Điều kiện đối với học viên tham dự khóa học có bị giới hạn gì không? Ví dụ như học viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng so với học viên tốt nghiệp trung học phổ thông?
Thứ nhất: Thủ tục thành lập doanh nghiệp thì cần điều kiện gì? Có phải xin giấy phép con cho việc cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học hoặc chứng chỉ nghề không?
Thứ 2: Nếu công ty có liên kết với 1 tổ chức nước ngoài chuyên hoạt động trong nghề khách sạn, đứng ra cấp chứng chỉ hoàn thành khóa học hoặc chứng chỉ nghề cho học viên, thì trường hợp này có phải xin giấy phép không? Giấy phép này do tổ chức nào cấp?
Thứ 3: Chứng chỉ này do doanh nghiệp tự in, hay phải đi mua của Bộ giáo dục đào tạo?
Thứ 4: Thuế TNDN và Thuế GTGT được tính thế nào? Có chính sách miễn giảm gì không?
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn Luật doanh nghiệp của Công ty Luật LVN Group.
Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến, gọi: 1900.0191
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Liên quan đến câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Luật doanh nghiệp số 68/2014/QH13 của Quốc hội
Nghị định 48/2015/NĐ-CP
Thông tư số 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính : Hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp
Thông tư số 219/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Luật Thuế giá trị gia tăng và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng
2. Nội dung tư vấn:
Thứ nhất, thủ tục và điều kiện để thành lập doanh nghiệp đào tạo nghề.
Theo Khoản 1 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp:
“1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.
Bên cạnh đó, theo Khoản 1 Điều 30 Nghị định 48/2015/NĐ-CP:
“1. Được thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi có đề án thành lập đáp ứng các điều kiện theo quy định của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương”.
Theo Điều 24 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: Nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
“Điều 24. Nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
1. Tên doanh nghiệp.
2. Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có).
3. Ngành, nghề kinh doanh.
4. Vốn điều lệ; vốn đầu tư của chủ doanh nghiệp tư nhân.
5. Các loại cổ phần, mệnh giá mỗi loại cổ phần và tổng số cổ phần được quyền chào bán của từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần.
6. Thông tin đăng ký thuế.
7. Số lượng lao động.
8. Họ, tên, chữ ký, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh.
9. Họ, tên, chữ ký, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần”.
Theo Điều 25 Luật doanh nghiệp 2014 về Điều lệ công ty:
“Điều 25. Điều lệ công ty
1. Điều lệ công ty bao gồm Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp và Điều lệ được sửa đổi, bổ sung trong quá trình hoạt động.
Điều lệ công ty có các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; tên, địa chỉ chi nhánh và văn phòng đại diện (nếu có);
b) Ngành, nghề kinh doanh;
c) Vốn điều lệ; tổng số cổ phần, loại cổ phần và mệnh giá từng loại cổ phần đối với công ty cổ phần;
d) Họ, tên, địa chỉ, quốc tịch và các đặc điểm cơ bản khác của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ sở hữu công ty, thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần; phần vốn góp và giá trị vốn góp của mỗi thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty hợp danh; số cổ phần, loại cổ phần, mệnh giá cổ phần từng loại của cổ đông sáng lập;
đ) Quyền và nghĩa vụ của thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; của cổ đông đối với công ty cổ phần;
e) Cơ cấu tổ chức quản lý;
g) Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần;
h) Thể thức thông qua quyết định của công ty; nguyên tắc giải quyết tranh chấp nội bộ;
i) Căn cứ và phương pháp xác định thù lao, tiền lương và thưởng cho người quản lý và Kiểm soát viên;
k) Những trường hợp thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc cổ phần đối với công ty cổ phần;
l) Nguyên tắc phân chia lợi nhuận sau thuế và xử lý lỗ trong kinh doanh;
m) Các trường hợp giải thể, trình tự giải thể và thủ tục thanh lý tài sản công ty;
n) Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty.
