1.Những hoạt động của Tòa án nhằm xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ.
Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bao gồm các hoạt động sau:
+ Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp.
Khi cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải tiếp nhận và có thể hỏi người đã cung cấp về những vấn đề có liên quan đến chứng cứ, tài liệu, đồ vật đó. Việc tiếp nhận được lập biên bản.
Ngay sau khi nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thì Tòa án phải chuyển cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được chứng cứ, tài liệu, đồ vật, Viện kiểm sát phải xem xét và chuyển lại cho Tòa án để đưa vào hồ sơ vụ án.
+ Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.
Có 02 trường hợp xảy ra:
– Trường hợp Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân đang lưu giữ, quản lý tài liệu, chứng cứ cung cấp.
– Trường hợp người tham gia tố tụng theo quy định có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.
Khi nhận được yêu cầu của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án thì cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc cung cấp, nếu không cung cấp thì phải nêu rõ lý do.
+ Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa.
Hoạt động này được áp dụng đối với những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa và việc xem xét này có đầy đủ các thành phần như Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa và được lập biên bản.
+ Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án.
Khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể cùng với Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa đến xem xét nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Kiểm sát viên, người bào chữa, người khác tham gia phiên tòa có quyền trình bày nhận xét của mình về nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án. Hội đồng xét xử có thể hỏi thêm người tham gia phiên tòa về những vấn đề có liên quan đến nơi đó.
+ Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của BLTTHS; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản.
+ Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án.
Để đảm bảo hiệu quả trong hoạt động xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án cần tuân thủ các quy định của BLTTHS năm 2015.
2. Chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 252 BLTTHS thì Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng hoạt động “Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án;”
Điều 382, 383 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng mới chỉ dừng lại ở việc xử lý đối với hành vi từ chối cung cấp tài liệu, cung cấp tài liệu sai sự thật của người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa; còn các cá nhân, tổ chức, cơ quan khác thì chưa có chế tài xử lý trong trường hợp không cung cấp hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật. Ví dụ trong vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, bị cáo đã gây ra tai nạn cho bị hại, làm hư hỏng xe ô tô và gây tỷ lệ tổn thương cơ thể cho bị hại. Tuy nhiên bị hại không cung cấp tài liệu, giấy tờ liên quan đến thiệt hại mặc dù đã được các cơ quan tiến hành tố tụng yêu cầu cung cấp. Vấn đề này gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng mà không có chế tài ràng buộc trách nhiệm của người bị thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra nên không có cơ sở, chứng cứ để giải quyết vụ án.
Thậm chí ở giai đoạn Điều tra vụ án hình sự, mặc dù tại Điều 168 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự; trường hợp không chấp hành mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao gặp không ít khó khăn khi yêu cầu các cơ quan, tổ chức khác cung cấp tài liệu, chứng cứ do nhiều nguyên nhân khác nhau. Xuất phát từ đối tượng điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án thường có mối quan hệ công tác… vậy nên, các cơ quan, tổ chức, cá nhân e ngại trong việc cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện hành vi vi phạm của các cán bộ công chức nói trên, có tâm lý sợ ảnh hưởng đến công việc bình thường của cơ quan, tổ chức mình…
Như vậy việc các tổ chức, cơ quan, cá nhân không hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc cung cấp tài liệu liên quan đến vụ vụ gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và Tòa án nói riêng trong việc thu thập, xác minh chứng cứ.
3. Quy định việc thẩm quyền thu thập chứng cứ đang làm khó cho Tòa án.
Tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, như vậy chức năng chính của Tòa án là xét xử, giải quyết các loại vụ việc. Thẩm phán người tiến hành tố tụng là người được đào tạo nghiệp vụ chính là xét xử, và không có nghiệp vụ điều tra, vậy việc đặt quy định Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ liệu có tính khả thi. Khi quy định thẩm quyền này khó mà thực hiện được, nếu thực hiện được cũng chỉ là những hoạt động thu thập đơn giản. Đặt ngược lại vấn đề, những vấn đề đơn giản như vậy tại sao Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra lại không thực hiện được mà phải chờ đến Tòa án thực hiện? Đó là những vấn đề chờ sự giải thích, hướng dẫn một cách thỏa đáng của các cơ quan có thẩm quyền. Cũng tại Điều 15 BLTTHS hiện hành quy định “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Người bị buộc tội có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Muốn chứng minh tội phạm thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải thu thập đầy đủ chứng cứ phạm tội của chể thể bị buộc tội. Chính quy định của BLTTHS hiện hành, theo chúng tôi là gây khó khăn cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa nói riêng và ngành Tòa án nói chung bởi lẽ: Ngoài chức năng xét xử thì Tòa án, Thẩm phán còn có nghĩa vụ thu thập chứng cứ để chứng minh vụ án, như vậy có thể việc giải quyết vụ án của Thẩm phán sẽ không khách quan do việc Thẩm phán phải tự mình đánh giá, kiểm tra chứng cứ đã thu thập được, chứng cứ đã có sẵn trong hồ sơ do Cơ quan điều tra thu thập, việc lập luận chứng minh của Thẩm phán dễ bị lệ thuộc vào Cáo trạng và thiên về đánh giá chứng cứ buộc tội mà xem nhẹ chứng cứ gỡ tội phát sinh tại phiên tòa. Quy định như vậy, dẫn đến tình trạng Thẩm phán làm thay công việc của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại phiên tòa, ảnh hưởng đến việc tranh tụng tại phiên tòa do việc Thẩm phán vừa là chủ thể có nghĩa vụ chứng minh lại là người điều khiển tranh tụng giữa bên buộc tội và gỡ tội.
