1. Tội phạm tham nhũng là gì?

Khoản 1 Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định:

“Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”

Trong BLHS 2015, không có khái niệm về các tội phạm tham nhũng mà đưa ra khái niệm về các tội phạm chức vụ nói chung, trong đó chia ra hai nhóm tội phạm: nhóm tội phạm tham nhũng và nhóm các tội phạm về chức vụ. BLHS 2015 vẫn giữ nguyên 7 hành vi tham nhũng được hình sự hoá, bao gồm: (1) Tham ô tài sản; (2) Nhận hối lộ; (3) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; (4) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; (5) Lạm quyền trong khi thi hành công vụ; (6) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; (7) Giả mạo trong công tác.

Từ việc khái quát những dấu hiệu pháp lý liên quan đến các tội tham nhũng, có thể hiểu: “Các tội tham nhũng là những hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong BLHS, xâm phạm hoạt động đúng đắn, bình thường của cơ quan, tổ chức, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tổ chức và của công dân, do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện trong khi thi hành công vụ, nhiệm vụ nhằm mục đích trục lợi”.

2. Dấu hiệu cấu thành tội phạm tham nhũng

Một người sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự nếu người đó đáp ứng đầy đủ những cấu thành tội phạm của tội đó, bao gồm các yếu tố về: mặt khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm và mặt chủ thể của tội phạm.

2.1. Về mặt khách thể của tội phạm

Tội phạm tham nhũng xâm hại đến hoạt động đúng đắn của cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ, thực thi công vụ. Hoạt động xâm hại ấy làm sai đi bản chất công việc mà cơ quan có thẩm quyền và hoạt động ấy đáng nhẽ không được làm.

2.2. Về mặt khách quan của tội phạm

Người phạm tội vào Tội phạm tham nhũng được quy định tại Mục 1, Chương XXIII Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 là người thực hiện một trong những hành vi sau đây:

– Hành vi tham ô tài sản: người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý;

-Hành vi nhận hối lộ: người nào có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.

– Hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;

– Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ: người nào có hành vi vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

– Hành vi lạm quyền trong thi hành công vụ: người nào có hành vi vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

– Hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;

– Hành vi giả mạo trong công tác: có hành vi vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện một trong các hành vi (i) sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu; (ii) làm, cấp giấy tờ giả; (iii) giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn.

Mục đích của hành vi tham nhũng là vụ lợi. Vụ lợi ở đây được hiểu là lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đã đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng. Như vậy, khi xử lý về hành vi tham nhũng, không bắt buộc chủ thể tham nhũng phải đạt được lợi ích.

Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định việc đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tham nhũng chủ yếu dựa trên căn cứ xác định những lợi ích vật chất mà kẻ tham nhũng đạt được để từ đó quyết định mức độ xử lý. Lợi ích vật chất hiện nay trong cơ chế thị trường thể hiện ở rất nhiều dạng khác nhau, nếu chỉ căn cứ vào những tài sản phát hiện hoặc thu hồi được để đánh giá lợi ích mà kẻ tham nhũng đạt được thì sẽ là không đầy đủ.

Thêm nữa, các lợi ích vật chất và tinh thần đan xen rất khó phân biệt. Chẳng hạn, việc dùng tài sản của Nhà nước để khuyếch trương thanh thế, gây dựng uy tín hay các mối quan hệ để thu lợi bất chính. Trong trường hợp này, mục đích của hành vi vừa là lợi ích vật chất, vừa là lợi ích tinh thần…

2.3. Về mặt chủ quan của tội phạm

Chủ thể thực hiện tội phạm tham nhũng với lỗi cố ý. Trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi không cố ý thì hành vi đó không là hành vi tham nhũng.

2.4. Về mặt chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội này là chủ thể đặc biệt của Bộ luật Hình sự. Ngoài quy định về việc người đó phải đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì họ còn phải là người nắm giữ một chức vụ, quyền hạn nhất định và họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao.

Người nắm giữ chức vụ, quyền hạn ấy không chỉ là người nắm giữ một chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan nhà nước mà còn bao gồm người nắm giữ chức vụ quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước.

