NỘI DUNG TƯ VẤN:
1. Những vấn đề lí luận chung về biện pháp kê biên, xử lí tài sản của người phải thi hành án là nhà ở
1.1 Cưỡng chế thi hành án và biện pháp kê biên, xử lí tài sản của người phải thi hành án là nhà ở
Biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự là biện pháp thi hành án dân sự dùng quyền lực của nhà nước buộc người phải thi hành án thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự của họ, do chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện để thi hành án mà không tự nguyện thi hành án.
Biện pháp kê biên, xử lí tài sản của người phải thi hành án là nhà ở là biện pháp cưỡng chế thi hành án do chấp hành viên áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền theo bản án, quyết định có điều kiện thi hành án (người phải thi hành án có tài sản là nhà ở và nhà ở sẽ được dùng để thi hành án) nhưng không tự nguyện thi hành.
1.2 Đặc điểm củabiện pháp kê biên, xử lí tài sản của người phải thi hành án là nhà ở
Thể hiện quyền năng đặc biệt của Nhà nước và được đảm bảo thực hiện bởi sức mạnh của Nhà nước.
Được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án nhằm buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định của tòa án.
Đối tượng của biện pháp là nhà ở của người phải thi hành án.
Người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế ngoài phải thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định của tòa án còn phải chịu mọi chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự.
Biện pháp cưỡng chế này không những có hiệu lực đối với người phải thi hành án mà còn có hiệu lực đối với cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan.
1.3 Điều kiện áp dụng biện pháp kê biên, xử lí tài sản của người phải thi hành án là nhà ở
Theo bản án, quyết định của tòa án, người phải thi hành án có nghĩa vụ trả tiền cho người được thi hành án.
Người phải thi hành án có tài sản là nhà ở để thi hành nghĩa vụ trả tiền cho người được thi hành án: nhà ở bị kê biên phải thuộc sở hữu của người phải thi hành án, có thể là nhà ở thuộc sở hữu riêng của người phải thi hành án hoặc thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, nhà ở có thể đang do người phải thi hành án hoặc người thứ ba đang quản lí hoặc sử dụng.
Đã hết thời gian tự nguyện do chấp hành viên ấn định nhưng người phải thi hành án không tự nguyện thi hành hoặc chưa hết thời gian tự nguyện nhưng cần ngăn chặn người phải thi hành án thực hiện hành vi tẩu tán, hủy hoại.
1.4 Nguyên tắc áp dụng biện pháp kê biên, xử lí tài sản của người phải thi hành án là nhà ở
Để đảm bảo việc thi hành án có hiệu quả và đúng pháp luật, việc áp dụng biện pháp kê biên, xử lí tài sản của người phải thi hành án là nhà ở phải tuân thủ các nguyên tắc sau:
Chỉ chấp hành viên mới có quyền áp dụng biện phápnày.
Không được tổ chức biện pháp trong thời gian mà pháp luật quy định không được cưỡng chế thi hành án dân sự.
Chấp hành viên phải áp dụng biện phápkê biên, xử lí tài sản của người phải thi hành án là nhà ở tương ứng với nghĩa vụ thi hành án mà người phải thi hành án có nghĩa vụ phải thực hiện theo bản án, quyết định của tòa án.
Người phải thi hành án có quyền thỏa thuận với người được thi hành án về tài sản được kê biên để đảm bảo thi hành án nhà ở của người phải thi hành án. Nếu hai bên không thỏa thuận được, người phải thi hành án có quyền đề nghị chấp hành viên kê biên nhà ở trước khi kê biên tài sản khác và chấp hành viên phải chấp hành đề nghị đó nếu xét thấy việc đề nghị đó là không cản trở việc thi hành án. Nếu người phải thi hành án không đề nghị kê biên thì tài sản thuộc sở hữu riêng của người phải thi hành án được kê biên trước. Nếu người phải thi hành án không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thi hành án thì chấp hành viên mới được kê biên phần tài sản của người phải thi hành án trong khối tài sản thuộc sở hữu chung với người khác.
Trường hợp có tranh chấp về nhà ở kê biên thì Chấp hành viên thông báo cho đương sự, người có tranh chấp về quyền của họ được khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết.Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp khởi kiện tại Tòa án hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì việc xử lý nhà ở được thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được thông báo hợp lệ mà đương sự, người có tranh chấp không khởi kiện tại Tòa án hoặc không đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì Chấp hành viên xử lý nhà ở để thi hành án theo quy định của Luật.
2. Thực tiễn áp dụng biện pháp kê biên, xử lí tài sản của người phải thi hành án là nhà ở
2.1 Những vướng mắc gặp phải trong quá trình áp dụng biện pháp kê biên, xử lí tài sản để thi hành án là nhà ở
Chế độ đãi ngộ đối với Chấp hành viên, cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự chưa hợp lý: mức lương của ngành không cao nhưng công việc lại rất phức tạp mang tính rủi ro cao.
Người phải thi hành án chây ỳ, chống đối, cản trở việc thi hành án: người phải thi hành án thường tìm mọi cách để trì hoãn, trốn tránh việc thi hành án, làm cho việc thi hành án trở nên khó khăn, phức tạp, nhất là những trường hợp người phải thi hành án chưa thoả mãn với kết quả giải quyết của Toà án và các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Mối quan hệ phối hợp trong công tác thi hành án: Sự phối hợp hoạt động của cơ quan thi hành án với tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã, lực lượng cảnh sát để nhằm thực hiện hoạt động thi hành án đôi lúc đôi nơi chưa được thật sự phối hợp một cách gắn kết, nhịp nhàng và thống nhất, chặt chẽ, ăn ý với nhau, vẫn còn có những thái độ ngần ngại, né tránh tham gia, sự phối hợp tỏ ra rất mờ nhạt của các cơ quan hữu quan trước công việc, nhiệm vụ đầy khó khăn của cơ quan thi hành án.
Một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác thi hành án dân sự có trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nhiều trường hợp Chấp hành viên chưa thực sự tích cực, quyết liệt đối với những vụ việc phức tạp, khó khăn; ngại khó, ngại va chạm.
Vẫn còn trường hợp Chấp hành viên gây sách nhiễu, vòi vĩnh đương sự, gây cản trở hoạt động thi hành án, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào các đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Người phải thi hành án không có khả năng để thi hành án: Người phải thi hành án không có tài sản, thu nhập hợp pháp để thi hành án hoặc không xác định được nơi cư trú của đương sự; đặc biệt đối với trường hợp người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù, không có tài sản; người phải thi hành án có tài sản nhưng giá trị nhỏ không đáng kể để thi hành án, hoặc chỉ có tài sản để kê biên, phát mãi nhưng không bán được, mà người được thi hành án không đồng ý nhận để trừ vào số tiền được thi hành án và người phải thi hành án không còn tài sản nào khác. Người phải thi hành nghĩa vụ giao vật đặc định mà vật đó đã mất, hư hỏng mà hai bên không thoả thuận được về phương thức thanh toán…
2.2 Giải pháp
Về cơ chế quản lý công tác thi hành án: Đổi mới cơ chế quản lý công tác thi hành án, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong công tác thi hành án đặc biệt là trong trường hợp cưỡng chế thi hành án. Công tác thi hành án cần thống nhất về một mối, bởi lẽ việc đổi mới cơ chế quản lý công tác thi hành án hiện nay là một vấn đề có tính chiến lược, nằm trong quá trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính. Việc đổi mới cơ chế nhằm đảm bảo sự quản lý thống nhất về tổ chức, cơ chế hoạt động, công tác hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn tập trung lực lượng cán bộ và chuyên môn hóa cán bộ, tăng cường cơ sở vật chất là nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập, tình trạng phân tán, xé lẻ trong hoạt động thi hành án, mà chúng tôi đã đề cập trong phần trên.
Về xây dựng pháp luật: bổ sung quy định về quy kết trách nhiệm một cách rõ ràng với CHV tiến hành kê biên nhà ở nhất là trong việc xác minh nhà ở của người phải thi hành án, bởi không làm tốt việc này nó sẽ ảnh hưởng tới các công việc tiếp theo của kê biên, dẫn đến việc kê biên nhà ở không đạt hiệu quả, hoặc đạt hiệu quả không cao.
Về thực hiện các quy định pháp luật cưỡng chế kê biên tài sản: tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích pháp luật, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án và chỉ cưỡng chế khi cần thiết.
Triển khai sâu rộng việc tin học hoá hoạt động quản lý, điều hành thi hành án dân sự: Triển khai hộp thư điện tử, đào tạo sử dụng, khai thác các cơ sở dữ liệu THADS nói riêng và khai thác dữ liệu trên Internet nói chung cho THADS địa phương, triển khai việc gửi báo cáo, văn bản bằng thư điện tử xây dựng phần mềm thống kê kết quả thi hành án dân sự…
Thực hiện tiêu chuẩn hoá đội ngũ cán bộ cơ quan thi hành án; xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi hành án, đảm bảo các chấp hành viên trước khi bổ nhiệm phải qua đào tạo nghề. Sớm ban hành chế độ chính sách đãi ngộ với chấp hành viên và cán bộ thi hành án.
Đáp ứng đầy đủ và kịp thời kinh phí hoạt động cho cơ quan thi hành án. Tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, đặc biệt là xây dựng trụ sở, hệ thống kho tàng tài vật của các cơ quan thi hành án.
Tăng cường công tác giải thích pháp luật, thường xuyên tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục thuyết phục đương sự tự nguyện chấp hành; chỉ tiến hành cưỡng chế trong trường hợp bất đắc dĩ; tăng cường sự giám sát của nhân dân…
3. Kết luận:
Biện pháp kê biên, xử lí tài sản của người phải thi hành án là nhà ở có một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hiệu lực các phán quyết dân sự về nhà ở của Tòa án. Hiệu quả của việc cưỡng chế kê biên, xử lí tài sản của người phải thi hành án là cơ sở, tiền đề cho sự thành công, hiệu quả của một vụ thi hành án về nhà ở khi đương sự không tự nguyện thi hành. Song qua xem xét vấn đề này có thể thấy trong quá trình áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản để thi hành án gặp rất nhiều vướng mắc do nhiều nguyên nhân khác nhau gây cản trở cho việc cưỡng chế. Nên cần phải có những giải pháp và thực hiện kịp thời các giải pháp đó.
Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group