1. Điều kiện để được miễn chấp hành hình phạt tù?
Thưa Luật sư, con tôi tham gia vụ trộm cắp tài sản và bị xử 2 năm tù. Khi xét xử phúc thẩm xong cháu bị gẫy chân (do tham gia chữa cháy rừng của lâm trường) nên được hoãn thi hành án, nay đã hơn 1 năm nhưng chân cháu chưa khỏi vẫn phải mổ lại. Tôi xin luật gia tư vấn, trường hợp của con tôi có được miễn chấp hành hình phạt tù không?
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191
Trả lời:
Theo quy định tại điều 62 BLHS năm 2015. Khi đáp ứng những điều kiện sau sẽ được miễn chấp hành hình phạtn tù:
– Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá.
– Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp: Sau khi bị kết án đã lập công; Mắc bệnh hiểm nghèo; Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
– Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt, nếu trong thời gian được tạm đình chỉ mà đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
– Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần tiền phạt còn lại.
– Người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế, nếu đã chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nơi người đó chấp hành hình phạt, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại.
– Người được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại Điều này vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ dân sự do Tòa án tuyên trong bản án
Trên đây là những quy định chung, đối chiếu với trường hợp của con bạn thì cháu đủ điều kiện được miễn chấp hành hình phạt tù. Anh liên hệ với Tòa án huyện nơi gia đình đang cư trú để xin cho cháu được miễn chấp hành hình phạt tù..
2. Quy định về miễn chấp hành hình phạt tù?
Tôi tên là Quốc Trí, hiện đang làm việc tại Hà Nội, tôi có vấn đề thắc mắc mình giải đáp. Tôi có vợ bị tội trộm cắp tài sản bị phạt tù 4 năm. Vợ tôi phạm tội lần đầu trong lúc đang mang thai. Hiện tại đang được tạm hoãn thi hành án vì đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng. Đến nay đã được 23 tháng vợ chồng tôi nghề nghiệp không ổn định và đang nuôi 2 con nhỏ. Cháu đầu 4 tuổi bị bệnh bại não bẩm sinh và cháu nhỏ 2 tuổi. Gia đình nằm trong diện khó khăn trong thời gian tạm hoãn vợ tôi không vi phạm gì. Vậy vợ tôi có được xét miễn thi hành án phạt tù không? Xin cảm ơn!
Theo quy định tại khoản 3 Điều 62 BLHS 2015 thì:
3. Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt nếu đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt.
Theo quy định trên, với trường hợp của vợ bạn bị kết án phạt tù 4 năm, tuy nhiên theo như không tin bạn cung cấp thì vợ bạn chưa đủ điều kiện để được miễn chấp hành hình phạt do không lập công lớn và chưa thuộc diện bị bệnh hiểm nghèo.
3. Bị AIDS có được miễn chấp hành hình phạt không?
Thưa Luật sư của LVN Group, tôi có ông anh trai bị kết án 3 năm tù về đánh bạcđược biết ông bị bệnh AIDS giai đoạn cuối, tôi nghe nói có những khoan hồng là miễn chấp hành phạt tù đúng không? Vậy anh trai tôi có thuộc diện miễn chấp hành hành hình phạt không?
Xin cảm ơn!
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 42 Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) 2006 thì:
Điều 42. Áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối
1. Người đang bị điều tra, truy tố, xét xử mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được tạm đình chỉ điều tra hoặc tạm đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.
2. Người bị Toà án kết án mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được miễn chấp hành hình phạt hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt, được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo quy định của pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án phạt tù.
3. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng; hoãn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, Điều này bị bãi bỏ bởi Khoản 16 Điều 1 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi 2020, theo đó không còn quy định về người bị bệnh AIDS giai đoạn cuối được miễn chấp hành hình phạt nữa do khi người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS, nếu được điều trị ARV sẽ khỏe mạnh bình thường. Việc bỏ điều khoản này cũng nhằm đảm bảo quyền được điều trị HIV/AIDS cho những người nhiễm HIV trong cơ sở giam giữ, không để cho họ bị tử vong do AIDS nếu không được điều trị…
4. Lập công lớn có được miễn chấp hành hình phạt?
Thưa Luật sư của LVN Group, con trai tôi bị phạt tù 2 năm vì tội đánh bạc. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên con trai tôi được tạm hoãn 6 tháng do là lao động duy nhất. Đây là lần đầu con trai tôi phạm tội và trong thời gian tạm hoãn con trai tôi luôn chịu khó làm ăn và chấp hành tốt pháp luật. Vừa rồi, con tôi trên đường đi làm về đã hỗ trợ công an bắt được một tên cướp. Vậy cho tôi hỏi liệu con trai tôi có thể được miễn chấp hành hình phạt tù được không? Nếu có thì thủ tục nộp đơn như thế nào?
Xin cảm ơn.
Khoản 2 Điều 62 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về miễn chấp hành hình phạt như sau:
Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt thì theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Sau khi bị kết án đã lập công;
– Mắc bệnh hiểm nghèo;
– Chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.
Mà theo Khoản 3 Điều 3 Thông tư liên tịch 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC quy định:
Lập công lớn là trường hợp người chấp hành án đã có hành động giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện, truy bắt, điều tra tội phạm; cứu được người khác trong tình thế hiểm nghèo hoặc cứu được tài sản (có giá trị từ ba mươi triệu đồng trở lên) của nhà nước, tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn; có những phát minh, sáng chế hoặc sáng kiến có giá trị được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng hoặc xác nhận.
Theo đó, sau khi bị kết án 2 năm tù về tội đánh bạc, con trai của bạn đã hỗ trợ công an truy bắt tội phạm thành công. Trường hợp này được xác định là lập công lớn thì con của bạn có thể được xem xét miễn chấp hành hình phạt tù theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát.
Thẩm quyền giải quyết
– Viện kiểm sát có thẩm quyền nơi người chấp hành án phạt tù đang cư trú hoặc làm việc lập hồ sơ đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu xét miễn chấp hành án phạt tù.
Hồ sơ gồm có:
+ Bản sao bản án có hiệu lực pháp luật;
+ Văn bản đề nghị của Viện kiểm sát có thẩm quyền;
+ Đơn xin miễn chấp hành án phạt tù của người bị kết án;
+ Bản tường trình của người bị kết án về việc lập công hoặc lập công lớn có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền đối với người bị kết án đã lập công, lập công lớn hoặc kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, bệnh viện cấp quân khu trở lên về tình trạng bệnh tật của người bị kết án đối với người bị kết án mắc bệnh hiểm nghèo.
Thời hạn giải quyết:
– Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tòa án có thẩm quyền phải mở phiên họp xét miễn và thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và Viện kiểm sát phải cử Kiểm sát viên tham gia phiên họp. Trường hợp hồ sơ cần được bổ sung theo yêu cầu của Tòa án thì thời hạn mở phiên họp được tính từ ngày nhận được hồ sơ bổ sung.
– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định miễn chấp hành án phạt tù, Toà án đã ra quyết định miễn chấp hành án phạt tù có trách nhiệm gửi quyết định này cho người được miễn chấp hành án, Viện kiểm sát đề nghị, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp, cơ quan thi hành án hình sự cùng cấp, Toà án đã ra quyết định thi hành án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú, đơn vị quân đội quản lý người đó, Sở Tư pháp nơi Tòa án đã ra quyết định có trụ sở.
– Ngay sau khi nhận được quyết định miễn chấp hành án phạt tù, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải làm thủ tục trả tự do cho người được miễn chấp hành án phạt tù và báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp trên.
5. Được miễn chấp hành hình phạt có bị coi là có án tích không?
Tôi bị kết án 06 năm tù vì tội cố ý hủy hoại tài sản của người khác và đã chấp hành hình phạt được hai phần ba thời gian. Nhân dịp lễ Quốc khánh tôi được đặc xá. Vậy trong trường hợp này tôi có bị xem là có án tích không? Xin cảm ơn Luật sư.
Người gửi: Anh Tuấn -Nam định
Trả lời:
Điều 59 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự.
Và Khoản 2 Điều 69 thì Người bị kết án do lỗi vô ý về tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng và người được miễn hình phạt không bị coi là có án tích.
Như vậy, ở đây việc bạn được miễn chấp hành hình phạt do đặc xá không sẽ khác với trường hợp miễn hình phạt, nên bạn vẫn bị coi là có án tích. Theo đó, việc xóa án tích của bạn sẽ thực hiện theo chương X Bộ luật Hình sự 2015.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự – Công ty luật LVN Group