1. Tặng cho hay thừa kế tài sản riêng thì tối ưu hơn?

Chào Luật sư của LVN Group, Bố tôi bị bệnh nặng, có thể không qua được lúc nhận sổ hồng nhà chung cư, nay bố tôi muốn cho tặng riêng tôi căn hộ chung cư, không cho vợ tôi thì có được không? Vậy cho tặng hay làm thừa kế riêng thì tối ưu hơn? Hiện nay chỉ tồn tại hợp đồng mua bán chung cư chưa có sổ hồng ?
Mong Luật sư của LVN Group tư vấn giúp tôi !

Trả lời:

Thứ nhất là việc Bố bạn muốn cho tặng riêng bạn căn hộ chung cư khi chưa có sổ hồng mà chỉ có hợp đồng mua bán. Theo đó, Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định:

Điều 188. Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

b) Đất không có tranh chấp;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất…

Trường hợp của bạn thì BĐS chưa có GIấy chứng nhận Quyền sử dụng đất mà chỉ ở dưới hình thức hợp đồng mua bán. Thì hợp đồng mua bán không được xem là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất vì chỉ có các giấy tờ hợp pháp được quy định tại điều 100 và điều 188 của Luật đất đai năm 2013 mới là giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, còn hợp đồng mua bán thì bạn không thể thực hiện quyền của người sử dụng đất là chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất cho người khác bằng hợp đồng mua bán được mà chỉ là giấy tờ hợp lệ để có thể chứng minh được rằng mình có quyền nắm giữ quyền sở hữu.

Để bạn có thể đứng tên sổ hồng của căn hộ chung cư này, trước hết bạn cần yêu cầu bố bạn nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở tại cơ quan quản lý nhà ở cấp huyện để được xem xét, giải quyết. Hồ sơ gồm có:

1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

2. Hợp đồng tặng cho đã được công chứng;

3. Sơ đồ kỹ thuật thửa đất (nếu có);

4. Chứng minh thư nhân dân và sổ hộ khẩu của các bên;

Sau khi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, để bạn có thể đứng tên sổ hồng căn hộ chung cư này, bố bạn có thể tiến hành thủ tục tặng cho nhà ở. Việc tặng cho nhà ở phải lập thành văn bản, cụ thể là hợp đồng tặng cho căn hộ chung cư. Hợp đồng tặng cho căn hộ chung cư phải được công chứng tại văn phòng công chứng.

Thứ hai là việc tặng cho hay thừa kế là tối ưu hơn? Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất sẽ phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm bạn thực hiện sang tên quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền. Còn việc lập di chúc thừa kế sẽ chỉ có hiệu lực vào thời điểm mở thừa kế – thời điểm người lập di chúc qua đời. Do đó, phương án lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất sẽ phát sinh hiệu lực luôn.

Thứ ba là việc bố bạn muốn cho riêng tài sản bạn không muốn chia tài sản cho vợ bạn. Theo quy định tại Điều 43 Luật hôn nhân và gia đình 2014 :

Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luậtnày; tài sảnphục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Theo quy định trên, trong thời kỳ hôn nhân, bạn có quyền có tài sản riêng. Trong trường hợp này, bố bạn tặng cho riêng bạn thì đó là tài sản riêng của bạn.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 457 Bộ Luật Dân sự năm 2015 và Luật Nhà ở 2014 : Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

Như vậy, nếu bố bạn tặng tài sản cho riêng bạn, chỉ cần có sự thỏa thuận của bố bạn và bạn, không cần sự chứng kiến của người vợ. Tuy nhiên, trên thực tế, tài sản được tặng cho trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng rất khó để xác định đó là tài sản riêng hay tài sản chung khi phát sinh tranh chấp.

Do đó, trong trường hợp này, bố bạn và bạn nên ghi chi tiết việc “tặng cho riêng” vào hợp đồng tặng cho tài sản. Sau khi có hợp đồng ghi chi tiết việc “tặng cho riêng”, bạn có thể yên tâm tài sản đó là tài sản riêng của bạn. Mặt khác, nếu vợ bạn đồng ý, bạn có thể yêu cầu vợ bạn cùng ra Phòng Công chứng làm giấy xác nhận đây là tài sản riêng của bạn.

2. Có cần mở thừa kế để trả nợ ngân hàng?

Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi cần tư vấn như sau: Trước khi vợ tôi mất có lập di chúc, nay có nhu cầu đáo ngạn ngân hàng, vì lúc vay tiền vợ tôi có cùng đi vay, vậy có cần phải mở thừa kế không?
Trân trọng cảm ơn.
Người gửi: Q.M

Có cần mở thừa kế để trả nợ ngân hàng ?

Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế, gọi số:1900.0191

Trả lời:

Căn cứ điều 612 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về di sản thừa kế:

Điều 612. Di sản

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.

Như vậy, ở đây xác định di sản của vợ anh sẽ bao gồm tài sản riêng của vợ anh, tài sản của vợ anh trong khối tài sản chung của hai vợ chồng. Phần tài sản của vợ anh đưa vào góp vốn kinh doanh nếu có.
Như vậy, trong khối tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia là hai phần và vợ chồng anh sẽ mỗi người một nữa. Khi vợ anh chết, nếu có di chúc thì vợ anh chỉ được định đoạt một nửa số tài sản chung của vợ chồng anh cho người mà vợ anh muốn để lại tài sản. Còn một nửa trong khối tài sản chung đấy sẽ thuộc về anh có quyền định đoạt.
Theo như anh nói thì vợ chồng anh có một khoản nợ chung với ngân hàng, giờ đã đến hạn trả nợ, vậy theo nguyên tắc khoản nợ này sẽ được dùng tài sản chung của hai vợ chồng để trả. Giờ vợ anh mất thì nó vẫn sẽ được xác định là khoản nợ chung và vẫn sẽ dùng tài sản chung của hai vợ chồng để trả nợ. Theo quy định tại điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại:

Điều 615. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

….2. Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại…..

Như vậy, đối chiếu với khoản 2 của điều 615 Bộ luật dân sự năm 2015 thì khi thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại sẽ không cần yêu cầu chia di sản thừa kế mà sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ xong rồi tiến hành chia di sản thừa kế dựa trên khối di sản còn lại sau khi thực hiện xong nghĩa vụ của người chết để lại.
Do đó, khi anh dùng khối tài sản chung của vợ chồng để thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng xong rồi mới yêu cầu chia thừa kế thì pháp luật sẽ tôn trọng cũng như không có quy định nào cấm rằng phải chia di sản thừa kế rồi mới thực hiện nghĩa vụ. Vấn đề này sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các đồng thừa kế, những người kế theo di chúc hoặc theo pháp luật thỏa thuận.

3. Con nuôi được nhận thừa kế như con đẻ không?

Thưa Luật sư của LVN Group, Tôi muốn hỏi: “Cha mẹ nuôi tôi đều lần lượt qua đời trong năm vừa qua, không để lại di chúc. Xin cho biết tôi có được thừa kế tài sản của cha mẹ nuôi tôi như những người con đẻ không?”
(Hoàng Thị Diệp, TP Cần Thơ)

.Con nuôi được nhận thừa kế như con đẻ

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự năm 2015 thì những người thừa kế theo pháp luật được chia thành ba hàng thừa kế; hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết. Theo quy định trên thì con nuôi của người chết thuộc hàng thừa kế thứ nhất, do vậy cũng được thừa kế tài sản của người chết để lại.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý: Không phải tất cả những người được nhận là “con nuôi” đều có thể được thừa kế tài sản của người chết để lại. Theo quy định tại Điều 8 Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì người được nhận làm con nuôi phải là người dưới 16 tuổi trở xuống. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp: Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi. Việc nhận nuôi con nuôi phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký và ghi vào Sổ hộ tịch”.

Với các quy định nói trên, nếu bạn được cha mẹ nuôi nhận nuôi từ khi bạn dưới 16 tuổi (hoặc thuộc các trường hợp trên 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vẫn được làm con nuôi) và việc nhận nuôi con nuôi được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định thì bạn sẽ được quyền thừa kế tài sản của cha mẹ nuôi để lại, bình đẳng với các con đẻ của người chết.

4. Thừa kế tài sản do cha để lại cho con đến nay đã thành niên?

Thưa Luật sư của LVN Group. Cha tôi mất để lại giấy tờ đất đai, nhưng vì xung đột gia đình nên cô chú bên nội tôi đã giữ số đỏ của 1 mảnh đất, còn 1 mảnh chưa có giấy tờ. Lúc cha tôi mất mẹ tôi không về để lo đám nhưng có gửi 1 số tiền để lo đám cho cha tôi. Số tiền đó bị trả lại và gia đình nội tôi không nhận. Đến bây giờ tôi đã đủ quyền công dân và tôi sắp vào đại học cần 1 số tiền để học tập.
Tôi muốn hỏi Luật sư của LVN Group tôi có quyền đòi lại số giấy tờ đất đó không? Và tôi quyền tự làm giấy tờ để sử dụng mảnh đất chưa có sổ đỏ không?
Mong được Luật sư của LVN Group giúp đỡ. Xin chân thành cảm ơn!

