Doanh nghiệp của Tôi có quy định tiền lương như sau:

– Lương hàng tháng đóng BH bắt buộc theo hệ số lương của Nghị định 205.

– Lương người lao động thực nhận theo hệ số lương khoán năng suất chất lương theo DN quy định (hệ số này khác với hệ số lương theo Nghị định 205).

– Doanh nghiệp tôi có bộ phận lao động hưởng lương khoán sản phẩm gồm 2 phần lương cố định và sản phẩm. Cơ cấu lương: lương cố định chiếm 10%, lương theo sản phẩm chiếm 90%.

– Theo bộ luật lao động năm 2012, Điều 111 có quy định những ngày nghỉ phép được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.

– Hợp đồng lao động của DN tôi có ghi: Tiền lương theo chức danh phân công và Quy chế của công ty.

– Quy chế phân phối tiền lương của DN tôi quy định: Những ngày nghỉ phép được hưởng 2 khoản lương cố định và sản phẩm nếu có. Như vậy trong tháng họ nghỉ 5 ngày phép năm, thì tiền lương nhận được: lương cố định nhận đủ, lương sản phẩm theo thực tế sản phẩm trong tháng của những ngày đi làm (có thể hiểu là những ngày nghỉ phép không có lương sản phẩm). Lương cố định chỉ chiếm 10% tiền lương, nên tiền lương phép của 5 ngày đó rất ít.

Như vậy việc quy định tiền lương trong những ngày phép như trên có sai luật không. Xin chân thành cảm ơn.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn luật lao độngcủa Công ty luật LVN Group.

Tiền lương trong những ngày nghỉ phép của doanh nghiệp quy đinh như thế nào?

Luật sư tư vấn pháp luật lao động gọi: 1900.0191  

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

Cơ sở pháp lý:

Bộ luật lao động số 10/2012/QH13

Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số nội dung Bộ luật Lao động

Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 của Quốc hội

Nội dung tư vấn:

Thứ nhất, về tiền lương đóng BHXH cho người lao động:

– Về hệ số lương của doanh nghiệp bạn:

Trước đây, hệ số lương trong các Công ty nhà nước sẽ được thực hiện theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Từ ngày 01/7/2013, thì tất cả các doanh nghiệp (bao gồm nhà nước và ngoài nhà nước) sẽ áp dụng thống nhất quy định về thang lương, bảng lương tại Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ. Như vậy, việc áp dụng hệ số lương theo Nghị định 205/2004/NĐ-CP là không đúng với quy định. 

Theo quy định tại điều 90 Bộ luật lao động 2012 quy định về tiền lương như sau:

“1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.

Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định.

2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc.

3. Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.”

Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội 2006 quy định về tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

“1. Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Tiền lương này được tính trên cơ sở mức lương tối thiểu chung.

2. Đối với người lao động đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động. 

3. Trường hợp mức tiền lương, tiền công quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này cao hơn hai mươi tháng lương tối thiểu chung thì mức tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng hai mươi tháng lương tối thiểu chung.”

Như vậy, tiền lương mà doanh nghiệp bạn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động. Do đã có quy định mới về tiền lương nên công ty bạn phải xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định này. Và mức lương ghi trong hợp đồng lao động để đóng bảo hiểm xã hội không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Thứ hai, về tiền lương khi nghỉ phép:

Theo Điều 21 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định về tiền lương:

“Tiền lương theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 90 của Bộ luật Lao động được quy định như sau:

1. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động để thực hiện công việc nhất định, bao gồm:

a) Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương do người sử dụng lao động xây dựng theo quy định tại Điều 93 của Bộ luật Lao động. Mức lương đối với công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động và thời giờ làm việc bình thường (không bao gồm khoản tiền trả thêm khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm) không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;

b) Phụ cấp lương là khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh;

c) Các khoản bổ sung khác là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của người sử dụng lao động không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

2. Tiền lương trả cho người lao động được căn cứ theo tiền lương ghi trong hợp đồng lao động, năng suất lao động, khối lượng và chất lượng công việc mà người lao động đã thực hiện.

3. Tiền lương ghi trong hợp đồng lao động và tiền lương trả cho người lao động được quy định bằng tiền Đồng Việt Nam, trừ trường hợp trả lương, phụ cấp lương cho người không cư trú, người cư trú là người nước ngoài theo quy định của pháp luật về ngoại hối.”

Theo điều 111 Bộ luật lao động 2012 quy định về nghỉ hàng năm:

“1. Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.

2. Người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động.

3. Người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

4. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.”

Khoản 2 Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định:

“Điều 26. Tiền lương làm căn cứ để trả lương cho người lao động trong thời gian ngừng việc, nghỉ hằng năm, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương, tạm ứng tiền lương và khấu trừ tiền lương

2. Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong ngày nghỉ hằng năm tại Điều 111; ngày nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc tại Điều 112; ngày nghỉ lễ, tết tại Điều 115 và ngày nghỉ việc riêng có hưởng lương tại Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật Lao động là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm, nghỉ hằng năm tăng thêm theo thâm niên làm việc, nghỉ lễ, tết, nghỉ việc riêng có hưởng lương.

Như vậy, tiền lương nhân viên công ty bạn được nhận trong những ngày nghỉ phép năm được tính theo quy định tại khoản 2 điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP, đó là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề, chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ hằng năm. Bạn cần căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận trên hợp đồng lao động để tính tiền lương đối với những ngày nghỉ cho nhân viên bạn. 

Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn đang quan tâm. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do khách hàng  cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.

Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Email hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 1900.0191Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.

Trân trọng!

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT LAO ĐỘNG.