Khách hàng: Chào Luật sư của LVN Group, công ty em hiện tại đang sử dụng lao động là người nước ngoài. Hiện tại thì anh này đã đăng ký tạm trú tại Việt Nam. Bây giờ em muốn hỏi để xin phiếu lý lịch tư pháp cho anh này tại Việt Nam thì phải làm những thủ tục gì ạ? Nơi tiếp nhận là cơ quan nào ạ? 

Mong Luật sư của LVN Group giúp đỡ, xin cảm ơn Luật sư của LVN Group!

 

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hành chính, gọi:   1900.0191

Luật sư trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty luật LVN Group. Với nội dung câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

 

1. Khái niệm hợp đồng lao động 

Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.

Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.

Trước khi nhận người lao động vào làm việc thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. (Theo điều 13 Bộ luật Lao động năm 2019). 

Như vậy, phạm vi của Hợp đồng lao động – với tư cách là một trong những hình thức pháp lí để tuyển dụng lao động cho nên nó được áp dụng trong phạm vi đối tượng nhất định. Theo quy định, phạm vi đối tượng của Hợp đồng lao động được áp dụng với tất cả người lao động làm việc trong các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có đủ điều kiện và có nhu cầu thuê mướn, sử dụng lao động, trừ phạm vi đối tượng như:

– Những người thuộc đối tượng điều chỉnh là Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức ( những người đã là công chức, viên chức vẫn có thể tham gia quan hệ Hợp đồng lao động nếu công việc của họ không bị pháp luật cấm)

– Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chuyên trách, người giữ các chức vụ trong cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp, Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân được Quốc hội hoặc Hội đồng nhân dân các cấp bầu hoặc cử ra theo nhiệm kỳ;…

 

2. Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Điều kiện người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam được quy định tại điều 151 Bộ luật lao động năm 2019, có nội dung như sau:

Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam là người có quốc tịch nước ngoài và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Đủ 18 tuổi trở lên và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề, kinh nghiệm làm việc; có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;

c) Không phải là người đang trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích hoặc đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước ngoài hoặc pháp luật Việt Nam;

d) Có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 của Bộ luật này.

Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không được vượt quá thời hạn của Giấy phép lao động. Khi sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tuân theo pháp luật lao động Việt Nam và được pháp luật Việt Nam bảo vệ, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

 

3. Điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Theo Điều 152 Bộ luật lao động năm 2019 quy định  “Điều kiện tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam” như sau:

– Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhà thầu chỉ được tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm vị trí công việc quản lý, điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

– Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân trước khi tuyển dụng người lao động nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải giải trình nhu cầu sử dụng lao động và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Nhà thầu trước khi tuyển và sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải kê khai cụ thể các vị trí công việc, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm làm việc, thời gian làm việc cần sử dụng lao động nước ngoài để thực hiện gói thầu và được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo đó, việc xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài được quy định theo Nghị định 152/2020/NĐ-CP, đó là: 

– Trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động (trừ nhà thầu) có trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được và báo cáo giải trình với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi người lao động nước ngoài dự kiến làm việc theo Mẫu số 01/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

Trong quá trình thực hiện nếu thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Mẫu số 02/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này trước ít nhất 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài.

– Trường hợp người lao động nước ngoài quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 154 của Bộ luật Lao động và các khoản 1, 2, 8, 9, 10, 11, 12 và 13 Điều 7 Nghị định này thì người sử dụng lao động không phải thực hiện xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc theo Mẫu số 03/PLI Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.

 

4. Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài

Điều 153 Bộ luật lao động năm 2019 quy định “Trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động nước ngoài”:

– Người lao động nước ngoài phải xuất trình giấy phép lao động khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

– Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị buộc xuất cảnh hoặc trục xuất theo quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

– Người sử dụng lao động sử dụng người lao động nước ngoài làm việc cho mình mà không có giấy phép lao động thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

5. Thủ tục xin sơ yếu lý lịch tư pháp 

Thứ nhất, về điều kiện cấp lý lịch tư pháp cho người nước ngoài

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật lý lịch tư pháp 2009 :

“Điều 7. Quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp

1. Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.”

Như vậy, điều kiện để cấp lý lịch tư pháp cho người nước ngoài tại Việt Nam là phải đang tạm trú tại Việt Nam. Việc tạm trú tại Việt Nam thể hiện ở thời hạn visa hoặc thẻ tạm trú của người nước ngoài và đã đăng ký tạm trú với công an xã, phường, thị trấn nơi người nước ngoài đang tạm trú. Việc đăng ký tạm trú thể hiện trên sổ khai báo tạm trú hoặc giấy xác nhận đăng ký tạm trú do Công an xã, phường, thị trấn nơi người nước ngoài đang ở cấp.

Thứ hai về hồ sơ cấp lý lịch tư pháp mẫu số 1 cho người nước ngoài

Căn cứ theo quy định tại Điều 45 luật lý lịch tư pháp 2009 thì hồ sơ yêu cầu cấp lý lịch tư pháp mẫu số 1 cho người nước ngoài sẽ bao gồm:

1.  Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp theo mẫu.

2. Giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu

3. Sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú hoặc tạm trú 

 Đối với trường hợp ủy quyền thì cần nộp thêm giấy tờ sau:

4.  Bản chính Văn bản ủy quyền theo quy định pháp luật (được công chứng, chứng thực theo đúng quy định pháp luật)

5. Giấy chứng minh nhân dân (hoặc hộ chiếu) của người được ủy quyền.

Trường hợp người yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền nhưng được thay thế bằng giấy tờ để chứng minh mối quan hệ (giấy khai sinh; giấy đăng ký kết hôn; hộ khẩu gia đình….)

Chú ýCác giấy tờ trong hồ sơ công dân có thể nộp bản photo không cần chứng thực nhưng cần mang theo bản chính để cán bộ đối chiếu.

Thứ 3 về Nơi nộp hồ sơ: (điểm b, khoản 2 Điều 45, luật lý lịch tư pháp 2009 )

+ Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú;

+ Trường hợp đã rời Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

Ngoài ra cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội khi có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì gửi văn bản yêu cầu đến Sở Tư pháp nơi người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thường trú hoặc tạm trú; trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì gửi đến Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

Thời gian giải quyết: 10 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ (khoản 1 Điều 48 luật lý lịch tư pháp 2009)

Trên đây là tư vấn của Luật LVN Group về Thủ tục xin cấp lý lịch tư pháp cho người nước ngoài tại Việt Nam ? Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hành chính – Công ty luật LVN Group