Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH hai thành viên trở lên gồm chức danh nào?

Thưa Luật sư của LVN Group, Tôi đang chuẩn bị thành lập Công ty TNHH có ba thành viên. Chúng tôi có ý định 1 trong 3 thành viên làm người đại diện theo pháp luật. Nhưng đang loay hoay không biết nên để người đại diện theo pháp luật là chức danh gì? Rất mong Luật LVN Group tư vấn giúp : Các chức danh có thể làm đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH 2 thành viên trở lên? Xin trân trọng cảm ơn
-Trần Minh Quang

Trả lời:

Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như sau:

1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

2. Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

3. Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật thì người đó phải cư trú ở Việt Nam và phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật khi xuất cảnh khỏi Việt Nam. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.

4. Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo khoản 3 Điều này mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:

a) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;

b) Người được ủy quyền vẫn tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh trong phạm vi đã được ủy quyền cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị, quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

5. Trường hợp doanh nghiệp chỉ có một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc bị chết, mất tích, tạm giam, kết án tù, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.

6. Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty bị tạm giam, kết án tù, trốn khỏi nơi cư trú, bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị Tòa án tước quyền hành nghề vì phạm tội buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa dối khách hàng và tội khác theo quy định của Bộ luật hình sự thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.

7. Trong một số trường hợp đặc biệt, Tòa án có thẩm quyền có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật trong quá trình tố tụng tại Tòa án.

Điều 55 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về Cơ cấu tổ chức quản lý công ty TNHH 2 thành viên trở lên gồm:

Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.

Như vậy, người đại diện theo pháp luật của công ty có thể là Giám đốc/Tổng giám đốc của công ty hoặc chủ tịch Hội đồng thành viên, trong đó Chủ tịch Hội đồng thành viên cũng có thể kiêm Giám đốc/Tổng giám đốc công ty. 

Thành lập cửa hàng, showroom mỹ phẩm ?

Thưa Luật sư của LVN Group, Hiện tại em đang ở nước ngoài, thời gian tới em muốn về Việt Nam để mở cửa hàng hoặc showroom về mỹ phẩm ( nhập từ nước ngoài: hàn và nhật). Vậy về pháp lý em cần phải chuẩn bị những gì? Em cảm ơn ạ
-Dang Thi Phuong Thao

Trả lời:

Theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn muốn mở cửa hàng hoặc showroom mỹ phẩm nhưng chưa rõ là bạn muốn thành lập doanh nghiệp hay hộ kinh doanh cá thể,trong trường hợp này chúng tôi sẽ tư vấn cho bạn theo hình thức mở hộ kinh doanh cá thể.

– Trình tự, thủ tục:

Nộp Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan Đăng ký kinh doanh với nội dung:
– Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh;
– Ngành, nghề kinh doanh;
– Số vốn kinh doanh;
– Họ, tên, số và ngày cấp Giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ nơi cư trú và chữ ký của cá nhân thành lập hộ kinh doanh;
– Bản sao Giấy chứng minh nhân dân của cá nhân tham gia hộ kinh doanh;
– Giấy tờ chứng minh trụ sở, hợp đồng thuê nhà, hay sổ hộ khẩu…
Khi nhận được kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Chủ cơ sở sẽ thực hiện các hoạt động kê khai thuế và ổn định hoạt động kinh doanh bán hàng như dự kiến.

Trường hợp hồ sơ đầy đủ các giấy tờ, yêu cầu hợp lệ, cơ quan Đăng ký kinh doanh sẽ trao giấy biên nhận và Giấy phép đắng ký kinh doanh trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh

– Thủ tục đăng ký và kê khai thuế.

Khi cá nhân, hộ gia đình kinh doanh theo mô hình hộ kinh doanh cá thể thì có ba loại thuế cần phải đóng, đó là: Thuế môn bài, Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập cá nhân.

