Kính thưa quý khách hàng!
Công ty Luật TNHH LVN GROUP xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:
NỘI DUNG YÊU CẦU
Tôi có các câu hỏi cần được Luật sư của LVN Group hỗ trợ như nhau: Hiện tôi đang là freelancer tự do, cung cấp dịch vụ dịch thuật không công chứng, nguồn thu nhập chủ yếu từ nước ngoài. Đây là thu nhập từ dịch vụ dịch thuật do bản thân tôi tự cung cấp. Thu nhập dự tính 500 triệu/năm.
1. Thu nhập trên có nằm trong mức chịu thuế không? Nếu có thì tôi phải trả những loại thuế gì và thuế bao nhiêu phần trăm?
2. Trước đó tôi đã được Luật sư của LVN Group tư vấn rằng trường hợp của tôi rơi vào mức thuế 7% trong đó 5% GTGT và 2% TNCN.
Vậy là cá nhân lao động tự do, tôi có thể trả thuế 7% hay phải đăng ký hộ kinh doanh cá thể để có thể áp dụng mức thuế này?
3. Giả sử tôi muốn đăng ký hộ kinh doanh cá thể, ngành nghề mà tôi phải đăng ký có tên gọi là gì? Tôi đã kiểm tra danh sách ngành nghề nhưng không tìm thấy mục dịch thuật.
4. Giả sử tôi có thu nhập từ đầu năm 2021 nhưng tôi đăng ký hộ kinh doanh cá thể vào tháng 5/2021, khi khai báo và nộp thuế thì tôi phải nộp thuế cho cả năm hay tính từ thời điểm đăng kí kinh doanh?
5. Hồ sơ khai báo và nộp thuế cần cung cấp những giấy tờ gì và thủ tục quy trình như thế nào?
TRẢ LỜI:
CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Luật quản lý thuế 2019;
– Luật thuế thu nhập cá nhân 2007;
– Luật thương mại 2005;
– Luật doanh nghiệp 2020;
– Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do thủ tướng Chính Phủ ban hành;
– Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn luật quản lý thuế;
– Nghị định 39/2007/NĐ-CP về việc cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập,thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh;
– Nghị định 65/2013/NĐ-CP hướng dẫn luật thuế thu nhập cá nhân và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế thu nhập cá nhân;
– Nghị định 139/2016/NĐ-CP quy định về lệ phí môn bài;
– Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn luật thuế thu nhập cá nhân và nghị định 65/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ tài chính ban hành;
– Thông tư 119/2014/TT-BTC sửa đổi thông tư 156/2013/TT-BTC, 111/2013/TT-BTC, 219/2013/TT-BTC, 08/2013/TT-BTC, 85/2011/TT-BTC, 39/2014/TT-BTC và 78/2014/TT-BTC để cải cách, đơn giản thủ tục hành chính về thuế do bộ trưởng bộ tài chính ban hành;
– Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế 71/2014/QH13 và nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về thuế do Bộ trưởng bộ tài chính ban hành;
– Nghị quyết 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành;
– Các văn bản pháp luật khác;
NỘI DUNG TƯ VẤN
Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, một người chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân khi có thu nhập tính thuế (thu nhập tính thuế >0). Tuy nhiên, mỗi nguồn thu nhập thì thu nhập tính thuế có quy định khác nhau. Theo thông tin Qúy khách cung cấp, Luật LVN Group hiểu rằng Qúy khách là cá nhân cư trú, do đó trong thư tư vấn này, Luật LVN Group sẽ trả lời đối với đối tượng là cá nhân cư trú.
