1. Tội vô ý làm chết người
“Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.”
Luật sư tư vấn pháp luật hình sự qua điện thoạigọi:1900.0191
PHÂN TÍCH CẤU THÀNH TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
– Về khách quan, người phạm tội có những hành vi tương tự hành vi của tội giết người; hậu quả xảy ra, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả cũng tương tự như đối với giết người.
– Về ý thức chủ quan của người phạm tội và đây cũng là dấu hiệu đặc trưng để phân biệt giữa tội vô ý làm chết người với tội giết người. Đó là lỗi của người phạm tội, người phạm tội vô ý làm chết người thực hiện hành vi của mình dưới hình thức lỗi vô ý do vô ý bao gồm cả vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.
Theo quy định tại Điều 11 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì vô ý phạm tội là phạm tội trong những trường hợp sau đây:
– Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được;
– Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Bộ luật hình sự không quy định rõ các hình thức vô ý phạm tội nhưng cần căn cứ vào nội dung quy định trên, chúng ta thấy rõ có hai hình thức vô ý phạm tội mà khoa học luật hình sự gọi là vô ý vì cẩu thả và vô ý vì quá tự tin.
– Vô ý vì cẩu thả là trường hợp do cẩu thả mà người phạm tội không thấy trước được khả năng gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước. Tiêu chuẩn để xác định một người phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả nguy hiểm cho xã hội là căn cứ vào hoàn cảnh cụ thể lúc xảy ra sự việc, một người bình thường cũng có thể thấy trước; ngoài ra còn phải căn cứ vào độ tuổi, trình độ nhận thức, trình độ văn hóa, tay nghề, v.v..
– Vô ý vì quá tự tin là trường hợp người phạm tội thấy trước được hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội, nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, nhưng hậu quả đó vẫn xảy ra.
B. NHỮNG TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ CỦA TỘI VÔ Ý LÀM CHẾT NGƯỜI
1. Vô ý làm chết một người (khoản 1 Điều 128)
Vô ý làm chết một người là trường hợp phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể xảy ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó và hậu quả đó chỉ có một người chết.
Người phạm tội vô ý làm chết một người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 128 có khung hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều thì Tòa án có thể áp dụng Điều 54 phạt người phạm tội dưới sáu tháng tù hoặc chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn theo bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
2. Vô ý làm chết nhiều người (khoản 2 Điều 128)
Vô ý làm chết nhiều người là trường hợp người phạm tội tuy thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể xảy ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó và hậu quả có từ hai người chết trở lên.
Người phạm tội vô ý làm chết nhiều người thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 128 có khung hình phạt từ ba đến mười năm tù, nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 thì Tòa án có thể áp dụng Điều 54 phạt người phạm tội dưới ba năm tù, nhưng không được dưới sáu tháng tù.
2. Căng dây điện trông nhà gây ra hậu quả chết người sẽ phạm tội gì ?
Điện thoại yêu cầu dịch vụ qua tổng đài tư vấn luật: 1900.0191
Trả lời:
– Hành vi của bạn đó là chăng dây điện. Dây điện bản thân nó là vật mang nguồn nguy hiểm cao có khả năng thực tế đe dọa tới tính mạng con người.
– Mục đích của việc chăng dây này là bảo vệ chuồng trại. Tuy nhiên do bạn chưa cung cấp đầy đủ thông tin nên chưa xác định được cụ thể mục đích của bạn. Nhưng do bạn chăng dây điện ra vườn thể hiện bạn đã buộc phải lường trước được hậu quả gây thương tích, gây chết người xảy ra. Bởi đây là điện. Cho nên trong trường hợp này lỗi của bạn là cố ý gián tiếp theo Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
“Điều 123. Tội giết người
1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình…”
Giết người là hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Cho nên người thực hiện hành vi này phải bị trừng phạt bởi pháp luật.
Căn cứ vào những thông tin bạn cung cấp,tôi nhận thấy: bạn có lỗi cố ý gián tiếp tức là biết hành vi chăng dây điện của mình là nguy hiểm nhưng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra: chết hoặc không chết. Mà lỗi cố ý gián tiếp sẽ định tội danh theo hậu quả. Trường hợp của bạn nạn nhân đã chết nên trường hợp này bạn phạm tội giết người với lỗi cố ý gián tiếp.