2. Điều lệ khi đăng ký doanh nghiệp phải có họ, tên và chữ ký của những người sau đây:
a) Các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh;
b) Chủ sở hữu công ty là cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu công ty là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
c) Thành viên là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;
d) Cổ đông sáng lập là cá nhân và người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập là tổ chức đối với công ty cổ phần.
3. Điều lệ được sửa đổi, bổ sung phải có họ, tên và chữ ký của những người sau đây:
a) Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh;
b) Chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật của chủ sở hữu hoặc người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;
c) Người đại diện theo pháp luật đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần”.
Về trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo Điều 27 Luật doanh nghiệp 2014:
“Điều 27. Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp
1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Luật này cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.
2. Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
3. Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, sự phối hợp liên thông giữa các cơ quan trong cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội và đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử”.
Mặt khác, bạn cần xác định hình thức doanh nghiệp để áp dụng các điều luật để làm hồ sơ (trong trường hợp của bạn chưa nêu doanh nghiệp sẽ được thành lập theo hình thức gì)
Về cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo Điều 28 Luật doanh nghiệp 2014:
“Điều 28. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh;
b) Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định tại các Điều 38, 39, 40 và 42 của Luật này;
c) Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ;
d) Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định pháp luật về phí và lệ phí.
2. Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới hình thức khác, doanh nghiệp được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và phải trả lệ phí theo quy định pháp luật về phí và lệ phí”.
Từ đây, doanh nghiệp cần có những trách nhiệm sau: theo Điều 31 Nghị định 48/2015/NĐ-CP:
“Điều 31. Trách nhiệm của doanh nghiệp
1. Cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo, sử dụng và tuyển dụng lao động hàng năm của doanh nghiệp theo ngành, nghề, trình độ đào tạo cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
2. Cử người đại diện là chuyên gia, cán bộ kỹ thuật phù hợp tham gia xây dựng danh mục ngành, nghề đào tạo; xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo; tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực tập và đánh giá kết quả học tập của người học tại các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
3. Tự tổ chức đào tạo, phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo, đặt hàng với cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đào tạo người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp.
4. Tiếp nhận nhà giáo của các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đến tham quan, thực hành, thực tập nâng cao kỹ năng nghề tại doanh nghiệp, cập nhật, tiếp cận công nghệ mới; trả tiền lương cho nhà giáo trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách bao gồm hàng hóa hoặc dịch vụ được cung cấp trên thị trường trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp theo mức do các bên thỏa thuận.
5. Tiếp nhận người học đến tham quan, thực hành, thực tập nâng cao kỹ năng nghề tại doanh nghiệp theo thỏa thuận trong hợp đồng liên kết đào tạo với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trả tiền lương cho người đến thực tập mà trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách bao gồm hàng hóa hoặc dịch vụ được cung cấp trên thị trường trong thời gian thực tập tại doanh nghiệp theo mức do các bên thỏa thuận; tiếp nhận người lao động vào đào tạo để làm việc cho doanh nghiệp thì phải ký hợp đồng đào tạo với người lao động và không thu học phí đối với đối tượng này.
6. Trả chi phí đào tạo, trả lương cho người lao động trong thời gian nghỉ đi học theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động theo quy định của pháp luật.
7. Xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động trong doanh nghiệp.
8. Thực hiện trách nhiệm xã hội đối với hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cam kết đóng góp vào sự phát triển bền vững của giáo dục nghề nghiệp thông qua các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, của cộng đồng và xã hội.
9. Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định tại Điều 52 của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan”.
Thứ hai, doanh nghiệp liên kết với tổ chức nước ngoài để đào tạo.
Bạn chưa đề cập đến hình thức liên kết với tổ chức đào tạo nước ngoài nên lựa chọn hình thức phù hợp với doanh nghiệp của mình. Theo Điều 9 Nghị định 48/2015/NĐ-CP:
“Điều 9. Hình thức liên kết đào tạo
1. Đào tạo tại Việt Nam theo chương trình của Việt Nam hoặc chương trình do hai bên xây dựng; cấp bằng, chứng chỉ của Việt Nam.
2. Đào tạo tại Việt Nam theo chương trình đã chuyển giao từ nước ngoài; cấp bằng, chứng chỉ của Việt Nam và được tổ chức giáo dục, đào tạo quốc tế có uy tín công nhận.
3. Đào tạo tại Việt Nam theo chương trình của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên xây dựng; cấp bằng, chứng chỉ của nước ngoài và được tổ chức giáo dục, đào tạo quốc tế có uy tín công nhận.
4. Đào tạo tại Việt Nam theo chương trình đào tạo đã chuyển giao từ nước ngoài; cấp bằng, chứng chỉ của Việt Nam và của nước ngoài và được tổ chức giáo dục, đào tạo quốc tế có uy tín công nhận.
5. Đào tạo một phần theo chương trình của Việt Nam hoặc theo chương trình của nước ngoài tại Việt Nam, một phần theo chương trình của nước ngoài tại nước ngoài; cấp bằng, chứng chỉ của nước ngoài và được tổ chức giáo dục, đào tạo quốc tế có uy tín công nhận”.
Như vây, khi bạn xác định được hình thức liên kết đào tạo sẽ xác định được chứng chỉ do bên nào cấp.
Mặt khác, doanh nghiệp phải xin cấp Giấy phép chứng nhận hoạt động liên kết đào tạo.
Về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo theo Điều 10 Nghị định 48/2015/NĐ-CP:
“Điều 10. Điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo
1. Ngành, nghề và trình độ đào tạo
Cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp thực hiện liên kết với cơ sở giáo dục, đào tạo nước ngoài theo các hình thức liên kết đào tạo quy định tại Điều 9 Nghị định này chỉ được liên kết đào tạo trong phạm vi ngành, nghề và trình độ đào tạo đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép thực hiện.
2. Điều kiện của đối tượng tuyển sinh vào học tại các chương trình liên kết đào tạo:
a) Trường hợp cấp bằng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Việt Nam;
b) Trường hợp cấp bằng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài thì phải tuân thủ quy định của nước ngoài. Các điều kiện này phải tương ứng với điều kiện tiếp nhận của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài quy định tại nước sở tại và được cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương chấp thuận;
c) Trường hợp đồng cấp bằng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài thì đối tượng tuyển sinh phải đáp ứng quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều này.
3. Cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo
a) Cơ sở vật chất phải phù hợp với quy mô, trình độ đào tạo của từng chuyên ngành hoặc nghề, cụ thể:
– Phòng học lý thuyết, thực hành đáp ứng được quy mô đào tạo theo quy định. Diện tích phòng học lý thuyết tối thiểu 1,5 m2/chỗ học, diện tích phòng học thực hành tối thiểu từ 4 – 6 m2/chỗ thực hành;
– Xưởng thực hành đủ tiêu chuẩn đáp ứng được yêu cầu thực hành theo chương trình đào tạo;
– Phòng thí nghiệm, thực nghiệm và phòng học lý thuyết chuyên môn đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập và nghiên cứu theo chương trình đào tạo.
b) Thiết bị đào tạo phải đáp ứng theo danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu đối với chuyên ngành hoặc nghề do cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương ban hành. Đối với các chuyên ngành hoặc nghề mà cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương chưa ban hành danh mục thiết bị đào tạo tối thiểu thì phải bảo đảm đủ thiết bị đào tạo theo quy định trong chương trình đào tạo, tương ứng quy mô đào tạo của chuyên ngành hoặc nghề đó.
4. Chương trình, giáo trình đào tạo
a) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện liên kết đào tạo có trách nhiệm cung cấp đầy đủ chương trình, giáo trình, tài liệu học tập, học liệu phục vụ cho việc học tập của người học;
b) Chương trình đào tạo phải được kiểm định và công nhận đạt chất lượng theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương.
