1. Cách mạng tháng Mười Nga 1917

Cách mạng tháng Mười Nga 1917 là cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi đầu tiên trong lịch sử nhân loại, do giai cấp vô sản Nga liên minh với giai cấp nông dân nghèo và binh lính tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvich đứng đầu là V.I. Lênin, đã lật đổ chính phủ lâm thời và nền thống trị của giai cấp địa chủ quý tộc và giai cấp tư sản.

Cuộc đại chiến thế giới lần thứ I (1914 – 1918) mà nhìn từ hai phía đều mang đầy đủ tính chất của một cuộc chiến tranh đế quốc, theo cách nói của Lênin, đã đóng vai trò của một nhà đạo diễn trong những phạm vi rộng lớn, đã thúc đẩy sự phát triển về mặt xã hội. Nó đẩy các dân tộc đụng đầu với các cuộc khủng hoảng sâu sắc về kinh tế, về mặt dân tộc và quốc tế chủ nghĩa, xét một cách khách quan đã làm sâu sắc thêm cuộc đấu tranh giai cấp giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, đưa nước Nga đến một tình thế cách mạng. Sau cách mạng tháng Hai năm 1917, ở nước Nga đã hình thành tình thế hai chính quyền cùng song song tổn tại: Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và các Xô Viết công nông binh. Tháng 4.1917, ngay sau khi ở nước ngoài về nước, Lênin đã đề ra “Luận cương tháng Tư nhằm chuyển cuộc cách mạng dân chủ tư sản thành cách mạng xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ tình trạng 2 chính quyền bằng con đường hoà bình với khẩu hiệu: “Tất cả chính quyền thuộc về tay các Xô Viết”. Tuân theo sự chỉ đạo của Lênin, đầu tháng 7.1917, khi Chính phủ lâm thời công khai đàn áp các phong trào quần chúng, khủng bố các Xô Viết, Đảng đã lãnh đạo giai cấp công nhân, nông dân và binh lính tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền, chấm dứt thời kì tồn tại hoà bình.

Ngày 24 tháng 10 (theo lịch Nga cũ), tức ngày 6.11.1917, cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Pêtơrôgrat. Đến ngày 25 rạng ngày 28.10, quân đội khởi nghĩa tiến đánh cung điện Mùa Đông và bắt giữ chính phủ lâm thời. Cùng ngày, Đại hội lần thứ II các Xô Viết toàn Nga khai mạc và ra tuyên bố: chính quyền về tay các Xô Viết, thông qua Sắc lệnh hoà bình, Sắc lệnh ruộng đất, bầu Chính phủ Xô Viết do V.I.Lênin đứng đầu. Từ tháng 10.1917 đến tháng 3.1918, chính quyền Xô Viết được thành lập trong cả nước, đưa đến sự thành lập Liên bang cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô Viết, gọi tắt là Liên Xô. Cuộc cách mạng tháng Mười Nga 1917 có một ý nghĩa lịch sử toàn thế giới, đã chọc thủng trận tuyến của chủ nghĩa tư bản thế giới, mở ra thời đại mới – thời đai đấu tranh, giải phóng các giai cấp bị bóc lột, giải phóng các dân tộc bị áp bức trên quy mô toàn thế giới.

