1.Thủ tục khai mạc phiên tòa hình sự
>> Xem thêm: Khái niệm, nhiệm vụ, ý nghĩa của xét xử phúc thẩm vụ án hình sự ?
Thủ tục khai mạc phiên tòa xét xử vụ án hình sự được quy định tại Điều 301 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Theo đó, Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp:
1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Thư ký Tòa án báo cáo Hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt của những người được Tòa án triệu tập và lý do vắng mặt.
3. Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của những người có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án và kiểm tra lý lịch, phổ biến quyền và nghĩa vụ của họ.
Liên quan đến thủ tục khai mạc phiên tòa, để bạn có cái nhìn thấu đáo hơn, chúng tôi xin cung cấp thêm cho bạn một số thông tin về trình tự khai mạc phiên tòa dân sự và hành chính theo quy định hiện hành như sau:
– Thủ tục khai mạc phiên tòa dân sự:
1. Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Thư ký phiên tòa báo cáo Hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và lý do vắng mặt.
3. Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và kiểm tra căn cước của đương sự, người tham gia tố tụng khác.
4. Chủ tọa phiên tòa phổ biến quyền, nghĩa vụ của đương sự và của người tham gia tố tụng khác.
5. Chủ toạ phiên tòa giới thiệu họ, tên những người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch.
6. Chủ tọa phiên tòa hỏi những người có quyền yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch xem họ có yêu cầu thay đổi ai không.
7. Yêu cầu người làm chứng cam kết khai báo đúng sự thật, nếu khai không đúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.
8. Yêu cầu người giám định, người phiên dịch cam kết cung cấp kết quả giám định chính xác, phiên dịch đúng nội dung cần phiên dịch.
– Thủ tục khai mạc phiên tòa hành chính:
1. Chủ tọa phiên tòa khai mạc phiên tòa và đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Thư ký phiên tòa báo cáo với Hội đồng xét xử về sự có mặt, vắng mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và lý do vắng mặt.
3. Chủ tọa phiên tòa kiểm tra lại sự có mặt của những người tham gia phiên tòa theo giấy triệu tập, giấy báo của Tòa án và kiểm tra căn cước của đương sự.
4. Chủ tọa phiên tòa phổ biến quyền, nghĩa vụ của các đương sự và của những người tham gia tố tụng khác.
5. Chủ tọa phiên tòa giới thiệu họ, tên thành viên Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa, Kiểm sát viên, người giám định, người phiên dịch.
6. Chủ tọa phiên tòa hỏi những người có quyền yêu cầu thay đổi những người tiến hành tố tụng, người phiên dịch xem họ có yêu cầu thay đổi ai không; hỏi những người có quyền về người giám định có vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 63 của Luật này không.
7. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người làm chứng phải cam kết khai báo đúng sự thật, nếu khai không đúng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trừ trường hợp người làm chứng là người chưa thành niên.
8. Chủ tọa phiên tòa yêu cầu người giám định, người phiên dịch cam kết cung cấp kết quả giám định chính xác, phiên dịch đúng nội dung cần phiên dịch.
2. Quy định của pháp luật về thủ tục phiên toà phúc thẩm
>> Xem thêm: Đối tượng, chủ thể và phạm vi của kháng cáo, kháng nghị phúc thẩm vụ án hình sự ?
Thủ tục phiên tòa phúc thẩm là một trình tự theo quy định, đã được thiết lập sẵn nhằm thực hiện, tổ chức một phiên tòa phúc thẩm.
Thủ tục phiên tòa phúc thẩm được quy định tại điều 354 Bộ luật tố tụng hình sự (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018).
Điều 354 Bộ luật tố tụng hình sự (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) quy định về thủ tục phiên tòa phúc thẩm như sau:
“1. Thủ tục bắt đầu phiên tòa và thủ tụng tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị.
2. Chủ toạ phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
Chủ toạ phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị.
3. Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị; Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.”
3. Thủ tục phiên tòa phúc thẩm tiến hành như thế nào?
>> Xem thêm: Những quyết định thuộc thẩm quyền toà án trong khi chuẩn bị xét xử ?
Phiên tòa phúc thẩm được tiến hành khi kháng cáo, kháng nghị hợp lệ hoặc tuy kháng cáo quá hạn nhưng có lý do chính đáng được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận. Tòa án cấp phúc thẩm là câp xét xử thứ hai có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp pháp và có căn cứ của bản án sơ thẩm thông qua việc xét xử lại vụ án tại phiên tòa.