Đối với cá nhân cư trú, thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập;
Để Qúy khách dễ hiểu Luật LVN Group trả lời từng câu hỏi Qúy khách như sau:
Câu hỏi 1. Thu nhập trên có nằm trong mức chịu thuế không? Nếu có thì tôi phải trả những loại thuế gì?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định các khoản thu nhập chịu thuế như sau:
“Điều 2. Các khoản thu nhập chịu thuế
Theo quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân và Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
1. Thu nhập từ kinh doanh
Thu nhập từ kinh doanh là thu nhập có được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực sau:
a) Thu nhập từ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật như: sản xuất, kinh doanh hàng hóa; xây dựng; vận tải; kinh doanh ăn uống; kinh doanh dịch vụ, kể cả dịch vụ cho thuê nhà, quyền sử dụng đất, mặt nước, tài sản khác.
b) Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân trong những lĩnh vực, ngành nghề được cấp giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.
c) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản không đáp ứng đủ điều kiện được miễn thuế hướng dẫn tại điểm e, khoản 1, Điều 3 Thông tư này.”
Qúy khách phát sinh thu nhập từ hoạt động cung cấp dịch vụ dịch thuật cho cá nhân, tổ chức nước ngoài. Vì vậy, thu nhập này được xác định là thu nhập chịu thuế.
Căn cứ quy định tại Thông tư 92/2015/TT-BTC thì cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN), thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) theo quy định. Như thông tin Qúy khách cung cấp, thu nhập của Qúy khách khoảng 500 triệu/năm. Vì vậy, Qúy khách phải nộp thuê TNCN và thuế GTGT theo quy định.
Số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng phải nộp được xác định trên doanh thu và thuế suất.
Trong đó, thuế suất thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng đối với cá nhân được xác định dựa trên ngành nghề kinh doanh của cá nhân kinh doanh,
Điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định:
“b.1) Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề như sau:
– Phân phối, cung cấp hàng hóa: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 1%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 0,5%.
– Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 5%;tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 2%.
– Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 3%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1,5%.
– Hoạt động kinh doanh khác: tỷ lệ thuế giá trị gia tăng là 2%; tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân là 1%.”
Như vậy, Qúy khách là cá nhân kinh doanh dịch vụ dịch thuật sẽ phải nộp thuế TNCN và thuế GTGT là 7% trên doanh thu.
Câu hỏi 2. Trường hợp của tôi rơi vào mức thuế 7% trong đó 5% GTGT và 2% TNCN đúng không?
Vậy là cá nhn lao động tự do, tôi có thể trả thuế 7% hay phải đăng ký hộ kinh doanh cá thể để có thể áp dụng mức thuế này?
Trả lời:
Pháp luật hiện hành có quy định về các trường hợp kinh doanh không phải đăng ký kinh doanh. Cụ thể được quy định Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP Về cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh như sau:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, một số từ ngữ được hiểu như sau:
1. Cá nhân hoạt động thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “thương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại sau đây:
a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các thương nhân được phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;
b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;
c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, nước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;
d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc người bán lẻ;
đ)Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;
e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.
2. Kinh doanh lưu động là các hoạt động thương mại không có địa điểm cố định.”
Theo điểm đ Khoản 1 nêu trên, nếu thực hiện dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định thì không bắt buộc phải đăng ký kính doanh. Do đó, trường hợp của Qúy khách không bắt buộc phải đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Cá nhân kinh doanh áp dụng mức thuế như đã nêu ở câu hỏi 1.
Câu hỏi 3. ngành nghề mà tôi phải đăng ký có tên gọi là gì?
* Công việc chính là dịch thuật không công chứng, tuy nhiên có đảm nhận các dịch vụ cá nhân khác như trợ lí ảo, thư kí ảo, nhập liệu. Vậy khi khai báo ngành nghề hoặc đang kí ngành nghề kinh doanh cá thể thì trường hợp trên thuộc ngành nghề nào và có cần các chứng chỉ hoặc bằng cấp để kinh doanh hay không?
Trả lời:
Đối với hoạt động dịch thuật, Qúy khách đăng ký mã ngành 7490 Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu. Ghi “Chi tiết: – Hoạt động phiên dịch”
Vì theo phụ lục II nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định:
“749 – 7490: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu
74901: Hoạt động khí tượng thủy văn
Nhóm này gồm:
– Dự báo thời tiết;
– Đo lượng nước, độ ẩm, hoàn lưu bão…
74909: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác còn lại chưa được phân vào đâu
Nhóm này gồm: Các dịch vụ đa dạng phục vụ khách hàng tiêu dùng. Gồm những hoạt động có kỹ năng chuyên môn, khoa học và công nghệ:
– Hoạt động phiên dịch;
– Hoạt động của các tác giả sách khoa học và công nghệ;
– Hoạt động của những nhà báo độc lập;
– Hoạt động môi giới thương mại, sắp xếp có mục đích và bán ở mức nhỏ và trung bình, bao gồm cả thực hành chuyên môn, không kể môi giới bất động sản;
– Hoạt động môi giới bản quyền (sắp xếp cho việc mua và bán bản quyền);
– Hoạt động đánh giá trừ bất động sản và bảo hiểm (cho đồ cổ, đồ trang sức…);
– Thanh toán hối phiếu và thông tin tỷ lệ lượng;
– Tư vấn chứng khoán;
– Tư vấn về nông học;
– Tư vấn về công nghệ khác;
– Hoạt động tư vấn khác trừ tư vấn kiến trúc, kỹ thuật và quản lý…
Nhóm này cũng gồm: Hoạt động bởi các đại lý hoặc các đại lý thay mặt cá nhân thường liên quan đến việc tuyển dụng người cho điện ảnh, âm nhạc hoặc thể thao, giải trí khác hoặc sắp xếp sách, vở kịch, tác phẩm nghệ thuật, ảnh… với nhà xuất bản hoặc nhà sản xuất…
Hoạt động kinh doanh dịch vụ dịch thuật không thuộc nhóm ngảnh nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Phụ lục 4 của Luật đầu tư năm 2020, nên Qúy khách không cần xin giấy phép nào khác. Tuy nhiên, Qúy khách phải đáp ứng một số điều kiện như sau:
– Về tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch:
Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 23/2015/NĐ-CP quy định tiêu chuẩn, điều kiện của người dịch như sau:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
2. Có bằng cử nhân ngoại ngữ trở lên về thứ tiếng nước ngoài cần dịch hoặc có bằng tốt nghiệp đại học trở lên đối với thứ tiếng nước ngoài cần dịch.
Đối với ngôn ngữ không phổ biến mà người dịch không có bằng cử nhân ngoại ngữ, bằng tốt nghiệp đại học theo quy định tại Khoản này thì phải thông thạo ngôn ngữ cần dịch.
Ngôn ngữ phổ biến được hiểu là ngôn ngữ được thể hiện trên nhiều giấy tờ, văn bản được sử dụng tại Việt Nam và nhiều người Việt Nam có thể dịch ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản, tiếng Tây Ban Nha.
Ngôn ngữ không phổ biến là ngôn ngữ ít được thể hiện trên giấy tờ, văn bản sử dụng tại Việt Nam và ít người có thể dịch được ngôn ngữ này ra tiếng Việt hoặc ngược lại. Ví dụ: tiếng Mông Cổ, tiếng Ấn Độ…(khoản 2 Đều 16 Thông tư 01/2020/TT-BTP)
Đối với các công việc khác như trợ lí ảo, thư kí ảo, nhập liệu. Các công việc này Qúy khách nêu chưa rõ, tuy nhiên nếu đó là hoạt động xử lý dữ liệu hoàn chỉnh cho khách hàng như: nhập tin, làm sạch dữ liệu, tổng hợp dữ liệu, tạo báo cáo, …từ dữ liệu do khách hàng cung cấp thì Qúy khách có thể đăng ký mã ngành 6311 xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan Vì theo phụ lục II nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định:
“6311 – 63110: Xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan
Nhóm này gồm:
– Xử lý dữ liệu hoàn chỉnh cho khách hàng như: nhập tin, làm sạch dữ liệu, tổng hợp dữ liệu, tạo báo cáo, …. từ dữ liệu do khách hàng cung cấp.
– Hoạt động cung cấp và cho thuê hạ tầng thông tin như: cho thuê tên miền internet, cho thuê trang Web….
