1. Chính trị

Philippines, tên gọi chính thức là Cộng hòa Philippines, là một đảo quốc có chủ quyền tại khu vực Đông Nam Á. Philippines nằm cách đảo Đài Loan qua eo biển Luzon ở phía Bắc, cách Việt Nam qua biển Đông ở phía Tây, cách đảo Borneo của Indonesia qua biển Sulu ở phía Tây Nam và các đảo khác của nước này qua biển Celebes ở phía Nam, phía đông là biển Philippines và đảo quốc Palau. Philippines nằm trên Vành đai núi lửa Thái Bình Dương và gần với đường xích đạo, do vậy, quốc gia này hằng năm thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các trận động đất và bão nhiệt đới – đây là quốc gia phải hứng chịu nhiều thiên tai vào bậc nhất trên toàn cầu, song lại có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng sinh học ở mức độ cao.

Philippines có một chính phủ dân chủ theo mô hình cộng hòa lập hiến với một tổng thống chế. Philippines là một quốc gia đơn nhất, ngoại trừ Khu tự trị Hồi giáo Mindanao được tự do ở mức độ lớn với chính phủ quốc gia. Có một số nỗ lực nhằm biến chính quyền thành một chính quyền liên bang, đơn viện hay nghị viện kể từ thời Ramos.

Tổng thống đóng vai trò là nguyên thủ quốc gia và nguyên thủ chính phủ, cũng như là tổng thư lệnh các lực lượng vũ trang. Tổng thống được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ sáu năm, trong thời gian đó tổng thống sẽ bổ nhiệm và điều khiển nội các. Lưỡng viện quốc hội Philippines gồm có Thượng viện và Hạ viện, các thượng nghị sĩ được dân bầu và có nhiệm kỳ sáu năm. Quyền tư pháp được trao cho Tối cao pháp viện, bao gồm một Chánh án tối cao và 14 thẩm phán, họ đều do Tổng thống bổ nhiệm từ danh sách do Hội đồng Tư pháp và Luật sư đệ trình

2. Kinh tế

Nền kinh tế quốc gia của Philippines lớn thứ 36 thế giới, đứng thứ 13 châu Á và đứng thứ năm của khu vực Đông Nam Á, theo ước tính, GDP (danh nghĩa) vào năm 2019 là 356.814 triệu USD (2012 đạt 250.182 triệu USD và 2009 đạt 161.196 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chính của Philippines bao gồm các sản phẩm bán dẫn và điện tử, thiết bị vận tải, hàng may mặc, các sản phẩm đồng, các sản phẩm dầu mỏ, dầu dừa, và quả. Các đối tác thương mại lớn của Philippines bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Hà Lan, Hong Kong, Đức, Đài Loan và Thái Lan. Philippines là thành viên của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Ngân hàng Phát triển châu Á với trụ sở tại Mandaluyong, Kế hoạch Colombo, G-77, và G-24.

Kinh tế Philippines dựa nhiều vào kiều hối, nguồn ngoại tệ từ kiều hối vượt qua cả đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các khu vực phát triển không đồng đều, đảo Luzon mà đặc biệt là Vùng đô thị Manila giành được hầu hết tăng trưởng kinh tế so với các khu vực khác, song chính phủ có những bước đi để phân phối tăng trưởng kinh tế bằng cách tăng đầu tư vào các khu vực khác của quốc gia. Bất chấp các hạn chế, các ngành dịch vụ như du lịch và gia công quy trình nghiệp vụ, được xác định là các khu vực có một số cơ hội tăng trưởng tốt nhất. Goldman Sachs xếp Philippines vào danh sách các nền kinh tế “Next Eleven”.

Tổng cộng có khoảng 43,46 triệu người trong lực lượng lao động của Philippines vào năm 2018, nông nghiệp chiếm 24,3% số lao động và 8,1% GDP năm 2018. Công nghiệp sử dụng khoảng 19% lực lượng lao động và chiếm 34,1% GDP cả nước, trong khi 57% lao động tham gia vào lĩnh vực dịch vụ chiếm 57,8% GDP.

