Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Dân sự của Công ty luật LVN Group
>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, gọi: 1900.0191
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ luật dân sự năm 2015
– Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010
– Luật an toàn thực phẩm năm 2010
– Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 sửa đổi năm 2018
2. Thực phẩm không an toàn là gì?
Thực phẩm là “sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm”.
Một thực phẩm được xem là không an toàn khi nó có chứa các tác nhân gây hại cho sức khỏe của người sử dụng. Các tác nhân đó gồm:tồn dư các thuốc bảo vệ thực vật, hoá chất, phẩm màu độc hại, chất bảo quản, kim loại, kháng sinh cấm hoặc vượt quá giới hạn cho phép, thực phẩm biến chất, các độc tố tự nhiên trong thực phẩm hay cáctác nhân sinh học gây bệnh như vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm mốc…
3. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là gì?
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm dân sự của bên có lỗi (cố ý hoặc vô ý), gây hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, gây hại đến danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác.
An toàn thực phẩm là “việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người”. Do đó, thực phẩm không an toàn là thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Nói cách khác, khi người tiêu dùng sử dụng thực phẩm không an toàn có thể sẽ bị những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng sẽ thuộc về chủ thể nào, căn cứ nào làm phát sinh trách nhiệm, căn cứ nào loại trừ trách nhiệm… là những vấn đề pháp lý cần được đặt ra.
Để xác định thực phẩm không an toàn, chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường, chủ thể được bồi thường (người tiêu dùng), căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường, căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường, … chúng ta phải dựa vào nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Cụ thể là: Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.
4. Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do thực phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng
4.1. Chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường
Khi thực phẩm được sản xuất và cung cấp cho người tiêu dùng thì thường có sự tham gia của nhiều chủ thể và trải qua nhiều giai đoạn khác nhau. Do đó, nếu thực phẩm không an toàn thì chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường có thể là một hoặc nhiều chủ thể khác nhau.
Theo Luật an toàn thực phẩm năm 2010 thì bảo đảm an toàn thực phẩm là “trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm…” và “tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật”.
Nhìn chung, chủ thể phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm chính là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Riêng đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại, Luật an toàn thực phẩm năm 2010 đã quy định cho hai chủ thể là nhà sản xuất và nhà kinh doanh ở hai quy định khác nhau. Theo đó, điểm l khoản 2 Điều 7 luật trên quy định tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có nghĩa vụ: bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm không an toàn do mình sản xuất gây ra. Đồng thời, theo điểm l khoản 2 Điều 8 luật trên thì nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm là bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm mất an toàn do mình kinh doanh gây ra. Bên cạnh đó, điểm đ khoản 1 Điều 9 của Luật trên cũng nêu rõ quyền của người tiêu dùng là: được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng thực phẩm không an toàn gây ra.
Từ những quy định trên, có thể thấy trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi thực phẩm không an toàn gây ra cho người tiêu dùng là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên đối với người tiêu dùng bị thiệt hại. Riêng đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, đây là loại trách nhiệm đặt ra khi “giữa các chủ thể mà trước đó không có quan hệ hợp đồng hoặc tuy có quan hệ hợp đồng nhưng hành vi của người gây thiệt hại không thuộc về nghĩa vụ thi hành hợp đồng đã ký kết”, do đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong trường hợp này chủ yếu đặt ra đối với nhà sản xuất thực phẩm. Bởi lẽ, “sản xuất thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm” (khoản 14 Điều 2 Luật an toàn thực phẩm). Nói cách khác, giữa nhà sản xuất thực phẩm với người tiêu dùng thường không có quan hệ hợp đồng (trừ trường hợp nhà sản xuất vừa là nhà kinh doanh) nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại do thực phẩm không an toàn gây ra thường là trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trong khi đó, vì “kinh doanh thực phẩm là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động giới thiệu, dịch vụ bảo quản, dịch vụ vận chuyển hoặc buôn bán thực phẩm” (khoản 8 Điều 2 Luật an toàn thực phẩm) do đó giữa nhà kinh doanh với người tiêu dùng thường sẽ có quan hệ hợp đồng nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ phát sinh trên cơ sở hợp đồng giữa hai bên (trừ trường hợp người tiêu dùng sử dụng thực phẩm do người khác mua, ví dụ: mẹ mua sữa cho con uống thì con là người tiêu dùng nhưng không phải là chủ thể trong quan hệ hợp đồng mua bán trên).
Ngoài ra, liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã quy định:
“1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp “hàng hóa có khuyết tật” do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật…
2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa;
b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa;
c) Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa;
d) Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật cho người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định tại các điểm a, b và c khoản này.
3. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự”.
Quy định này cho thấy trách nhiệm bồi thường thiệt hại đặt ra cho các chủ thể là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu… rồi mới áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi không xác định được các chủ thể trên (ví dụ như: người bán hàng…).
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do hàng hóa không bảo đảm chất lượng nói chung và thực phẩm không an toàn nói riêng, theo Điều 608 BLDS 2015 thì “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.