– Các hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan khác như: chia sẻ thời gian thực cho các thiết bị công nghệ thông tin (máy chủ, máy tính cá nhân, thiết bị di động,..) cho khách hàng.”
Câu hỏi 4. Giả sử tôi có thu nhập từ đầu năm 2021 nhưng tôi đăng ký hộ kinh doanh cá thể vào tháng 5/2021, khi khai báo và nộp thuế thì tôi phải nộp thuế cho cả năm hay tính từ thời điểm đăng kí kinh doanh?
Trả lời:
Theo quy định về quản lý thuế, có 3 loại thuế chính mà hộ kinh doanh cá thể phải nộp gồm:
- Lệ phí (thuế) môn bài;
- Thuế giá trị gia tăng;
- Thuế thu nhập cá nhân;
1. Lệ phí môn bài
Theo quy định tại Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/02/2020 như sau:
“8. Miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) đối với:
a) Tổ chức thành lập mới (được cấp mã số thuế mới, mã số doanh nghiệp mới).
b) Hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh.
c) Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài trong thời gian tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân được miễn lệ phí môn bài.
Như vậy, đối với Hộ gia đình lần đầu ra hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ được miễn lệ phí môn bài trong năm đầu hoạt động sản xuất kinh doanh.
Doanh thu tính thuế GTGT và doanh thu tính thuế TNCN là doanh thu bao gồm thuế của toàn bộ tiền bán hàng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Do đó thời điểm tính thuế của hộ kinh doanh cá thể là từ thởi điểm hộ kinh doanh thành lập.
Câu hỏi 5. Hồ sơ khai báo và nộp thuế cần cung cấp những giấy tờ gì và thủ tục quy trình như thế nào?
5.1. Đối với cá nhân kinh doanh:
- Đối với cá nhân kinh doanh thì hồ sơ kê khai Thuế TNCN và Thuế GTGT cần những giấy tờ gì?
- Có cần hoá đơn hoặc bằng chứng (giao dịch chuyển khoản) hay không? Nếu sử dụng hoá đơn thì những loại hoá đơn nào được Cục thuế chấp nhận?
5.2. Đối với hộ kinh doanh cá thể:
- Đối với hộ kinh doanh cá thể thì hồ sơ kê khai Thuế TNCN và Thuế GTGT cần những giấy tờ gì?
- Hộ kinh doanh cá thể có cần đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử hay không? Hoá đơn điện tử có được Cục thuế chấp nhận khi tiến hành khai báo thuế hay không? Những loại hoá đơn nào được Cục thuế chấp nhận?
Trả lời:
5.1. Đối với cá nhân kinh doanh
– Đối với cá nhân kinh doanh thì hồ sơ kê khai Thuế TNCN và Thuế GTGT cần những giấy tờ gì?
– Có cần hoá đơn hoặc bằng chứng (giao dịch chuyển khoản) hay không? Nếu sử dụng hoá đơn thì những loại hoá đơn nào được Cục thuế chấp nhận?
Trả lời:
Qúy khách không nói rõ, cá nhân kinh doanh (cá nhân kinh doanh ở đây là cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật) nộp thuế theo phương pháp khoán hay nộp thuế theo từng lần phát sinh vì vậy, Luật LVN Group chia thành hai trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Khai thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán: (Điều 6 Thông tư 92/2015/TT-BTC)
Trên thực tế, hầu hết hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ nộp thuế theo phương pháp khoán.
* Nguyên tắc áp dụng
Khoản 1 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định về nguyên tắc áp dụng phương pháp tính thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán như sau:
– Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (sau đây gọi là cá nhân nộp thuế khoán) là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh; cho thuê tài sản; làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp.
– Đối với cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm.
Như vậy, hộ, cá nhân kinh doanh chỉ phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng khi doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.
* Công thức tính thuế
Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x 5% thuế GTGT
Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x 2% thuế TNCN
Trong đó:
– Doanh thu tính thuế:
+ Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
Nếu cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.
+ Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
– Nguyên tắc khai thuế
+ Cá nhân nộp thuế khoán khai thuế khoán một năm một lần tại Chi cục Thuế nơi cá nhân có địa điểm kinh doanh và không phải quyết toán thuế.
+ Cá nhân nộp thuế khoán sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì ngoài việc khai doanh thu khoán, cá nhân tự khai và nộp thuế đối với doanh thu trên hóa đơn theo quý.
– Hồ sơ khai thuế
Từ ngày 20 tháng 11 đến ngày 05 tháng 12 của hằng năm, cơ quan thuế phát Tờ khai thuế năm sau cho tất cả các cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán.
Hồ sơ khai thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán cụ thể như sau:
+ Cá nhân nộp thuế khoán khai thuế đối với doanh thu khoán theo Tờ khai mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư này.
+ Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì cá nhân khai doanh thu theo hóa đơn vào Báo cáo sử dụng hóa đơn theo mẫu số 01/BC-SDHĐ-CNKD ban hành kèm theo Thông tư này và không phải lập, nộp Báo cáo sử dụng hóa đơn ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính.
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế:
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán đối với hộ, cá nhân kinh doanh được quy định rõ tại điểm c khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:
“Chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề đối với hồ sơ khai thuế khoán của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán; trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.”
Ví dụ: Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán năm 2022 chậm nhất là ngày 15/12/2021.
Trường hợp 2. Khai thuế, nộp thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh
Điều 3 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định về phương pháp tính thuế đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh như sau:
– Nguyên tắc áp dụng
Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh gồm: Cá nhân cư trú có phát sinh doanh thu kinh doanh ngoài lãnh thổ Việt Nam; cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định; cá nhân hợp tác kinh doanh với tổ chức theo hình thức xác định được doanh thu kinh doanh của cá nhân.
Kinh doanh không thường xuyên được xác định tùy theo đặc điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng lĩnh vực, ngành nghề và do cá nhân tự xác định để lựa chọn hình thức khai thuế theo phương pháp khoán hoặc khai thuế theo từng lần phát sinh.
Địa điểm kinh doanh cố định là nơi cá nhân tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh như: địa điểm giao dịch, cửa hàng, cửa hiệu, nhà xưởng, nhà kho, bến, bãi, ..
– Căn cứ tính thuế
Căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế theo từng lần phát sinh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.
* Công thức tính thuế
Thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x 5% thuế GTGT
Thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x 2% thuế TNCN
Trong đó:
– Doanh thu tính thuế:
+ Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ được xác định theo hợp đồng bán hàng, gia công, hoa hồng, dịch vụ bao gồm cả khoản trợ giá, phụ thu, phụ trội; các khoản bồi thường, phạt vi phạm hợp đồng (đối với doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân) mà cá nhân kinh doanh được hưởng không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
* Thời điểm xác định doanh thu tính thuế
Đối với hoạt động vận tải, cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ nếu thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ trước thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ.
1. Nguyên tắc khai thuế
– Cá nhân nộp thuế từng lần phát sinh khai thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo từng lần phát sinh nếu có tổng doanh thu kinh doanh trong năm dương lịch trên 100 triệu đồng.
2. Hồ sơ khai thuế
Hồ sơ khai thuế đối với cá nhân nộp thuế theo từng lần phát sinh gồm:
– Tờ khai theo mẫu số 01/CNKD ban hành kèm theo Thông tư này.
– Bản chụp hợp đồng kinh tế cung cấp hàng hóa, dịch vụ;
– Bản chụp biên bản nghiệm thu, thanh lý hợp đồng;
– Bản chụp tài liệu chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa như: Bảng kê thu mua hàng nông sản nếu là hàng hóa nông sản trong nước; Bảng kê hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới nếu là hàng cư dân biên giới nhập khẩu; Hóa đơn của người bán hàng giao cho nếu là hàng hóa nhập khẩu mua của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong nước; tài liệu liên quan để chứng minh nếu là hàng hóa do cá nhân tự sản xuất; …
– Trường hợp cá nhân kinh doanh theo hình thức hợp tác kinh doanh ủy quyền cho tổ chức khai thuế và nộp thuế thay thì tổ chức khai thuế thay theo Tờ khai mẫu số 01/CNKD kèm theo Phụ lục mẫu số 01-1/BK-CNKD ban hành kèm theo Thông tư này và bản chụp hợp đồng hợp tác kinh doanh (nếu là lần khai thuế đầu tiên của hợp đồng).