Khoản 1 Điều 354 Bộ luật tố tụng hình sự(có hiệu lực từ ngày 01/01/2018) quy định “Thủ tục bắt đầu phiên tòa và thủ tụng tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm”. Như vậy, phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm cơ bản giống nhau, cũng bao gồm phấn thủ tục, phần xét hỏi, tranh luận, nghị án và tuyên án.
Tuy nhiên, phiên toà phúc thẩm khác với phiên tòa sơ thẩm ở một số điểm sau đây:
– Ở phần thủ tục, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ kiểm tra căn cước của các bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, kháng nghị, trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị.
– Phần xét hỏi tại phiên tòa chủ yếu tập trung vào làm sáng tỏ các vẩn đề liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị;
– Ở phần tranh luận, trên cơ sở đánh giá những chứng cứ cũ, chứng cứ mới đã được xem xét tại phiên tòa phúc thẩm, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về tính hợp pháp và có căn cứ của bản án sơ thẩm, về hướng giải quyết vụ án.
– Trước khi Hội đồng xét xử phúc thẩm nghị án, chỉ có các bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, kháng nghị mới có quyền nói lời sau cùng.
Tại phiên tòa, Chủ tọa phiên tòa hỏi người kháng cáo/Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên/bị cáo và những người liên quan trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
Đồng thời, khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị; Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
Như vậy, thủ tục phiên tòa phúc thẩm có nhiều nét cơ bản giống với thủ tục tại phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên vẫn có những điểm mới liên quan đến quyền và nghĩa vụ của Viện kiểm sát, của người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị. Đồng thời, nội dung của phiên tòa phúc thẩm cũng tập trung theo hướng làm rõ nội dung kháng cáo, kháng nghị trên cơ sở xem xét các chứng cứ mới, các chứng cứ cũ, tài liệu, đồ vật, nội dung kháng cáo, kháng nghị.
4. Vài nét về thể chế xét xử phúc thẩm trước năm 1945
>> Xem thêm: Thủ tục phúc thẩm quyết định xét đơn yêu cầu công nhận, không công nhận bản án, quyết định dân sự của tòa án, trọng tài nước ngoài
Thời kỳ Việt Nam độc lập tự chủ – từ thế kỷ X đến khi Pháp xâm lược và đô hộ (1858 – 1945)
Từ thế kỷ X – XV, do tư liệu chính sử bị thất lạc nên pháp luật tố tụng của các vương triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ không được ghi lại nhiều trong sử sách. Do đó, khó có căn cứ chính xác để bàn luận về thủ tục tư pháp trong thời kỳ phong kiến 500 năm độc lập và tự chủ.
Từ thế kỷ XV, khi nhà Hậu Lê được thiết lập, và khi Bộ Quốc triều Hình luật ra đời thì mặc dù mọi quyền lực đều tập trung trong tay Nhà Vua nhưng tư pháp ít nhiều đã có sự độc lập đối với hành pháp. Tuy cơ quan hành chính vẫn thực hiện xét xử nhưng đã hình thành một số cơ quan chuyên xét xử như Thừa ty, Hiến ty, Ngự sử đài, Đại lý tự ở mỗi đơn vi hành chính như đạo (1460), thừa tuyên (1469), xứ (1471) được đặt dưới sự quản lý và chấp pháp của Đô ty, Thừa ty, Hiến ty, trong đó Hiến ty là cơ quan xét xử chuyên trách. Thừa ty được xử một số vụ việc. Hiến ty xét xử sơ thẩm đồng thời cũng có quyền phúc thẩm lại các bản án mà Thừa ty xét xử; xét xử lại những việc xử phạt vắng mặt ở phủ huyện. Nếu thấy oan, Hiến ty sẽ giao quan phủ xử án lại. Từ 1649, Toà Giám sát ở mỗi đạo có quyền xử phúc thẩm tất cả các bản án trong đạo, đã được Hiến ty, Thừa ty, phủ nha và huyện nha xét xử trước đó nếu có oan, sai. Trong Bộ luật Hồng Đức quy định đương sự được kháng cáo 2 lần (Điều 672: Xã quan xử không đúng thì kêu lên huyện, huyện xử không đúng thì kêu lên quan lộ, quan lộ xử không đúng thì mới được đến kinh tế bày). Như vậy, trong nhà nước phong kiến Việt Nam từ thế kỷ XV – XVIII, cơ chế xét xử lại các bản án đã tồn tại và được luật hóa.