3. Tư vấn cách xử lý hành vi đe dọa đòi tiền?
Thưa Luật sư của LVN Group! Tôi và cô ấy đều có gia đình, cách đây hơn 01 tháng do thường xuyên gặp nhau nên chúng tôi có nảy sinh tình cảm. Sau đó, chúng tôi có hẹn nhau vào nhà nghỉ và bị chồng cô ấy bắt gặp. Sau đó, chồng cô ấy yêu cầu tôi nếu muốn giữ im lặng thì phải đưa cho anh ấy 20 triệu đồng, anh ấy liên tục nhắn tin, gọi điện đe dọa đòi tiền. Luật sư cho tôi và anh ấy có vi phạm pháp luật hay không? Nếu vi phạm thì xử lý thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.
Luật sư tư vấn luật hình sự trực tuyến, gọi: 1900.0191
Trả lời:
Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về các điều cấm trong hôn nhân như sau:
“2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.”
Theo đó pháp luật chỉ nghiêm cấm người đang có vợ có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác, còn đối với hành vi quan hệ lén lút của bạn thì pháp luật chưa có quy định về hình phạt đối với trường hợp này, theo đó bạn không có nghĩa vụ phải bồi thường cho chồng của phía bên kia. Đối với hành vi đòi bồi thường và đe dọa uy hiếp bạn như vậy thì anh chồng kia có thể phạm phải tội cưỡng đoạt tài sản được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 tại Điều 170 như sau:
“1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
…”
Bạn có thể làm một đơn tố cáo hành vi này đến cơ quan có thẩm quyền bao gồm các cơ quan sau: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức. Nếu tố giác bằng miệng thì cơ quan, tổ chức tiếp nhận phải lập biên bản và có chữ ký của người tố giác. Cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác của công dân phải báo tin ngay về tội phạm cho Cơ quan điều tra bằng văn bản. Theo đó, bạn có thể làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an, viện kiểm soát hoặc tòa án nơi chị đang cư trú về hành vi này.
4. Pháp luật quy định như thế nào về đặc xá?
Thưa Luật sư của LVN Group, cho hỏi người thân của tôi bị tòa tuyên án 13 năm tù về tội giết người thì có được đặc xá không ạ ?
Quyết định đặc xá do Chủ tịch nước ban hành, tuy nhiên hiện chưa có quyết định đặc xá năm 2020.
Tuy nhiên dựa vào Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN của Chủ tich nước về đặc xá năm 2016 có thể thấy điều kiện để được hưởng đặc xá như sau:
– Đối tượng hưởng đặc xá: Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.
– Điều kiện được đề nghị đặc xá:
+ Đã chấp hành ít nhất 1/2 hình phạt tù, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính là thời hạn đã chấp hành hình phạt tù; Chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành án phạt tù liên tục được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ những phạm nhân không bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng đã 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau hoặc người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó và gia đình không còn khả năng thực hiện.
+ Người bị kết án phạt tù có thời hạn đã chấp hành ít nhất 1/3 thời gian nếu chấp hành tốt Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành án phạt tù liên tục được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, tiền truy thu, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác, trừ những phạm nhân không bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng đã 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau hoặc người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó và gia đình không còn khả năng thực hiện thì được đề nghị đặc xá trong trường hợp sau:
Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, có xác nhận của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện; Là thương binh; bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội được tặng thưởng một trong các danh hiệu: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân, các danh hiệu Dũng sỹ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người được tặng thưởng một trong các loại Huân chương, Huy chương kháng chiến; người có thân nhân là liệt sỹ; con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; con của Gia đình có công với nước; Khi phạm tội là người chưa thành niên; Là người từ 70 tuổi trở lên; Là người đang mắc bệnh hiểm nghèo hoặc từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên ốm đau, không tự phục vụ bản thân được, có kết luận giám định y khoa hoặc xác nhận bằng văn bản của cơ quan y tế có thẩm quyền; Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú;Nữ phạm nhân đang có thai hoặc có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ.
