1. Thủ tục cấp lại chứng minh thư có sai sót ?

Thưa Luật sư của LVN Group, Cách đây 1 tháng em làm chứng minh thư nhân dân. Lúc làm xong, người ta cho kiểm tra lại thông tin nhưng em chỉ đọc qua loa ở dưới mà không để ý đến phần tên của mình là đúng hay sai.

Đến ngày hôm qua người ta phát cho em chứng minh thư nhân dân, thì em phát hiện mình đã bị sai tên ( cụ thể là Trâm thì thành Châm ). Họ đã thu lại chứng minh thứ đó và bảo em mang giấy khai sinh, sổ hộ khẩu lên công an huyện làm lại. Nhưng bố mẹ em lại bảo sai thì họ sẽ làm lại cho mình và hẹn ngày đến lấy. Em không biết phải làm theo người ta hay bố mẹ ?

Em xin chân thành cảm ơn!

Người gửi: Đ.T.B.T

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:1900.0191

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn luật hộ tịch thì Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm; ngày, tháng, năm sinh; giới tính, dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy Khai sinh của người đó.

Theo Điều 5 Nghị định số 05/1999/NĐ-CP về chúng minh thư nhân dân (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 170/2007/NĐ-CP) thì những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân:

” Điều 5. Đổi, cấp lại Chứng minh nhân dân

1- Những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi Chứng minh nhân dân :

a) Chứng minh nhân dân hết thời hạn sử dụng;

b) Chứng minh nhân dân hư hỏng không sử dụng được;

c) Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh;

d) Thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

e) Thay đổi đặc điểm nhận dạng.

2- Trường hợp bị mất Chứng minh nhân dân thì phải làm thủ tục cấp lại.

Tại Tiết c Điểm 1 Mục I Thông tư số 04/1999/TT-BCA về chúng minnh thư nhân dân quy định về thẩm quyền cấp lại chứng minh thư là: c- Công dân có trách nhiệm đến công an cấp huyện để đổi lại CMND trong các trường hợp phải đổi CMND, cấp lại CMND nếu mất. Đến công an phường, xã trình báo trong trường hợp bị thu hồi CMND.

Trình tự, thủ tục cấp đổi chứng minh nhân dân:

Được quy định tại tiết c điểm 2 mục II Thông tư số 04/1999/TT-BCA:

c- Thủ tục đổi, cấp lại CMND.

– Đơn trình bầy rõ lý do đổi CMND hoặc cấp lại, có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóng dấu giáp lai;

– Xuất trình hộ khẩu thường trú (Sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu, chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã, phường, thị trấn;

– Đối với những trường hợp thay đổi họ tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, đổi lại CMND phải xuất trình Quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi các nội dung trên đây;

– Chụp ảnh (như trường hợp cấp mới);

– Kê khai tờ khai cấp chứng minh nhân dân theo mẫu;

– Vân tay hai ngón trỏ có thể in vào tờ khai theo mẫu hoặc cơ quan Công an thu vân tay hai ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào tờ khai và CMND;

– Nộp lệ phí;

– Các trường hợp đổi CMND phải nộp lại giấy CMND theo Quyết định số 143/CP ngày 9-8-1976 của Hội đồng Chính phủ (nếu có), CMND đã hết hạn sử dụng, hư hỏng hoặc có thay đổi nội dung cho cơ quan công an ngay khi làm thủ tục đổi để lưu chung với hồ sơ.

Những trường hợp mất hồ sơ do thất lạc, hoả hoạn, bão lụt và các trường hợp bất khả kháng, cơ quan công an phải thông báo khi công dân đến làm thủ tục cấp đổi, cấp lại CMND thì làm thủ tục cấp mới cho những đối tượng này.

Như vậy với quy định nêu trên thì bạn phải đến cơ quan công an cấp huyện để yêu cầu cấp đổi chứng minh nhân dân và đính chính lại tên cho đúng với tên ghi trong Giấy khai sinh của bạn, theo đúng trình tự và thủ tục nêu trên.

