Công ty A vay vốn ngân hàng để kinh doanh, tài sản bảo đảm cho khoản vay là bất động sản của Bên thứ 3 (Công ty TNHH MTV). Việc vay vốn đã được Hội đồng Quản trị của Công ty chấp thuận thông qua Biên bản họp Hội đồng Quản trị gửi Ngân hàng. Khi khoản vay của Công ty tại Ngân hàng bị quá hạn và ngân hàng tiến hành xử lý tài sản của Bên thứ 3 để thu hồi nợ nhưng vẫn không thu hồi hết số nợ gốc và lãi phát sinh. Trong trường hợp này, sau khi xử lý tài sản bảo đảm không đủ để trả nợ vay thì phía Ngân hàng có quyền yêu cầu Công ty A phải đưa các tài sản đang có của mình để xử lý (bán) để trả nợ cho Ngân hàng hay không?

– Hay các thành viên của Hội đồng Quản trị phải liên đới chịu trách nhiệm cá nhân trong việc phê duyệt chủ trương vay vốn tại Ngân hàng như quy định tại Luật doanh nghiệp 2019 ?

 

Tôi xin chân thành cảm ơn.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn Luật Doanh nghiệp của Luật LVN Group.

>> Luật sư tư vấn pháp luật doanh nghiệp, gọi:1900.0191

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn công ty Luật LVN Group. Về thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được trả lời như sau:

1. Căn cứ pháp lý

Luật Doanh nghiệp năm 2020

Bộ luật Dân sự năm 2015

2. Nội dung tư vấn

-Về việc xử lý tài sản bảo đảm

Ngay cả khi giao dịch có bảo đảm bằng bất động sản của bên thứ 3 thì việc thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng vay vẫn là chính. Vì vậy, nếu tài sản bảo đảm tiền vay sau khi được xử lý nếu không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả nợ, thì khách hàng vay, phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ đã cam kết.

Cụ thể trong trường hợp này, sau khi bán đấu giá phần BĐS mà không đủ phần nợ thì ngân hàng có quyền yêu cầu công ty A tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả phần nợ còn thiếu.

-Về trách nhiệm của Hội đồng quản trị công ty:

Điều 150: Hội đồng quản trị

1. Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.

2. Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

h) Thông qua hợp đồng mua, bán, vay, cho vay và hợp đồng khác có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ hoặc giá trị khác. Quy định này không áp dụng đối với hợp đồng và giao dịch quy định, tại điểm d khoản 2 Điều 135, khoản 1 và khoản 3 Điều 162 của Luật này;

4. Khi thực hiện chức năng, quyền và nghĩa vụ của mình, Hội đồng quản trị tuân thủ đúng quy định của pháp luật, Điều lệ công ty và nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Trong trường hợp nghị quyết do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết đó phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty; thành viên phản đối thông qua nghị quyết nói trên được miễn trừ trách nhiệm. Trường hợp này, cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn ít nhất 01 năm có quyền yêu cầu Hội đồng quản trị đình chỉ thực hiện nghị quyết nói trên.

Như vậy, chỉ trong trường hợp nghị quyết do Hội đồng quản trị thông qua trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty gây thiệt hại cho công ty thì các thành viên tán thành thông qua nghị quyết đó mới phải cùng liên đới chịu trách nhiệm cá nhân về nghị quyết đó và phải đền bù thiệt hại cho công ty.

Tìm hiểu thêm về Công ty cổ phần

Quy định chung về công ty cổ phần

Các Công ty cổ phần đầu tiên trên thế giới ra đời vào khoảng thế kỉ XVIII. Nó gắn liền với sự bóc lột của chủ nghĩa đế quốc với các nước thuộc địa. Sang thế kỉ thứ XIX, Công ty cổ phần phát triển mạnh mẽ, nhờ có sự phát triển của công nghiệp cơ khí và sự phát triển rộng rãi của hệ thống tín dụng. Công ty cổ phần ra đời là phát minh của loài người trong nền sản xuất xã hội. Ở các nước phương Tây, Công ty cổ phần là mô hình phổ biến nhất cho các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn.

Hình thức công ty cổ phần ở Việt Nam được quy định trong luật doanh nghiệp năm 2020 và hiện nay đang áp dụng luật doanh nghiệp năm 2020 địa vị pháp lý của loại hình công ty này được hoàn thiện một bước căn bản.

Từ góc độ pháp lý, có thể khái quát những đặc trưng cơ bản của Công ty cổ phần như sau:

– Công ty cổ phần là một tổ chức có tư cách pháp nhân. Đây là loại hình công ty có tính tổ chức cao, hoàn thiện về vốn, hoạt động mang tính xã hội hoá cao.

