1. Thi thể được hiểu như thế nào?

Khi áp dụng quy định này trên thực tế, có thể sẽ dẫn tới những quan điểm khác nhau về khái niệm “thi thể”. Quan điểm thứ nhất cho rằng thi thể là xác của người chết chưa được an táng dưới bất cứ hình thức nào, nếu đã được an táng (địa táng) mà bị xâm phạm thì vấn đề bồi thường sẽ áp dụng theo quy định về bồi thường thiệt hại do mồ mả bị xâm phạm. Quan điểm thứ hai cho rằng thi thể là xác của người chết vẫn còn nguyên vẹn và chưa bị phân hủy, cho dù đã được an táng hay chưa, nếu đã địa táng mà bị xâm phạm thì người xâm phạm vừa phải bồi thường do xâm phạm thi thể, vừa phải bồi thường do xâm phạm mồ mả.

Tuy nhiên, quan điểm thứ hai là phù hợp hơn. Bởi vì, xét về tỉnh chất thì hành vi chỉ xâm phạm mồ mả (đập phá mồ mả, đào xới mồ mả,…) sẽ không thể nghiêm trọng bằng hành vi vừa đào xới mồ mả, vừa xâm phạm thi thể được chôn bên dưới mồ mả đó. Xét về hậu quả thì hành vi vừa đào xới mồ mả, vừa xâm phạm xác chết trong đó gây ra những tổn thất lớn hơn cả về vật chất và tinh thần.

2. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể

Quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể là quy định đặc biệt so với các quy định về các trường hợp bồi thường thiệt hại cụ thể khác. Bởi vì, đối với các trường hợp quy định từ Điều 594 đến Điều 605 và Điều 608 Bộ luật dân sự 2015 chỉ xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường, nhưng Điều luật này lại hướng tới giải quyết hai vấn đề:

– Xác định chủ thể bồi thường.

– Xác định các thiệt hại phải bồi thường.

Ví dụ: Điều 603 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra. Trong Điều luật chỉ xác định chủ thể phải bồi thường:

Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra

1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Còn trong Điều 606 Bộ luật dân sự 2015 lại có cả nội dung chủ thể phải bồi thường và các thiệt hại phải bồi thường.

Điều 606. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể

1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm thi thể phải bồi thường thiệt hại.

2. Thiệt hại do xâm phạm thi thể gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

3. Người chịu trách nhiệm bồi thường khi thi thể bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá ba mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

– Về chủ thể phải bồi thường thiệt hại:

Theo quy định tại Điều luật này, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại chính là chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm thi thể. Tuy nhiên, có thể người xâm phạm thi thể là người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, nên việc xác định chủ thể ngoài việc tuân theo quy định tại Điều luật này, còn phải tuân theo quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 586 Bộ luật dân sự. Tức là:

+ Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

+ Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp gây thiệt hại khi đang trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

+ Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.

– Về vấn đề xác định thiệt hại:

Mặc dù vấn đề xác định thiệt hại đã được quy định tại các điều từ Điều 589 đến Điều 592 Bộ luật dân sự 2015. Tuy nhiên, thi thể được đề cập trong Điều này không phải là một trong các đối tượng có thể bị xâm phạm như đề cập trong các quy định về xác định thiệt hại nói trên. Do đó, không thể áp dụng các quy định đó để xác định thiệt hại khi thi thể bị xâm phạm. Mặc dù vậy, những thiệt hại do thi thể bị xâm phạm cũng bao gồm hai loại đó là những thiệt hại về vật chất (khoản 2) và những thiệt hại do tổn thất về tinh thần (khoản 3).

Khoản 2 Điều 606: Thiệt hại do xâm phạm thi thể gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

Khoản 3 Điều 606: Người chịu trách nhiệm bồi thường khi thi thể bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết, nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá ba mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

3. Những điểm mới trong Bộ luật dân sự 2015 về quy định bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể

So với Bộ luật dân sự trước đây, quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể trong Bộ luật dân sự 2015 có những điểm mới như sau:

Thứ nhất, Bộ luật dân sự năm 2015 giới hạn các chủ thể xâm phạm thi thể chỉ gồm cá nhân, pháp nhân, trong khi đó BLDS cũ còn xác định thêm cả các chủ thể khác ngoài cá nhân và pháp nhân.

