1. Có được tiếp tục tạm đình chỉ khi là lao động duy nhất?
Gia đình tôi có người con đang thi hành án ở trại giam Hải Phòng. Vì lý do tôi và chồng tôi bệnh nặng và không còn ai lao động chăm sóc nên con tôi được tạm đình chỉ 1 năm với lý do là lao động duy nhất. Vậy nếu như hết thời gian này con tôi có được tiếp tục tạm đình chỉ không vì hiện tại 2 đứa nhỏ lớn hơn 36 tháng tuổi của con trai tôi không gửi được ai nuôi.?
Mong Luật sư của LVN Group giải đáp!
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191
Trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
Theo quy định tại Điều 68 của Bộ luật hình sự 2015 thì người đang chấp hành hình phạt tù mà thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 của Bộ luật hình sự, thì có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, bao gồm:
– Bị bệnh nặng thì được hoãn cho đến khi sức khỏe được hồi phục;
– Phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, thì được hoãn cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi;
– Là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt, được hoãn đến 01 năm, trừ trường hợp người đó bị kết án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
– Bị kết án về tội phạm ít nghiêm trọng, do nhu cầu công vụ, thì được hoãn đến 01 năm.
Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 của Thông tư liên tịch số 03/2013/ TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT, trường hợp phạm nhân là người lao động có thu nhập duy nhất trong gia đình, nếu họ tiếp tục chấp hành án phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt được hiểu là không có nguồn thu nhập nào khác, không có ai chăm sóc, nuôi dưỡng những người thân thích là người già, trẻ em hoặc những người khác không có khả năng lao động trong gia đình họ.
Với trường hợp mà bạn nêu, con trai bạn có thể được xem xét để tiếp tục tạm đình chỉ thi hành án phạt tù. Thời hạn tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù được quy định tại khoản 3 Điều 6 của Thông tư liên tịch số 03 như sau: “Phạm nhân là lao động duy nhất trong gia đình hoặc do nhu cầu công vụ được tạm đình chỉ chấp hành án một lần hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được tạm đình chỉ tối đa là một năm”. Tuy nhiên, thời gian tạm đình chỉ của con trai bạn không được tính vào thời gian chấp hành hình phạt tù
2. Thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù.
Chào Luật sư, Tôi Là Ngọc Anh, hiện tôi đang công tác tại một UBND xã. Tôi đang muốn tìm hiểu về một số quy định về tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, khi mà 1 người đủ điều kiện tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì cơ quan nào sẽ ra ra đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 Luật thi hành án hình sự 2019 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 03/2013/TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BYT:
1. Thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành ánphạt tù được quy định như sau:
a) Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng;
b) Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu;
c) Viện kiểm sát nhân dâncấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu.
2. Cơ quan có thẩm quyền nơi phạm nhân đang chấp hành án quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và chuyển cho Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Theo đó, Thẩm quyền đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được quy định như sau:
– Trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, trại giam thuộc quân khu đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam đó.
– Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam và cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện do Công an cấp tỉnh quản lý.
– Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại tạm giam thuộc quân khu quản lý.
– Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù thuộc phạm vi thẩm quyền của mình.
3. Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù?
Thưa Luật sư của LVN Group, con tôi được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù để nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Tuy nhiên, con tôi chưa rõ một số hồ sơ giấy tờ để nộp cho trại giam. Có cần giấy khai sinh của con trong hồ sơ hay không ? Nếu tôi làm mất giấy khai sinh cả bản gốc và bản sao rồi thì bổ sung bằng cách nào? Xin cảm ơn!
Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân gồm có những giấy tờ sau:
1. Bản sao bản án hoặc bản sao trích lục bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật.
2. Bản sao Quyết định thi hành án phạt tù.
3. Văn bản đề nghị của Giám thị trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu kèm theo Phiếu đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (Phiếu đề nghị làm theo mẫu do Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng ban hành).
4. Văn bản đồng ý của cơ quan thẩm định có thẩm quyền.
5. Văn bản đề nghị của Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng và văn bản đồng ý của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (đối với những trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 của Thông tư liên tịch này).
6. Đơn của gia đình phạm nhân đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân đó, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc văn bản đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú (nếu gia đình phạm nhân không còn ai đủ khả năng làm đơn đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cho phạm nhân).
7. Đối với phạm nhân là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi phải có kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên về việc phạm nhân có thai hoặc bản sao Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của con phạm nhân, xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân đang chấp hành án về việc họ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
8. Văn bản đề nghị tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của Viện kiểm sát (trong trường hợp do Viện kiểm sát đề nghị).
Như vậy, trong hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, đối với phạm nhân là người nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi thì ngoài những giấy tờ phải có bản sao giấy khai sinh của con hoặc giấy chứng sinh của con. Kèm theo đó là xác nhận của Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi phạm nhân đang chấp hành án về việc họ đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Trong trường hợp trong trường hợp bạn làm mất giấy khai sinh bản gốc và cả bản sao nhưng vẫn còn thông tin trong sổ hộ tịch thì bạn lên cơ quan UBND xã, phường nơi đăng ký khai sinh xin trích lục bản sao giấy khai sinh và có giá trị như bản chính giấy khai sinh. Nếu như Giấy khai sinh bản gốc, giấy khai sinh bản sao và sổ đăng ký khai sinh của bạn đều không còn thì bạn nộp hồ sơ tại UBND xã yêu cầu đăng kí lại khai sinh.
4. Việc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân bị bệnh nặng?
Chào Luật sư của LVN Group, xin hỏi việc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với phạm nhân bị bệnh nặng được thực hiện như thế nào? Xin cảm ơn
Trả lời:
4.1. Cơ sở pháp lý
Việc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng (thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; điều kiện để có thể được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; thủ tục lập và thẩm định hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; xem xét, quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; gửi thông báo quyết định tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù; quản lý người được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù) được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 02/2006/TTLT-BCA-BQP-BYT-TANDTC-VKSNDTC ngày 18-5-2006 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao “hướng dẫn thi hành một số quy định của pháp luật tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với người đang chấp hành hình phạt tù bị bệnh nặng”
4.2. Trình tự thực hiện.
Việc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù đối với người đang chấp hành hình phạt tù thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật hình sự (phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi; là người lao động duy nhất nếu phải chấp hành hình phạt tù thì gia đình sẽ gặp khó khăn đặc biệt; do nhu cầu công vụ) được thực hiện như sau:
– Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án xem xét, quyết định cho người đang chấp hành hình phạt tù được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù khi có đề nghị bằng văn bản của Viện kiểm sát cùng cấp hoặc của Ban giám thị Trại giam, Trại tạm giam nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù.
– Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Ban giám thị Trại giam, Trại tạm giam đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù có trách nhiệm lập hồ sơ bao gồm:
+ Bản sao bản án hoặc bản sao trích lục bản án hình sự;
+ Văn bản đề nghị của Viện kiểm sát (trường hợp Viện kiểm sát đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù);
+ Văn bản đề nghị của Ban giám thị Trại giam, Trại tạm giam nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt tù (trường hợp Ban giám thị Trại giam, Trại tạm giam đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù);
+ Kết luận của bệnh viện cấp huyện trở lên về việc người bị kết án phạt tù là phụ nữ có thai hoặc bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh của con người bị kết án và xác nhận của chính quyền địa phương nơi người bị kết án thường trú về việc họ đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi (trường hợp đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vì lý do người đang chấp hành hình phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới ba mươi sáu tháng tuổi);
+ Xác nhận của chính quyền địa phương nơi người bị kết án thường trú về việc người bị kết án là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu bắt họ phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù, thì gia đình họ sẽ gặp khó khăn đặc biệt (trường hợp đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù vì lý do người đang chấp hành hình phạt tù là người lao động duy nhất trong gia đình, nếu bắt họ phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù thì gia đình họ sẽ gặp khó khăn đặc biệt);
+ Văn bản của cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc đề nghị cho người bị kết án được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù do nhu cầu công vụ (trường hợp đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù do nhu cầu công vụ).
Hồ sơ đề nghị tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù phải được gửi cho Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án.
5. Người được tạm đình chỉ thi hành án có được đi khỏi nơi cư trú?
Thưa Luật sư của LVN Group, đối tượng đang chấp hành án phạt tù được tạm đình chỉ thi hành án để về gia đình quản lý, chăm sóc, chữa bệnh theo quy định. Trong thời gian ở địa phương nơi cư trú có được phép đi nơi khác để khám, chữa bệnh không? Nếu đi khỏi nơi cư trú mà không xin phép chính quyền thì có bị xử phạt hành chính không và quy định tại văn bản nào? Xin cảm ơn!
Trả lời:
Việc quản lý người được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được thực hiện theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự và Khoản 3 Điều 37 Luật Thi hành án hình sự.
Khoản 3 Điều 37 Luật Thi hành án hình sự quy định: Trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đangquản lý người được tạm đình chỉ tổ chức giao người được tạm đình chỉ cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người đó; thân nhân của người được tạm đình chỉ có trách nhiệm tiếp nhận người được tạm đình chỉ.
Trong thời gian tạm đình chỉ, người được tạm đình chỉ không được đi khỏi nơi cư trú nếu không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý; báo cáo về tình hình chấp hành pháp luật theo yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý; phải tự giác trình báo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu khi hết thời hạn tạm đình chỉ hoặc khi sức khỏe hồi phục để tiếp tục chấp hành án.
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó về cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tạm đình chỉ có trách nhiệm theo dõi, giám sát người được tạm đình chỉ, xem xét, giải quyết cho người đó được đi khỏi nơi cư trú, nơi làm việc
Như vậy, căn cứ các quy định trên thì người đang chấp hành án phạt tù được tạm đình chỉ thi hành án về gia đình quản lý, chăm sóc, chữa bệnh phải chịu sự quản lý, giám sát của Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) nơi người đó về cư trú; người được tạm đình chỉ có nhu cầu đi khỏi nơi cư trú, làm việc để khám bệnh thì việc xem xét, giải quyết thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã. Khi đến địa chỉ cư trú mới, người được tạm đình chỉ phải đăng ký tạm trú theo quy định.
Trường hợp người được tạm đình chỉ thi hành án tự ý đi nơi khác khám bệnh mà không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã thì bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng theo Điểm a Khoản 4 Điều 14 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, như sau:
“Phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đối với người được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù đi khỏi nơi cư trú mà không được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc không có mặt tại nơi chấp hành án, cơ quan thi hành án hình sự nơi cư trú sau khi hết thời hạn hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.”
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự – Công ty luật LVN Group