1. Thời điểm có hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký kết hôn ?

Thưa Luật sư. Luật sư cho tôi xin hỏi Luật sư như sau trong trường hợp hai bên nam nữ đăng ký hôn nhân và được UBND xã Cấp giấy chứng nhận kết hôn. Tôi xin hỏi việc cấp giấy chứng nhận kết hôn thì sau bao nhiêu ngày thì giá trị của giấy chứng nhận đó có giá trị chính thức. Kết hôn có yếu tố nước ngoài thì tính giá trị pháp lý của giấy đăng ký kết hôn có khác không?
Tôi xin cảm ơn!

Luật sư tư vấn:

Khoản 1, điều 17 Luật hộ tịch năm 2014 quy định thẩm quyền đăng ký kết hôn là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên nam, nữ thực hiện đăng ký kết hôn.Khoản 1, điều 12 Luật Hộ tịch 2014 quy định nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

– TheoĐiều 9 Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 của Quốc hội quy định Đăng ký kết hôn như sau:

“1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.

Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.

2. Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn.”

– Điều 18 Luật hộ tịch năm 2014 quy định về thủ tục đăng ký kết hôn như sau:

“Điều 18. Thủ tục đăng ký kết hôn

1. Hai bên nam, nữ nộp tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cùng có mặt khi đăng ký kết hôn.

2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, công chức tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào Sổ hộ tịch, cùng hai bên nam, nữ ký tên vào Sổ hộ tịch. Hai bên nam, nữ cùng ký vào Giấy chứng nhận kết hôn; công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Trường hợp cần xác minh điều kiện kết hôn của hai bên nam, nữ thì thời hạn giải quyết không quá 05 ngày làm việc”.

Như vậy,hai bên nam nữ đăng ký hôn nhân và được UBND xã Cấp giấy chứng nhận kết hôn thì giá trị của giấy có hiệu lực ngay tại thời điểm hai bên đã đồng ý ký kết vào giấy và xác lập quan hệ vợ chồng ngay tại thời điểm có chữ ký của hai bên.

Gía trị pháp lý của giấy đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài

Điều 24, Nghị định số 126/2014 của Chính phủ về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài có quy định về lễ ĐKKH tại Việt Nam như sau:

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn, Sở Tư pháp tổ chức lễ đăng ký kết hôn.

2. Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trang trọng tại trụ sở Sở Tư pháp.

Khi tổ chức lễ đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện Sở Tư pháp chủ trì hôn lễ, yêu cầu hai bên khẳng định sự tự nguyện kết hôn. Nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện Sở Tư pháp ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn, yêu cầu từng bên ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ đăng ký kết hôn và trao cho mỗi bên vợ, chồng 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.

3. Giấy chứng nhận kết hôn có giá trị kể từ ngày tổ chức lễ đăng ký kết hôn theo nghi thức quy định tại Khoản 2 Điều này.

Việc cấp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn từ Sổ đăng ký kết hôn do Sở Tư pháp thực hiện theo yêu cầu.

4. Trường hợp có lý do chính đáng mà hai bên nam, nữ yêu cầu gia hạn thời gian tổ chức lễ đăng ký kết hôn quy định tại Khoản 1 Điều này thì được gia hạn ngày tổ chức lễ đăng ký kết hôn, nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn. Hết thời hạn 90 ngày mà hai bên nam, nữ không đến tổ chức lễ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc không tổ chức lễ đăng ký kết hôn; Giấy chứng nhận kết hôn được lưu trong hồ sơ.

Trường hợp hai bên vẫn muốn kết hôn với nhau thì phải làm lại thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu. Tham khảo bài viết liên quan: Xét tính hiệu lực của Giấy đăng ký kết hôn ?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.0191để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group. Rất mong nhận được sự hợp tác!