3. Nơi nộp hồ sơ khai thuế
– Cá nhân nộp thuế theo từng lần phát sinh nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi thường trú hoặc tạm trú).
– Cá nhân kinh doanh buôn chuyến thì nơi nộp hồ sơ khai thuế là nơi cá nhân đăng ký kinh doanh.
4. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế
Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế theo từng lần phát sinh chậm nhất là ngày thứ 30 (ba mươi) của quý tiếp theo quý phát sinh doanh thu tính thuế.
5. Thời hạn nộp thuế
Thời hạn nộp thuế là thời hạn nộp hồ sơ khai thuế.
5.2. Đối với hộ kinh doanh cá thể:
1. Đối với hộ kinh doanh cá thể thì hồ sơ kê khai Thuế TNCN và Thuế GTGT cần những giấy tờ gì?
– Đối với hộ kinh doanh cá thể thì hồ sơ kê khai Thuế TNCN và Thuế GTGT cũng tương tư như đối với cá nhân kinh doanh nêu ở mục câu hỏi 5.1 ở trên. Vì theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 92/2016/TT-BTC quy định “ Người nộp thuế theo hướng dẫn tại Chương I Thông tư này là cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật (sau đây gọi là cá nhân kinh doanh)”
Ngoài ra, nếu mới thành lập hộ kinh doanh, theo quy định tại Khoản 8 Điều 7 Thông tư 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, Địa điểm nộp và hồ sơ đăng ký thuế lần đầu thực hiện như sau:
– Địa điểm nộp thuế: Đối với người nộp thuế là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp hồ sơ tại Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực nơi đặt địa điểm kinh doanh.
– Hồ sơ đăng ký thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh gồm:
+ Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này hoặc hồ sơ khai thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế;
+ Bảng kê cửa hàng, cửa hiệu phụ thuộc mẫu số 03-ĐK-TCT-BK01 ban hành kèm theo Thông tư này (nếu có);
+Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (nếu có);
+ Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam; bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài hoặc cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.
– Hộ kinh doanh cá thể có cần đăng ký sử dụng hoá đơn điện tử hay không? Hoá đơn điện tử có được Cục thuế chấp nhận khi tiến hành khai báo thuế hay không? Những loại hoá đơn nào được Cục thuế chấp nhận?
Trả lời:
Theo Khoản 4 Điều 12 Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định:
“4. Hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 03 (ba) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 (mười) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc nhưng có thực hiện sổ sách kế toán, có yêu cầu thì cũng được áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định.”
Theo quy định này, hộ, cá nhân kinh doanh phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ khi có những điều kiện sau:
– Hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán;
– Hộ, cá nhân kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên;
– Hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu năm trước liền kề từ 03 (ba) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 (mười) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ;
Hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc nhưng có thực hiện sổ sách kế toán, có yêu cầu thì cũng được áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định.
Hộ, cá nhân kinh doanh không đáp ứng điều kiện phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế nhưng cần có hóa đơn để giao cho khách hàng hoặc trường hợp doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác được cơ quan thuế chấp nhận cấp hóa đơn điện tử để giao cho khách hàng thì được cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh và phải khai, nộp thuế trước khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh theo Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Lưu ý: Đây là hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ do đó đương nhiên được Cục thuế chấp nhận khi tiến hành khai báo thuế.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về “Tư vấn về thuế thu nhập cá nhân. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và hồ sơ do quý khách cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để quý khách tham khảo. Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng cảm ơn!
Bộ phận tư vấn Pháp luật
Công ty Luật TNHH LVN Group