1. Khái niệm trách nhiệm hình sự

Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý, là hậu quả pháp lý bất lợi mà người phạm tội phải gánh chịu trước Nhà nước do việc người đó thực hiện tội phạm. Là kết quả của việc áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự, được thể hiện ở bản án kết tội của Tòa án có hiệu lực pháp luật, hình phạt và một số biện pháp cưỡng chế hình sự khác do luật hình sự quy định.

Dưới góc độ của khoa học pháp lý, trách nhiệm hình sự có các đặc điểm cơ bản sau:

1. Trách nhiệm hình sự là “hậu quả pháp lý của việc phạm tội thể hiện ở chỗ người đã gây tội phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước”.

2. Trách nhiệm hình sự là một dạng trách nhiệm pháp lý. Là trách nhiệm của người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong pháp luật hình sự bằng một hậu quả bất lợi do Tòa án áp dụng tùy thuộc vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi mà người đó thực hiện.

3. Trách nhiệm hình sự là hậu quả pháp lý của việc thực hiện tội phạm và được thể hiện bằng việc áp dụng đối với người phạm tội một hoặc nhiều biện pháp cưỡng chế của Nhà nước do luật hình sự quy định.

4. Trách nhiệm hình sự là một dạng của trách nhiệm pháp lý bao gồm nghĩa vụ phải chịu sự tác động của hoạt động truy cứu Trách nhiệm hình sự, chịu bị kết tội, chịu biện pháp cưỡng chế của trách nhiệm hình sự (hình phạt, biện pháp tư pháp) và mang án tích.

– Cơ sở của trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 2 của Bộ luật hình sự:

“1. Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

2. Chỉ pháp nhận thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Việc quy định tại điều 2 có ý nghĩa rất lớn, bởi theo đó thì chỉ khi nào người thực hiện hành vi chứa đựng đầy đủ các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định như vậy giúp đảm bảo nguyên tắc pháp chế trong luật hình sự, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

2. Khái niệm thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thời hạn là một khoảng thời gian nhất định có xác định điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Vậy chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người trong khoảng thời gioan mà pháp luật cho phép, nếu đã hết khoảng thời gian đó mà không truy cứu đối với người phạm tội thì họ sẽ không phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trừ các trường hợp đặc biệt tại Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.

3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cụ thể

Thời hiệu truy cứu trách nhiệm sẽ được quyết định dựa vào mức độ phạm tội, tính chất gây nguy hiểm cho xã hội hay nói ngắn gọn là loại tội phạm. Hiện nay có bốn loại tội phạm nên đi kèm với nó là bốn thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự tương ứng. Cụ thể:

Thứ nhất, năm năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng

Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.

Ví dụ: Chị A là người thất nghiệp đang tìm việc làm, biết được điều đó ngày 15/03/2017 anh B có đến dụ dỗ chị A làm mát xa và hứa trả tiền hàng tháng. Nhưng khi chị A làm thì mới biết đó là một ổ mại dâm. Sau nhiều năm làm việc bị bắt nạt, nhiều lần không được trả tiền dịch vụ, ngày 27/06/2019 chị có trình báo việc hoạt động phi pháp của ổ mại dâm kia và hành vi dụ dỗ của anh B đối với mình tại cơ quan công an. Đối với hành vi dụ dỗ mua bán dâm của anh B đối vưới chị A thuộc khoản 1 Điều 328 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, đây là loại tội phạm ít nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 5 năm. Từ ngày anh B thực hiện hành vi dụ dỗ chị A đến ngày chị A trình báo là 2 năm 3 tháng 12 ngày (< 5 năm) nên có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật của anh A.

Thứ hai, mười năm đối với tội phạm nghiêm trọng

Tội phạm nghiêm trọng được hiểu là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù.

