Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Luật thư viện năm 2019

2. Quyền con người là gì? Quyền công dân là gì?

Quyền con người là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người.

Quyền công dân là Khả năng tự do lựa chọn hành vi của công dân mà nhà nước phải bảo đảm khi công dân yêu cầu. Quyền công dân được quy định trong Hiến pháp, điều chỉnh những quan hệ đặc biệt quan trọng giữa công dân và nhà nước, là cơ sở tồn tại của cá nhân và hoạt động bình thường của xã hội. Quyền công dân bao gồm các quyền về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và các quyền tự do cá nhân.

3. Thư viện là gì?

Luật Thư viện số 46/2019/QH14 được Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2019, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2020 mang ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện các chế định pháp luật về bảo đảm quyền con người, quyền công dân được Hiến pháp quy định với các quyền cơ bản đó là: quyền tiếp cận thông tin và quyền tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa và sử dụng các cơ sở văn hóa.

Thư viện là thiết chế đã xuất hiện trên thế giới từ lâu đời, gắn với lịch sử phát triển, tiến bộ của nhân loại. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, thư viện là biểu tượng của nền học vấn, tri thức của một dân tộc; là nơi lưu giữ những di sản thành văn, tri thức khoa học, giá trị văn hóa của một đất nước.

Thư viện là một thiết chế văn hóa-thông tin, có bộ sưu tập tài liệu được thu thập, xử lý, tổ chức, lưu giữ, bảo quản bởi các chuyên gia thông tin thư viện theo tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ thư viện, để tạo lập, cung cấp thông tin, sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện đáp ứng quyền tiếp cận thông tin và hưởng thụ các giá trị văn hóa, phục vụ học tập, nghiên cứu, giải trí và các nhu cầu về thông tin khác của mỗi cá nhân, tổ chức.

Từ định nghĩa này, có thể nhận diện:

+ Thư viện là một thiết chế văn hóa – thông tin của xã hội. Thiết chế này giữ vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa trong toàn xã hội, truyền bá thông tin, tri thức, phục vụ các nhu cầu khác nhau trong xã hội.

+ Thư viện mang chức năng văn hóa, chức năng thông tin và chức năng giáo dục và chức năng giải trí, trong đó nhấn mạnh thư viện là một trong những công cụ của Nhà nước nhằm bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào hoạt động văn hóa, sử dụng các thiết chế văn hóa của người dân.

4. Vai trò của thư viện trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân

Từ việc nhận diện bản chất của thư viện, có thể thấy, thư viện là một thiết chế quan trọng của một quốc gia, giữ vai trò trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin, quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa và sử dụng các thiết chế văn hóa. Những quyền này nhằm thúc đẩy việc học tập, nâng cao trình độ, tri thức, phát triển đời sống văn hóa tinh thần của người dân, thúc đẩy việc xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Như vậy, 02 quyền con người, quyền công dân được mỗi quốc gia thừa nhận mà thư viện là công cụ để bảo đảm thực thi đó là:

– Quyền tiếp cận thông tin (Điều 69 Hiến pháp 1992 gọi là “quyền được thông tin”, Hiến pháp 2013 gọi là “quyền tiếp cận thông tin”); trong nghiên cứu này, quyền tiếp cận thông tin được hiểu là: quyền công dân được tạo ra thông tin, tìm kiếm, tiếp nhận, phổ biến, trao đổi và sử dụng thông tin; quyền được sử dụng các sản phẩm và dịch vụ từ các thiết chế cung cấp thông tin trên nguyên tắc tự do, bình đẳng trong tiếp cận. Quyền tiếp cận thông tin trong nghiên cứu này được hiểu theo nghĩa rộng, theo đó, chủ thể tham gia trong quan hệ pháp luật về tiếp cận thông tin không chỉ bao gồm giữa công dân với cơ quan nhà nước, mà còn giữa công dân với các thiết chế cung cấp thông tin (đó là các thư viện), trong đó Nhà nước giữ vai trò điều tiết, tạo hành lang pháp lý để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin thông qua các chế định của pháp luật về tiếp cận thông tin.

