1. Giết người nhưng chưa thành bị xử lý thế nào ?

Kính gửi Luật sư của LVN Group. tôi là giám đốc một công ty TNHH, trong 2 năm qua tôi bị một công ty khác đóng trên địa bàn cùng tỉnh kiện cáo vô cớ và có những động thái, lời lẽ đe dọa đến tính mạng tôi. Gân đây nhất là ngày 19/4/2016 con trai ông giám đốc công ty kia đã dẫn theo hai người nữa lên kế hoạch từ trước đi từ hơn 120 km xuống huyện nơi tôi đặt trụ sở làm việc.
Đợi lúc tôi đi làm buổi trưa về nghỉ thì bất ngờ xông vaò nhà tôi mang theo nhiều loại hung khí tìm tôi và chúng ra lệnh cho nhau tìm thấy tôi thì giết bằng chết không cần lý do (có người làm chứng). Rất may nhờ cảnh giác cao tôi đã chạy thoát được và chưa sảy ra chuyện gì đến tính mạng. Chúng xông vào nhà, chạy lên các tầng nhà lục chăn chiếu để tìm tôi giết, mọi hành động của bọn chúng đều được camera an ninh ghi lại và những người có mặt tại đó làm chứng, bọn chúng đều là những kẻ đã có tội giết người và đã đi tù về, cùng lúc đó chúng tôi cũng đã kịp thời báo cho cơ quan công an tại đia phương và đã bắt được bọn chúng cùng tang vật là hung khí mang đi gây án ( dao ,kiếm, mã tấu …).
Sau khi bắt được bọn chúng công an lấy lời khai và chỉ giữ tang vật là hung khí gây án còn người thì thả ra, trong vòng gần 2 tháng làm thủ tục củng cố chứng cứ và thu thập lời khai, về phía công an gửi cho tôi giấy thông báo không đủ chứng cứ khởi tố và kết thúc hồ sơ trả lại đồ vật tạm giữ. Trong khi đó đã 2 năm qua tôi luôn phải sống trong hoàn cảnh bị đe dọa đến tính mạng từ bọn chúng và cũng đã trình báo với cơ quan công an nắm rõ sự việc. Nay sự việc xảy ra trắng trợn như vậy bọn chúng đã có kế hoạch từ 2 năm nay, việc tôi thoát chết là nằm ngoài dự tính của bọn chúng, nay công an thông báo như vậy tôi thật sự không biết tin vào đâu nữa, tính mạng tôi lại tăng thêm bị đe dọa, tôi hỏi Luật sư của LVN Group trong trường hợp trên trong luật hình sự thì quy định cụ thể như thế nào ? và tôi phải làm gì lúc này để bảo vệ tính mạng mình ?
Rất mong được sự giúp đỡ và hợp tác từ phía Luật sư của LVN Group giúp đỡ cho tôi. trân thành cảm ơn.

Trả lời:

Căn cứ pháp lý để xác định TNHS trong PTCĐ được quy định như sau:

Điều 15 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

Điều 15. Phạm tội chưa đạt
Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội.
Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt.

Khoản 3 Điều 57 BLHS quy định:

Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

Đối với vụ án hình sự, các tình tiết điều phải xem xét, đánh giá một cách toàn diện, khách quan. Để định tội danh cho một trường hợp phạm tội cụ thể người ap dụng pháp luật cần phải căn cứ các dấu hiệu cấu thành tội phạm để xác định hành vi đó phạm vào tội nào, khoản nào trong Bộ luật hình sự. Trong vụ án này, để xác định A và đồng bọn có phạm tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự hay không, trước hết cần phải xem xét:

* Mặt chủ quan: chủ thể cố ý với hành vi, mong muốn hậu quả xảy ra.

*Mục đích: giết người

*Động cơ: trả thù cá nhân

*Hung khí: dao, kiếm, mã tấu.. ( có khả năng cao dẫn đến hậu quả chết người)

Với hành vi cố ý giết người của A và đồng bọn thì A có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự với tình tiết phạm tội chưa đạt do A và đồng bọn không thể thực hiện được đến cùng hành vi giết người.