Ví dụ: Anh A là cảnh sát giao thông. Ngày 20/06/2017, anh A đang làm nhiệm vụ điều khiển hướng đi của các phương tiện giao thông đi trên đường thì thấy anh B lái xe trong tình trạng say rượu, lạng lách đánh võng trên đường. Anh A đã yêu cầu anh B dừng lại. Hai bên xảy ra xô sát, anh A xô mạnh anh B khiến anh B đầu đập xuống đất và tử vong. Hành vi của anh A cấu thành Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ . Đây là loại tôi phạm nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm pháp luật của anh A là 10 năm (đến ngày 20/06/2027).

Thứ ba, mười lăm năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng

Tội phạm rất nghiêm trọng được định nghĩa là Tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù.

Ví dụ: Anh A và chị B là một cặp đôi đang yêu nhau. Do ghen tuông nên ngày 16/05/2019 chị A đã yêu cầu chia tay, không đồng ý với yêu cầu này anh A đã ra tay đánh chị B với mong muốn dạy cho một bài học nhưng đến khi đánh xong phát hiện ra chị B đã chết. Hành vi này của anh A đã cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc đây tổn hại đến sức khỏe của người khác (theo khoản 4 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017). Đây là loại tội phạm rất nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 15 năm (16/05/2034).

Thứ tư, hai mươi năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng

Có thể hiểu tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội đặc biệt lớn mà mức cao nhất của khung hình phạt do Bộ luật này quy định đối với tội ấy là từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Ví dụ: Do mâu thuẫn về quyền sử dụng đất nên ngày 13/06/2018 anh A đã mang dao đến nhà anh B chém gia đình anh B làm bốn người tử vong ngay tại chỗ. Hành vi của anh A đã cấu thành Tội giết người theo quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Đây là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 20 năm (đến ngày 13/06/2038).

4. Cách xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Như đã nói ở trên, thời hạn là khoảng thời gian xác định, có điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Pháp luật hiện hành có quy định đến điểm bắt đầu của thời hiệu. Cụ thể như sau:

Cách tính 1: Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện.

Nếu trong thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.

Ví dụ: ngày 15/04/2017 anh A thực hiện hành vi cướp tài sản. Ngày 26/05/2017 anh A lại tiếp tục hành vi cướp tài sản. Vậy thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp này được tính từ ngày anh A thực hiện hành vi phạm tội sau (26/05/2017).

Cách tính 2: Tính từ ngày người có hành vi vi phạm pháp luật ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.

Đây là cách tính được đặt ra trong trường hợp người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã. Điều này là hợp lý vì nếu không quy định cách tính như vậy sẽ xảy ra bất cập là cứ có hành vi vi phạm pháp luật là bỏ trốn, đến khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì quay lại.

Ví dụ: Ngày 12/03/2019, anh A có hành vi giết người. Sau khi có quyết định truy nã, anh A bỏ trốn. Đến ngày 30/12/2019, anh A ra đầu thú. Vậy trong trường hợp này thời hiệu truy cứu trách nhiệm được tính từ ngày 30/12/2019.

5. Các trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự

Điều 28 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về các tội phạm không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự với các trường hợp sau:

  • Các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật này.
  • Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật này.
  • Tội tham ô tài sản thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 353 của Bộ luật này; tội nhận hối lộ thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 354 của Bộ luật này.

Việc quy định các tội phạm không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm trên thể hiện tinh thần kiên quyết không khoan nhượng cho những tội phạm ảnh hưởng đến việc xây dựng và bảo vệ Nhà nước của dân, do dân, vì dân; bảo vệ hòa bình chống chiến tranh xâm lược và phòng chống tội phạm tham nhũng.

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã có sự đổi mới tiến bộ so với Bộ luật Hình sự năm 1999 như thay đổi cách hành văn, cách diễn đạt từ ngữ pháp lý một cách khoa học, dễ hiểu. Đây là bước tiến quan trọng để xây dựng được nền pháp luật vững chắc, đề cao tinh thần không bỏ lọt tội phạm.