Tỷ lệ thất nghiệp tính đến tháng 10 năm 2019 là 4,5%. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống 1,7% vào tháng 8 năm 2019. Tỷ lệ nợ trên GDP tiếp tục giảm xuống còn 37,6% vào quý 2 năm 2019 từ mức cao kỷ lục 78% vào năm 2004.

Goldman Sachs ước tính rằng vào năm 2050, Philippines sẽ là nền kinh tế lớn thứ 14 thế giới. HSBC cũng dự đoán rằng nền kinh tế của Philippines có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới, lớn thứ 5 châu Á và lớn thứ 2 Đông Nam Á vào năm 2050. Tuy nhiên, dự đoán này có thành sự thực hay không thì còn tùy thuộc vào hiệu quả hoạt động của chính phủ nước này, vốn thường xảy ra vấn đề tham nhũng.

3. Dân tộc

Theo điều tra dân số năm 2000, 28,1% người Philippines thuộc dân tộc Tagalog, 13,1% thuộc dân tộc Cebuano, 9% thuộc dân tộc Ilocano, 7,6% thuộc dân tộc Bisaya/Binisaya, 7,5% thuộc dân tộc Hiligaynon, 6% thuộc dân tộc Bikol, 3,4% thuộc dân tộc Waray, và 25,3% thuộc các “dân tộc khác”, vốn có thể chia nhỏ tiếp thành các nhóm phi bộ lạc như Moro, Kapampangan, Pangasinan, Ibanag, và Ivatan. Cũng có một số dân tộc thiểu số như Igorot, Lumad, Mangyan, Bajau, và các dân tộc thiểu số khác tại Palawan. Người Negrito, chẳng hạn như Aeta và Ati, được cho là các cư dân đầu tiên của quần đảo.

Người Philippines nói chung thuộc một số dân tộc châu Á được phân loại theo ngôn ngữ là một phần của nhóm người nói tiếng Nam Đảo hoặc Mã Lai-Đa Đảo. Người ta cho rằng từ hàng nghìn năm trước, thổ dân Đài Loan nói tiếng Nam Đảo đã nhập cư đến Philippines từ Đài Loan, đem theo các kiến thức của họ về nông nghiệp và đi thuyền viễn dương, cuối cùng thay thế các nhóm người Negrito sống tại quần đảo từ trước đó. Hai dân tộc thiểu số phi bản địa quan trọng nhất là người Hoa và người Tây Ban Nha. Người Philippines gốc Hoa hầu hết là hậu duệ của những người nhập cư từ Phúc Kiến sau năm 1898 và có dân số là 2 triệu, song có ước tính cho rằng 18 triệu người.

4. Tôn giáo

Philippines là một quốc gia thế tục, hiến pháp tách biệt nhà thờ và nhà nước. Do ảnh hưởng của văn hóa Tây Ban Nha, Philippines là một trong hai quốc gia mà Công giáo Rôma chi phối tại châu Á, quốc gia còn lại là Đông Timor. Trên 90% dân số là tín hữu Ki-tô giáo: khoảng 80% thuộc Giáo hội Công giáo Rôma và 10% thuộc các giáo phái Tin Lành, như Iglesia ni Cristo, Giáo hội độc lập Philippines, Giáo hội thống nhất Ki-tô Philippines, và Nhân Chứng Giê-hô-va. Philippines là quốc gia có số dân theo đạo Công giáo đứng thứ 3 thế giới (sau Brasil và México) và lớn nhất trên toàn châu Á.

Từ 5% đến 10% dân số Philippines là tín đồ Hồi giáo, hầu hết họ sinh sống tại các khu vực trên đảo Mindanao, Palawan, và quần đảo Sulu – một khu vực được gọi là Bangsamoro hay Moro. Một số người Hồi giáo nhập cư đến khác khu vực đô thị và nông thôn tại những phần khác của quốc gia. Hầu hết người Hồi giáo Philippines thực hành Hồi giáo Sunni theo giáo phái Shafi’i. Xấp xỉ 2% dân số Philippines vẫn thực hành các tôn giáo truyền thống, họ gồm nhiều nhóm thổ dân và bộ lạc. Các tôn giáo này thường dung hợp với Ki-tô giáo và Hồi giáo. Thuyết vật linh, tôn giáo dân gian, và shaman giáo vẫn hiện diện như những trào lưu ngầm dưới tôn giáo dòng chính. 1% dân số Philippines thực hành Phật giáo và tôn giáo này cùng với Đạo giáo và tôn giáo dân gian Trung Hoa chiếm ưu thế trong các cộng đồng người Hoa. Có một số lượng nhỏ hơn những người theo Ấn Độ giáo, Sikh giáo, Do Thái giáo và Baha’i. 1% dân số Philippines là người không tôn giáo.