– Về con dấu và hóa đơn của cửa hàng:

Cửa hàng của bạn đăng kí theo hình thức Hộ kinh doanh cá thể nên không có dấu tròn, mà chỉ có dấu vuông tự khắc để tượng trưng cho hộ.
Về loại và hình thức hóa đơn: Hóa đơn được thể hiện bằng các hình thức sau:
a) Hóa đơn tự in là hóa đơn do các tổ chức kinh doanh tự in ra trên các thiết bị tin học, máy tính tiền hoặc các loại máy khác khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;
b) Hóa đơn điện tử là tập hợp các thông điệp dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, được khởi tạo, lập, gửi, nhận, lưu trữ và quản lý theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử và các văn bản hướng dẫn thi hành;
c) Hóa đơn đặt in là hóa đơn do các tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh đặt in theo mẫu để sử dụng cho hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, hoặc do cơ quan thuế đặt in theo mẫu để cấp, bán cho các tổ chức, hộ, cá nhân.

Các chứng từ được in, phát hành, sử dụng và quản lý như hóa đơn gồm phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý.

Thành lập văn phòng tư vấn việc làm như thế nào đúng luật ?

Xin cho tôi biết các thủ tục và điều kiện để một cá nhân có thể mở được văn phòng tư vấn việc làm. Chi phí để mở một văn phòng như vậy là bao nhiêu, và các nghĩa vụ là gì ạ.

-Trần Thu

Trả lời:

Trước hết, bạn phải làm thủ tục thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014

Tiếp đó, bạn phải xin Giấy phép kinh doanh dịch vụ việc làm: Thủ tục mở văn phòng giới thiệu việc làm được quy định tại Nghị đinh 52/2014/NĐ-CP quy định điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm như sau:

Điều kiện cấp giấy phép:

1.1. Có trụ sở theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 52/2014/NĐ-CP, cụ thể: Địa điểm đặt trụ sở, chi nhánh của doanh nghiệp phải ổn định và có thời hạn từ 03 năm (36 tháng) trở lên; nếu là nhà thuộc sở hữu của người đứng tên đăng ký doanh nghiệp thì trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép phải có giấy tờ hợp lệ, nếu là nhà thuê thì phải có hợp đồng thuê nhà có thời hạn thuê từ 03 năm (36 tháng) trở lên.

1.2. Có bộ máy chuyên trách để thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 52/2014/NĐ-CP, cụ thể: Bộ máy chuyên trách để thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm bao gồm ít nhất 03 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, lý lịch rõ ràng.

1.3. Đã thực hiện ký quỹ theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 52/2014/NĐ-CP, cụ thể: Doanh nghiệp phải nộp tiền ký quỹ là 300.000.000 đồng (ba trăm triệu đồng) tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch chính (sau đây viết tắt là ngân hàng).

 Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép bao gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp;

b) Bản sao chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Bản sao giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, xuất trình bản gốc để đối chiếu;

c) Bản sao chứng thực Giấy xác nhận việc đã thực hiện ký quỹ;

d) Các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về địa điểm.

Sau khi có đủ các giấy tờ trên thì bạn thực hiện nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ủy quyền. 

Thời gian cấp giấy phép: 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. 

Thành lập mô hình kinh doanh dịch vụ spa?

Chào Luật LVN Group Cho Tôi hỏi về điều kiện mở kinh doanh dịch vụ spa chăm sóc da và trang điểm . Tôi kinh doanh mô hình nhỏ vốn dưới 50 triệu . Thì nên đăng lý loại hình nào ? Và những yêu cầu giấy tờ gì ? Phí dịch vụ đăng ký bên bạn bao nhiêu và thời gian bao lâu ?  

-Phuong Thuy

Trả lời:

Về loại hình đăng kí kinh doanh, theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn có nhu cầu kinh doanh về dịch vụ spa chăm sóc da và trang điểm với quy mô nhỏ nên trong trường hợp này bạn nên đăng kí dưới dạng hộ kinh doanh cá thể.

Tuy nhiên, do yêu cầu đặc thù của ngành nghề kinh doanh nên cần xác định rõ dịch vụ spa bạn cung cấp sẽ thực hiện các hoạt động nào vì nếu có các hoạt động liên quan đến phẫu thuật tạo hình thì sẽ phải xin cấp giấy phép hành nghề, phải đáp ứng các điều kiện về cơ sở kinh doanh dịch vụ. Nếu spa của bạn chỉ thực hiện các hoạt động đơn giản như đắp mặt nạ thì sẽ không cần phải có giấy phép hành nghề.

