1. Mở đầu

Tranh tụng là thành tựu của nền văn minh nhân loại, không chỉ thể hiện bản chất nhân đạo mà còn phản ánh xu hướng phát triển dân chủ và tiến bộ của tố tụng hình sự. Tranh tụng đã được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu và được ghi nhận tại Điều 10 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc ngày 10-12-1948 với nội dung: Mọi người đều có quyền hoàn toàn ngang nhau được phát biểu bình đẳng và công khai trước Tòa án độc lập và không thiên vị, nơi quyết định các quyền và nghĩa vụ của mình hoặc về việc buộc tội mình có cơ sở trước Tòa. Tại Việt Nam, yêu cầu cải cách tư pháp, hoàn thiện thủ tục tố tụng hình sự nói chung, tranh tụng trong xét xử nói riêng đã được đề ra trong nhiều Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, trong đó đặt ra yêu cầu phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, nhân chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền và lợi ích hợp pháp để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục và trong thời hạn pháp luật quy định; coi đây là khâu đột phá để nâng cao chất lượng hoạt động tư pháp. Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận tranh tụng thành một nguyên tắc, cụ thể là: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” (khoản 5 Điều 103 Hiến pháp năm 2013). Do vậy, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung cơ bản để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm “nguyên tắc tranh tụng trong xét xử và thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tranh tụng tại phiên tòa. Trên cơ sở bổ sung nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa nguyên tắc này, bảo đảm nguyên tắc này được thực hiện trên thực tế.

2. Quyền của người bị buộc tội

Để bảo đảm quyền bào chữa, chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định rõ: người bị tạm giữ được biết lý do mình bị tạm giữ, được trình bày lời khai, tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa, được đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu (Điều 48). Ngoài các quyền giống như người bị tạm giữ, bị can còn có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng (Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003). Ngoài các quyền giống như bị can, bị cáo còn có quyền tham gia phiên tòa, đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, được trình bày ý kiến và tham gia tranh luận tại phiên tòa (Điều 50).

Tuy nhiên, để bảo đảm tốt hơn quyền nhờ Luật sư của LVN Group hoặc người khác bào chữa, nhất là quyền tự bào chữa của người bị buộc tội, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã được bổ sung quy định quyền của người bị buộc tội được nhận đầy đủ các lệnh, quyết định tố tụng; quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội bên cạnh quyền trình bày lời khai, trình bày ý kiến như hiện nay; đưa ra chứng cứ bên cạnh việc đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu như hiện nay; trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá (các điều 58, 59, 60, 61). Ngoài ra, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã bổ sung cho bị can quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu; đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật (Điều 60). Bộ luật cũng đã bổ sung cho bị cáo quyền đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa; đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý thay vì chỉ có quyền đề nghị hỏi như hiện nay (Điều 61). Các quy định này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm bảo đảm quyền tự bào chữa, bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tranh tụng tại phiên tòa của bị can, bị cáo.

3. Mở rộng diện người bào chữa

Để bảo đảm quyền bào chữa, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo, Điều 72 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã mở rộng diện người bào chữa, bao gồm cả Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.

Trợ giúp viên pháp lý là viên chức được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm và cấp thẻ Trợ giúp viên pháp lý. Trợ giúp viên pháp lý có trách nhiệm tư vấn, giải đáp các vướng mắc pháp luật, tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý, trong đó tập trung hoạt động tố tụng nhằm bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho những đối tượng yếu thế trong xã hội.

So với trước đây khi triển khai thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 thì vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tham gia tố tụng chưa được chú trọng. Đến khi Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 có hiệu lực thì vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong hoạt động tố tụng được xem trọng và coi đó như là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác trợ giúp pháp lý. Do đó vụ việc trợ giúp pháp lý ngày càng tăng lên về số lượng và đảm bảo về chất lượng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền tiếp cận công lý, góp phần xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi cho người bị buộc tội trong các vụ án Hình sự, vai trò của Trợ giúp viên pháp lý rất quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự. Qua đánh giá của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhờ có Trợ giúp viên pháp lý tham gia các giai đoạn tố tụng, giúp người dân tin tưởng vào Hội đồng xét xử hơn, bản án ít bị kháng cáo, kháng nghị. Ngoài ra, còn góp phần nâng cao trách nhiệm và chất lượng giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng các cấp, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp oan sai; giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dân sự, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người được trợ giúp pháp lý. Nhiều vụ án kéo dài nhưng nhờ có sự tham gia của Trợ giúp viên pháp lý vụ án được xét xử thành công, thậm chí có những vụ án phức tạp nhưng có Trợ giúp viên pháp lý tư vấn, giải thích pháp luật, các đương sự hòa giải thành công ngay tại Tòa án. Đến nay trong các vụ án Hình sự, hầu như 100% đối tượng được trợ giúp pháp lý đều có Trợ giúp viên tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho các bị can, bị cáo. Có thể nói Trợ giúp viên pháp lý đã tham gia thành công rất nhiều vụ việc, giúp cho đối tượng bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời cũng tham gia làm sáng tỏ nhiều tình tiết khách quan của vụ án, giúp cho Tòa án có phán quyết đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Nhìn chung, việc tham gia tố tụng của Trợ giúp viên pháp lý đã góp phần quan trọng giúp cho Hội đồng xét xử ban hành những bản án nghiêm minh, công bằng, dân chủ và đúng pháp luật, bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân.

4. Người thân thích của người bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa

Để bảo đảm quyền Hiến định, tạo thuận lợi về thủ tục và bảo đảm cho người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đang bị tạm giam được tiếp cận với người bào chữa, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được bổ sung quy định người thân thích của người bị buộc tội có quyền lựa chọn người bào chữa; đồng thời, quy định rõ: “Trong thời hạn 12 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị bắt, bị tạm giữ thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, người bị tạm giữ có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị bắt, người bị tạm giữ không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị bắt, bị tạm giữ phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận được đơn yêu cầu người bào chữa của người bị tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam có trách nhiệm chuyển đơn này cho người bào chữa, người đại diện hoặc người thân thích của họ. Trường hợp người bị tạm giam không nêu đích danh người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền đang quản lý người bị tạm giam phải chuyển đơn này cho người đại diện hoặc người thân thích của họ để những người này nhờ người bào chữa.

Trường hợp người đại diện hoặc người thân thích của người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có đơn yêu cầu nhờ người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo ngay cho người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị tạm giam để có ý kiến về việc nhờ người bào chữa (khoản 2, 3 Điều 75).

5. Chỉ định người bào chữa

Với nhận thức rằng, sự buộc tội càng cao thì sự bào chữa càng phải lớn, tội phạm càng nghiêm trọng, càng phải coi trọng việc bào chữa, đồng thời bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, Bộ luật TTHS 2015 mở rộng trường hợp chỉ định người bào chữa, theo đó, nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là “20 năm tù, tù chung thân, tử hình” (điểm a, khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015) thay vì chỉ quy định bắt buộc phải chỉ định người bào chữa khi mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình như Điều 57 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003.

Điều 76. Chỉ định người bào chữa

1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:

a) Bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân, tử hình;

b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)