– Quyền hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa và sử dụng các thiết chế văn hóa được đề cập tại Điều 41 Hiến pháp 2013; trên bình diện quốc tế, Điều 27 của Tuyên ngôn Quốc tế về nhân quyền có khẳng định: mọi người có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hóa của cộng đồng, được thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ những tiến bộ khoa học cũng như những lợi ích xuất phát từ những tiến bộ khoa học. Trong Điều 15 Công ước Quốc tế về các Quyền kinh tế, xã hội và văn hóa đã cụ thể hóa Điều 27 bao gồm các quyền: a) được tham gia vào đời sống văn hóa; b) được hưởng các lợi ích của tiến bộ khoa học và ứng dụng của nó; c) Được bảo hộ các quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ bất kỳ sáng tạo khoa học, văn học, nghệ thuật nào của mình.

Thư viện là một trong những thiết chế bảo đảm các quyền cơ bản nêu trên thông qua việc thực hiện các chức năng của mình đó là: chức năng thông tin, chức năng văn hóa, chức năng giáo dục và chức năng giải trí. Trong Tuyên ngôn của UNESCO về thư viện công cộng đã khẳng định “Thư viện công cộng mở ra sự tiếp cận tới tri thức ở cơ sở, bảo đảm khả năng chủ yếu cho việc học tập liên tục cho việc tự mình đưa ra quyết định và cho sự phát triển văn hóa của cá nhân và các nhóm xã hội. Tuyên ngôn này bày tỏ niềm tin của UNESCO vào thư viện công cộng như là lực lượng tích cực tác động đến việc phổ cập giáo dục, văn hóa và thông tin, cũng là yếu tố quan trọng nhất giúp củng cố hòa bình và cuộc sống tinh thần trong tâm trí của nam giới và nữ giới”.

Thực tiễn ở Việt Nam hiện nay, mạng lưới thư viện phát triển rộng khắp với nhiều loại hình thư viện trong đó, hệ thống thư viện công cộng bao gồm: Thư viện Quốc gia Việt Nam, 63 thư viện cấp tỉnh, 665 thư viện cấp huyện, 2.970 thư viện cấp xã và gần 17.385 phòng đọc, tủ sách cơ sở; Mạng lưới thư viện chuyên ngành cũng có sự phát triển với 400 thư viện các trường đại học, cao đẳng, học viện; 25.915 thư viện các trường phổ thông, trên 100 thư viện chuyên ngành trong các cơ quan nhà nước, thư viện lực lượng vũ trang), ngoài ra còn có các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Sự phát triển của thư viện trong suốt thời gia qua đã góp phần đắc lực trong công cuộc nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên nguyên tắc bình đẳng trong tiếp cận thông tin, tri thức.

5. Quyền con người và quyền công dân được trong Luật Thư viện

5.1. Quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa và sử dụng cơ sở văn hóa

Luật Thư viện đã cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa và sử dụng các thiết chế văn hóa thông qua các quy định tại các Điều 42,43, 44 của Luật Thư viện, theo đó, người sử dụng thư viện (bao gồm cả tổ chức và cá nhân) có các quyền:

– Được sử dụng thư viện, tiếp cận và sử dụng tài nguyên thông tin và tiện ích thư viện phù hợp với nội quy thư viện, pháp luật về sở hữu trí tuệ, bảo vệ bí mật nhà nước và quy định pháp luật khác có liên quan.

– Được miễn phí tại thư viện công lập đối với các hoạt động: Sử dụng tài nguyên thông tin tại thư viện, mượn theo thời hạn quy định định trong nội quy của thư viện; Tra cứu thông tin trên không gian mạng; tiếp nhận thông tin về tài nguyên thông tin qua hệ thống tra cứu hoặc hình thức tiếp nhận thông tin, tra cứu khác; Được giúp đỡ, tư vấn về tìm kiếm, lựa chọn tài nguyên thông tin phù hợp với yêu cầu; Các hoạt động khác theo quy định.

Ngoài ra người sử dụng thư viện còn có các quyền: được sử dụng dịch vụ thư viện theo danh mục dịch vụ do thư viện cung cấp; được hướng dẫn sử dụng thư viện, hỗ trợ trang bị kỹ năng tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin; được tham gia các hoạt động dành cho người sử dụng thư viện do thư viện tổ chức; được lựa chọn thư viện phù hợp với nhu cầu và quy chế, nội quy thư viện; được khiếu nại, tố cáo về hành vi hạn chế quyền sử dụng thư viện.

Đối với những nhóm đặc thù, những đối tượng yếu thế trong xã hội, Luật Thư viện cũng có những quy định quan trọng nhằm bảo đảm việc thực hiện quyền con người, quyền công dân, một cách bình đẳng với các chủ thể khác trong xã hội, theo đó, Điều 44 của Luật Thư viện quy định:

Người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin bằng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với điều kiện của thư viện.