5. Quyền con người

Nhìn chung tất cả các nước Đông Nam Á đều đã có cố gắng trong việc thực thi quyền con người trong phạm vi quốc gia. Tuy nhiên, cơ chế bảo vệ quyền con người thưòng là chưa có hoặc chưa đầy đủ, hoặc hiệu quả hoạt động không cao.

Ở Philippines, Hiến pháp hiện hành (Hiến pháp 1987) của Philippines có ghi nhận những quyền con người và tự do cơ bản (trong các Điều số 3 và 13). Ủy ban quyền con người cũng được quy định trong Hiến pháp và đã được hình thành từ sắc lệnh số 163 năm 1987 của Tổng thống Philippines lúc đó, ủy ban này có chức năng nghiên cứu, tham mưu cho chính phủ về chính sách về quyền con người, kiến nghị những vi phạm về quyền con người trên toàn quốc, xây dựng các dự án và chương trình giáo dục và phổ biến hiểu biết về quyền con người. Tuy nhiên, với những sự việc liên quan đến quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, với những vụ thanh trừng các đảng phái trong các cuộc bầu cử, sự ly khai của các vùng phía Nam, việc xử lý và khắc phục các vụ thiên tai thường xuyên xảy ra, v.v… thì các thiết chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Philippines vẫn chưa nhận được những đánh giá tích cực.

6. Ủy ban quyền con người quốc gia (National Commissions of Human Rights)

Thiết chế này thường bao gồm nhiều thành viên đại diện cho nhiều nhóm xã hội, nghề nghiệp. Tên gọi của thiết chế này có thể khác nhau giữa các nước, ví dụ như Ủy ban/Trung tâm Quyền con người quốc gia, Ủy ban quyền con người và bình đẳng…Cơ sở pháp lý cho việc thành lập và hoạt động của thiết chế này cũng khác nhau giữa các nước. Ví dụ, nó có thể được quy định trong Hiến pháp (Philipines, Thailand…), bằng một đạo luật cụ thể (Malaysia…), bởi một nghị quyết của Nghị viện (Danmark..), hoặc theo một quyết định của Tổng thống (Indonesia…).

Nhìn chung, chức năng cơ bản của các ủy ban quyền con người quốc gia là bảo vệ các cá nhân khỏi sự phân biệt đối xử và thúc đẩy các quyền con người, đặc biệt là quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người thiểu số, người bản địa…Có những ủy ban được giao thẩm quyền xử lý tất cả vi phạm các quyền được nêu lên trong Hiến pháp, trong khi một số khác chỉ có thẩm quyền xử lý những vi phạm về chủng tộc, tôn giáo, giới, quan điểm chính trị…Một chức năng quan trọng nữa của các ủy ban quyền con người quốc gia là tiếp nhận, điều tra và giải quyết những khiếu nại của các cá nhân và các nhóm về những vi phạm quyền con người theo pháp luật quốc gia.

Bên cạnh các chức năng kể trên, nhiều ủy ban quyền con người quốc gia được giao thẩm quyền nghiên cứu chính sách và hoạt động liên quan đến quyền con người của chính phủ để phát hiện những hạn chế và đề xuất các biện pháp khắc phục và thúc đẩy sự tiến bộ. Các ủy ban cũng có thể được giao quyền giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước trong việc tuân thủ pháp luật quốc gia và quốc tế về quyền con người. Cuối cùng, nhiều ủy ban quyền con người quốc gia còn được giao chức năng giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)