4.Không phân rõ quyền hạn, nhiệm vụ giữa các CQTHTT dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Trong mọi trường hợp Tòa án tự mình thu thập chứng cứ hay là phải theo khoản 6 Điều 252 BLTTHS là phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nếu Viện Kiếm sát không làm thì Tòa án mới được tự mình thu thập chứng cứ. Bởi khoản 6 Điều 252 BLTTHS 2015 hiện nay có nhiều quan điểm áp dụng khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Việc Tòa án tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ là độc lập không phụ thuộc vào việc Tòa án đã trả hồ sơ cho Viện kiểm sát hay chưa. Xuất phát từ Điều 88 quy định các chủ thể tiến hành việc thu thập chứng cứ, theo đó các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đều bình đẳng trong việc thu thập chứng cứ, việc thu thập chứng cứ là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng nhằm làm sáng tỏ nội dung vụ án.
Quan điểm thứ hai: Tòa án chỉ được tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ khi Tòa án trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được. Như vậy điều kiện tiên quyết trước khi tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ là Tòa án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung và Viện kiểm sát không bổ sung được chứng cứ mà Tòa án yêu cầu thì Tòa án mới được tiến hành các hoạt động thu thập chứng cứ (tác giả đồng tình với quan điểm này).
Việc nhiều người hiểu theo quan điểm thứ nhất là do cách thiết kế của nhà làm luật; nghiên cứu kỹ Điều 252 BLTTHS 2015 ta thấy rõ mở đầu Điều luật, nhà làm luật dẫn chiếu nội dung bằng cụm từ: “Tòa án tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động”, tiếp theo lời dẫn chiếu là 6 khoản nằm trong nội dung thể hiện hoạt động trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ của Tòa án. Tuy nhiên, nội dung tại khoản 1 đến khoản 5 điều luật là đồng nhất thể hiện trùng khớp với nội dung dẫn chiếu mở đầu của Tòa án. Nhưng đến khoản 6 là nội dung hoàn toàn riêng biệt, nó thể hiện điều kiện thực hiện các hoạt động trong việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ. Như vậy, nội hàm Điều 252 BLTTHS 2015 bao hàm 02 nội dung chính nên việc xây dựng Điều luật gồm 6 khoản thể hiện 01 nội dung chính là không phù hợp.
Trong công tác phối hợp giải quyết vụ án giữa các cơ quan tố tụng trong hoạt động thu thập chứng cứ quy định còn bất cập. Tại khoản 6 Điều 252 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ có nêu “Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án”. Quy định trên, với chức năng nhiệm vụ của Viện kiểm sát kiểm tra đánh giá chặt chẽ các chứng cứ, thực hiện quyền truy tố của mình, nếu trong giai đoạn điều tra, truy tố mà Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát không bổ sung được thì đến Tòa án cũng khó có thể thực hiện được. Đồng thời, chi phí giám định tư pháp là do cơ quan nào yêu cầu trưng cầu giám định chi trả, nhiều trường hợp phải giám định pháp y Trung ương, Hội đồng định giá tài sản Trung ương ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh ở rất xa, chi trả số tiền tiền lớn nhưng kinh phí cấp cho giải quyết án hình sự hẹp nên dễ dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan tiến hành tố tụng gây ảnh hưởng lớn đến công tác giải quyết án và mối quan hệ công tác của các cơ quan tiến hành tố tụng.
5. Đề xuất, kiến nghị
Qua nghiên cứu nội dung quy định mới liên quan đến thẩm quyền “Tòa án xác minh, thu thập và bổ sung chứng cứ” theo quy định tại Điều 252 BLTTHS năm 2015, chúng tôi đề xuất kiến nghị như sau:
– Để đảm bảo cho hoạt động điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, pháp luật cần có chế tài xử lý đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện cung cấp tài liệu theo yêu cầu của Tòa án, hay nói cách khác là ngoài chế tài xử lý đối với người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa thì pháp luật cần có chế tài xử lý đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác nếu không cung cấp tài liệu theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan nhằm răn đe các trường hợp vi phạm.
– Việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ trong vụ án hình sự là nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát nên trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung để đi giám định, định giá tài sản lại thì Viện kiểm sát phải có trách nhiệm thực hiện nội dung bổ sung chứng cứ mà Tòa án yêu cầu. Tuy nhiên, Viện kiểm sát không thực hiện trưng cầu giám định lại vì cho rằng Tòa án cũng có chức năng trên nên Tòa án phải tự đi giám định.Vậy cần có cơ chế ràng buộc trách nhiệm đối với Kiểm sát viên, Viện kiểm sát khi không thực hiện việc yêu cầu của Tòa án dẫn đến việc sai sót trong quá trình giải quyết vụ án.
– Theo quan điểm tác giả, Điều 252 BLTTHS 2015 phải được sửa đổi lại phù hợp với nội hàm điều luật là:
“Điều 252. Tòa án xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ
1. Tòa án tiến hành việc xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ bằng các hoạt động:
a) Tiếp nhận chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp;
b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án;
c) Xem xét tại chỗ vật chứng không thể đưa đến phiên tòa;
d) Xem xét tại chỗ nơi đã xảy ra tội phạm hoặc địa điểm khác có liên quan đến vụ án;
đ) Trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản ngoài các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định, cần định giá tài sản quy định tại Điều 206 và Điều 215 của Bộ luật này; trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại; yêu cầu định giá lại tài sản;
2. Trường hợp Tòa án đã yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung chứng cứ nhưng Viện kiểm sát không bổ sung được thì Tòa án có thể tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ án”.