Thứ hai, khái niệm “người xâm phạm thi thể” được thay bằng khái niệm “người chịu trách nhiệm bồi thường” khi xác định chủ thể phải bù đắp về tinh thần. Sự thay đổi này là phù hợp, bởi vì không phải trường hợp nào người xâm phạm thi thể cũng phải tự bồi thường.

Thứ ba, việc xác định mức bù đắp tổn thất về tinh thần và căn cứ để xác định cũng được thay đổi. Theo đó, mức bù đắp sẽ áp dụng cho mỗi thi thể bị xâm phạm (BLDS cũ không quy định rõ vấn đề này) và căn cứ để tính là lương cơ sở chứ không phải lương tối thiểu như BLDS trước đây.

4. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả

Tại Điều 607 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:

Điều 607. Bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả

1. Cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại.

2. Thiệt hại do xâm phạm mồ mả gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại.

3. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp mồ mả của người khác bị xâm phạm phải bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết; nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi mồ mả bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Cũng giống như quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể, quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả cũng là một quy định đặc biệt. Bởi vì nó không chỉ hướng tới việc xác định chủ thể bị xâm phạm, mà còn hướng tới việc xác định thiệt hại.

Khi mồ mả bị xâm phạm, thiệt hại được xác định cũng bao gồm những tổn thất về vật chất (khoản 2) và những tổn thất về tinh thần (khoản 3). Chủ thể phải bồi thường thiệt hại có thể là cá nhân, pháp nhân có hành vi xâm phạm mồ mả. Tuy nhiên, việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường còn phải dựa trên quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân đã được quy định tại Điều 586 Bộ luật dân sự 2015.

So với BLDS cũ, BLDS năm 2015 có hai sự thay đổi: Một là, chỉ xác định cá nhân và pháp nhân là chủ thể xâm phạm mồ mả; Hai là, bổ sung quy định liên quan đến bù đắp tổn thất về tinh thần khi xâm phạm mồ mả là 10 lần mức lương cơ sở cho mỗi mồ mả bị xâm phạm. Việc bổ sung quy định về bù đắp tổn thất về tinh khi xâm phạm mồ mả là hoàn toàn phù hợp. Bởi vì, khi mồ mả của người chết bị xâm phạm sẽ gây ra những tổn thất về tinh thần cho thân nhân của họ (đau buồn, lo sợ,…), nên việc buộc người xâm phạm phải bù đắp tổn thất về tinh thần là phù hợp với lẽ công bằng.

5. Ví dụ về hành vi xâm phạm mồ mả

Bản án 10/2018/DS-ST ngày 10/10/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả của Tòa án nhân dân huyện Thạch Thành, Tỉnh Thanh Hóa:

Vào ngày 08/09/2017 gia đình ông Bùi Văn H thuê ông Bùi Văn S mang máy múc của ông S vào múc vườn cải tạo vườn tạp.Trong quá trình múc đất, đã múc quá sâu và quá gần khu mộ của gia đình ông Bùi Văn M và làm vỡ nát một ngôi mộ đôi, rạn nứt một ngôi mộ đơn. Ông M đã trình báo lên UBND xã Thạch Sơn và UBND xã Thạch Sơn đã giải quyết 3 lần nhưng bên gây thiệt hại không bồi thường thiệt hại cho gia đình ông. Việc gia đình ông H thuê người múc đất làm vỡ nát và rạn nứt 02 ngôi mộ của gia đình ông M làm tổn hại cả về vật chất, tinh thần và tâm linh của giòng họ gia đình ông M. Ước tính tổng thiệt hại một ngôi mộ đôi và một ngôi mộ đơn và thiệt hại về tinh thần của gia đình, dòng họ ông M là 40.000.000 đồng ( Bốn mươi triệu đồng ). Ông M yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Thạch Thành xem xét giải quyết buộc ông Bùi Văn H và ông Bùi Văn S bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình ông số tiền là 40.000.000 đồng ( Bốn mươi triệu đồng ). Tại buổi hòa giải ngày 02/8/2018 và tại phiên tòa ông yêu cầu người gây thiệt hại cho ông phải bồi thường tổng số tiền 30.000.000 đồng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./