2. Giấy đăng ký kết hôn bị mất để đăng ký kết hôn lại thì cần những giấy tờ gì ?

Thưa Luật sư của LVN Group, em bị mất giấy đăng ký kết hôn. Nay em muốn làm lại giấy đăng ký kết hôn thì em cần phải đem theo những giấy tờ gì ạk. Với bây giờ hộ khẩu cũ của chồng em đã cắt nhưng chưa nhập khẩu vào nơi khác.
Vậy giờ em đi làm lại giấy đăng ký kết hôn thì phải bắt đầu từ đâu ạ ?
Em chân thành cám ơn.

Giấy đăng ký kết hôn bị mất để đăng ký kết hôn lại thì cần những giấy tờ gì?

Luật sư tư vấn thủ tục cấp lại đăng ký kết hôn, gọi ngay: 1900.0191

Luật sư trả lời:

Trường hợp này hai bạn sẽ nộp hồ sơ đăng ký lại kết hôn cho Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký kết hôn trước đây hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi hai bạn đang thường trú.

Về hồ sơ, cần chuẩn bị:

1. Tờ khai theo mẫu quy định;

2. Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây. Nếu không có bản sao Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn (ví dụ: giấy khai sinh của con, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng nếu có, sổ hộ khẩu…)

Về thủ tục giải quyết: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ đăng ký lại kết hôn là đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện đăng ký lại kết hôn.

Nếu trường hợp nộp tại UBND xã nơi đang thường trú không phải nơi đã đăng ký kết hôn: thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký kết hôn trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký kết hôn trước đây tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký kết hôn, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại kết hôn.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi số: 1900.0191 để được giải đáp. Trân trọng cảm ơn!

3. Có được đón con về nuôi khi không có giấy đăng ký kết hôn ?

Xin kính chào công ty luật LVN Group, em có vấn đề mong Luật sư của LVN Group tư vấn: Chồng em ở Nha Trang, em ở Ninh Thuận, chúng em không có giấy kết hôn nhưng có với nhau 1 đứa con. Giờ chồng em bắt con đi về quê nội, khi đi còn lấy theo 1 giấy khai sinh của cháu mang họ mẹ. Giờ em muốn tố cáo chồng em nhưng không biết ghi như thế nào ? Em gửi đơn quê em hay quê chồng em? Gửi công an hay toà án? Có cần phải trình bày đó là chồng em không? Nhờ Luật sư của LVN Group làm mẫu cho em 1 lá đơn, thật sự giờ em rất cần.
Nhờ Luật sư của LVN Group chỉ giùm em. Em xin chân thành cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân và gia đình gọi:1900.0191

Luật sư tư vấn:

Tuy hai bạn không tồn tại hôn nhân hợp pháp nhưng hai bạn vẫn có quyền và nghĩa vụ nuôi con ngang nhau. Nên chồng bạn cũng có quyền trực tiếp chăm sóc con. Muốn có quyền nuôi con thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa yêu cầu ly hôn và giải quyết quyền nuôi con. Tòa sẽ ra quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng và vẫn giải quyết quyền nuôi con. Khi quyền nuôi con thuộc về bạn thì bạn mới có quyền đón con về nuôi.

Điều 53 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về: Thụ lý đơn yêu cầu ly hôn

“1. Tòa án thụ lý đơn yêu cầu ly hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

2. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.”

Điều 14, 15 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:

“Điều 14. Giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

2. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.

Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.” Tham khảo bài viết liên quan: Không đăng ký kết hôn, người cha có quyền nuôi con?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

4. Chưa xuống xã ký giấy đăng ký kết hôn vậy đã hoàn thành thủ tục kết hôn chưa ?

Chào Luật sư của LVN Group: Em muốn hỏi là em làm giấy đăng ký kết hôn nhưng chưa xuống xã ký giấy, vậy đã hoàn thành thủ tục chưa và hủy được không? Làm thế nào để hủy ?
Cảm ơn Luật sư của LVN Group!

>> Luật sư tư vấn luật hôn nhân về kết hôn, gọi:1900.0191

Luật sư tư vấn:

Thủ tục đăng ký kết hôn được quy định tại ĐIều 18 Nghị định 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch (Đã được sửa đổi bổ sung tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định 06/2012/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực) như sau:

“Điều 18. Thủ tục đăng ký kết hôn

1. Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải nộp Tờ khai (theo mẫu quy định) và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân.