Như vậy, khi hàng hóa không bảo đảm chất lượng nói chung và thực phẩm không an toàn nói riêng thì theo quy định của pháp luật, chủ thể phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là nhà sản xuất, kinh doanh. Riêng trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì thường đặt ra đối với nhà sản xuất thực phẩm không an toàn. Điều này cũng tương đồng với quy định pháp luật của một số quốc gia. Ví dụ: Điều 5 Luật Trách nhiệm đối với sản phẩm không an toàn Thái Lan năm 2008 quy định: Tất cả những nhà sản xuất, kinh doanh phải cùng chịu trách nhiệm về thiệt hại xảy ra đối với bên bị thiệt hại từ một sản phẩm không an toàn bán cho người tiêu dùng, không kể là thiệt hại đó được gây ra do cố ý hay vô ý; Điều 97 Luật Tiêu dùng của Philippines 1992 quy định: Bất kỳ người Philippines hay nhà sản xuất nước ngoài sản xuất và bất kỳ nhà nhập khẩu nào cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường, không kể có lỗi hay không, đối với thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng bởi các khuyết tật có từ thiết kế, sản xuất… ; Điều 3 Luật Trách nhiệm sản phẩm Nhật Bản (Luật số 85/1994) quy định: Người sản xuất phải có trách nhiệm đối với những thiệt hại do mình gây ra cho tính mạng, cơ thể hoặc tài sản của ai đó do có khuyết tật trong hàng hóa của anh ta sản xuất, chế biến, nhập khẩu hoặc thể hiện tên lên sản phẩm…
4.2. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường
Khoản 1 Điều 6 Luật an toàn thực phẩm năm 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật” và điểm l khoản 2 Điều 7 luật trên quy định tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi thực phẩm không an toàn do mình sản xuất gây ra”. Riêng với trường hợp khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm thì khoản 5 Điều 53 của luật này nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự”. Ngoài ra, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định tại Điều 23 về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra là “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, … Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự”.
Từ quy định trên, chúng ta thấy rằng khi thực phẩm không an toàn gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng thì theo quy định của pháp luật, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có thể phát sinh dựa trên những căn cứ sau:
Thứ nhất, có thiệt hại xảy ra
Thiệt hại ở đây có thể là thiệt hại về vật chất hoặc thiệt hại do tổn thất về tinh thần. Luật An toàn thực phẩm năm 2010 không có quy định về thiệt hại được bồi thường, nhưng Điều 608 BLDS năm 2015 có quy định về vấn đề này trong phần bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nên việc xác định thiệt hại trong trường hợp này cũng theo nguyên tắc chung về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Riêng với Điều 60 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định rõ các thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng gồm: “Thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị hủy hoại; Thiệt hại về tính mạng, sức khỏe con người; Thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản; Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại”. Đối với trường hợp thiệt hại do thực phẩm không an toàn gây ra trên thực tế thì thường là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, ví dụ: bị ngộ độc thực phẩm.
Ngoài ra, về nghĩa vụ chứng minh thiệt hại, khoản 1 Điều 42 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Người tiêu dùng có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh trong vụ án dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, trừ việc chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ”.
Thứ hai, hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật
Khi hàng hóa không bảo đảm chất lượng nói chung và thực phẩm không an toàn nói riêng gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì hành vi trái pháp luật được xác định là hành vi trái với các quy định cụ thể của các luật như: Luật an toàn vệ sinh thực phẩm, Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa, luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Với trường hợp sản xuất thực phẩm không an toàn gây ra thiệt hại, theo Điều 5 Luật an toàn thực phẩm năm 2010, hành vi của nhà sản xuất bị coi là trái pháp luật khi:
+ Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm;
+ Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm;
+ Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép;
+ Sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm…
Thứ ba, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại xảy ra
Với căn cứ này, thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại, hành vi trái pháp luật phải là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại xảy ra thì chủ thể gây thiệt hại mới phải bồi thường.
Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng nói chung và do thực phẩm không an toàn gây ra nói riêng phát sinh dựa vào 3 căn cứ trên. Về vấn đề lỗi, khoản 1 Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 không đặt ra yêu cầu về lỗi để xác định trách nhiệm bồi thường và điều này cũng phù hợp với BLDS năm 2015. Theo đó, Điều 584 và Điều 608 BLDS năm 2015 quy định: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác” và “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.
Tuy nhiên, Điều 61 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 lại quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại dựa trên yếu tố lỗi như sau: “Người sản xuất, người nhập khẩu phải bồi thường thiệt hại cho người bán hàng hoặc người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của người sản xuất, người nhập khẩu không bảo đảm chất lượng hàng hóa…”. Điều này làm cho các quy định hiện hành của nước ta về vấn đề bồi thường thiệt hại do hàng hóa không đảm bảo chất lượng nói chung và thực phẩm không an toàn nói riêng gây ra không có sự thống nhất.
4.3. Căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường
Khoản 1 Điều 62 Luật chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định về các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại của người sản xuất như sau:
“Người sản xuất, người nhập khẩu không phải bồi thường trong các trường hợp sau đây: Người bán hàng bán hàng hóa đã hết hạn sử dụng; người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng…; Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại; Thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng; Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng”.
Ngoài ra, Điều 24 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 cũng quy định về việc miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hàng hóa có khuyết tật gây ra như sau:
“Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa quy định tại Điều 23 của Luật này được miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng.”
Nhìn chung, những quy định trên là phù hợp và khá tương đồng với pháp luật một số quốc gia khác.
Thực phẩm “bẩn” đã và đang là vấn nạn lớn trong xã hội. Tuy rằng pháp luật có quy định về các chế tài xử lý đối với cá, nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm “bẩn”, song trên thực tiễn tính răn đe của những chế tài này chưa thực sự hiệu quả. Hầu hết cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh vẫn bất chấp vì lợi nhuận. Bởi vậy, bên cạnh sự can thiệp của pháp luật, mỗi người dân hãy là những người tiêu dùng thông thái trong lựa chọn thực phẩm và tích cực tuyên truyền lối sống xanh, sạch trong cộng đồng.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập