NỘI DUNG TƯ VẤN:

1. Giới thiệu chung:

Ở nước ta, trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu công nghiệp nói riêng đã trở thành một vấn đề nổi cộm, tuy chưa có một thống kê chính thức và toàn diện nào về tình trạng vi phạm, song qua các phương tiện thông tin đại chúng có thể thấy, sự vi phạm diễn ra ngày càng phổ biến, mức độ theo chiều hướng trầm trọng hơn và cách thức ngày càng tinh vi hơn. Ngoài các biện pháp bảo vệ quyền như: Biện pháp dân sự, hình sự, hành chính hay biện pháp kiểm soát tại biên giới, mà chủ thể bị vi phạm quyền sở trí tuệ có thể áp dụng hay đề nghị áp dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thì khi Chính phủ ban hành nghị định về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp ra đời, các chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp đã được trang bị “vũ khí” tự vệ mới, đó là các quy định về bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp. Vậy thực trạng tình hình thực thi pháp luật về vấn đề này như thế nào trong thời gian qua? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn đọc có thể tham khảo nội dung dưới đây về:” Thực trạng thực thi pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp tại Việt Nam.”

2. Thực trạng thực thi pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp tại Việt Nam:

Cùng với sự phát triển phong phú, đa dạng của các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường, nhận thức rõ vai trò của quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền sở hữu công nghiệp nói riêng và yêu cầu bảo vệ trật tự cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh, những năm qua, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có nhiều giải pháp tích cực để triển khai mạnh mẽ các quy định của Luật Cạnh tranh cũng như Luật Sở hữu trí tuệ vào cuộc sống. Quá trình này đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, việc thực thi pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp còn gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là việc xác định rõ về nội hàm hành vi và nguyên tắc áp dụng pháp luật.

Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp ở Việt Nam được quy định lần đầu tiên tại Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 03/10/2000 của Chính phủ về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan tới sở hữu công nghiệp. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp là những hành vi do các chủ thể tiến hành trong quá trình kinh doanh; trái với các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh, liên quan đến sử dụng hoặc chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp khác và người tiêu dùng.
Sau khi Luật Cạnh tranh năm 2018 và Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 được ban hành, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp được quy định một cách cụ thể hơn. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp được xác định bao gồm:

2.1 Hành vi chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn:

Hành vi chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn (Luật Cạnh tranh quy định về hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn tại Điều 45, còn Luật Sở hữu trí tuệ quy định về hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn tại Điều 130). Theo đó, chỉ dẫn gây nhầm lẫn bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi: (i) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, hoạt động kinh doanh, nguồn gốc thương mại của hàng hoá, dịch vụ; (ii) Sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn về xuất xứ, cách sản xuất, tính năng, chất lượng, số lượng hoặc đặc điểm khác của hàng hoá, dịch vụ; về điều kiện cung cấp hàng hoá, dịch vụ ; (iii) Kinh doanh hàng hoá, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn.

2.2 Hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh:

Hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh, được quy định tại Điều 45 Luật Cạnh tranh. Theo đó, doanh nghiệp bị cấm thực hiện các hành vi sau đây: (i) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu hợp pháp bí mật kinh doanh đó; (ii) Tiết lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh; (iii) Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập và làm lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó; (iv) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người khác khi người này làm thủ tục theo quy định của pháp luật liên quan đến kinh doanh, làm thủ tục lưu hành sản phẩm hoặc bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan nhà nước hoặc sử dụng những thông tin đó nhằm mục đích kinh doanh, xin cấp giấy phép liên quan đến kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm.

2.3 Hành vi sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế

Hành vi sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ tại một nước thành viên là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu đó bị coi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau đây: (i) Nhãn hiệu được sử dụng được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (ii) Điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng nhãn hiệu; (iii) Người sử dụng nhãn hiệu là người đại diện hoặc đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu; (iv) Việc sử dụng không được sự đồng ý của chủ sở hữu nhãn hiệu và không có lý do chính đáng.

2.4 Hành vi đăng ký, chiếm giữ, sử dụng tên miền bất hợp pháp

Hành vi đăng ký, chiếm giữ, sử dụng tên miền bất hợp pháp. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 130 Luật Sở hữu trí tuệ, hành vi đăng ký, chiếm giữ, sử dụng bất hợp pháp tên miền bị coi là một trong những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đó là hành vi đăng ký, chiếm giữ quyền sử dụng hoặc sử dụng tên miền trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của người khác hoặc chỉ dẫn địa lý của mình không có quyền sử dụng nhằm mục đích chiếm giữ tên miền, lợi dụng hoặc làm thiệt hại đến uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng.

2.5 Các biện pháp chống cạnh tranh không lành mạnh

Các biện pháp chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp được pháp luật Việt Nam quy định như sau:

Trước hết, là quyền tự bảo vệ của các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định tương đối cụ thể về quyền tự bảo vệ (hay biện pháp khởi kiện dân sự) của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (trong đó có quyền sở hữu công nghiệp), theo đó, “tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202 của Luật Sở hữu trí tuệ và các biện pháp hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh” (khoản 3 Điều 198). Các biện pháp dân sự có thể được áp dụng là: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ (Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ). Bên cạnh đó, Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh cũng quy định về bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây ra (trong đó có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu công nghiệp), cụ thể là: “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác thì phải bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo các quy định của pháp luật về dân sự”.

Thứ hai, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định rằng, tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh về sở hữu trí tuệ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về cạnh tranh (khoản 3 Điều 211), bởi vậy, các hành vi cạnh tranh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp sẽ được áp dụng theo các quy định của Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

Đối với hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại gây nhầm lẫn, theo khoản 2 Điều 28 của Nghị định số 71/2014/NĐ-CP, sẽ bị áp dụng hình phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng, (áp dụng đối với cả hành vi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có sử dụng chỉ dẫn chứa đựng thông tin gây nhầm lẫn)… Và theo khoản 3 Điều này, sẽ bị phạt tiền gấp hai lần mức quy định trong các trường hợp hàng hóa, dịch vụ liên quan là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu theo quy định của pháp luật và thực hiện trên phạm vi từ hai đơn vị cấp tỉnh trở lên.

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, nội dung tư vấn có giá trị tham khảo, nếu còn vấn đề mà quý khách hàng còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc. Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty Luật LVN Group