Thời kỳ nhà Nguyễn, ở cấp tỉnh, quan án sát xét xử hình sự còn Bố chánh xét xử dân sự. án sát tỉnh phúc thẩm lại các án phạt trượng của tri phủ, tri huyện. Ở Trung ương các Bộ đều có quyền phúc thẩm các vụ án quan trọng. Theo Bộ luật Gia Long, Bộ Hình có quyền phúc thẩm toàn bộ các việc bị phạt từ tội đồ trở lên. Cấp xét xử cao nhất là Tam pháp ty gồm: Đại lý tự, Bộ hình và Viện Đô sát có nhiệm vụ xét xử lại các bản án tử hình và các vụ án có nhiều vướng mắc, phức tạp, nghi là oan sai.
Thời kỳ Pháp thuộc
Sau cuộc xâm lược của thực dân Pháp, Nam Kỳ là thuộc địa của Pháp, Bắc Kỳ và Trung Kỳ đặt dưới sự bảo hộ của Pháp. Vì vậy cách tổ chức xét xử ở 3 kỳ có khác nhau. Các Tòa án Pháp có thẩm quyền khác với các Tòa án Việt Nam. Các Tòa án Pháp đều có Toà thượng thẩm, Toà Đại hình, Toà sơ thẩm, Toà hoà giải rộng quyền và Toà hoà giải thường. Có 2 Toà thượng thẩm đặt tại Hà Nội và Sài Gòn, làm nhiệm vụ xét xử phúc thẩm các bản án của Tòa án cấp dưới bị kháng cáo. Các Tòa án Việt Nam ở Bắc Kỳ được gọi là Toà Nam án do người Việt Nam đảm nhiệm việc xét xử. Trong đó ở Bắc Kỳ gồm Tòa án sơ cấp (đệ nhất cấp), Tòa án đệ nhị cấp, Toà thượng thẩm ở Hà Nội. Ở Trung Kỳ có Toà sơ cấp và Toà đệ nhị cấp. Toà thượng thẩm chính là Bộ Hình trong triều đình Huế.
5. Những vấn đề đặt ra trong lĩnh vực xét xử phúc thẩm
>>Xem thêm :Thủ tục xét xử phúc thẩm là gì ? Quy định về hội đồng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự ?
Những đòi hỏi của cải cách tư pháp cần được đáp ứng bằng việc thực hiện một loạt nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Tòa án như nguyên tắc độc lập xét xử, nguyên tắc hai cấp xét xử, việc xét xử của Tòa án có Hội thẩm tham gia, khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán; nguyên tắc Tòa án xét xử công khai; nguyên tắc quyền bào chữa của bị cáo được bảo đảm; nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội…, trong đó, nguyên tắc hai cấp xét xử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, chi phối và tác động mạnh đến xét xử phúc thẩm.
Về mặt lý thuyết, phúc thẩm hình sự cần được nhìn nhận từ các khía cạnh khác nhau: Là một giai đoạn của tố tụng hình sự; là một chế định pháp luật; là một thủ tục tố tụng.
Ở khía cạnh là một thủ tục tố tụng, đã có cách hiểu thống nhất trong giới nghiên cứu trong pháp luật và trong thực tiễn, đó là hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên, theo các quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện nay về thủ tục giám đốc thẩm, thì trên thực tế, hoạt động giám đốc thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án vẫn được coi là một “cấp” xét xử. Bởi lẽ, một bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực lại có thể được giám đốc lại một số lần (Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Toà chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Điều này không những trái với nguyên tắc hai cấp xét xử mà còn tạo ra nhận thức không đúng trong xã hội, đó là một khi chưa đưa vụ việc ra tới Tòa án nhân dân tối cao hoặc thậm chí cấp cao hơn nữa (Chủ tịch nước, Quốc hội, v.v.) thì vụ việc coi như vẫn chưa chấm dứt. Nhận thức đó là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng khiếu nại không có căn cứ, không thi hành bản án dù đã có hiệu lực pháp luật để tiếp tục theo kiện. Thêm vào đó, việc giải quyết một vụ án qua nhiều cấp giám đốc thẩm gây tốn kém thời gian và các nguồn lực của Nhà nước, của xã hội.
Về khía cạnh tổ chức, hiện nay vẫn còn những ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề xây dựng các Tòa án trên cơ sở nguyên tắc hai cấp xét xử. Một số ý kiến cho rằng nên xây dựng các Tòa án theo hướng mỗi cấp Tòa án là một cấp xét xử (sẽ có các Tòa án sơ thẩm và các Tòa án phúc thẩm), còn Tòa án nhân dân tối cao đứng trên toàn bộ hệ thống. Loại ý kiến này lập luận rằng tổ chức Tòa án theo phương thức trên sẽ đơn giản hóa được hệ thống, tách biệt rõ ràng thẩm quyền của mỗi Tòa án. Tuy nhiên một khó khăn mà phương án này vấp phải là với trình độ hiện nay, Thẩm phán ở các Tòa án cấp sơ thẩm dường như chưa đảm đương nổi nhiệm vụ xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp. Loại ý kiến khác cho rằng vẫn nên giữ nguyên các Tòa án với sự phân cấp thẩm quyền như hiện nay vì ngay cả ở những nước áp dụng triệt để nguyên tắc hai cấp xét xử trên thế giới, việc tổ chức các Tòa án thành 3 hay 4 cấp cũng vẫn là điều bình thường.