– Công ty cổ phần chịu trách nhiệm đối với mọi khoản nợ của công ty bằng tài sản riêng của công ty. Điều đó thể hiện: công ty chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty bằng tài sản của công ty, các thành viên công ty, chỉ chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn họ đã góp cho công ty.

– Vốn điều lệ của công ty được chia thành các cổ phần. Đây chính là thuộc tính cơ bản nhất của Công ty cổ phần, từ phạm trù cổ phần sẽ phát sinh hàng loạt những vấn đề pháp lý khác.

– Trong quá trình hoạt động, Công ty cổ phần được phát hành các loại chứng khoán ra thị trường để công khai huy động vốn trong công chúng. Do đó, sự ra đời của Công ty cổ phầngắn liền với sự ra đời của thị trường chứng khoán.

– Việc chuyển nhượng phần vốn góp được thực hiện dễ dàng thông qua hành vi mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

– Công ty cổ phần có số lượng thành viên rất đông, cổ đông ở hầu khắp thế giới, vì vậy, nó có khả năng huy động vốn rộng rãi nhất trong công chúng để đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế, đặc biệt là trong công nghiệp.

>> Xem thêm: Quy định về cơ cấu, quyền và nghĩa vụ của ban kiểm soát công ty cổ phần ?

Đã thành tập quán trong thương mại, Luật Công ty các nước đều quy định số thành viên tối thiểu phải có khi thành lập công ty mà không giới hạn tối đa số thành viên. Đại đa số các nước quy định Công ty cổ phần tối thiểu phải có bảy thành viên. Có nước quy định năm thành viên, có nước quy định tối thiểu phải có ba thành viên. Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định Công ty cổ phần tối thiểu phải có ba thành viên trở lên.

Đặc trưng quan trọng nhất của Công ty cổ phần (cũng là tính chất quyết định để phân biệt với công ty TNHH) đó là cổ phần. Khi công ty thành lập kêu gọi mọi người góp vốn, số vốn cần góp được chia thành từng phần nhỏ bằng nhau gọi là cổ phần, cổ phần trong công ty đối vốn khác với phần vốn góp trong công ty đối nhân ở chỗ, cổ phần có thể tự do chuyển nhượng, mua bán như một thứ hàng hoá. Người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông, cổ đông được cấp một giấy chứng nhận sở hữu cổ phần gọi là cổ phiếu, vì vậy cổ phiếu là một chứng thư chứng minh quyền sở hữu của một cổ đông đối với phần vốn góp trong công ty. cổ đông là người có cổ phần thể hiện bằng cổ phiếu.

Đặc điểm của công ty cổ phần

Các Công ty cổ phần đầu tiên trên thế giới xuất hiện vào khoảng thế kỉ XVIII. Sang thế kỉ XIX, Công ty cổ phần mới có điều kiện phát triển nhờ có sự phát triển của nền đại công nghiệp cơ khí và sự phát triển rộng rãi của hệ thống ngân hàng. Pháp luật cộng hoà Pháp đã quy định về Công ty cổ phần vào năm 1867, ở Cộng hoà Liên bang Đức vào nằm 1870?

Ban đầu, Công ty cổ phần ra đời gắn liền với chính sách khai thác thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Vì vậy, hoạt động của Công ty cổ phần luôn gắn liền với quyền lực nhà nước và mang đặc điểm chủ yếu của luật công. Sau này, cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, Nhà nước đã phải lùi bước và nhường bước trước nguyên tắc tự do kinh doanh, hạn chế tối đa sự can thiệp hành chính vào hoạt động của Công ty cổ phần. Mặc dù vậy, Nhà nước vẫn giữ quyền cấp giấy phép thành lập công ty. Đến cuối thế kỉ XIX, Nhà nước chỉ còn đưa ra quy định bắt buộc mà các Công ty cổ phần phải tuân thủ đó là phải đăng ký vào danh bạ thương mại và Luật Công ty cổ phần đã trở thành Luật tư thuần tuý.

Lịch sử Công ty cổ phần đã trải qua nhiều bước thăng trầm trong mỗi giai đoạn lịch sử. Từ đó đến nay, Công ty cổ phần liên tục phát triển và có nhiều thay đổi. Các công trình lớn, vĩ đại của nhân loại đều do “bàn tay” của các Công ty cổ phần tạo dựng nên.

Ở Việt Nam, sau năm 1986 khi thực hiện công cuộc đổi mới các Công ty cổ phần đã được hình thành từ ba nguồn chính: cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, được thành lập từ khu vực kinh tế tư nhân, được thành lập từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Công ty cổ phần là loại hình đặc trưng của công ty đối vốn. vốn của công ty được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần, người sở hữu cổ phần gọi là cổ đông, cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty cho đến hết giá trị cổ phần mà họ sở hữu. Mỗi cổ phần mang lại cho cổ đông những quyền lợi và nghĩa vụ nhất định trong công ty với tư cách họ là những người sở hữu công ty.