Về hồ sơ, cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình trực tiếp nộp hồ sơ tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh.

– Thành phần hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm

1. Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh. Nội dung bao gồm những nội dung sau:

– Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh;

–  Ngành, nghề kinh doanh;

–   Số vốn kinh doanh;

2· Họ, tên, số và ngày cấp Giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ nơi cư trú và chữ ký của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập. Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao Giấy chứng minh nhân dân của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và Biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

3· Đối với những ngành, nghề phải có chứng chỉ hành nghề, thì kèm theo các giấy tờ trên phải có bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của cá nhân hoặc đại diện hộ gia đình.

Xin tư vấn việc thành lập hộ kinh doanh cá thể?

 Bên mình muốn thuê địa điểm kinh doanh ở sóc sơn, và thành lập hộ kinh doanh cá thể với mục địch kinh doanh mở phòng khám đa khoa ở đó. Vậy Luật LVN Group và cộng sự có thể tư vấn giúp mình thủ tục đăng ký gồm những gì và phải đến những cơ quan nào để đăng ký được không.

-Phúc Thanh 

Trả lời:

Theo quy định tại điều 24 Thông tư số 41/2011/TT-BYT quy định về Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám đa khoa

“1. Quy mô phòng khám đa khoa:

Phòng khám đa khoa phải đáp ứng ít nhất các điều kiện sau:

a) Có ít nhất 02 trong 04 chuyên khoa nội, ngoại, sản, nhi;

b) Phòng cấp cứu;

c) Buồng tiểu phẫu;

d) Phòng lưu người bệnh;

đ) Cận lâm sàng: Có hai bộ phận xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh;

2. Cơ sở vật chất:

a) Có nơi tiếp đón, phòng cấp cứu, phòng lưu người bệnh, phòng khám chuyên khoa và buồng tiểu phẫu. Các phòng khám trong phòng khám đa khoa phải đáp ứng các yêu cầu ít nhất về diện tích như sau:

– Phòng cấp cứu có diện tích ít nhất 12m2;

– Phòng lưu người bệnh có diện tích ít nhất 15m2; có ít nhất từ 02 giường lưu trở lên, nếu có từ 03 giường lưu trở lên thì diện tích mỗi giường ít nhất là 05m2;

– Các phòng khám chuyên khoa và buồng tiểu phẫu có diện tích ít nhất 10m2. Riêng đối với phòng khám đa khoa khu vực của Nhà nước phải bảo đảm tiêu chuẩn thiết kế quy định tại Quyết định số 1327/2002/QĐ-BYT ngày 18 tháng 4 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, quản lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật;

c) Bảo đảm có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ chăm sóc người bệnh.

3. Thiết bị y tế:

Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà phòng khám đa khoa đăng ký.

4. Tổ chức nhân sự:

a) Số lượng bác sỹ làm việc toàn thời gian (cơ hữu) phải đạt tỷ lệ ít nhất là 50% trên tổng số bác sỹ của phòng khám đa khoa;

b) Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám đa khoa phải đáp ứng các điều kiện sau:

– Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa mà phòng khám đa khoa đăng ký;

– Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám đa khoa phải được thể hiện bằng văn bản;

– Là người làm việc toàn thời gian tại phòng khám đa khoa;

c) Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám đa khoa, các đối tượng khác làm việc trong phòng khám đa khoa nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và chỉ được thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi công việc được phân công. Việc phân công phải phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.”

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động bao gồm:

a) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động;

b) Bản sao quyết định thành lập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân hoặc giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài;

c) Bản sao chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật, người phụ trách bộ phận chuyên môn và danh sách ghi rõ họ tên, số chứng chỉ, phạm vi hoạt động chuyên môn của từng người hành nghề đối với bệnh viện; bản sao chứng chỉ hành nghề của từng người hành nghề đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác;

d) Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, bản mô tả mô hình tổ chức và hồ sơ nhân sự;

đ) Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện quy định.

Mọi vướng mắc pháp lý trong lĩnh vực pháp luật doanh nghiệp, kinh doanh, thương mạiHãy gọi ngay:1900.0191 (nhấn máy lẻ phím 7) để được Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật doanh nghiệp trực tuyến qua điện thoại. 

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group