Như vậy, trong cải cách tư pháp, cần phân định lại thẩm quyền xét xử giữa Tòa án các cấp và tổ chức hệ thống Tòa án theo nguyên tắc hai cấp xét xử.
Việc phân định lại thẩm quyền xét xử giữa Tòa án các cấp hiện nay phải tiếp tục theo hướng đảm bảo Tòa án mỗi cấp chủ yếu thực hiện một thẩm quyền xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm, hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng một Tòa án thực hiện cả thẩm quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, biến giám đốc thẩm từ một thủ tục đặc biệt trở thành cấp xét xử thứ 3 và thuộc thẩm quyền của nhiều cấp Tòa án dẫn đến tố tụng lòng vòng, không có điểm dừng.
Cần tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử không phụ thuộc hoàn toàn vào địa hạt hành chính, theo đó, hệ thống Tòa án sẽ bao gồm các toà sơ thẩm khu vực, các Tòa án phúc thẩm, các toà thượng thẩm và Tòa án nhân dân tối cao. Kết hợp với tinh thần phân cấp mạnh mẽ trong cải cách hành chính, thẩm quyền xét xử sơ thẩm cần được giao chủ yếu cho Tòa án cấp thấp nhất trong hệ thống Tòa án; thẩm quyền xét xử phúc thẩm chủ yếu thuộc về Tòa án cấp thứ hai.
Cụ thể mô hình tổ chức của hệ thống Tòa án cần được thiết kế như sau:
– Tòa án sơ thẩm có thẩm quyền xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ án hình sự. Các Tòa án sơ thẩm được tổ chức theo khu vực, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính (cấp huyện). Các tiêu chí làm căn cứ thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực là địa bàn, dân cư giao thông, số lượng các vụ án trong một năm phải xét xử của mỗi Tòa án, trong đó yếu tố số lượng vụ án xét xử hàng năm là tiêu chuẩn chính.
– Tòa phúc thẩm (tương đương Tòa án cấp tỉnh hiện nay) có thẩm quyền chủ yếu xét xử lần thứ hai các bản án do Tòa án sơ thẩm xử lần đầu nhưng bị kháng cáo, kháng nghị; đồng thời Toà phúc thẩm cũng có thẩm quyền xử lần đầu một số ít vụ án đặc biệt phức tạp, nghiêm trọng.
– Tòa thượng thẩm khu vực/miền (thay cho các Tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân tối cao hiện nay) thực hiện chức năng xét xử phúc thẩm các vụ án do Toà phúc thẩm xử lần đầu nhưng bản án bị kháng cáo, kháng nghị. Các Toà thượng thẩm cũng được tổ chức theo khu vực/miền không phụ thuộc vào đơn vị hành chính lãnh thổ, có thể theo hướng được thành lập ở các trung tâm miền như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ hoặc ở một vài tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác có vị trí địa lý trung tâm của khu vực tuỳ theo nhu cầu thực tiễn
– Tòa án nhân dân tối cao chủ yếu thực hiện hướng dẫn đường lối xét xử và áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ; là toà duy nhất có thẩm quyền xét xử theo thủ tục đặc biệt (giám đốc thẩm, tái thẩm) đôi với một số ít bản án do các Tòa án cấp dưới xử đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị.
Cách tổ chức Tòa án theo hướng này sẽ khắc phục được những bất cập trước mắt như: việc đầu tư cán bộ, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc có trọng điểm hơn; điều chỉnh được sự quá tải của các Tòa án quận ở các thành phố lớn hoặc tình trạng quá ít công việc của các Tòa án cấp huyện ở nhiều địa bàn nông thôn, miền núi. Mặt khác, xét về lâu dài, cách tổ chức này là một trong những biện pháp quan trọng bảo đảm cho Tòa án độc lập trong hoạt động xét xử.
Mọi vướng mắc pháp lý liên quan đến luật hình sự, luật tố tụng hình sự – Hãy gọi ngay: 1900.0191 để được Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến.
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group