NỘI DUNG YÊU CẦU
1. Cơ sở thi hành án hình sự:
Hiến pháp hiện hành nước ta khẳng định: các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng, những người và đơn vị hữu quan phải chấp hành nghiêm chỉnh. Yêu cầu mang tính nguyên tắc hiến định này đã khẳng định hiệu lực thi hành của tất cả các phán quyết của Toà án khi có hiệu lực pháp luật, đồng thời khẳng định ý nghĩa quan trọng của vấn đề thi hành án nói chung và thi hành án hình sự nói riêng.
Nhà nước ban hành pháp luật là nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo hướng đáp ứng nhu cầu, lợi ích của giai cấp cầm quyền và ở danh nghĩa chính thức, đáp ứng nhu cầu, lợi ích của toàn xã hội. Trật tự pháp luật được xác lập và trở thành điều kiện bảo đảm duy trì một trật tự ổn định của toàn xã hội. Trật tự ổn định này đồng thời cũng là điều kiện tồn tại của các thành viên trong xã hội. Pháp luật trong xã hội có giai cấp, là công cụ sắc bén không thể thay thế được để điều hành, quản lý xã hội, bảo vệ trật tự, an ninh của toàn xã hội. Nhưng bản thân sự tồn tại của pháp luật cũng như trật tự xã hội mà pháp luật xác lập luôn tạo ra nguy cơ bị xâm phạm. Điều này được lý giải bởi sự khác nhau, hoặc ít nhất là không hoàn toàn giống nhau của các lợi ích trong xã hội. Do vậy, bảo vệ pháp luật trở thành một nhu cầu thường xuyên mà các nhà nước đều phải quan tâm đến chừng nào còn tồn tại pháp luật. Như vậy, có thể nói, bảo vệ pháp luật là một chức năng tồn tại một cách thường trực, có tính độc lập tương đối, bên cạnh chức năng lập pháp, hành pháp. Pháp luật có được bảo vệ thì mới có được một trật tự cần thiết cho mọi hoạt động của Nhà nước cũng như xã hội.
2. Mục đích của thi hành án hình sự:
Nhiệm vụ bảo vệ pháp luật đòi hỏi phải phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh mọi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi phạm tội. Đối với các trường hợp phạm tội, Tòa án nhân danh công lý ra các phán quyết, nhằm lập lại trật tự xã hội đã bị vi phạm, trừng trị, giáo dục cải tạo người phạm tội, phòng ngừa tội phạm, thực hiện công lý, công bằng xã hội. Thi hành án hình sự chính là thực hiện các phán quyết đó và nói một cách khái quát thì thi hành án hình sự đó là việc thực hiện công lý, công bằng xã hội trong thực tế. Như vậy, đảm bảo thi hành các phán quyết của Tòa án trong thực tế là yêu cầu sông còn của Nhà nước, của xã hội, nó liên quan trực tiếp đến tính nghiêm minh của cả hệ thống pháp luật, đến hiệu lực, uy tín của Nhà nước, đến kỷ cương, phép nước. Vì vậy, các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được cả xã hội tôn trọng, các cá nhân, tổ chức hữu quan phải chấp hành nghiêm chỉnh trở thành nguyên tắc có tính chất hiến định.
3. Các quan điểm về thi hành án hình sự:
Trong khoa học pháp lý hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về bản chất của thi hành án hình sự và từ đó có nhiều quan niệm khác nhau về bản chất của pháp luật thi hành án hình sự. Có người cho rằng, thi hành án hình sự là một giai đoạn của quá trình tố tụng và do vậy, được điều chỉnh bằng các quy phạm của luật tố tụng hình sự. Song cũng có ý kiến cho rằng, thi hành án hình sự là một hoạt động hành chính – tư pháp hình sự, có những nét đặc thù riêng khác với hoạt động tố tụng hình sự. Một số khác thì coi thi hành án hình sự như là luật hình sự kéo dài. Việc xác định thi hành án hình sự là một giai đoạn tố tụng, luật hình sự kéo dài hay là hoạt động hành chính – tư pháp có ý nghĩa quan trọng để làm sáng tỏ bản chất thi hành án hình sự, mà xác định bản chất của thi hành án hình sự là một trong những vấn đề lý luận cơ bản của thi hành án hình sự. Bởi lẽ, xác định đúng bản chất thi hành án hình sự có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện, đặc biệt là tạo ra cơ chế quản lý, mô hình tổ chức và hoạt động phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả của thi hành án hình sự.
Tố tụng hình sự là việc giải quyết vụ án hình sự. Một vụ án chỉ có thể được coi là được giải quyết xong khi phán quyết của Tòa án được thi hành xong trong thực tế. Như vậy, thi hành án hình sự phải là một giai đoạn của tố tụng hình sự. Theo quan điểm này, bản án, quyết định của Tòa án mới chỉ xác định chân lý sự việc, xác định hành vi có tội hay vô tội; ai là người phạm tội và cần áp dụng hình phạt gì trên văn bản. Và phán quyết đó sẽ vô nghĩa và do vậy, vụ án vẫn chưa được giải quyết chừng nào bản án, quyết định của Tòa án chưa được thực hiện trên thực tế. Ở đây, thi hành án hình sự, như nhiều tác giả khẳng định, là “giai đoạn cuối cùng’ trong quá trình tố tụng. Lập luận cho quan điểm: bản chất của thi hành án hình sự là một giai đoạn tố tụng, những người theo quan điểm này cho rằng, bản án, quyết định của Tòa án, kết quả của giai đoạn xét xử là cơ sở, là căn cứ để tiến hành hoạt động thi hành án hình sự. Thi hành án hình sự dường như là sự tiếp tục của giai đoạn xét xử và chịu sự chi phối của cơ quan tố tụng, đặc biệt là Tòa án. Quyết định thi hành hình phạt, xóa án là do Chánh án Tòa án nhân dân ra quyết định, thủ tục ở các khâu quan trọng trong thi hành án hình sự đều do cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện. Việc thi hành các loại hình phạt đều được tiến hành dựa trên các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng, thậm chí được quy định trong luật tố tụng.