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn” để vụ lợi là đặc trưng của tội phạm liên quan đến tham nhũng. Khi thực hiện hành vi tham nhũng, người tham nhũng phải sử dụng “chức vụ, quyền hạn của mình” như một phương tiện để mang lại lợi ích cho mình, cho gia đình mình hoặc cho người khác. Đây là yếu tố cơ bản để xác định hành vi tham nhũng. Một người có chức vụ, quyền hạn nhưng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó thì không thể có hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, không phải mọi hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó đều được coi là hành vi tham nhũng. Ở đây có sự giao thoa giữa hành vi này với các hành vi tội phạm khác, do vậy cần lưu ý khi phân biệt hành vi tham nhũng với các hành vi vi phạm pháp luật khác.

3. Tình hình tội phạm tham nhũng ở Việt Nam hiện nay

Theo số liệu của Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, đến cuối năm 2013 trên địa bàn cả nước đã phát hiện và tiến hành xử lý 404 vụ và 1.030 bị can với tổng thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng và 97.588 m2 đất, với nỗ lực của các lực lượng đã thu hồi được 2.511,016 tỷ đồng và 13.440 m2 đất (trong đó, khởi tố mới năm 2013 là 251 vụ/622 bị can). Cơ quan Cảnh sát điều tra các cấp đã tiến hành và điều tra làm rõ, kết thúc điều tra nhiều vụ án phức tạp như vụ tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, như vụ án nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (vụ Vinalines) và vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Việc hoàn tất điều tra vụ án phức tạp chuyển sang truy tố và xét xử đã có tác dụng tích cực đối với dư luận xã hội.

Trong năm 2013, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 335 vụ/803 bị can về tội tham nhũng (tăng 91 vụ/202 bị can so với năm 2012). Theo số liệu của Tòa án nhân dân tối cao 2013, Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ/584 bị cáo về các tội danh tham nhũng (tăng 111 vụ/246 bị cáo so với năm 2012), trong đó số bị cáo cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm 31,2% (giảm so với tỷ lệ 34,2% của năm 2012). Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm túc và kiên quyết. Lần đầu tiên chúng ta đã tuyên 04 án tử hình đối với 02 vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và Công ty cho thuê tài chính II (ALC II) thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. Việc đưa ra bản án nghiêm khắc đối với tội phạm tham nhũng phần nào lấy lại lòng tin của nhân dân trong cuộc đấu tranh PCTN.

4. Giải pháp đấu tranh chống tội phạm tham nhũng

– Đẩy mạnh giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong toàn Đảng, toàn dân về đấu tranh chống tham nhũng. Để làm tốt hoạt động này cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, mà trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN năm 2012 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
– Đình kỳ và đột xuất thiết lập các đoàn thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện những sai phạm về tham nhũng trong các cơ quan nhà nước, các tổ chức và các doanh nghiệp để kịp thời đấu tranh. Nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công vụ; xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, tiêu cực; chấn chỉnh, nâng cao kỷ cương, kỷ luật và xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm pháp luật.
– Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong giám sát và phản biện xã hội nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng. Khuyến khích sự tham gia của nhân dân với công tác PCTN, kịp thời có những phần thưởng xứng đáng và có biện pháp bảo vệ để khuyến khích nhân dân tham gia đấu tranh với tội phạm này.
– Tăng cường và làm tốt công tác tiếp nhận và xử lý tin báo về tham nhũng từ quần chúng nhân dân và các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính quyền. Nhanh chóng thông báo kết quả xử lý đối tượng tham nhũng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân đã thông báo để từ đó khuyến khích họ tham gia đấu tranh chống tham nhũng.
– Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra khám phá tội phạm tham nhũng. Cần nắm vững, chắc các lĩnh vực, hoạt động có nguy cơ xảy ra tham nhũng; nắm bắt được các đối tượng có biểu hiện bất minh về tài sản, lối sống, hoạt động có nghi vấn tham nhũng để kịp thời có biện pháp đấu tranh ngăn chặn.