5. Đội ngũ nhà giáo
a) Nhà giáo giảng dạy tại các chương trình liên kết đào tạo ít nhất phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo quy định tại Điều 54 của Luật Giáo dục nghề nghiệp, hoặc là nghệ nhân, người có tay nghề cao và có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc tương đương;
b) Nhà giáo là người nước ngoài giảng dạy tại các chương trình liên kết đào tạo ít nhất phải có 05 năm kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực giảng dạy;
c) Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, phù hợp với cơ cấu ngành, nghề và trình độ đào tạo, trong đó:
– Tỷ lệ học sinh, sinh viên/nhà giáo tối đa là 25 học sinh, sinh viên/nhà giáo đối với các chuyên ngành hoặc nghề thuộc lĩnh vực nhân văn, kinh tế và dịch vụ; 20 học sinh, sinh viên/nhà giáo đối với các chuyên ngành hoặc nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ; 15 học sinh, sinh viên/nhà giáo đối với các chuyên ngành hoặc nghề yêu cầu về năng khiếu của người học;
– Có số lượng nhà giáo cơ hữu đảm nhận ít nhất 60% khối lượng chương trình của mỗi ngành, nghề liên kết đào tạo.
6. Ngôn ngữ giảng dạy và học tập
a) Ngôn ngữ sử dụng để giảng dạy, học tập các môn chuyên ngành trong liên kết đào tạo để cấp bằng của nước ngoài là ngoại ngữ, không giảng dạy bằng tiếng Việt hoặc thông qua phiên dịch; đào tạo để cấp bằng, chứng chỉ của Việt Nam có thể là tiếng Việt hoặc giảng dạy thông qua phiên dịch;
b) Nhà giáo giảng dạy bằng ngoại ngữ trong chương trình liên kết đào tạo phải có trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu của chương trình, nhưng không thấp hơn trình độ bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam về năng lực ngoại ngữ hoặc tương đương;
c) Người vào học chương trình liên kết đào tạo để cấp bằng của nước ngoài ít nhất phải có trình độ ngoại ngữ đạt trình độ bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương;
d) Căn cứ nhu cầu của người học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết có thể tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ giúp người học đạt trình độ quy định tại Điểm c Khoản 6 của Điều này trước khi tổ chức giảng dạy chính khóa.
7. Quy mô đào tạo của chương trình liên kết được xác định căn cứ các điều kiện bảo đảm chất lượng chương trình quy định tại Khoản 3 và Khoản 5 của Điều này”.
Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo theo Điều 13 Nghị định 48/2015/NĐ-CP:
“Điều 13. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo
1. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở trung ương cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học.
2. Thủ trưởng cơ quan chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh nơi cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo liên kết cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động liên kết đào tạo đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp”.
Thứ ba, chứng chỉ đào tạo nghề.
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề thì công ty bạn có thể đào tạo và cấp chứng chỉ cho học viên.
Như vậy, chứng chỉ này do doanh nghiệp tự in.
Thứ tư, Thuế TNDN và Thuế GTGT.
Về thuế TNDN:
“3. Thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động áp dụng đối với
a) Phần thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường (sau đây gọi chung là lĩnh vực xã hội hóa).
Danh mục loại hình, tiêu chí quy mô, tiêu chuẩn của các doanh nghiệp thực hiện xã hội hóa được thực hiện theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định”.
Tại Khoản 2 Điều 20 Thông tư số 78/2014/TT-BTC hướng dẫn ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế như sau:
“2. Miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong năm năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực xã hội hóathực hiện tại địa bàn không thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ”.
Như vậy, miễn thuế bốn năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong năm năm và những năm tiếp theo hưởng thuế suất ưu đãi 10%.
Về thuế GTGT:
“13. Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học; dạy múa, hát, hội họa, nhạc, kịch, xiếc, thể dục, thể thao; nuôi dạy trẻ và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hoá, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp.
Trường hợp các cơ sở dạy học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông có thu tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu khác dưới hình thức thu hộ, chi hộ thì tiền ăn, tiền vận chuyển đưa đón học sinh và các khoản thu hộ, chi hộ này cũng thuộc đối tượng không chịu thuế.