Thừa kế tài sản do cha để lại cho con đến nay đã thành niên ?

Luật sư tư vấn pháp luật thừa kế đất đai, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Căn cứ Bộ luật dân sự năm 2015 pháp luật có quy định về thời hiệu thừa kế :

“Điều 623. Thời hiệu thừa kế

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

Bố bạn mất đi không để lại di chúc nên di sản của bố được chia theo pháp luật nếu thời hạn thừa kế vẫn còn theo luật. Người được nhận thừa kế lúc này là ông bà nội nếu còn sống, mẹ bạn và các con là bạn. Gia đình cô chú buộc phải trả lại giấy tờ là mảnh đất số 1 đã có giấy tờ thuộc quyền sở hữu của bố bạn để bạn và những người thừa kế khác đi khai nhận di sản, nhất là khi bạn đã thành niên.

“Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại….”

Đối với mảnh đất số 2 chưa có giấy tờ chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa được coi là di sản của bố để lại . Nếu thửa đất đủ điều kiện thì bạn được công nhận theo quy định tại Luật đất đai năm 2013. Điều kiện công nhận phụ thuộc vào một số yếu tố sau: Có giấy tờ về đất, thực hiện nghĩa vụ thuế hàng năm, sử dụng ổn định, đất không tranh chấp…

5. Phân chia quyền thừa kế đất đai theo thỏa thuận ?

Kính chào luật LVN Group! Mong các Luật sư của LVN Group bớt chút thời gian tư vấn giúp em trường hợp này với ạ. – Năm 1958, ông X lấy bà 1, sinh ra anh A. Anh A được 3 tuổi thì bỏ nhau. – Năm 1965, ông X lấy bà 2, sinh ra anh B. Anh B được 5 tuổi thì ông X và bà 2 làm thủ tục ly hôn.

– Năm 1984, ông X lấy bà 3, sinh ra anh C và chị D.

– Năm 1998, ông X đột ngột mất, ko để lại di chúc.

Tài sản ông X để lại là 1 thửa đất 519,3m2 Hiện nay, bà 3 và gia đinh anh C (con bà 3) đang sinh sống trên mảnh đất này. Bà 3 đã cho anh C đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

– Ngày 9/11/2001, họ tộc bên nội tổ chức họp gia đình và có chia cho bà 3, anh A, anh B, anh C mỗi người 1/4 thửa đất. Biên bản họp có mọi người ký tên đầy đủ.

– Ngày 4/5/2010, bà 3 lại gọi các con trong nhà họp gia đình gồm bà 3, anh A, anh B, anh C, thống nhất chia cho mỗi người 4m ngang mặt đường chạy vào. Biên bản có chữ ký đầy đủ của 4 người và có dấu xác nhận của UBND xã. Nhưng đến nay, gia đình bà X và anh C vẫn đang sinh sống trên mảnh đất này mà ko tiến hành chia cho anh A và anh B.

Vậy làm thế nào để anh A và anh B được chia đất ạ?

Em cảm ơn ạ!

Trả lời:

Căn cứ Mục 2.4 Khoản 2 Phần I Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP thì:

a) Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết và cần phân biệt như sau:

a.1. Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thoả thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc.

a.2. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thảo thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ.

a.3. Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thoả thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

b) Trường hợp người chết để lại di sản cho các thừa kế nhưng các thừa kế không trực tiếp quản lý, sử dụng mà di sản đó đang do người khác chiếm hữu bất hợp pháp hoặc thuê, mượn, quản lý theo uỷ quyền… thì các thừa kế có quyền khởi kiện người khác đó để đòi lại di sản.

Căn cứ Điều 203 Luật đất đai năm 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai thì:

– Trường hợp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong những giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013 và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất (nhà ở, công trình xây dựng khác…) thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

– Trường hợp không có một trong giấy tờ trên thì có quyền lựa chọn Ủy ban nhân dân hoặc Tòa án giải quyết.

Theo đó, bạn có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết hoặc khởi kiện tại Tòa án, nơi cư trú của bà 3 và C.

Trường hợp khởi kiện tại Tòa án ngoài thực hiện theo đúng thủ tục tố tụng bạn nên kèm theo Văn bản thỏa thuận phân chia di sản để lám căn cứ.

Sau khi có bản án/quyết định của Tòa án hoặc quyết định giải quyết của UBND thì các thừa kế có thể tiến hành đăng ký quyền sử dụng đất đối với phần mình được nhận.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi, nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật thừa kế – Công ty luật LVN Group