Chị tôi cũng xông vào đôi co với vợ chồng anh X thì bị anh X hất ngã ra. Cả hai người nằm dưới đất. Trên tay vợ anh X cầm một chiếc kéo nhọn bằng sắt và một viên gạch nhỏ. Thấy tôi tới, vợ anh X chạy đến ném viên gạch vào tôi nhưng không trúng. Sau đó lại cầm chiếc kéo đâm sượt vào tay tôi. Sau đó, một số người nhà của tôi vừa kịp tới, thấy hành vi của vợ anh X như vậy thì có chạy tới túm tóc vợ anh X định đánh, nhưng anh X thấy thế gạt tay và che cho vợ, nên người nhà tôi cũng buông tay. Do được hàng xóm can ngăn nên chúng tôi không tiếp tục truy cứu nữa. Vợ chồng anh X cũng bỏ về. Sự việc không dừng lại ở đó. Khoảng 20 phút sau, vợ chồng anh X cùng 1 nhóm người là bạn và họ hàng của anh X lại tự ý xông vào nhà chị tôi ở cách đó 200 mét, buông lời đe dọa. Lúc đó, chúng tôi vẫn đang ở nhà mẹ, chỉ có chị tôi trở về vì còn 2 cháu nhỏ đang ở nhà. Anh X cùng 1 người tên T là bố của X liên tục dùng những lời lẽ xúc phạm, chửi bới, đe dọa giết cả nhà chị tôi và mẹ tôi. Vì chỉ có 3 mẹ con ở nhà nên chị tôi không dám nói gì, Các cháu nhỏ rất sợ hãi, khóc rất nhiều. Anh X mấy lần định lấy dao trong bếp ra đâm chị tôi nhưng được ông T ngăn lại. Anh X và ông T đe dọa nếu ra đường sẽ giết cả nhà. Sau sự việc này các cháu – con của chị tôi bị ảnh hưởng tâm lý rất nhiều, thường xuyên lo sợ. Chị tôi cũng bị hoảng loạn tâm lý không dám ra khỏi nhà. Sự việc như vậy tôi có được tố cáo vợ chồng anh X và ông T không? vợ chồng anh X và ông T sẽ bị xử lý như thế nào? Mong Luật sư của LVN Group tư vấn! Tôi xin cảm ơn.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017

2. Luật sư tư vấn:

Theo những thông tin chị cung cấp, có thể thấy hành vi của vợ chồng anh X, ông T và một số đồng phạm đã vi phạm quy định của pháp luật về một số tội sau: “Tội đe dọa giết người”, “Tội xâm phạm chỗ ở của người khác” và ” Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”. Các tội danh này được quy định cụ thể như sau:

2.1. Quy định về tội đe dọa giết người

Điều 133 Bộ luật hình sự quy định về tội đe dọa giết người như sau:

“Điều 133. Tội đe dọa giết người

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”

Chủ thể thực hiện tội phạm là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Đe dọa giết người là hành vi của một người có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc tước đoạt tình mạng của mình sẽ được thực hiện. Lời đe dọa thực hiện dưới hình thức khác nhau qua điện thoại, thư từ…hoặc có thể là những cử chỉ, việc làm cụ thể gián tiếp thể hiện sự đe dọa như đi tìm công cụ, phương tiện…

Để đánh giá người bị đe dọa có phải ở trong tình trạng tâm lý như vậy hay không cần phải dựa vào những tình tiết sau: Nội dung và hình thức đe dọa; thời gian, địa điểm cũng như hoàn cảnh cụ thể khi hành vi đe dọa xảy ra; tương quan giữa bên đe dọa và bên bị đe dọa; thái độ và những xử sự cụ thể của người bị đe dọa sau khi bị đe dọa. Hành vi đe dọa phải gây ra cho người bị đe dọa tâm lý lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra. Như vậy, hành động của anh X có ý định lấy dao chém chị gái chị và các cháu, nếu không có người ngăn lại thì sẽ thực hiện hành vi đó. Nên có cơ sở để chị gái chị tố cáo anh X về việc đe dọa giết người này.

2.2. Quy định về tội cố ý gây thương tích cho sức khỏe của người khác

Bộ luật hình sự quy định:

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;

đ) Có tổ chức;

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;

i) Có tính chất côn đồ;

k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

5. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này.

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Cố ý gây thương tích là hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác trái pháp luật. Trường hợp cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân với tỷ lệ thương tật dưới 11% thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự trích dẫn trên.

Người thực hiện hành vi phạm tội thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp.

Như vậy, việc vợ anh X có hành động ném đá vào người chị, lấy kéo nhọn đâm vào người chị, có thể tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% nhưng nếu hành vi của chị X có tính chất côn đồ thì chị có thể tố cáo chị X theo khoản 1 điểm i Điều 134 Bộ luật hình sự nêu trên.

2.3. Quy định về tội xâm phạm chỗ ở của người khác

Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định”. Đồng thời Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định nguyên tắc bảo đảm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của cá nhân – Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở của cá nhân. Do vậy, việc vợ chồng anh X tự ý xông vào nhà mẹ chị và nhà của chị gái chị mà không được phép thì chị hoặc chị gái chị có quyền tố cáo vợ chồng anh X về tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định tại Điều 158 Bộ luật hình sự hiện hành:

“Điều 158. Tội xâm phạm chỗ ở của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm chỗ ở của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;

b) Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ;

c) Chiếm giữ chỗ ở hoặc cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp vào chỗ ở của họ;

d) Xâm nhập trái pháp luật chỗ ở của người khác

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Làm người bị xâm phạm chỗ ở tự sát;

đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự – Công ty luật LVN Group