Kính gửi Luật sư của LVN Group, tôi có vấn đề sau: Tôi hiện đang là nghiên cứu viên cao cấp làm công tác nghiên cứu tại viện khoa học (xin được giấu tên), tôi có học hàm GS 2012. Theo quy định thì 01/06/2015 tôi đến tuổi nghỉ hưu. Theo tinh thần của nghị định 40/NĐ CP/ 2014 về việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động và khoa học công nghệ, tôi có nguyện vọng kéo dài thời gian công tác với mục đích đóng góp, cống hiến cho việc đào tạo và nghiên cứu khoa học ở viện. Tháng 09/2014 (trước thời gian nghỉ hưu 09 tháng) tôi có làm đơn bày tỏ nguyện vọng gửi viện trưởng của viện để xem xét nguyện vọng kéo dài thời gian làm việc. Nhưng vì một số mâu thuẫn cá nhân trước đó (tôi khẳng định là có) thì ông viện trưởng có hành vi trì hoãn việc xem xét nguyện vọng của tôi. Cụ thể, khi tôi 2 lần viết đơn kiến nghị lên cấp cao hơn thì đến hôm nay, tháng 03/2015 ông viện trưởng mới tổ chức họp xem xét nguyện vọng kéo dài thời gian công tác của tôi bằng hình thức bỏ phiếu kín, thành phần buổi họp gồm có 10 người, kết quả có 4/10 phiếu đồng ý với nguyện vọng gia hạn thời gian của tôi. Và như vậy tôi không được viện tiếp tục gia hạn thời gian làm việc. Tôi cảm thấy bức xúc và không thể chấp nhận kết quả trên. 

Tôi muốn quý văn phòng xem xét giúp tôi ở các điểm sau:

1. Theo tôi được biết thành phần buổi họp gồm 10 người, trong đó có 02 PGS, 02 TS, 05 Ths và 01 Cử nhân. Trong khi tôi đã có học hàm GS. Vấn đề là 10 người trong hội đồng không có ai hoàn toàn hiểu rõ về lĩnh vực của tôi nghiên cứu. Nguyện vọng kéo dài công tác của tôi là cống hiến cho đào tạo và nghiên cứu khoa học nhưng thành phần buổi họp nói chung không liên quan đến chuyên môn. Ông viện trưởng có giải thích không thể triệu tập hội đồng khoa học vì hội đồng khoa học nhiệm kỳ mới ở viện mới bầu vào tháng 02/2015 (nếu họp trong năm 2014 thì hoàn toàn có thể mời hội đồng khoa học) nên chưa được thông qua nên phải tổ chức họp liên tịch gồm đoàn thanh nhiên, công đoàn, đảng ủy… Về nghiên cứu khoa học hiện tại tôi đang chủ trì các hội nghị lớn của quốc gia, về đào tạo tôi đang hướng dẫn 03 NCS do viện tuyển, nhưng việc xem xét tôi có được gia hạn thời gian làm việc hay không thì các NCS không được thông quá. Các nghiên cứu sinh đã có đơn kiến nghị về việc tôi không được gia hạn thời gian công tác vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của NCS và cơ quan cử NCS đi học. Việc tôi nghỉ hưu ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động đào tạo và nghiên cứu của viện, nhưng ông viện trưởng khi xem xét nguyện vọng của tôi lại không xét trên khía cạnh này. Điều đó thể hiện ngay ở thành phần buổi họp do ông viện trưởng tổ chức.

2. Việc tư thù cá nhân, trì hoãn việc xem xét nguyện vọng của tôi (tôi làm đơn từ tháng 9/2014, tới tháng 3/2015 mới giải quyết, trong khi tháng 6/2015 tôi đã về hưu) của ông viện trưởng có đúng luật không. Vì thực tế trong thời gian 3 tháng tôi không thể chuyển công tác sang 1 cơ sở mới trong khi tôi vẫn muốn cống hiến và có rất nhiều cơ sở muốn mời tôi về làm việc. 3. Tôi biết chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về thủ trưởng tổ chức khoa học công nghệ họp xem xét nguyện vọng kéo dài thời gian làm việc dựa trên tiêu chí nào. Nhưng tôi khẳng định việc không chấp nhận nguyện vọng của tôi hoàn toàn không khách quan. Trong khi trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo của viện rất cần tôi thì tiêu chí này lại không được xét đến.