Trong trường hợp một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác, thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó.

Đối với người đang trong thời hạn công tác, học tập, lao động ở nước ngoài về nước đăng ký kết hôn, thì phải có xác nhận của Cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự Việt Nam tại nước sở tại về tình trạng hôn nhân của người đó.

Đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trong lực lượng vũ trang, thì thủ trưởng đơn vị của người đó xác nhận tình trạng hôn nhân.

Việc xác nhận tình trạng hôn nhân nói trên có thể xác nhận trực tiếp vào Tờ khai đăng ký kết hôn hoặc bằng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định tại Chương V của Nghị định này.

Việc xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng, kể từ ngày xác nhận.

2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 05 ngày.

3. Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn. Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên vợ, chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của vợ, chồng.”

Từ các quy định trên, bạn chưa ký vào giấy đăng ký kết hôn nên giấy kết hôn đó chưa có hiệu lực pháp luật và bạn hoàn toàn có thể hủy việc kết hôn đó. Tham khảo bài viết liên quan: Tư vấn thủ tục đăng ký kết hôn muộn ?

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật hôn nhân gia đình miễn phí qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

5. Người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam cần những giấy tờ gì ?

Xin chào Luật sư của LVN Group, tôi là người Đức, tôi muốn lấy vợ là công dân Việt Nam và kết hôn tại Việt Nam thì tôi cần chuẩn bị những giấy tờ gì trước khi về Việt Nam? Và thẩm quyền đăng ký kết hôn ở đâu?
Xin Luật sư của LVN Group tư vấn giúp tôi về vấn đề này. Tôi xin cảm ơn!

Người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam cần những giấy tờ gì và thẩm quyền đăng ký kết hôn ở đâu?

Luật sư tư vấn pháp luật Hôn nhân, gọi: 1900.0191

Luật sư tư vấn:

Trường hợp của bạn được quy định rõ trong Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam 2014:

“Điều 126. Kết hôn có yếu tố nước ngoài

1. Trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tuân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.

2. Việc kết hôn giữa những người nước ngoài thường trú ở Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.”

Về điều kiện kết hôn ở Việt Nam được quy định tại điều 8 luật hôn nhân gia đình Việt Nam 2014:

“Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.”

Như vậy, ngoài việc tuân thủ của pháp luật Đức, bạn cần tuân thủ đầy đủ các điều kiện kết hôn tại Việt Nam để có thể được đăng ký kết hôn tại Việt Nam. Còn về giấy tờ và thẩm quyền đăng ký kết hôn tại Việt Nam bạn cần chuẩn bị giấy tờ theo quy định của Nghị định 126/2014/NĐ-CP hương dẫn thi hành luật hôn nnhân và gia đình.

Thứ nhất, bạn cần chuẩn bị hồ sơ đăng kí kết hôn gồm các giấy tờ sau đây:

– Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu quy định;

– Giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân của mỗi bên, do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người xin kết hôn là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại đương sự là người không có vợ hoặc không có chồng.

– Trong trường hợp pháp luật của nước mà người xin kết hôn là công dân không quy định cấp giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân thì có thể thay giấy xác nhận tình trạng hôn nhân bằng giấy xác nhận lời tuyên thệ của đương sự là hiện tại họ không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó;

– Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc không mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;

– Bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế như giấy thông hành hoặc thẻ cư trú (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài);

– Bản sao có công chứng hoặc chứng thực sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm tú có thời hạn (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy xác nhận tạm tú (đối với người nước ngoài ở Việt Nam).

Thứ hai, thẩm quyền đăng ký kết hôn

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài.

Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi đăng ký thường trú, nhưng có nơi đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn.

2. Trường hợp người nước ngoài có yêu cầu đăng ký kết hôn với nhau tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của một trong hai bên, thực hiện đăng ký kết hôn; nếu cả hai bên không đăng ký thường trú tại Việt Nam thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của một trong hai bên thực hiện đăng ký kết hôn.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay tới số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hôn nhân – Công ty luật LVN Group