Người sử dụng thư viện là người cao tuổi hoặc người khuyết tật mà không thể tới thư viện được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin tại nhà thông qua dịch vụ thư viện lưu động hoặc gửi qua bưu chính, không gian mạng khi có yêu cầu phù hợp với hoạt động của thư viện.

Người khiếm thị, người khiếm thính có quyền sử dụng tài nguyên thông tin theo quy định và được tạo điều kiện sử dụng tài liệu in chữ nổi Braille, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu ngôn ngữ ký hiệu hoặc tài liệu đặc biệt khác.

Trẻ em được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin phù hợp với lứa tuổi, cấp học tại thưu viện cơ sở giáo dục và thư viện công cộng.

Trẻ em, người cao tuổi, thương binh, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn các khoản chi phí làm thẻ thư viện.

Người đang chấp hành hình phạt tù, học tập, cải tạo tại trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin của thư viện tại nơi giam giữ, học tập và chữa bệnh.

Tổng quan các quy định nêu trên, có thể nhận diện, Luật Thư viện đã bao phủ và đề cập hầu hết các nội dung trong việc bảo đảm việc tiếp cận thông tin, tiếp cận các giá trị văn hóa, hưởng thụ các giá trị văn hóa và sử dụng cơ sở văn hóa (sử dụng thư viện) đối với mọi đối tượng trong xã hội bao gồm cả những đối tượng đặc thù trong xã hội như: những người chấp hành hình phạt tù, học tập, cải tạo tại trại giam, đây là những đối tượng bị cách ly khỏi xã hội, mất một phần hoặc toàn bộ quyền công dân, song vẫn còn quyền con người; thông qua tiếp cận các giá trị văn hóa từ sách, báo và tri thức giúp họ sớm hoàn lương. Các đối tượng yếu thế trong xã hội như người khiếm thị, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi.. cũng được bảo đảm việc tiếp cận thông tin một cách tối đa thông qua các quy định có tính đặc thù, đáp ứng với việc tiếp cận và sử dụng thư viện phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, lứa tuổi của họ. Đặc biệt, nâng cao mức hưởng thụ các giá trị văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số, Luật Thư viện cũng đã có quy định có liên quan đến việc bảo đảm cho việc người dân tộc thiểu số có thể tiếp cận với ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình trong thư viện.

Đi cùng với việc xác định những quyền con người, quyền công dân, Luật Thư viện đã xác định những ranh giới, trong việc thực hiện các quyền này nhằm bảo đảm việc thực thi nó một cách hiệu quả. Điều 7 của Luật đã quy định về tài nguyên thông tin hạn chế sử dụng trong thư viện, nhằm giới hạn việc tiếp cận thông tin bao gồm:

– Tài nguyên thông tin có nội dung nếu sử dụng rộng rãi có thể ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;

– Tài nguyên thông tin thuộc bí mật nhà nước, hạn chế sử dụng, tiếp cận có điều kiện, hạn chế quyền tiếp cận theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, tiếp cận thông tin và lưu trữ;

– Bản gốc tài liệu cổ, quý hiếm, tài nguyên thông tin là di sản văn hóa đang lưu giữ trong thư viện;

– Bản gốc tài liệu bị hư hỏng.

Như vậy, Luật Thư viện đã “khoanh vùng” những nguồn thông tin mà công dân hạn chế tiếp cận, với các quy định về hạn chế trong nội dung thông tin và hình thức thể hiện của thông tin. Đặc biệt đối với các dạng thông tin hạn chế sử dụng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7, Luật đã quy định các thư viện được lưu giữ để phục vụ cho hoạt động nghiên cứu (khoản 10 Điều 38 Luật Thư viện) nhằm bảo đảm cho việc phát huy một cách tối đa giá trị của các thông tin này, bảo đảm cho mọi đối tượng có thể tiếp cận và sử dụng sách, báo và các giá trị của thư viện phục vụ học tập, nghiên cứu và hưởng thụ các giá trị văn hóa.