Hình phạt đối với tội giết người theo quy định tại Khoản 2 điều 123 Bộ luật hình sự là phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Tuy nhiên, đây là trường hợp phạm tội chưa đạt nên căn cứ theo khoản 3 điều 57 Bộ luật hình sự thì mức hình phạt đối với A và đồng bọn không quá ba phần tư mức phạt tại khoản 2 điều 123 quy định. Như vậy, hình phạt có thể áp dụng với A và đồng bọn của hắn là từ 63 tháng đến 135 tháng tù.

Trong trường hợp này anh B có đầy đủ băng chứng, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của A và đồng bọn của hắn thì anh B có thể làm hồ sơ gửi lên viện kiểm sát điều tra và mở phiên tòa xét xử.

2. Bị bạn trai cũ dọa giết phải làm thế nào ?

Kính gửi Luật sư. Xin cho em hỏi một trường hợp như sau: Em gái em 25 tuổi, có quan hệ yêu đương với một người con trai. Khi biết họ đã có vợ con thì em gái chủ động nói lời chia tay.
Tuy nhiên khi nói chia tay thì người con trai kia không đồng ý và dùng lời lẽ để ép buộc 2 người tiếp tục quen nhau. Đến một thời gian sau em gái dứt khoát đòi chia tay thì anh ta hù dọa để được tiếp tục quan hệ yêu đương với nhau. Hậu quả là em gái đã có thai và cũng đã phá bỏ. Không thể tiếp tục chịu đựng hơn nữa, em gái dứt khoát chia tay thì người con trai đó có hành động đón giữa đường, đòi đánh gây áp lực. Đỉnh điểm là khi hẹn em gái gặp để giải quyết vấn đề chia tay thì người con trai đó đòi QHTD và không được chấp nhận thì xảy ra xô xát, người con trai bóp cổ uy hiếp, để tìm cách thoát thân em gái giả vờ đồng ý đến nhà nghỉ và bỏ chạy sang quán cà phê kêu cứu thì được giải thoát. Nhưng người ở quán cà phê chở em gái về ở đây chính là đồng nghiệp cùng cánh lái xe (không biết việc này có gì trùng khớp vậy không …).
Kể từ đó anh ta liên tục nhắn tin đe dọa sẽ giết, tắm máu tất cả mọi người trong gia đình em gái. Anh ta còn có hành động đến nhà và lấy dao găm lên mặt bàn hù dọa gia đình.
Vậy xin luật sư cho em hỏi trường hợp này em gái không lưu lại được bằng chứng gì thì làm đơn tố cáo đến Công an được không, làm thế nào để kết thúc chuyện này xin Luật sư giúp đỡ ?
Em xin cảm ơn.

>> Luật sư tư vấn về pháp luật hình sự, gọi:1900.0191

Trả lời:

Điều 133, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội đe dọa giết người như sau:

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trường hợp này, em bạn cần thu thập các bằng chứng như tin nhắn điện thoại, thư từ hay bằng chứng khác như cử chỉ hành động như tìm và chuẩn bị công cụ phương tiện để thực hiện hành vi trên và việc đe dọa làm cho tâm lí của bạn và gia đình lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra (Trường hợp của bạn, anh ta đến nhà, cắm dao găm lên bàn cùng những lời lẽ đe dọa giết người đã đủ căn cứ làm bạn và gia đình lo sợ, cùng những hành vi dọa nạt em gái bạn trước đó). Hành vi đe dọa giết người chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó đã làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

Khi có được các chứng cứ như tin nhắn, ghi âm điện thoại, bạn và gia đình có thể trình báo với cơ quan công an cấp huyện để yêu cầu giải quyết.

3. Tư vấn luật hình sự về tội giết người ?

Thưa Luật sư của LVN Group! Thắng (22 tuổi, trú huyện Khoái Châu, Hưng Yên) là tài xế xe tải, có xích mích với phụ lái là Toán (37 tuổi, cùng quê). Ngày 26/10/2011, khi xe đến địa phận Thanh Hóa thì Thắng và Toán cãi nhau gay gắt. Thắng đuổi Toán xuống xe, Toán đuổi theo và bám vào cửa xe (phía bên Thắng đang cầm lái). Thắng xô mạnh cửa xe làm Toán ngã xuống đường, Toán bị xe cán qua người.
Chạy thêm chừng 300 m, Thắng bỏ xe, chạy trốn. Toán bị dập nát hai chân và chết. Tội phạm mà Thắng đã thực hiện được quy định tại khoản 2 Điều 123 BLHS. Câu hỏi:

