vi có ý thức của con người. Cùng một sự việc như nhau, nếu do hành vi của con người thì có thể xác định danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm, nhưng nếu do hoạt động của tài sản (động vật) gây ra thi chỉ xác định có tổn thất về tinh thần đối với một chủ thể nào đó chứ không xác định danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm.

Với luồng quan điểm này khi xác định thiệt hại sẽ không chỉ ra được căn cứ cụ thể là điều luật nào, và mức bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa là bao nhiêu. Khi đó sẽ phải dẫn chiếu một quy định cụ thể để áp dụng tương tự. Chắc chắn rằng, quy định phù hợp để áp dụng tương tự nhằm xác định mức độ bù đắp tổn thất về tinh thần tối đa là bao nhiêu tháng tiền lương cơ sở sẽ là quy định về xác định thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm tại Điều 592 Bộ luật dân sự năm 2015;

b. Quan điểm thứ hai

Với quan điểm này họ cho rằng, hoạt động của tài sản cũng có thể xâm phạm đến bất cứ đối tượng nào được liệt kê trong Bộ luật dân sự năm 2015. Những người ủng hộ ý kiến này thường đứng ở góc độ hậu quả xảy trên thực tế. Theo đó, nếu hậu quả xảy ra như nhau thì cho dù nguyên nhân dẫn đến hậu quả là khác nhau thì cũng đều phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại giống nhau. Việc xác định nguyên nhân gây ra thiệt hại chỉ là căn cứ để xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Hơn nữa, khi tổn thất đó do tài sản gây ra thì cũng phải gắn tổn thất đó vào một đối tượng cụ thể để có căn cứ xác định mức bù đắp tối đa mà người bị thiệt hại được nhận và Hội đồng xét xử cũng có cơ sở pháp lý cụ thể để đưa ra phán quyết chính xác. Ngoài ra, theo quan điểm của tác giả, việc xác định nguyên nhân gây ra tổn thất tinh thần là hành vi hay tài sản không ảnh hưởng đến việc xác định mức độ BTTH do tổn thất về tinh thần mà người bồi thường phải gánh chịu.

Trân trọng!