Khoản thu về ở nội trú của học sinh, sinh viên, học viên; hoạt động đào tạo (bao gồm cả việc tổ chức thi và cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo) do cơ sở đào tạo cung cấp thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Trường hợp cơ sở đào tạo không trực tiếp tổ chức đào tạo mà chỉ tổ chức thi, cấp chứng chỉ trong quy trình đào tạo thì hoạt động tổ chức thi và cấp chứng chỉ cũng thuộc đối tượng không chịu thuế. Trường hợp cung cấp dịch vụ thi và cấp chứng chỉ không thuộc quy trình đào tạo thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT”.
“1. Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hoá chịu thuế GTGT bị tổn thất.
Các trường hợp tổn thất không được bồi thường được khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm: thiên tai, hoả hoạn, các trường hợp tổn thất không được bảo hiểm bồi thường, hàng hoá mất phẩm chất, quá hạn sử dụng phải tiêu huỷ. Cơ sở kinh doanh phải có đầy đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh các trường hợp tổn thất không được bồi thường để khấu trừ thuế.
Trường hợp hàng hoá có hao hụt tự nhiên do tính chất lý hoá trong quá trình vận chuyển, bơm rót như xăng, dầu… thì được kê khai, khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hoá thực tế hao hụt tự nhiên không vượt quá định mức hao hụt theo quy định. Số thuế GTGT đầu vào của số lượng hàng hoá hao hụt vượt định mức không được khấu trừ, hoàn thuế.
Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ hình thành tài sản cố định là nhà ăn ca, nhà nghỉ giữa ca, phòng thay quần áo, nhà để xe, nhà vệ sinh, bể nước phục vụ cho người lao động trong khu vực sản xuất, kinh doanh và nhà ở, trạm y tế cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp được khấu trừ toàn bộ.
Trường hợp nhà ở cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp do cơ sở kinh doanh đi thuê thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn thiết kế và giá cho thuê nhà ở công nhân khu công nghiệp thì thuế GTGT đối với khoản tiền thuê nhà trong trường hợp này được khấu trừ theo quy định. Trường hợp cơ sở kinh doanh xây dựng hoặc mua nhà ở ngoài khu công nghiệp phục vụ cho công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, nhà xây dựng hoặc nhà mua thực hiện theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn thiết kế nhà ở công nhân khu công nghiệp thì thuế GTGT của nhà xây dựng, nhà mua phục vụ cho công nhân được khấu trừ toàn bộ.
Trường hợp cơ sở kinh doanh có các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam công tác, giữ các chức vụ quản lý tại Việt Nam, hưởng lương tại Việt Nam theo hợp đồng lao động ký với cơ sở kinh doanh tại Việt Nam thì cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế GTGT của khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài này.
Trường hợp các chuyên gia nước ngoài vẫn là nhân viên của doanh nghiệp ở nước ngoài, chịu sự điều động của doanh nghiệp ở nước ngoài, được doanh nghiệp ở nước ngoài trả lương và hưởng các chế độ của doanh nghiệp ở nước ngoài trong thời gian sang Việt Nam công tác, giữa doanh nghiệp ở nước ngoài và cơ sở kinh doanh tại Việt Nam có hợp đồng bằng văn bản nêu rõ doanh nghiệp tại Việt Nam phải chịu các chi phí về chỗ ở cho các chuyên gia nước ngoài trong thời gian công tác ở Việt Nam thì thuế GTGT của khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam do cơ sở kinh doanh tại Việt Nam chi trả được khấu trừ.
2. Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ (kể cả tài sản cố định) sử dụng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT thì chỉ được khấu trừ số thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và không được khấu trừ; trường hợp không hạch toán riêng được thì thuế đầu vào được khấu trừ tính theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu chịu thuế GTGT so với tổng doanh thu của hàng hoá, dịch vụ bán ra không hạch toán riêng được.
Cơ sở kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT hàng tháng tạm phân bổ số thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ, tài sản cố định mua vào được khấu trừ trong tháng, cuối năm cơ sở kinh doanh thực hiện tính phân bổ số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của năm để kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào đã tạm phân bổ khấu trừ theo tháng”.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về câu hỏi của quý khách hàng. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Tư vấn pháp luật miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận Tư vấn pháp luật doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group