1. CTTP được quy định tại khoản 2 Điều 123 BLHS là CTTP cơ bản, tăng nặng hay giảm nhẹ của tội giết người? Tại sao?

2. Lỗi của Thắng trong trường hợp này là gì? Tại sao?

3. Phát biểu sau đây về vụ án đúng hay sai? Hãy giải thích: Nếu Thắng không bỏ trốn mà đến ngay cơ quan công an gần nhất để khai báo thì sẽ được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

4. Giả sử Thắng đã phạm tội cố ý gây thương tích, bị phạt 2 năm tù cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 4 năm. Sau khi chấp hành được 3 năm thử thách, Thắng phạm tội giết người nêu trên và bị phạt 10 năm tù thì hình phạt tổng hợp đối với Thắng là bao nhiêu năm tù?

Tôi xin chân thành cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến, gọi:1900.0191

Luật sư tư vấn:

Điều 123 Bộ Luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Giết 02 người trở lên;
b) Giết người dưới 16 tuổi;
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;
đ) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
e) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
g) Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác;
h) Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;
i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ;
k) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
l) Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người;
m) Thuê giết người hoặc giết người thuê;
n) Có tính chất côn đồ;
o) Có tổ chức;
p) Tái phạm nguy hiểm;
q) Vì động cơ đê hèn.
2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

1. Cấu thành tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 123 là cấu thành tội phạm cơ bản, tăng nặng hay giảm nhẹ? Tại sao?

Cấu thành tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 là cấu tội phạm giảm cơ bản. Cấu thành tội phạm cơ bản là cấu thành tội phạm chỉ có dấu hiệu định tội- dấu hiệu mô tả tội phạm và cho phép phân biệt tội này với tội khác.

Ở điều 123 BLHS đã có sự phân loại tội phạm với tội giết người, nhưng người làm luật thiết kế Điều 123 đặc biệt hơn so với các điều luật khác trong phần tội phạm. Đó là ở khoản 1 điều này lại là cấu thành tội phạm tăng nặng bao gồm: các dấu hiệu định tội và các dấu hiệu định khung tăng nặng (các tình tiết làm tăng thêm tính nguy hiểm đáng kể cho xã hội bao gồm 16 tình tiết định khung được quy định tại Điều 52 BLHS). Khoản 2 Điều 123 đã chỉ rõ: ” Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm”. Mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại khoản 2 Điều 123 là 15 năm thấp hơn so với mức cao nhất của khung hình phạt quy định tại Điều 123 là tử hình. Theo đó nếu như không có 16 tình tiết định khung tăng nặng tại các điểm từ a đến q của khoản 1 thì người phạm tội chỉ bị xử phạt theo khoản 2 Điều 93 BLHS.

Như vậy, khoản 2 Điều 93 BLHS là cấu thành tôi phạm cơ bản.

2. Lỗi của Thắng trong trường hợp này là gì? Tại sao?

Lỗi là thái độ tâm lý của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả của hành vi đó gây ra, được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.

Lỗi của Thắng trong trường hợp này là lỗi cố ý mà cụ thể là lỗi cố ý gián tiếp.

Vì: ” Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra”.

Xét dấu hiệu về mặt lý trí, người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hành vi đó có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Trong trường hợp này khi anh Thắng đuổi anh Toán xuống khỏi xe, anh Toán đuổi theo và bám vào cửa xe phía anh Thắng đang ngồi lái, anh Thắng hoàn toàn đủ năng lực để nhận thức được rằng việc mình đẩy cửa xe ra lúc đó là việc làm nguy hiểm vì lúc đó xe đang chạy. Anh Thắng cũng hoàn toàn đủ khả năng để dừng xe lại giải quyết với anh Thắng mà không để lại hậu quả như trên.