2. Thắc mắc về làm lại Chứng minh thư nhân dân?

Xin chào luật LVN Group, tôi có câu hỏi xin được giải đáp: Giấy khai sinh của tôi do trước đây bố tôi đi khai sinh có ghi nhầm ngày sinh là 16 nhưng sửa lại là 06 viết đè lên. Nay tôi đi làm CMND thì công an không chấp nhận do giấy khai sinh chỉnh sửa. Vậy Luật sư cho hỏi giờ tôi phải làm thủ tục gì để làm được CMND và ghi đủ ngày sinh vào trong hộ khẩu? để giấy tờ của tôi khớp nhau.
Xin cảm ơn.
Người gửi: H.T.P

Luật sư tư vấn pháp luật dân sự, gọi:1900.0191

Trả lời:

Thứ nhất, bạn cần phải chỉnh sửa thông tin trên giấy khai sinh của mình.

Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì:

Điều 6. Giá trị pháp lý của Giấy khai sinh

1. Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.2. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó.

3. Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh.

Trường hợp mà bạn nêu,do trước đây bố tôi đi khai sinh có ghi nhầm ngày sinh là 16 nhưng sửa lại là 06 viết đè lên. Quy định về việc cải chính Giấy khai sinh quy định tại Khoản 2 Điều 7 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cụ thể:

Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Như vậy, chỉ 02 trường hợp được thay đổi sai sót ngày, tháng, năm sinh trong Giấy khai sinh, gồm:

– Có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch;

– Có sai sót của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Về thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch, hiện nay được quy định tại Điều 28 Luật Hộ tịch 2014.

Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp cho cơ quan đăng ký hộ tịch:

– Tờ khai đăng ký việc thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc (ban hành kèm theo Thông tư 15/2015/TT-BTP);

– Giấy tờ chứng minh có sai sót về ngày, tháng, năm, sinh của công chức hộ tịch hoặc người yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

3. Không có dấu vân tay có làm được chứng minh thư nhân dân không ?

Thưa Luật sư của LVN Group, Tôi bị bệnh á sừng nên không có dấu vân tay, nay tôi muốn làm chứng minh thư nhân dân vậy tôi có thể được cấp chứng minh thư không ạ?
Người gửi: NKT

>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến (24/7) gọi số: 1900.0191

Trả lời:

Theo quy định của nghị định số 05/1999/NĐ-CP của Chính phủ về chứng minh thư nhân dân (Nghị định 170/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân), thì thủ tục cấp mới chứng minh thư nhân dân (CMTND) được tiến hành ở cơ quan công an và người xin cấp CMTND cần phải xuất trình các loại giấy tờ sau:

– Hộ khẩu thường trú;

– Chụp ảnh;

– In vân tay;

– Khai các biểu mẫu;

Một số quy định mới về CMTND theo nghị định 170/2007/NĐ-CP quy định:

Điều 2. Chứng minh nhân dân hình chữ nhật dài 85,6 mm, rộng 53,98 mm, hai mặt Chứng minh nhân dân in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.

Mặt trước: Bên trái, từ trên xuống: hình Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 14 mm; ảnh của người được cấp Chứng minh nhân dân cỡ 20 x 30 mm; có giá trị đến (ngày, tháng, năm). Bên phải, từ trên xuống: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chữ “Chứng minh nhân dân” (màu đỏ); số; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú.

Mặt sau: Trên cùng là mã vạch 2 chiều. Bên trái, có 2 ô: ô trên, vân tay ngón trỏ trái; ô dưới, vân tay ngón trỏ phải. Bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhân dạng; họ và tên cha; họ và tên mẹ; ngày, tháng, năm cấp Chứng minh nhân dân; chức danh người cấp; ký tên và đóng dấu.”.

Và trong các thủ tục đổi hay cấp lại CMTND thì dấu vân tay luôn là dấu hiệu nhận dạng bắt buộc nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc “Có thể khẳng định rằng nếu không có dấu vân tay thì bạn sẽ không được làm CMTND”. Bởi trong nhiều trường hợp vì nguyên nhân khách quan dấu vân tay có thể mờ (Bệnh á sừng của bạn có thể làm mờ, không phải là làm mất dấu vân tay) do vậy trong quá trình làm chứng minh thư bạn vẫn có thể lăn tay nhưng dấu vân tay sẽ bị mờ). Trong một số trường hợp khác không thể lấy được đấu vân tay ví dụ người làm CMTND bị cụt tay thì mục dấu vân tay sẽ được đánh dẫu “x” biểu trưng của việc không thể lấy được dấu vân tay.