Công ty cổ phần có những đặc điểm, dựa vào đó để phân biệt với công ty TNHH và công ty hợp danh. Những đặc điểm cơ bản của Công ty cổ phần gồm có:

>> Xem thêm: Công trái là gì ? Mục đích phát hành công trái ? Đối tượng mua công trái ?

Thứ nhất, về tính chất khi thành lập, Công ty cổ phần là loại công ty đối vốn. Điều đó có nghĩa là khi thành lập công ty chủ yếu quan tâm đến vốn góp, còn việc ai góp vốn không quan trọng. Vì vậy Công ty cổ phần có cấu trúc vốn mở.

Thứ hai,vốn điều lệ của Công ty cổ phần được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phàn. Giạ trị mỗi cổ phần gọi là mệnh giá cổ phần và được phản ánh trong cổ phiếu. Một cổ phiếu có thể phản ánh mệnh giá của một hoặc nhiều cổ phần. Việc góp vốn vào công ty được thực hiện bằng cách mua cổ phần, mỗi cổ đông có thể mua nhiều cổ phần. Pháp luật hoặc Điều lệ công ty có thể giới hạn tối đa số cổ phần mà một cổ đông có thể mua nhằm chống lại việc một cổ đông nào đó có thể nắm quyền kiểm soát công ty do có nhiều vốn góp (ví dụ hạn chế nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các công ty trong nước). Luật Doanh nghiệp không quy định vốn điều lệ của công ty phải chia thành bao nhiêu phần, mỗi phần có giá trị bao nhiêu. Tuy nhiên, Luật Chứng khoán của Việt Nam quy định mệnh giá cổ phiếu chào bán lần đầu ra công chúng là mười nghìn đồng Việt Nam. Như vậy, Công ty cổ phần nào muốn chào bán cổ phiếu ra công chúng thì trước đó phải thực hiện việc quy mệnh giá cổ phần về mười nghìn đồng Việt Nam. Điều đó dẫn đến hệ quả là trên thực tế các Công ty cổ phần đều xác định mệnh giá cổ phần là mười nghìn đồng Việt Nam để đảm bảo tính thanh khoản. Từ đặc điểm này, có thể khẳng định việc chia vốn của công ty thành các cổ phần là vấn đề căn bản nhất của hình thức công ty này.

Thứ ba,về thành viên công ty.

Là loại hình công ty đối vốn nên theo truyền thống pháp luật về công ty của các quốc gia trên thế giới, việc quy định số thành viên tối thiểu phải có khi thành lập cũng như trong suốt quá trình hoạt động đã trở thành thông lệ quốc tế trong suốt mấy trăm năm tồn tại của Công ty cổ phần. Pháp luật chỉ quy định số thành viên tối thiểu mà không giới hạn số thành viên tối đa. hiện nay, Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định số thành viên tối thiểu trong Công ty cổ phần là 03, cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân. Cùng với sự phát triển kinh tế, pháp luật về công ty cũng có sự thay đổi (phá vỡ truyền thống), một số nước thừa nhận Công ty cổ phần có một cổ đông, cũng như thừa nhận công ty TNHH một thành viên.

Thứ tư, tính tự do chuyển nhượng phần vốn góp cũng là đặc điểm chỉ có ở Công ty cổ phần (do bản chất đối vốn). Phần vốn góp (cổ phần) được thể hiện bằng hình thức cổ phiếu, cổ phiếu do Công ty cổ phần phát hành là một loại hàng hoá. Người có cổ phiếu được tự do chuyển nhượng theo quy định của pháp luật. Việc chuyển nhượng được thực hiện theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán.1

Thứ năm, về tính chịu trách nhiệm trong kinh doanh. Công ty cổ phần chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty. Các cổ đông chỉ chịu TNHH về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

Thứ sáu, về huy động vốn, trong quá trình hoạt động Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần các loại, có quyền phát hành trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các loại trái phiếu khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty ( điều 112 luật doanh nghiệp năm 2020 hiện đang áp dụng).

Thứ bảy, Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân và vì vậy công ty cũng có tư cách thương nhân (thương nhân bởi hình thức). Các cổ đông hay những người quản trị công ty đều không có tư cách thương nhân. Những người có quyền giao dịch với bên ngoài là những người đại diện cho công ty. Công ty cổ phần có cơ cấu tổ chức rất chặt chẽ do những đặc điểm như đã trình bày đòi hỏi phải có cơ cấu quản trị chuyên nghiệp tách bạch với sở hữu.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số:1900.0191 hoặc gửi qua email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật doanh nghiệp – Công ty luật LVN Group