1. Căn cứ pháp lý

Nguyên tắc trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự được quy định từ rất sớm nay trong Bộ luật tố tụng hình sự 1988, tại Điều 13, như sau:

“Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án, trong phạm vi quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.

Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật này quy định.”

Bộ luật tố tụng hình sự 2003 tiến tục ghi nhận nguyên tắc này tại Điều 13. Cụ thể như sau:

“Khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội.

Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do Bộ luật này quy định.”

Đến Bộ luật tố tụng hình sự 2015, nguyên tắc trách nhiệm khởi tố và xử lí vụ án hình sự được quy định tại điều 18:

“Khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp do Bộ luật này quy định để xác định tội phạm và xử lý người phạm tội, pháp nhân phạm tội.

Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định.”

2. Khái niệm trách nhiệm khởi tố và xử lí vụ án hình sự

Khởi tố vụ án hình sự là hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng xác định có sự việc phạm tội để tiến hành điều tra phát hiện tội phạm. Đây là một giai đoạn tố tụng độc lập, mở đầu các hoạt động điều tra.

Theo đó, khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm khởi tố vụ án và áp dụng các biện pháp được Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định để xác định tội phạm và xử lí người phạm tội, pháp nhân phạm tội.

Không được khởi tố vụ án ngoài những căn cứ và trình tự do pháp luật quy định.

Theo quy định tại Điều 143 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, căn cứ khởi tố vụ án hình sự bao gồm:

– Tố giác của cá nhân: Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Tố giác của cá nhân được thực hiện trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua đường điện thoại, thư tín… và có thể được thể hiện bằng lời hoặc bằng văn bản. Mọi người đều có quyền tố giác về tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Đây là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền xác minh có hay không có sự việc phạm tội xảy ra. Việc khởi tố vụ án hình sự căn cứ vào tố giác của cá nhân chỉ được được thực hiện sau khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác điều tra, xác minh và xác định đã có sự việc phạm tội xảy ra đúng theo nội dung của tố giác.

– Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân: Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền. Khi nhận được thông tin về tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo, thì cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành xác minh. Nếu qua xác minh thấy vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có dấu hiệu của một tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự thì sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

– Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng: Phương tiện thông tin đại chúng là phương tiện thông tin có đối tượng tác động là đông đảo người dân như báo chí in, đài tuyền hình, đài phát thanh,…. Khi có được thông tin về tội phạm do các phương tiện thông tin đại chúng đưa, thì các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành kiểm tra, xác minh để kết luận có dấu hiệu tội phạm hay không, làm căn cứ khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

– Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước: Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyết xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Cùng với các nguồn tin khác, kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước là nguồn tin để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

– Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm: Đây là trường hợp Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và dùng đó làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện sự việc nào đó có dấu hiệu của tội phạm nhưng chưa được khởi tố

– Người phạm tội tự thú: Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện. Người phạm tội tự thú là người đã thực hiện hành vi phạm tội và họ tự mình ra thú nhận hành vi phạm tội của họ trước các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện.

3. Trách nhiệm khởi tố và xử lí vụ án hình sự của cơ quan nào?

Nguyên tắc này xác định rõ trách nhiệm khởi tố và xử lí vụ án hình sự là cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án.

Đối với các cơ quan khác, tổ chức không có quyền khởi tố vụ án hình sự nhưng trong phạm vi trách nhiệm của mình phải phối hợp với cơ quan tiến hành tố tụng trong đấu tranh phòng chống tội phạm như phải báo tin ngay về tội phạm xảy ra trong cơ quan, tổ chức mình cho cơ quan điều tra, viện kiểm sát biết.

Ngoài cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn quy định một số cơ quan khác cũng có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự.

Đó là các cơ quan của bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm lâm, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư, các cơ quan khác của công an nhân dân, quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự của các cơ quan nói trên không giống nhau và được quy định cụ thể tại Điều 164 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

4. Việc khởi tố vụ án hình sự chỉ được tiến hành khi nào?

Việc khởi tố vụ án hình sự chỉ được tiến hành khi xác định hành vi có dấu hiệu của tội phạm và theo trình tự mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định. Quyết định khởi tố vụ án hình sự là cơ sở pháp lí để tiến hành các hoạt động tố tụng tiếp theo. Sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền được áp dụng các biện pháp điều tra cần thiết theo quy định của pháp luật để xác định tội phạm và xử lí người phạm tội.

– Thời điểm khởi tố vụ án:

Khi xác định có dấu hiệu tội phạm do cá nhân, pháp nhân thực hiện thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định (Khoản 1 Điều 432; Điều 143 BLTTHS 2015).

Căn cứ khởi tố:Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ quy định tại Điều 143 BLTTHS 2015 như đã nêu ở trên.

– Thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án: Bao gồm 04 cơ quan theo quy định tại Điều 153 BLTTHS 2015

+ Cơ quan điều tra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả vụ việc có dấu hiệu tội phạm, trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát, Hội đồng xét xử đang thụ lý, giải quyết theo quy định;

+ Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong các trường hợp theo quy định;

+ Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố vụ án hình sự trong các trường hợp sau:

  • Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
  • Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
  • Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm hoặc theo yêu cầu khởi tố của Hội đồng xét xử.

+ Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên tòa mà phát hiện có việc bỏ lọt tội phạm.

Đặc biệt, chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 Bộ luật hình sự 2015 khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết (Khoản 1 Điều 155).

5. Ý nghĩa nguyên tắc trách nhiệm khởi tố và xử lý vụ án hình sự

Như chúng ta đã biết, tố tụng hình sự là một quá trình bao gồm rất nhiều giai đoạn khác nhau, các giai đoạn này đều nhằm mục đích chung của tố tụng hình sự là nhanh chóng phát hiện kịp thời tội phạm và người phạm tội.

Từ đó xác định sự thật khách quan của vụ án, xử lý nghiêm minh mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Khởi tố và xử lý kịp thời, nhanh chóng vụ án hình sự là trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phòng ngừa và chống tội phạm.

Do vậy Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định đó là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)