2. Cách mạng tháng Mười Nga và công cuộc đấu tranh khởi nghĩa ở Việt Nam

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống chống giặc ngoại xâm và yêu nước nồng nàn nên kể từ khi thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đã có hàng trăm cuộc khởi nghĩa của các sĩ phu yêu nước với nhiều xu hướng diễn ra. Tiêu biểu là: Phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa nông dân ở Yên Thế, Phong trào Đông Du, Phong trào Duy Tân… Mặc dù diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ nhưng các phong trào này đã không giành được thắng lợi do lãnh tụ của các phong trào còn hạn chế về nhận thức lịch sử và lập trường giai cấp, chưa có đường lối cứu nước đúng đắn, chưa tập hợp được quần chúng nhân dân để đấu tranh.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, nhà tan, chứng kiến bao nỗi đắng cay, khổ cực của nhân dân, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã nung nấu quyết tâm tìm một con đường mới để cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc. Song, không giống như cụ Phan Bội Châu, dù đã “Nam bôn, Bắc tẩu, dấu chân in gần khắp nửa châu Á” mà “tự xét thấy chẳng việc gì nên”, để đến khi sức tàn, lực kiệt vẫn ôm mối hận mà than rằng “cuộc đời tôi trăm thất bại chẳng một lần thành công”, Nguyễn Tất Thành không tìm đường cứu nước ở phương Đông lạc hậu, Người quyết định sang Pháp, hướng đến các nước phương Tây để trước hết là tìm hiểu cho rõ những gì đang ẩn giấu đằng sau khẩu hiệu “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”; xem vì sao các nước phương Tây lại trở nên phú cường, rồi sau đó sẽ trở về giúp đồng bào.

Với cách suy nghĩ táo bạo ấy, Người đã lựa chọn con đường cứu nước theo hướng mới, “hoàn toàn khác” so với các vị tiền bối. Ngày 5-6-1911, từ bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành với hai bàn tay trắng đã lên tàu Latouche – Tréville rời Tổ quốc thân yêu, vượt trùng dương đi tìm chân lý cách mạng. Cuộc hành trình trong sáu năm từ châu Á sang châu Âu, châu Phi, Mỹ rồi lại trở về châu Âu năm 1917 đã giúp Nguyễn Ái Quốc nhận thức và khám phá ra nhiều điều mới mẻ. Tìm hiểu các cuộc cách mạng ở Pháp, Anh, Mỹ, Người cho rằng, đó là những cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng chưa đến nơi:“Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”, nên: Muốn dân tộc được độc lập, muốn nhân dân lao động thoát khỏi thân phận người nô lệ, thì phải làm cách mạng một cách triệt để. Không thể đi theo con đường cách mạng tư sản, không thể thiết lập mô hình nhà nước cộng hòa tư sản, nơi chính quyền chủ yếu thuộc về giai cấp hữu sản. Người chỉ rõ: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”.

Khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi (ngày 7-11-1917), mặc dù chưa biết nhiều về cuộc cách mạng ấy, nhưng “về cảm tính” Nguyễn Ái Quốc nhận thấy mình “có mối tình đoàn kết với cách mạng Nga và người lãnh đạo cuộc cách mạng ấy”. Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô trực tiếp nghiên cứu về cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Xô viết; được tận mắt chứng kiến những thành tựu vĩ đại do Cách mạng Tháng Mười Nga mang lại trên quê hương Xô viết. Bằng sự trải nghiệm thực tiễn, Người đã rút ra kết luận: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân tộc bị áp bức các thuộc địa làm cách mạng để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”. Bởi vậy muốn cách mạng thành công thì phải đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga.

Dù thời gian không dài, song những kiến thức trong những năm tháng ở nước Nga đã giúp Nguyễn Ái Quốc nhận thức sâu sắc hơn về V. I. Lê-nin và học thuyết cách mạng của Người; về Cách mạng Tháng Mười Nga và những bài học kinh nghiệm quý báu của Nhà nước Nga Xô viết, để từ đó tìm đường trở về Tổ quốc, hoạch định một lộ trình cho công cuộc giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Sau khi tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn cho cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản, bằng sự độc lập, tự chủ và với những cách thức truyền bá hết sức phong phú và đa dạng, dễ gần, dễ hiểu, Nguyễn Ái Quốc đã làm tất cả những gì có thể để truyền bá lý tưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tích cực chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức cho sự ra đời của một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Sản phẩm của quá trình chuẩn bị công phu đó chính là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu tháng 2-1930. Đảng mới ra đời nhưng đã có ngay một Cương lĩnh chính trị đúng đắn, phác thảo những vấn đề cơ bản về chiến lược của cách mạng Việt Nam, thể hiện sự kết hợp chặt chẽ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, đã chấm dứt thời kỳ khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước, mở ra thời đại mới cho cách mạng Việt Nam.

3. Ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga tới cách mạng tháng Tám

Xác định đúng đường lối chiến lược giải phóng dân tộc trong bối cảnh lịch sử phức tạp thời đó đã là khó, làm thế nào để đưa tư tưởng của đường lối vào thực tiễn, biến mục tiêu lý tưởng thành hiện thực lại càng khó hơn. Thực tế lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nướccủa Đảng và nhân dân ta từ năm 1930 đến năm 1975 không phải lúc nào cũng bằng phẳng, chỉ có thuận lợi và thành công; trái lại, đó là sự nghiệp đầy cam go, thử thách, thậm chí có cả những thời điểm phong trào cách mạng bị địch khủng bố và tàn sát dã man, tình cảnh đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, vận mệnh của Đảng và dân tộc rơi vào tình thế hiểm nghèo tưởng chừng như không thể vượt qua.

Sẽ là không đầy đủ nếu đề cập đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng dân tộc, bảo vệ và thống nhất Tổ quốc mà lại không nhắc đến giá trị của những bài học kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng và thể hiện thành công ở Việt Nam. Đó là bài học về chuẩn bị lực lượng cách mạng, liên minh công nông; bài học về nghệ thuật khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng; bài học về nghệ thuật tạo và chớp thời cơ; về xây dựng Đảng và chăm lo củng cố chính quyền cách mạng…

Đặc biệt, có một sự tương đồng giữa cách mạng Việt Nam và Cách mạng Tháng Mười Nga. Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Xô viết đã làm cho các nước đế quốc hết sức lo lắng. Ngay từ cuối tháng 11-1917, các nước đế quốc đã họp bàn tại Thủ đô Paris (Pháp), âm mưu tiến hành “cuộc thập tự chinh chống cộng” nhằm bóp chết nước Cộng hòa Xô viết non trẻ. Để rồi chính quyền Xô viết trẻ tuổi ấy vừa phải đương đầu với cuộc nội chiến do các thế lực phản động trong nước, vừa phải chiến đấu chống cuộc can thiệp vũ trang của 14 nước đế quốc bên ngoài tiến hành, kéo dài trong ba năm kể từ đầu năm 1918 đến cuối năm 1920. Trong cùng một thời điểm phải đương đầu với “thù trong, giặc ngoài” khiến cho mục tiêu giữ vững chính quyền Xô viết trở nên hết sức gay go và khó khăn.

Ở Việt Nam, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng non trẻ đã bị các thế lực đế quốc, phản động bao vây, tấn công. Ở miền Bắc, hai mươi vạn quân Tưởng dưới danh nghĩa quân Đồng minh kéo vào để tước vũ khí quân Nhật, nhưng thực chất là để phá hoại cách mạng Việt Nam, đã gây cho ta nhiều khó khăn. Ở miền Nam, cũng với danh nghĩa lực lượng Đồng minh, hơn một vạn quân đội Anh vào tước vũ khí quân Nhật, nhưng trên thực tế, đế quốc Anh đã giúp thực dân Pháp trở lại chiếm Việt Nam và cả Đông Dương. Quân Nhật đã đầu hàng đồng minh nhưng vẫn còn sáu vạn quân trên đất nước ta. Các thế lực phản động như Việt Quốc, Việt Cách, các lực lượng phản động đội lốt tôn giáo dựa vào thế lực bên ngoài chống phá cách mạng nước ta rất quyết liệt. Trên đất nước ta chưa bao giờ cùng một lúc có nhiều kẻ thù đến như vậy, tuy có những ý đồ riêng và hành động cụ thể khác nhau, song mục tiêu chung của chúng là tiêu diệt chính quyền nhà nước Việt Nam non trẻ. Tình hình kinh tế – xã hội khó khăn, nền kinh tế vốn đã nghèo nàn lạc hậu lại bị Pháp, Nhật phá hoại, hậu quả chiến tranh nặng nề, đời sống nhân dân khó khăn đặt cách mạng nước ta trong tình thế “Tổ quốc lâm nguy! Vận mệnh dân tộc như ngàn cân treo sợi tóc”. Chính ở những thời điểm đầy cam go, thử thách ấy, ánh sáng và những bài học sâu sắc về củng cố và giữ vững chính quyền Xô viết của Cách mạng Tháng Mười Nga đã rọi chiếu, thức tỉnh, trở thành nguồn cổ vũ lớn lao để Đảng và nhân dân ta vững bước tiến lên, vượt qua mọi gian lao, thử thách, giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệpđấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

