1. Trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với hôn nhân và gia đình.
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy trách nhiệm của Nhà nước và xã hội đối với hôn nhân và gia đình:
– Nhà nước có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc và thực hiện đầy đủ chức năng của mình; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình; vận động nhân dân xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình, phát huy truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc.
– Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình. Các bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình theo sự phân công của Chính phủ. Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan khác thực hiện quản lý nhà nước về hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật.
– Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giáo dục, vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các thành viên của mình và mọi công dân xây dựng gia đình văn hóa; kịp thời hòa giải mâu thuẫn trong gia đình, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên gia đình. Nhà trường phối hợp với gia đình trong việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình cho thế hệ trẻ.
Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng nhân cách, giáo dục con người từ khi sinh ra đến khi trưởng thành. Xã hội có vững mạnh và phát triển hay không cũng nhờ một phần đóng góp của những công dân mà những công dân đó bản chất cũng xuất phát từ mối quan hệ hôn nhân và gia đình. Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Để nâng cao trách nhiệm của công dân, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam, pháp luật quy định quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật
Từ quy định trên có thể thấy, quy định của Nhà nước đã có chính sách, biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình, tạo điều kiện để nam, nữ xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, các bên đều bình đẳng có quyền nghĩa vụ ngang nhau. Một trong những trách nhiệm mà Nhà nước và xã hội phải thực hiện đó là đề ra các biện pháp bảo hộ hôn nhân và gia đình.
2. Các hành vi bị cấm trong Luật hôn nhân và gia đình.
Nhà nước đưa ra quy định rõ ràng, trong quan hệ hôn nhân và gia đình sẽ phải được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Chính vì thế, pháp luật cũng đã nghiêm cấm các hành vi vi phạm trong Luật hôn nhân gia đình như sau:
Căn cứ tại Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cấm các hành vi sau đây:
– Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo. Kết hôn giả tạo là việc các bên thực hiện đăng ký kết hôn không nhằm mục đích xây dựng gia đình mà nhằm lợi dụng để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài….. còn việc ly hôn giả tạo không vì mục đích ly hôn theo quy định (chấm dứt hôn nhân) mà nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài sản….
– Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn. Trong đó, Tảo hôn được hiểu là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định (nam chưa đủ 20 tuổi, nữ chưa đủ 18 tuổi). Cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn. Cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.
– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng. Những người có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra: cha mẹ là đời thứ nhất; anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh chị em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.
+ Về mặt y học nếu thế hệ cha mẹ càng xa bao nhiêu thì thế hệ con càng tiếp thu các mặt tích cực của cha mẹ bấy nhiêu và ngược lại. Cấm kết hôn trong trường hợp này nhằm duy trì, bảo vệ thuần phong, mỹ tục, đạo đức truyền thống cũng như đảm bảo việc phát triển lành mạnh của các thế hệ sau này, tránh sự suy thoái nòi giống.Ngoài ra, Luật hôn nhân và gia đình cấm cả những người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, đã từng là cha chồng với con dâu, đã từng là mẹ vợ với con rể, đã từng là cha dượng với con riêng của vợ, đã từng là mẹ kế với con riêng của chồng.
+ Trên thực tế, giữa những người này không có quan hệ về huyết thống, nhưng trước đây giữa họ đã có mối quan hệ cha, mẹ – con và có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng. Việc quy định cấm những người đó kết hôn với nhau nhằm bảo vệ, giữ gìn đạo lý của dân tộc, ổn định mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, phù hợp với đạo đức xã hội và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
– Yêu sách của cải trong kết hôn;
– Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
– Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính.Trong đó, sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được hiểu là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
– Bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình được hiểu là hành vi cố ý của thành viên gia đình, gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình
– Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Như vậy, để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình Nhà nước đã nghiêm cấm các hành vi nêu trên.
Để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, pháp luật hình sự cũng đã nghiêm khác đưa ra các mức xử lý khi vi phạm nghiêm trọng đến quan hệ hôn nhân. Cụ thể có 7 loại tội phạm xâm phạm chế độ hôn nhân được quy định tại Chương XVII Bộ luật Hình sự năm 2015 như :
– Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện.
– Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
– Tội tổ chức tảo hôn.
– Tội loạn luân.
– Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng …
– Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
– Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
3. Tập quán về hôn nhân và gia đình áp dụng khi nào?
Căn cứ tại Điều 7 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, tập quán về hôn nhân và gia đình sẽ áp dụng khi pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận với nhau về một yêu cầu nào đó. Nguyên tắc áp dụng tập quán đó là, tập quán áp dụng tốt đẹp và thể hiện bản sắc của mỗi dân tốc, không trái với nguyên tắc và không vi phạm điều cấm của Luật hôn nhân và gia đình.
Các tập quán lạc hậu cấm áp dụng bao gồm:
– Các chế độ hôn nhân đa thê;
– Kết hôn giữa những người có cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người khác có họ trong phạm vi ba đời;
– Tục cướp vợ để cưỡng ép người phụ nữ làm vợ;
– Thách cưới cao mang tính chất gả bán (như đòi bạc trắng, tiền mặt, của hồi môn, trâu, bò, chiêng ché… để dẫn cưới);
– Phong tục “nối dây”; Khi người chồng chết, người vợ góa bị ép buộc kết hôn với anh trai hoặc em trai của người chồng quá cố; khi người vợ chết, người chồng góa bị ép buộc kết hôn với chị gái hoặc em gái của người vợ quá cố;
– Bắt buộc người phụ nữ góa chồng hoặc người đàn ông góa vợ, nếu kết hôn với người khác thì phải trả lại tiền cưới cho nhà chồng cũ hoặc nhà vợ cũ;
– Đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ, chồng ly hôn.
Trên đây là bài viết của Luật LVN Group liên quan đến chế độ hôn nhân và gia đình, nếu có vướng mắc liên quan đến bài viết, gọi: 1900.0191 để được tư vấn, hỗ trợ qua tổng đài trực tuyến.
Bộ phận tư vấn luật hôn nhân – Công ty luật LVN Group