4. Đặc điểm của thi hành án hình sự:
Tuy nhiên, xét về bản chất, tố tụng là việc giải quyết các tranh chấp thông qua thủ tục xét xử của Tòa án. Điều đó có nghĩa là khi Tòa án đã đưa ra phán quyết về chân lý của sự việc, về việc phạm tội hay không phạm tội và về hình phạt áp dụng đốỉ với trường hợp này hay trưòng hợp khác thì quá trình tố tụng cũng kết thúc. Nói cách khác là tố tụng hình sự xác định có hay không có quan hệ pháp luật hình sự trong trường hợp này. Nếu có quan hệ đó thì quá trình tiếp theo là thực hiện nội dung của pháp luật hình sự: hình phạt hoặc biện pháp tư pháp hình sự. Thực hiện nội dung này không thể tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng, vì không có tranh chấp cần xét xử. Ở đây, thực chất là hoạt động quản lý hành chính tư pháp hình sự. Điều này được thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, thi hành án hình sự thực chất là hoạt động mang tính điều hành và chấp hành. Điều hành và chấp hành là đặc trưng của quản lý hành chính. Tuy nhiên, đây là hoạt động điều hành và chấp hành để thực hiện bản án, quyết định của Tòa án, tức là một nội dung có tính chất tư pháp. Do vậy, khó có thể nói thi hành án là giai đoạn của tố tụng;
Thứ hai, với tính chất là một hoạt động chấp hành, cho dù căn cứ để thi hành án hình sự là các bản án và quyết định của Tòa án, nhưng quá trình thi hành án hình sự được thực hiện với những hoạt động, biện pháp, cách thức không mang tính tố tụng, nghĩa là không thuần túy là luật hình thức, mà ở đây, có thể thấy sự kết hợp giữa luật nội dung với luật hình thức;
Thứ ba, trong quá trình thi hành, các cơ quan thi hành án tác động trực tiếp tới đối tượng phải thi hành án để họ tự giác thi hành hoặc áp dụng các biện pháp buộc họ phải thi hành nghĩa vụ đã được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án; giáo dục họ ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng lợi ích của cá nhân, của Nhà nước và xã hội, giáo dục họ trở thành người công dân có ích với xã hội. Phương pháp ở đây là thuyết phục giáo dục và mệnh lệnh hành chính;
Thứ tư, việc thi hành các hình phạt không phải hình phạt tù và tử hình, như cải tạo không giam giữ, người bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo được giao cho cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương thực hiện theo thủ tục quản lý hành chính. Việc thực hiện hình -phạt tiền, trục xuất và các hình phạt bổ sung, các biện pháp tư pháp hình sự cũng thực hiện theo thủ tục hành chính. Như vậy, có thể nói trong quá trình thi hành án hình sự, pháp luật được áp dụng chủ yếu không phải là pháp luật tố tụng, mà là các quy định pháp luật về hành chính – tư pháp;
Thứ năm, thi hành án hình sự trước hết là hoạt động của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, quá trình xã hội hóa hoạt động thi hành án hình sự cũng đang được tiến hành với nhiều triển vọng khả quan. Đây là điểm khác biệt so với hoạt động tố tụng, hoàn toàn mang tính quyền lực tư pháp chặt chẽ.
5. Kết luận:
Tóm lại, thi hành án hình sự tuy có quan hệ chặt chẽ với các giai đoạn tố tụng trước đó nhưng vẫn là một hoạt động có tính đặc thù, và có mục đích trực tiếp riêng biệt. Nếu tất cả các hoạt động tố tụng đều nhằm đạt đến một phán quyết đúng đắn của Tòa án, thì thi hành án lại nhằm thực hiện các nội dung trong phán quyết của Tòa án. Mọi hoạt động tố tụng hình sự đều dừng lại ở việc phán quyết của Tòa án, còn thi hành án lại được triển khai bắt đầu từ một phán quyết của Tòa án có hiệu lực thi hành. Hơn nữa, các mối quan hệ phát sinh trong quá trình thi hành án hình sự tuân theo các nguyên tắc mang đậm tính hành chính hơn là tính tố tụng. Nhưng mặt khác, không thể không thấy mối quan hệ biện chứng giữa quá trình tố tụng hình sự và thi hành án hình sự: tốtụng là tiền đề, khởi đầu của thi hành án; ngược lại, thi hành án là thực hiện kết quả tố tụng trong thực tế. Không có tố tụng thì không có thi hành án, nhưng không có thi hành án thì tố tụng trở nên vô nghĩa. Từ những phân tích trên, có thể kết luận: thi hành án là hoạt động có tính hành chính – tư pháp.
Từ khái niệm, bản chất thi hành án hình sự như trên, có thể định nghĩa một cách khái quát luật về thi hành án hình sự như sau: luật thi hành án hình sựlà một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật Việt Nam, gồm tổng hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình thi hành án hình sự nhằm đảm bảo thi hành trong thực tế các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group