Bạn thân mến, dấu vân tay được coi là một trong những phương pháp xác định nhân dạng chuẩn xác nhất hiện nay. Nó không chỉ giúp ích cho quá trình quản lý của các cơ quan chức năng mà còn bảo vệ quyền lợi của chính chúng ta. Bạn cần phải chấp nhận rằng bạn có thể gặp những rắc rối cũng như bị hạn chế trong công việc và đặc biệt là khi tiến hành các thủ tục hành chính hay các hoạt động xuất nhập cảnh. Chúc bạn luôn gặp nhiều may mắn trong cuộc sống!

Ý kiến bổ sung thứ nhất:

Hiện tại điều chỉnh thủ tục cấp chứng minh thư nhân dân có hai văn bản:

– Nghị định số 05/1999/NÐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về chứng minh nhân dân

– Nghị định số 170/2007/NÐ-CP ngày 19/11/2007 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 03/02/1999 của Chính phủ về Chứng minh nhân dân

Tuy nhiên trong hai văn bản này mới chỉ đề cập tới thủ tục cấp chứng minh thư trong đó có thủ tục về lấy dấu vân tay mà thôi, chưa có bất kỳ hướng dẫn nào đối với trường hợp cấp chứng minh thư cho người không có dấu vân tay. Do vậy trường hợp của bạn, bạn nên thực hiện biện pháp chữa bệnh á sừng để có thể thực hiện việc lấy dấu vân tay làm chứng minh thư.

Ý kiến bổ sung thứ hai:

Theo quy định của Nghị định số 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 của Chính phủ về Chứng minh thư nhân dân; Nghị định số 170/2007/NĐ-CP ngày 19/11/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 05/1999/NĐ-CP; và mới đây nhất là Nghị định 106/2013/NĐ-CP ngày 17/9/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 05/1999/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bằng nghị định số 170/2007/NĐ-CP thì chứng minh thư nhân dân được quy định như sau:

“Chứng minh nhân dân hình chữ nhật dài 85,6 mm, rộng 53,98 mm, hai mặt Chứng minh nhân dân in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.

Mặt trước: Bên trái, từ trên xuống: hình Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 14 mm; ảnh của người được cấp Chứng minh nhân dân cỡ 20 x 30 mm; có giá trị đến (ngày, tháng, năm). Bên phải, từ trên xuống: Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc; chữ “Chứng minh nhân dân” (màu đỏ); số; họ và tên khai sinh; họ và tên gọi khác; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quê quán; nơi thường trú.

Mặt sau: Trên cùng là mã vạch 2 chiều. Bên trái, có 2 ô: ô trên, vân tay ngón trỏ trái; ô dưới, vân tay ngón trỏ phải. Bên phải, từ trên xuống: đặc điểm nhân dạng; ngày, tháng, năm cấp Chứng minh nhân dân; chức danh người cấp; ký tên và đóng dấu.”

Theo đó, trong các thủ tục cấp giấy chứng minh thư nhân dân thì dấu vân tay là dấu hiệu nhận dạng bắt buộc. Tuy nhiên, pháp luật không có quy định nào quy định rằng không có dấu vân tay thì không đăng ký được CMTND. Bệnh á sừng của bạn có thể làm mờ hoặc làm mất dấu vân tay, trong trường hợp khi lăn dấu vân tay để làm CMTND, dấu vân tay của bạn bị mờ thì bạn vẫn có thể đăng ký CMTND như bình thường; trường hợp khi lăn dấu vân tay để làm CMTND mà không thể thấy được dấu vân tay thì mục dấu vân tay sẽ được đánh dấu “x” để hiểu rằng không lấy được dấu vân tay. Như vậy dù bạn không có dấu vân tay thì vẫn có thể được cấp giấy CMTND.

Trân trọng./.

>> Tham khảo dịch vụ pháp lý liên quan: Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án

4. Cách ghi quê quán trên giấy khai sinh và chứng minh thư ?

Kính chào các anh chị, em có một thắc mắc nhưng chưa hiểu rõ lắm mong anh chị có thể tư vấn giúp em với, em quê gốc ở Nam Định nhưng đã làm hộ khẩu tại Hà Nội, cháu nhà em mới sinh được 1 tháng, em đi làm giấy khai sinh và nhập khẩu luôn.

Trên giấy khai sinh của cháu (mẫu TP/HT-2010-KS.1) không có mục quê quán,chỉ có nơi thuờng trú,tạm trú của cha và mẹ. Còn trong hộ khẩu bé nhập vào thì họ ghi quê quán của cháu là nam định. Vậy sau này làm chứng minh thư của cháu là theo quê quê Nam Định hay hà nội ạ.

Em xin cảm ơn!

Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến gọi:1900.0191

Trả lời:

Theo điểm e khoản 1 Phần II Thông tư 01/2008/TT-BTP ngày 02/6/2008 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì “khi đăng ký khai sinh, họ và quê quán của con được xác định theo họ và quê quán của người cha hoặc họ và quê quán của người mẹ theo tập quán hoặc theo thỏa thuận của cha mẹ”.

Điều 5 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định giá trị pháp lý của giấy khai sinh như sau: “Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của mỗi cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung ghi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc, quốc tịch, quê quán, quan hệ cha mẹ, con, phải phù hợp với Giấy khai sinh của người đó”. Do đó, giấy khai sinh là văn bản, căn cứ gốc buộc các giấy tờ khác như hộ khẩu, CMND… phải quy định theo..

Theo đó mặc dù hiện tại giấy khai sinh không còn ghi quê quán nữa nhưng theo cách xác định quê quán đã được quy định ở trên quê quán của con chị sẽ được xác định là quê quán của người cha hoặc quê quán của người mẹ tùy theo tập quán và sự thỏa thuận giữa hai bạn, như vậy quê quán của cháu sẽ là ở Nam Định.

5. Quy định của pháp luật về sử dụng chứng minh thư, căn cước công dân ?

Thưa Luật sư của LVN Group, Lần đầu em làm cmt thì số cmt của e là….502 và trong hộ khẩu là ….502.sau đó do cmt hư em làm lại thì cmt của e đổi sang ….503 và e mđiều chỉnh hộ khẩu sang 503,có dấu xác nhận của cơ quan ngay chỗ đổi trên hộ khẩu,các giấy tờ sau này em đều dùng số ….503 hết.sau này đổi hộ khẩu mới thì trên hộ khẩu không có ghi số cmt,gần đây em bị mất cmt, em đi làm lại thì được cấp số….502 lại. Bây giờ em nên làm gì để biết hai số là một người để dễ dàng làm các giấy tờ,xin quý luật sư tư vấn giúp em ạ ?
E xin chân thành cảm ơn rất nhiều !̣

Trả lời:

Luật LVN Group tư vấn pháp luật dân sự về vấn đề sử dụng chứng minh thư, căn cước công dân và những vấn đề khác liên quan:

Tại điểm 2 Mục II Thông tư 04/1999/TT-BCA/C13 ngày 29 tháng 4 năm 1999 quy định thủ tục xin cấp lại chứng minh thư nhân dân:

– Đơn trình bày rõ lý do đổi CMND hoặc cấp lại, có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóng dấu giáp lai;

– Xuất trình hộ khẩu thường trú (sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên, Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu, chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã, phường, thị trấn;

– Đối với những trường hợp thay đổi họ tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh, đổi lại CMND phải xuất trình quyết định của cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi các nội dung trên đây; – Chụp ảnh (như trường hợp cấp mới); – Kê khai tờ khai cấp chứng minh nhân dân theo mẫu;

– Vân tay hai ngón trỏ có thể in vào tờ khai theo mẫu hoặc cơ quan Công an thu vân tay hai ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào tờ khai và CMND;

Như vậy khi làm Giấy chứng minh nhân dân cơ quan công an sẽ căn cứ vào sổ hộ khẩu của bạn, để cấp lại Giấy chứng minh nhân dân cho bạn.Vì vậy, nếu Giấy chứng minh nhân dân của bạn bị sai so với sổ hộ khẩu, thì bạn đến công an cấp huyện nơi bạn có hộ khẩu thường trú để làm lại, cơ quan công an sẽ căn cứ vào sổ hộ khẩu để cấp lại cho bạn và thủ tục làm lại Giấy chứng minh nhân dân được tiến hành theo quy định trên.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn Pháp luật hành chính – Công ty Luật LVN Group.