1. Thời hiệu là gì?

Thời hiệu là khoảng thời gian thời gian do luật quy định được xác định từ thời điểm bắt đầu đên thời điểm kết thúc mà khi kết thúc khoảng thời gian đó thì phát sinh một hậu quả pháp lý nhất định đối với chủ thể. Hậu quả pháp lý của thời hiệu có thể là chủ thể được hưởng một quyền dân sự; được miễn việc thực hiện nghĩa vụ dân sự; mất quyền khởi kiện vụ án dân sự; mất quyền yêu cầu giải quyết việc dân sự.

Theo khoản 1 Điều 149 Bộ luật dân sự 2015:

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

Thời hiệu đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định các quan hệ dân sự. Nếu không quy định thời hiệu, mỗi chủ thể tham gia vào quan hộ dân sự luôn bị đe dọa bởi tranh chấp có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến quyền lợi và đời sống của họ. Hơn nữa các căn cứ phát sinh quan hệ dân sự do thời gian làm cho quá trình chứng minh phức tạp. Khi giải quyết các tranh chấp dân sự, Toà án cần phải tiến hành điều tra thu thập chứng cứ để xác định sự thật khách quan nên nếu thời gian đã qua đi quá lâu, quá trình thu thập chứng cứ khó bảo đảm chính xác.

 

2. So sánh thời hạn và thời hiệu

Thời hiệu và thời hạn là hai thuật ngữ pháp lí hay bị nhầm lẫn với nhau nên việc phân biệt hai thuật ngữ này là khá quan trọng.

Tại Điệu 149 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về thời hiệu như sau:

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.

Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan.

Theo Điều 144 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 144. Thời hạn

1. Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác.

2. Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra.

Như vậy có thể thấy thời hiệu khác thời hạn ở những điểm cơ bản sau:

– Đơn vị tính:

Thời hạn: bất kỳ đơn vị nào (ngày, tháng, năm…) hoặc một sự kiện có thể xảy ra.

Thời hiệu: năm

– Điểm bắt đầu và kết thúc:

Thời hạn: Ngày băt đầu của thời hạn không tính vào thời hạn

Thời hiệu: Ngày bắt đầu của thời hiệu có tính vào thời hiệu.

– Gia hạn:

Thời hạn: thời hạn đã hết có thể gia hạn, kéo dài thời hạn.

Thời hiệu: thời hiệu hết thì không được gia hạn, không được rút ngắn hoặc kéo dài( do thời hạn do pháp luật quy định).

– Hậu quả pháp lí:

Thời hạn: chủ thể tham gia giao dịch dân sự đó phải gánh chịu hậu quả bất lợi nào đó.

Thời hiệu: không phải gánh chịu hậu quả pháp lý.

– Phân loại:

Thời hạn: Dựa vào chủ thể quy định có 3 loại: Thời hạn do luật định; Thời hạn thỏa thuận theo ý chí của các bên; Thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định khi xem xét, giải quyết các vụ việc cụ thể.

– Thời hiệu: Bao gồm 4 loại: Thời hiệu hưởng quyền dân sự; Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự; Thời hiệu khởi kiện; Thời hiệu yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự.

 

3. Khi nào thì áp dụng thời hiệu?

Khoản 2 Điều 149 Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau:

Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.

Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ.

Như vậy, có thể thấy nếu các bên đương sự không yêu cầu áp dụng thời hiệu thì Tòa án sẽ không xem xét đến vấn đề thời hiệu. Khi một chủ thế yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu thì yêu cầu phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.

Tuy nhiên, trong trường hợp người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu từ chối áp dụng thời hiệu thì Tòa án sẽ không áp dụng thời hiệu.

So với Bộ luật dân sự trước đây, quy định về thời hiệu trong Bộ luật dân sự năm 2015 có một số điểm mới như sau:

Thứ nhất, việc kết thúc thời hiệu chỉ dẫn đến những hậu quả pháp lý nếu có những điều kiện do luật quy định.

Thứ hai, thời hiệu có thể được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự hoặc luật khác có liên quan.

Thứ ba, một hoặc các bên có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu nhưng yêu cầu áp dụng thời hiệu phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.

4. Có những loại thời hiệu nào?

Việc xác định các loại thời hiệu dựa vào hậu quả pháp lý của việc kết thúc thời hiệu. Theo quy định tại Điều 150 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 150. Các loại thời hiệu

1. Thời hiệu hưởng quyền dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự.

2. Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.

3. Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện.

4. Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền yêu cầu.

– Thứ nhất, Thời hiệu hưởng quyền dân sự: Là khoảng thời gian do luật quy định mà khi kết thúc khoảng thời gian đó thì chủ thể được hưởng quyền dân sự. Ví dụ như: với trường hợp vật bị đánh rơi, bỏ quên mà sau 1 năm kể từ ngày thông báo công khai việc nhặt được mà không xác định được ai là chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì vật đó mới thuộc sở hữu của người nhặt được.

Khoản 2 Điều 230 Bộ luật dân sự 2015:

Sau 01 năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận thì quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

a) Trường hợp tài sản bị đánh rơi, bỏ quên có giá trị nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người nhặt được được xác lập quyền sở hữu đối với tài sản đó theo quy định của Bộ luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; trường hợp tài sản có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản, người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc về Nhà nước;

– Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ dân sự: Là khoảng thời gian do luật quy định mà khi kết thúc khoảng thời gian đó thì người có nghĩa vụ dân sự được miễn thực hiện nghĩa vụ. Ví dụ khi mua một sản phẩm điện máy luôn đi kèm với thời gian bảo hành từ nhà sản xuất hay từ người bán sản phẩm và khi kết thúc thời gian trên thì bên bán được miễn trừ nghĩa vụ bản hành đối với sản phẩm mà mình bán ra.

Điều 446 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 446. Nghĩa vụ bảo hành

Bên bán có nghĩa vụ bảo hành đối với vật mua bán trong một thời hạn, gọi là thời hạn bảo hành, nếu việc bảo hành do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Thời hạn bảo hành được tính kể từ thời điểm bên mua có nghĩa vụ phải nhận vật.

– Thời hiệu khởi kiện: Là khoảng thời gian do luật quy định mà khi kết thúc khoảng thời gian đó thì mất quyền khởi kiện. Ví dụ về thời kiện khởi kiện về hợp đồng như sau:

Điều 429. Thời hiệu khởi kiện về hợp đồng

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

– Thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự: Là khoảng thời gian do luật quy định, trong đó chủ thể được quyền yêu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; nếu hết khoảng thời gian đó thì mất quyền yêu cầu. Ví dụ: Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu

Điều 132. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu

1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các Điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:

a) Người đại diện của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự biết hoặc phải biết người được đại diện tự mình xác lập, thực hiện giao dịch;

b) Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối;

c) Người có hành vi đe dọa, cưỡng ép chấm dứt hành vi đe dọa, cưỡng ép;

d) Người không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình xác lập giao dịch;

đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.

 

5. Cách tính thời hiệu

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định và khoảng thời gian của thời hạn đó bao giờ cũng diễn ra liền nhau nên thời hiệu luôn được tính từ thời điểm bắt đầu đến thời điểm kết thúc của một khoảng thời gian liền nhau.

Điều 151 Bộ luật dân sự 2015:

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định và khoảng thời gian của thời hạn đó bao giờ cũng diễn ra liền nhau nên thời hiệu luôn được tính từ thời điểm bắt đầu đến thời điểm kết thúc của một khoảng thời gian liền nhau.

Trong đó, “ngày đầu tiên ”“ngày cuối cùng” của thời hiệu được xác định giống như việc xác định ngày đầu tiên và ngày cuối cùng của thời hạn. Nói cụ thể hơn, ngày đầu tiên của thời hiệu là ngày tiếp theo liền kề của ngày được xác định, ngày cuối cùng của thời hiệu là ngày tưong ứng của khoảng thời gian được xác định và sẽ là ngày làm việc tiếp theo nếu ngày cuối cùng là ngày nghỉ tuần hoặc nghỉ lễ.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.