Xét về mặt ý chí, người phạm tội không mong muốn hậu quả nguy hiểm cho xã hội xảy ra. Hậu quả nguy hiểm cho xã hội mà người phạm tội đã thấy trước không phù hợp với mục đích của người phạm tội thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là nhằm mục đích khác. Chính vì để thực hiện mục đích này mà người phạm tội dù không mong muốn hậu quả nguy hiểm mà họ có thể thấy trước nhưng đã ý thức đẻ mặc cho hậu quả đó xảy ra, Đối với người cố ý gián tiếp thì dù hậu quả có xảy ra hay không thì đều không đều không có ý nghĩa gì, không xảy ra cũng được và xảy ra cũng chấp nhận. Trong trường hợp này anh Thắng không muốn hâu quả là anh Toán chết xảy ra, mà chỉ là do trong lúc tức, xích mích với anh Toán nên anh Thắng mới đẩy cửa xe như vậy. Mặc dù biết việc mình làm có thể nguy hiểm cho anh Toán. Nhưng việc anh Toán chết nằm ngoài mong muốn và mục đích của anh Thắng.

Từ những phân tích về mặt lý trí và ý chí ta kết luận hình thức lỗi của Thắng trong tình huống trên là lỗi cố ý gián tiếp.

3. Phát biểu sau về vụ án đúng hay sai? Hãy giải thích: Nếu Thắng không bỏ trốn mà đến ngay cơ quan công an gần nhất để khái báo thì sẽ được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

Phát biểu trên là sai, Vì:

Điều 16 BLHS Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:

Điều 16. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản.
Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Ngay trong điều luật đã khẳng định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm nữa. Vì giả thiết trên, Thắng không bỏ trốn mà đến ngay cơ quan Công an để đầu thú thì không thỏa mãn điều kiện không thực hiện tội phạm đến cùng. Lúc này dù Thắng có đi đầu thú thì cũng không làm thay đổi hay ngăn chặn được hậu quả xảy ra. Cụ thể:

Việc anh Thắng không bỏ trốn mà đi đầu thú, giả thiết xảy ra khi anh ta thực hiện xong tội phạm của mình. Khi anh Toán bị ngã anh Thắng không có hành vi để cứu giúp. Dù hậu quả là anh Toán chết không đúng với mong muốn hay mục đích của anh Thắng thì tội phạm cũng đã hoàn thành. Anh Thắng cố lỗi cố ý gián tiếp gây chết người. mà theo quy định của luật hình sự hành vi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là hành vi không thực hiện đến cùng tội phạm, nghĩa là tội phạm chỉ mới ở giai đoạn chuẩn bị hoặc giai đoạn chưa đạt, chưa hoàn thành.

Như vậy việc anh Thắng không bỏ trốn mà đến cơ quan Công an gần nhất để đầu thú chỉ được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội.

4. Giả sử Thắng đã phạm tội cố ý gây thương tích, bị phạt 2 năm tù cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 4 năm. Sau khi chấp hành được 3 năm thử thách, Thắng phạm tội giết người nêu trên và bị phạt 10 năm tù thì hình phạt đối với Thắng được quyết định như thế nào?

Trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của người phạm tội phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi về hành vi phạm tội của mình.

Theo Điều 2 BLHS thì ” chỉ những người nào phạm tội đã được BLHS quy định thì mới phải chịu TNHS”.

Trước hết cần phải xác định những hành vi đó đã thỏa mãn những dấu hiệu của cấu thành tội phạm cụ thể chưa? Ở giả thiết nêu trên: trước khi giết người Thắng đã phạm tội cố ý gây thương tích bị phạt 2 năm tù cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 4 năm. Điều kiện thử thách của án treo là nghĩa vụ luật định mà người được hưởng án treo phải thực hiện trong thời gian thử thách. Nhưng sau khi chấp hành được 3 năm thử thách, Thắng phạm tội giết người nêu trên.

Như vậy Thắng đã vi phạm vào điều kiện thử thách có tính răn đe nên phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi của mình. Hậu quả pháp lý bất lợi này được quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS”

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật này.

Ở giả thiết trên, Thắng đã phạm tội cố ý gây thương tích, bị phạt 2 năm tù cho hưởng án treo và thời gian thử thách là 4 năm. Sau khi chấp hành được 3 năm thử thách, Thắng phạm tội giết người nêu trên và bị phạt 10 năm tù. Hình phạt lúc này đặt ra đối với Thắng sẽ là tổng hợp hình phạt của nhiều bản án được quy định tại khoản 2 Điều 56 BLHS:

2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.

Đi đến quyết định cuối cùng tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm tội này thì:

“Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.”