4. Ý nghĩa của cuộc cách mạng tháng Mười Nga

1. Cách mạng Tháng Mười Nga là một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ XX, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại. Cách mạng Tháng Mười Nga đã xóa bỏ giai cấp bóc lột, tư sản, địa chủ và chế độ người bóc lột người, đưa giai cấp vô sản bị áp bức, bóc lột nặng nề thành giai cấp đứng đầu và làm chủ xã hội; giải phóng nhân dân lao động, đưa người lao động từ thân phận nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã dẫn tới sự ra đời nhà nước xã hội chủ nghĩa – nhà nước chuyên chính vô sản đầu tiên trong lịch sử loài người và làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực trong đời sống chính trị thế giới.

2. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga đã khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lênin và cung cấp những bài học lịch sử vô giá cho các cuộc cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cuộc cách mạng vĩ đại này, từ thực tiễn cách mạng đã làm sáng tỏ, chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Lênin là thống nhất về bản chất, về những đặc trưng, thuộc tính phản ánh bản chất – xét về mặt lý luận, học thuyết.

3. Cách mạng Tháng Mười Nga thức tỉnh hàng triệu quần chúng nhân dân lao động tự khẳng định mình, tự mình sáng tạo xây dựng một xã hội giàu có, công bằng, dân chủ và văn minh. Cách mạng Tháng Mười Nga ngay từ đầu đã phản đối các cuộc chiến tranh giữa các dân tộc, ủng hộ việc thiết lập hòa bình trên trái đất. Không có nghi ngờ gì nữa về một thực tế của những thay đổi thực sự mang tính cách mạng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Nga vào năm 1917 và trong thời kỳ tiếp theo (sự thay đổi chế độ chính trị và hệ tư tưởng thống trị, sự tháo dỡ hệ thống kinh tế-xã hội và xây dựng một hệ thống mới không có sở hữu tư nhân, một cuộc “cách mạng văn hóa” và v.v..).

5. Ý nghĩa của Cách mạng tháng Mười với Việt Nam hiện nay

Hiện nay, kế thừa những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, Việt Nam luôn kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng Việt Nam gần 90 năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn mang tính bước ngoặt lịch sử. Nhân dân Việt Nam kiên định sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; xã hội xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam xây dựng và hướng tới là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Để đạt tới mục tiêu cao cả đó, tất yếu phải trải qua nhiều chặng đường khó khăn, gian khổ với những bước đi, hình thức phù hợp trong thời kỳ quá độ. Năm 2017, tròn 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa xã hội hiện thực trên thế giới có thành tựu và bất cập, đổ vỡ và cải cách, đổi mới, đã khơi dậy bao nhiêu cảm xúc và trăn trở trong lương tri của nhân loại, nhưng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Cách mạng Tháng Mười Nga khai mở vẫn là giải pháp đúng đắn duy nhất và cần thiết cho Việt Nam nói riêng và cho nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung. Cách mạng Tháng Mười Nga – chân dung lớn của thế kỷ XX, vẫn tỏa sáng, có sức lôi cuốn kỳ lạ bởi những giá trị không đổi .

Lý tưởng và tinh thần của Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tiếp tục là ngọn cờ dẫn đường cho cuộc đấu tranh cho nhân dân lao động toàn thế giới trong thế kỷ XXI. Nhiều chính phủ ở các quốc gia, nhất là ở Châu Mỹ Latin đã tuyên bố sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI. Hiện thực sinh động của những nước đang kiên định theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, theo định hướng xã hội chủ nghĩa trên thế giới, trong đó có Việt Nam, càng khẳng định giá trị khai mở, tinh thần khai sáng và sức sống trường tồn của tinh thần Cách mạng Tháng Mười Nga trong hiện tại và tương lai.

Luật LVN Group (sưu tầm & tổng hợp)