1. Khái niệm

Thời gian thử thách là thời gian cần thiết để cho người được hưởng án treo chứng tỏ sự tự cải tạo của mình trong điều kiện không bị cách li khỏi đời sống xã hội và được Toà án ấn định.

Thời gian thử thách là thời gian người bị án treo được giao cho cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội nơi người đó làm việc hoặc thường trú để theo dõi giáo dục. Đó là ràng buộc pháp !í đối với người bị án và để cơ quan có trách nhiệm kiểm tra kết quả sự tự cải tạo của người này. Đây là thời gian để khẳng định điều kiện “không phạm tội mớ? có thỏa mãn hay không để cho phép được miễn chấp hành hình phạt tù hay buộc phải chấp hành hình phạt đã tuyên đó. Cụ thể: người được hưởng án treo chỉ được miễn chấp hành hình phạt tù nếu trong thời gian thử thách không phạm tội mới. Trái lại, họ phải chấp hành hình phạt tù nếu phạm tội mới trong thời gian này.

2. Thời hạn thử thách

Thời gian thử thách được quy định trong luật là từ 1 năm đến 5 năm. Khi áp dụng cho trường hợp cụ thể, thời gian thử thách không được ngắn hơn mức hình phạt tù đã tuyên (trong thực tế, thời gian thử thách thường là dài hơn mức hình phạt tù đã tuyên). Thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên bản án hoặc bản án đầu tiên cho hưởng án treo (trong trường hợp có nhiều bản án đều cho hưởng án treo).

Thời gian thử thách có thể được toà án xét giảm khi người bị án đã chấp hành được một nửa và có nhiều tiến bộ.

3. Quy định pháp luật

Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27/11/2015 ngày 27/11/2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 12/2017/QH14 ngày 26/06/2017 (sau đây gọi tắt là Bộ luật hình sự) chỉ quy định về thời gian thử thách tại Khoản 1 Điều 65:

“Điều 65. Án treo

1. … ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.”

Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 15 tháng 05 năm 2018 (sau đây gọi là Nghị quyết số 02/2018) hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự về án treo quy định về thời gian thử thách như sau:

“Điều 4. Ấn định thời gian thử thách

Khi cho người phạm tội hưởng án treo, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm.”

“Điều 5. Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách

Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách được xác định như sau:

1. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

2. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm.

3. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.

4. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

5. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm hoặc tuyên án phúc thẩm lần đầu.

6. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

7. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực.

8. Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc phẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo, thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.”

4. Ấn định thời gian thử thách

Khi quyết định cho người bị kết án tù được hưởng án treo, tòa án buộc phải tuyên thời gian thử thách đối với họ trong giới hạn luật định. Thời gian thử thách của án treo là khoảng thời gian đủ để người bị án treo tự khẳng định về sự tự giác cải tạo, giáo dục của mình. Mặt khác, thời gian thử thách của án treo cũng giúp tòa án có điều kiện kiểm tra tính đúng đắn trong việc áp dụng án treo đối với người phạm tội đó. Do đó, thời gian thử thách áp dụng đối với mọi đối tượng được hưởng án treo, không thể cho hưởng án treo mà lại miễn thời gian thử thách.

Theo luật định, thời gian thử thách của án treo từ 01 năm đến 05 năm và thời gian thử thách phải bằng 02 lần mức hình phạt tù. Tuy nhiên, theo quy định điều kiện hưởng án treo, người được hưởng án treo là người bị xử phạt không quá 03 năm tù. Với người bị xử phạt 03 năm tù mà được hưởng án treo, thì thời gian thử thách tối đa đối đối với người đó chỉ là 05 năm tù mặc dù gấp 2 lần hình phạt phải là 06 năm tù.

5. Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách

Một vụ án hình sự có thể được xét xử ở nhiều cấp khác nhau: Cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm, Giám đốc thẩm. Do đó thời điểm bắt đầu tính thười gian thử thách phụ thuộc phài việc vụ án đó xét xử ở cấp nào.

Nhìn chung, thời gian thử thách được tính từ ngày tuyên án. Cụ thể:

– Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm gồm 05 trường hợp sau:

+ Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

+ Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cũng cho hưởng án treo.

+ Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại và Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo.

+ Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và sau khi xét xử sơ thẩm lại, Tòa án cấp sơ thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án sơ thẩm lần đầu.

+Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án phúc phẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm hoặc Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo.

– Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm gồm 02 trường hợp sau:

+ Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.

+ Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm để điều tra hoặc xét xử lại và, xét xử phúc thẩm lại, Tòa án cấp phúc thẩm vẫn cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ ngày tuyên án phúc thẩm lần đầu.

– Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực gồm 02 trường hợp sau:

+Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, bản án không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án sơ thẩm cho hưởng án treo thì thời gian thử thách tính từ.

+Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không cho hưởng án treo, nhưng Hội đồng giám đốc thẩm sửa bản án phúc thẩm cho hưởng án treo.