Trên đây là vấn đề của tôi. Tôi nhờ quý văn phòng tư vấn giúp tôi. Nếu cần tôi sẽ trực tiếp đến văn phòng nhờ giúp đỡ. Cảm ơn Luật sư của LVN Group rất nhiều!

Người gửi: son duc

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục hỏi đáp pháp luật lao động của Công ty Luật LVN Group.

Tư vấn pháp luật lao động, hành chính, hình sự, Gọi:1900.0191

Trả lời:

Kính chào bác son duc, chúng tôi rất hân hạnh được trả lời câu hỏi của bác. 

Chúng tôi rất hiểu mong muốn và nguyện vọng của một người đã gắn bó và cống hiến cả đời cho ngành khoa học công nghệ của quốc gia, tuy nhiên, việc ký hợp đồng lao động đối với người lao động đã nghỉ hưu vẫn phải tuân theo quy định của pháp luật. 

Điều 6 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về Hợp đồng lao động đối với người lao động cao tuổi như sau:

“1. Khi người sử dụng lao động có nhu cầu và người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.

2. Khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động.”

Bên cạnh đó, Nghị định số 40/2014/NĐ-CP của Chính phủ Quy định việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ cũng có quy định về việc kéo dài thời gian công tác khi đủ tuổi nghỉ hưu như sau:

“1. Cá nhân giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập được xem xét kéo dài thời gian công tác để nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và không giữ chức vụ quản lý đáp ứng các điều kiện sau:

a) Là giáo sư; phó giáo sư; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I là tiến sĩ khoa học; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I; người giữ chức danh khoa học, chức danh công nghệ hạng I; người giữ chức danh khoa học, chức dang công nghệ hạng II là tiến sĩ;

b) Có đủ sức khỏe và có nguyện vọng được kéo dài thời gian công tác;

c) Tổ chức khoa học và công nghệ có nhu cầu và chấp thuận.”

Như vậy, trong các quy định của pháp luật hiện hành về vấn đề kéo dài thời gian làm việc của người lao động đã nghỉ hưu đều có điều kiện người sử dụng lao động có nhu cầu và chấp thuận. Do đó, nếu như người lao động đáp ứng điều kiện về sức khỏe và mong muốn được tiếp tục làm việc, nhưng người sử dụng lao động không có nhu cầu, không muốn tiếp tục ký hợp đồng lao động nữa thì người sử dụng lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động.

Trường hợp của bác, mặc dù bác rất mong muốn được tiếp tục làm việc sau khi nghỉ hưu, nhưng trên thực tế chúng ta hiểu rằng, viện trưởng viện khoa học công nghệ nơi bác làm việc không muốn tiếp tục ký hợp đồng lao động với bác, nên việc xét đơn của bác được thực hiện một cách qua loa. Đối chiếu các quy định của pháp luật, việc viện trưởng viện khoa học công nghệ không muốn tiếp tục ký hợp đồng lao động với bác là không trái quy định của pháp luật, ngay cả khi có tư thù cá nhân trong đó. 

Trong trường hợp của bác, chúng tôi nghĩ rằng bác có thể gửi đơn lên Bộ Khoa học và công nghệ, đơn vị chủ quản của Viện khoa học và công nghệ nơi bác đang làm việc, trình bày nguyện vọng, mong muốn cũng như tình hình công việc bác đang đảm nhiệm tại Viện, đề nghị được xem xét tiếp tục ký hợp đồng lao động. 

Nếu như nguyện vọng và mong muốn của bác tại Viện khoa học và công nghệ hiện tại không được đáp ứng, bác nên xem xét việc tiếp tục công việc nghiên cứu của mình tại những cơ sở khác.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật lao động – Công ty luật LVN Group