Như vậy sau khi tổng hợp các hình phạt cuối cùng của nhiều bản án thì hình phạt đối với Thắng sẽ là 10 năm tù của bản án mới đã tuyên cho tội giết người và cộng với 2 năm tù của bản án trước do tội cố ý gây thương tích. Tổng hợp bản án là 12 năm tù đối với Thắng.

Như vậy vấn đè TNHS tiếp tục được đặt ra đối với Thắng và bản án dành cho Thắng là 12 năm tù.

4. Mức án đối với tội giết người ?

Xin chào Luật sư của LVN Group! Tôi xin văn phòng cho tôi hỏi một vấn đề sau: Tôi có người em trai sinh năm 1994. Vào ngày 6-2-2016 sau khi có uống bia tại quán Karaoke trên đường về có va chạm với 1 thanh niên khác và bị đâm bằng dao bấm, trúng tim gây tử vong.
Quá trình xô xát như sau: Em tôi đi cùng 5 người trên 4 xe máy, đối tượng kia đi 2 người trên một xe máy.khi đến gần 2 người kia bật xi nhan và còi xin vượt, Nhưng em tôi không cho vượt và quay lại nói: “… mẹ bố đéo cho may vượt đấy”. Sau đó 2 bên dừng xe lại và xảy ra xô sát nhưng đuợc can ngăn. Khi đó em tôi vẫn lao vào thanh niên kia và bị thanh niên đó rút 1 con dao bấm thủ sẵn trong túi áo ra đâm trúng ngực và làm em tôi tử vong trên đường đi cấp cứu. Hoàn cảnh gia đình em tôi cũng rất khó khăn, nhà chỉ có 1 chị gái đã đi lấy chồng và em nó là lao động chính của gia đình( giờ chỉ còn lại bố mẹ).

Vậy tôi xin hỏi quý luật sư:

Tình tiết phạm tội của thanh niên kia sẽ thuộc vào khung hình phạt nào của tội giết người và mức độ bồi thường về mai táng phí và tổn thất tinh thần cho gia đình la bao nhiêu? (thanh niên phạm tội sinh năm 1993, có tình tiết giảm nhẹ là: gia đình cách mạng,ông nội có Huân chương kháng chiến,bác ruột là liệt sỹ và là gia đình cận nghèo).

Rất mong sớm nhận đuợc trả lời của quý luật sư.

Tôi xin chân thành cảm ơn Luật sư của LVN Group!

>> Luật sư tư vấn: Quy định pháp luật về tội giết người có mức phạt cao nhất là gì ?

5. Giết người bịt đầu mối chịu trách nhiệm hình sự như thế nào ?

Xin chào Luật sư của LVN Group, em có người quen, buôn bán chất ma túy. Người này đã lợi dụng trẻ em 10 tuổi để đi giao hàng. Sau khi đứa trẻ bị công an bắt thì người này đã giết đứa trẻ để bịt đầu mối. Vậy thưa Luật sư của LVN Group thì trường hợp này, người kia bị phạm tội gì? Sẽ bị sử phạt như thế nào ?
Mong hồi âm sớm ạ. Cám ơn Luật sư của LVN Group rất nhiều.

>> Luật sư tư vấn pháp luật hình sự trực tuyến, gọi: 1900.0191

Luật sư trả lời:

Theo như trường hợp bạn trình bày, sau khi đứa trẻ bị công an bắt thì người này đã giết đứa trẻ để bịt đầu mối. Căn cứ theo Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì:

Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

b) Giết người dưới 16 tuổi;

c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;….

2. Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Do đó, người này có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) và mức hình phạt cao nhất có thể lên tới chung thân hoặc tử hình tùy theo tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.

Ngoài ra, người này còn có hành vi buôn bán trái phép chất ma túy. Điều 251 Bộ luật hình sự năm 2015 ( sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định:

1. Người nào mua bán trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;…..

h) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;…

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;

b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;….

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Như vậy, ngoài tội Giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) người này còn có thể phải chịu trách nhiệm về tội mua bán trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 251 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Tùy theo khối lượng ma túy mà người kia có thể bị truy cứu ở các khung hình phạt khác nhau.

Khi xét xử, Tòa án sẽ ra quyết định hình phạt từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo Điều 56 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đỏi, bổ sung năm 2017).

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật hình sự về tội giết người trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.0191 để được giải đáp.

Trân trọng.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự – Công ty luật LVN Group