Mặc dù đáp ứng các điều kiện trên những nếu người phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau thì sẽ không được đề nghị đặc xá:
1. Bản án hoặc quyết định của Toà án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm;
2. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác;
3. Trước đó đã được đặc xá;
4. Có từ hai tiền án trở lên;
5. Phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia;
6. Thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên sáu năm đối với người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3; trên tám năm đối với người được quy định tại khoản 2 Điều 3 của Quyết định này;
7. Bị kết án phạt tù về một trong các tội: khủng bố; phá hoại hoà bình; chống loài người; tội phạm chiến tranh; chống người thi hành công vụ có tổ chức hoặc phạm tội nhiều lần hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hoặc xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;
8. Bị kết án phạt tù từ 10 năm trở lên đối với tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người do cố ý;
9. Bị kết án phạt tù từ 07 năm trở lên đối với tội cướp tài sản, cướp giật tài sản, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, sản xuất trái phép chất ma tuý, mua bán trái phép chất ma tuý, chiếm đoạt chất ma tuý;
10. Phạm tội giết người có tổ chức; giết người có tính chất côn đồ; cố ý gây thương tích có tổ chức hoặc có tính chất côn đồ hoặc phạm tội nhiều lần đối với một người hoặc một lần đối với nhiều người; hiếp dâm có tính chất loạn luân; hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân; cướp tài sản có sử dụng vũ khí; cướp tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản có tổ chức hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; cướp tài sản nhiều lần, cướp giật tài sản nhiều lần, trộm cắp tài sản nhiều lần (từ hai lần trở lên);
11. Phạm các tội về ma tuý bị phạt tù dưới bảy năm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên một năm; đối với trường hợp phạm các tội về ma tuý nhưng không thuộc trường hợp quy định tại khoản 9 Điều này, nếu bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên hai năm hoặc bị phạt tù trên mười lăm năm, tù chung thân mà thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại trên ba năm;
12. Người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy hoặc người dùng thủ đoạn xảo quyệt, người ngoan cố chống đối trong vụ án phạm tội có tổ chức;
13. Có căn cứ khẳng định đã sử dụng trái phép các chất ma tuý;
14. Đang chấp hành án phạt tù do phạm từ ba tội trở lên hoặc phạm hai tội do cố ý, kể cả trường hợp tổng hợp hình phạt;
15. Đã có một tiền án mà lại bị kết án phạt tù về tội do cố ý;
16. Đã từng bị đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, kế cả cơ sở giáo dục trước đây hoặc trường giáo dưỡng mà bị kết án phạt tù về một trong các tội sau đây: về ma tuý; giết người; hiếp dâm trẻ em; cướp tài sản; cướp giật tài sản; cưỡng đoạt tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; chống người thi hành công vụ; mua bán phụ nữ hoặc mua bán người; mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em; gây rối trật tự công cộng; tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
5. Vay tiền mà chưa có tiền trả nợ thì có bị khởi tố hình sự không?
Thưa Luật sư của LVN Group, tôi có đi vay nặng lãi của công ty chuyên cho vay tiền. Khi đến vay người ta đưa tôi 1 mẫu đơn là công ty đó đưa tiền nhờ tôi mua xe hộ nhưng thực chất là vay lãi 5nghìn/triệu/ngày. Tôi đã trả và còn nợ 10 triệu nữa. Hiện tại tôi chưa có tiền mà người đó báo công an thi tôi sẽ bị làm sao. Mong Luật sư của LVN Group giải đáp cho tôi. Tôi xin cảm ơn!
Trả lời:
Tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về Hợp đồng vay tài sản như sau:
“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Ngoài ra Điều 466 có quy định:
“Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay
1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý”
Như vậy, bên mượn tài sản phải có nghĩa vụ trả lại tài sản theo thỏa thuận đã cam kết với bên cho vay/mượn. Nếu bạn không trả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội Lạm dụng tín nhiệm nhằm chiếm đoạt tài sản:
“Điều 175. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả.”
Vì vậy, để tránh trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều luật này, bạn không nên bỏ trốn, trong trường hợp bạn chưa có khả năng trả nợ bạn cần thỏa thuận lại với bên cho vay. Nếu từ hợp đồng vay này sau đó bạn có hành vi bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản này thì bạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Trên đây là tư vấn giải đáp thắc mắc của bạn. Nếu còn vướng mắc hoặc trao đổi vui lòng liên hệ ngay: 1900.0191 để được gặp Luật sư tư vấn trực tuyến.
Quý khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi: CÔNG TY LUẬT TNHH LVN GROUP
Rất mong nhận được sự hợp tác cùng Quý khách hàng!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn luật hình sự – Công ty luật LVN Group