5.2. Quyền tham gia vào hoạt động văn hóa

Luật Thư viện đã cụ thể hóa quyền của con người, quyền của công dân trong việc tham gia vào hoạt động văn hóa được quy định tại Hiến pháp. Thông qua các quy định này, người dân trở thành trung tâm và là chủ thể chính tham gia vào hoạt động văn hóa với tư cách là đối tượng hưởng thụ các giá trị hoặc với tư cách là đối tượng tạo ra các giá trị văn hóa.

Khi tham gia vào hoạt động văn hóa với tư cách là đối tượng hưởng thụ văn hóa, người dân có các quyền đã được phân tích ở mục a; tại mục này chủ yếu tập trung phân tích, nhận diện các quyền của người dân với tư cách là đối tượng tạo ra các giá trị văn hóa trong thư viện thông qua việc thành lập thư viện và tham gia các hoạt động thư viện.Theo đó, Điều 20 Luật Thư viện đã quy định về quyền thành lập thư viện ngoài công lập khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật. Ngoài ra, bằng việc đa dạng hóa các loại hình thư viện, Luật Thư viện đã có các quy định tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân có thể thành lập thư viện theo mô hình doanh nghiệp nhằm tạo ra lợi nhuận, cung ứng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa, thông tin tốt hơn. Từ đây có thể thấy, Luật Thư viện đã phần nào cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh, tham gia vào các hoạt động văn hóa-thông tin của tổ chức cá nhân, đồng thời góp phần hoàn thiện các chính sách của nhà nước trong xã hội hóa hoạt động văn hóa.

Để cụ thể hóa quyền của tổ chức, cá nhân trong tham gia hoạt động thư viện với từ cách là chủ thể thành lập thư viện, Điều 38 của Luật Thư viện đã quy định các quyền của Thư viện bao gồm:

1) xác định nội dung và hình thức hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của thư viện;

2) trao đổi tài nguyên thông tin, tham gia vào hệ thống thư viện trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật;

3) từ chối yêu cầu sử dụng tài nguyên thông tin trái với quy định của pháp luật, quy chế, nội quy thư viện;

4) thu phí, giá từ việc cung cấp dịch vụ thư viện theo quy định của pháp luật;

5) nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa thư viện;

6) vận động, tiếp nhận tài trợ, viện trợ, tặng, cho, đóng góp cho thư viện theo quy định của pháp luật;

7) mở rộng phục vụ đối tượng người sử dụng thư viện phù hợp với quy định của pháp luật và quy chế thư viện;

8) Hợp tác quốc tế về thư viện;

9) xác định hình thức và giá trị bồi thường thiệt hại do người sử dụng thư viện cây ra theo quy định của pháp luật và nội quy thư viện.

Tổ chức cá nhân tham gia hoạt động thư viện với tư cách là người làm công tác thư viện, Điều 40 của Luật Thư viện đã quy định các quyền cơ bản như:

1) được học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức quản lý thư viện và kỹ năng sử dụng trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại ứng dụng trong hoạt động thư viện,

2) được tham gia nghiên cứu khoa học, sinh hoạt chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia tổ chức xã hội nghề nghiệp về thư viện;

3) được hưởng lương; chế độ, chính sách ưu đãi nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.

Như vậy thông qua quy định về quyền của tổ chức cá nhân tham gia hoạt động thư viện trong Luật thư viện, các chế định về quyền tiếp cận thông tin, quyền được hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa và sử dụng cơ sở văn hóa đã được cụ thể hóa, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc thúc đẩy việc nâng cao dân trí, năng lực thông tin, khả năng tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa của người dân thông qua tham gia vào hoạt động thư viện.

Thư viện là một trong những yếu tố bảo đảm công bằng, bình đẳng và lợi ích cho toàn thể mọi người trong xã hội trong việc tiếp cận thông tin, tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa và sử dụng cơ sở văn hóa từ đó thúc đẩy việc học tập suốt đời, nâng cao trình độ, phát triển văn hóa đọc và các hoạt động giải trí phục vụ các nhu cầu khác nhau của mỗi cá nhân. nNiều học giả quốc tế cho rằng, thư viện là hiện thân của một xã hội xã hội chủ nghĩa hiện đại.

Sự có mặt của Luật Thư viện đã bổ sung những chế định pháp lý hết sức quan trọng về quyền tiếp cận thông tin đối với những thông tin không hình thành và phát sinh trong hoạt động quản lý nhà nước của cơ quan công quyền, bảo đảm cho công dân có thể tiếp cận thông tin một cách bình đẳng để phục vụ cho lợi ích của mình.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập