1. Ly hôn có yếu tố nước ngoài là gì?
Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định ly hôn có yếu tố nước ngoài bao gồm các trường hợp cụ thể như:
– Ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài;
– Ly hôn giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam khi họ có yêu cầu.
Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
2.Kết hôn tại nước ngoài có được thực hiện ly hôn tại Việt Nam không?
Điều 34 Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch quy định:
“Việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với nhau hoặc với người nước ngoài đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài ở nước ngoài được ghi vào Sổ hộ tịch nếu tại thời điểm kết hôn, các bên đáp ứng đủ điều kiện kết hôn và không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam. Nếu vào thời điểm đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài, việc kết hôn không đáp ứng điều kiện kết hôn, nhưng không vi phạm điều cấm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, nhưng vào thời điểm yêu cầu ghi vào Sổ hộ tịch việc kết hôn, hậu quả đã được khắc phục hoặc việc ghi chú kết hôn là nhằm bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam và trẻ em, thì việc kết hôn cũng được ghi vào Sổ hộ tịch“.
Như vậy, việc kêt hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, để được công nhận tại Việt Nam phải thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam. Nếu chưa thực hiện thủ tục ghi chú kết hôn tại Việt Nam thì hôn nhân đó chưa được công nhân tại Việt Nam nên bạn không phải thực hiện thủ tục ly hôn tại Việt Nam.
Khoản 25 điều 3 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
25. Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Theo căn cứ trên thì quan hệ hôn nhân giữa bạn và chồng bạn là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài. Vì vậy khi ly hôn cũng sẽ tiến hành theo thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài.
Do bạn và chồng bạn đăng ký kết hôn tại Đức nên giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đó chưa được công nhận tại Việt Nam. Vì vậy bạn phải tiến hành thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự giấy chứng nhận giấy đăng ký kết hôn thực hiện như sau:
Bạn cần nộp 01 bộ hồ sơ lên cơ quan Bộ ngoại giao.
Hồ sơ bao gồm:
– 01 Tờ khai hợp pháp hóa lãnh sự theo mẫu quy định;
– Xuất trình bản chính giấy tờ tùy thân đối với trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp;
– 01 bản chụp giấy tờ tùy thân đối với trường hợp nộp hồ sơ qua đường bưu điện;
– ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của nước ngoài chứng nhận;
– 01 bản dịch giấy tờ, tài liệu đề nghị được hợp pháp hóa lãnh sự sang tiếng Việt hoặc tiếng Anh, nếu giấy tờ, tài liệu đó không được lập bằng các thứ tiếng trên;
– 01 bản chụp các giấy tờ, tài liệu nêu để lưu tại Bộ Ngoại giao.
Thời gian giải quyết: Thời hạn giải quyết là 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ có số lượng từ 10 giấy tờ, tài liệu trở lên thì thời hạn giải quyết có thể dài hơn nhưng không quá 05 ngày làm việc (Xem thêm: Nghị định 111/2011/NĐ-CP)
3.Thẩm quyền giải quyết ly hôn với người nước ngoài
Theo khoản 3 Điều 35 và Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước thuộc Tòa án nhân dân cấp tỉnh.
Trong trường hợp đặc biệt được quy định tại khoản 4 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, nếu việc ly hôn diễn ra với công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cùng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam thì thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân cấp huyện.
4.Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài diễn ra như thế nào?
Nơi nộp hồ sơ: Tòa án nhân dân cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương nới bạn cư trú
Hồ sơ gồm:
– Đơn xin ly hôn hoặc Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn . Nếu người ký là người đang ở nước ngoài thì phải có xác nhận của sứ quán Việt Nam tại nước ngoài (đối với người VN) hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (đối với người nước ngoài)
-Bản chính giấy chứng nhận kết hôn đã được hợp pháp hóa lãnh sự
– Giấy CMND (Hộ chiếu); Hộ khẩu (bản sao chứng thực) của hai bên.
– Bản sao giấy khai sinh của con (nếu có con).
– Bản sao chứng thực chứng từ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản (nếu có tranh chấp tài sản).
– Hồ sơ tài liệu chứng minh việc một bên đang ở nước ngoài (nếu có)
Thời gian giải quyết: 4-6 tháng
Nếu bạn và chồng bạn đăng kí kết hôn tại nước ngoài thì bạn phải phải tiến hành hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy đăng kí kết hôn của mình và làm thủ tục ghi chú vào sổ đăng ký tại Sở Tư pháp rồi mới nộp đơn xin ly hôn.
5.Thủ tục ly hôn có yếu tố nước ngoài diễn ra ở đâu?
Căn cứ Điều 127 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định Ly hôn có yếu tố nước ngoài, theo đó, hiện tại bạn đang sinh sống tại Việt nam và bạn muốn ly hôn thì sẽ tiến hành theo thủ tục pháp luật Việt nam.
Hồ sơ ly hôn, Tòa án có thẩm quyền giải quyết ly hôn, trình tự, thủ tục giải quyết ly hôn bạn có thể tham khảo chi tiết qua bài viết ở trên đã được Luật sư của LVN Group tư vấn ở trên.
Ai là người có quyền yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật?
1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 của Luật này.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 của Luật này:
a) Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.
Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như thế nào?
Theo Điều 16 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 thì:
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Căn cứ để xác lập đại diện giữa vợ và chồng là gì?
Điều 24 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
Điều 24. Căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng
1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.
Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.
Thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân gồm những gì?
1. Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 11 của Nghị định này.
2. Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước.
3. Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi với yêu cầu của bạn.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hôn nhân – Công ty luật LVN Group