1.Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm

>> Xem thêm: Bản cáo trạng là gì ? Khái niệm về bản cáo trạng ?

Trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án do Viện kiểm sát chuyển đến Tòa án để xét xử phải đầy đủ và hợp pháp. Phiên tòa xét xử vụ án hình sự phải có mặt đầy đủ những người theo quy định của Bộ luật này, trường hợp vắng mặt phải vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan hoặc trường hợp khác do Bộ luật này quy định. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án.

Mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của Bộ luật hình sự để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa.

Bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá chứng cứ và kết quả tranh tụng tại phiên tòa.

Bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án

Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Toà án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

– Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm (Khoản 5 Điều 103, Hiến pháp năm 2013).

2. Trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa hình sự

>> Xem thêm: Công tố là gì ? Thực hành quyền công tố là gì ?

Một cuộc tranh luận tại một phiên tòa được bắt đầu bằng lời luận tội của Kiểm sát viên tiếp theo mới đến lời bào chữa của bị cáo hoặc người bào chữa của bị cáo.

Tranh luận là mộtchuỗi những câu nói liên hệ chặt chẽ nhau, câu sauliên hệ lý luậnchặt chẽ với câu trước, và cả chuỗi câu nói nhằm mục đích chứng minhkết luậncuối cùng là đúng.

1. Sau khi kết thúc việc xét hỏi, Kiểm sát viên trình bày luận tội; nếu thấy không có căn cứ để kết tội thì rút toàn bộ quyết định truy tố và đề nghị Tòa án tuyên bố bị cáo không có tội.

2. Bị cáo trình bày lời bào chữa; người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo; bị cáo, người đại diện của bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa.

3. Bị hại, đương sự, người đại diện của họ trình bày ý kiến để bảo vệ quyền và lợi ích của mình; nếu có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ thì người này có quyền trình bày, bổ sung ý kiến.

4. Trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của bị hại thì bị hại hoặc người đại diện của họ trình bày, bổ sung ý kiến sau khi Kiểm sát viên trình bày luận tội.

3. Công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố

>> Xem thêm: Những trường hợp nào phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát giải quyết ?

1. Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên không được công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố.

2. Chỉ được công bố những lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố;

b) Người được xét hỏi không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ những lời khai của mình trong giai đoạn điều tra, truy tố;

c) Người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố;

d) Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.

3. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân, bí mật gia đình theo yêu cầu của người tham gia tố tụng hoặc tự xét thấy cần thiết thì Hội đồng xét xử không công bố tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

Công bố những lời khai tại Cơ quan điều tra

1. Nếu người được xét hỏi có mặt tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử và Kiểm sát viên không được nhắc hoặc công bố lời khai của họ tại Cơ quan điều tra trước khi họ khai tại phiên tòa về những tình tiết của vụ án.

2. Chỉ được công bố những lời khai tại Cơ quan điều tra trong những trường hợp sau đây:

a) Lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa có mâu thuẫn với lời khai của họ tại Cơ quan điều tra;

b) Người được xét hỏi không khai tại phiên tòa;

c) Người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết.

4. Một số kỹ năng cơ bản về đối đáp, tranh luận của Kiểm sát viên

>> Xem thêm: Phân tích nhiệm vụ, quyền hạn của Viện Kiểm Sát trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự ?

Trước tiên, để thực hiện việc đối đáp, tranh luận tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải thực hiện tốt công tác chuẩn bị, đó là: Nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, tìm ra những vấn đề còn mâu thuẫn, những chứng cứ còn yếu, đặc biệt phải xem xét đến các chứng cứ buộc tội, gỡ tội (những chứng cứ, tài liệu đó phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và phải đảm bảo việc buộc tội, gỡ tội); xây dựng hồ sơ kiểm sát xét xử theo đúng Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng VKSNDTC (Các tài liệu, chứng cứ phải được trích lập, sao in đầy đủ, rõ ràng và thể hiện cụ thể các bút lục theo hồ sơ gốc); nhất thiết phải xây dựng kế hoạch xét hỏi gắn liền kế hoạch, dự thảo tranh luận (dựa trên cơ sở các tình huống, dự đoán có thể xảy ra); phải chuẩn bị các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật còn hiệu lực.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên vừa phải tích cực tham gia xét hỏi nhằm đấu tranh làm rõ những chứng cứ, tình tiết chưa rõ, vừa phải tập trung cao độ để theo dõi mọi diễn biến, ghi chép đầy đủ các câu hỏi của Hội đồng xét xử, người bào chữa, các câu trả lời của bị cáo, bị hại và những người tham gia tố tụng khác để phán đoán hướng bào chữa; từ đó bổ sung vào dự thảo những ý kiến đối đáp, tranh luận. Nội dung đối đáp, tranh luận của Kiểm sát viên tại phiên tòa chủ yếu phụ thuộc vào nội dung tự bào chữa của bị cáo, lời bào chữa của người bào chữa, của bị hại, của nguyên đơn, bị đơn dân sự… Khi đối đáp, tranh luận, Kiểm sát viên phải vận dụng, tổng hợp những hiểu biết, kiến thức của mình về Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật, các văn bản pháp luật (Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, Thông tư, Nghị định của Chính phủ, Liên ngành Trung ương …) có liên quan đến việc xác định tội danh, điều, khoản áp dụng hình phạt, trách nhiệm dân sự,… Trên cơ sở các chứng cứ, tài liệu, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dân sự đã được thẩm tra, xét hỏi tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải đối đáp, tranh luận với bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác nhằm chứng minh luận điểm của Viện kiểm sát là đúng, có căn cứ và luận điểm của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác là không đúng, không đầy đủ, không trung thực…

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, việc đối đáp, tranh luậnđược bắt đầu sau khi kết thúc giai đoạn thẩm vấn, xét hỏi công khai. Đầu tiên, Kiểm sát viên phải trình bày luận tội (Điều 321); tiếp theo, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận về luận tội của Kiểm sát viên. Dưới sự chủ trì của Chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa (Điều 322).

Thực tiễn xét xử cho thấy bị cáo, người bào chữa của bị cáo thường đưa ra ý kiến, bào chữa theo các hướng sau:

Thứ nhất, đưa ra cơ sở và căn cứ pháp luật để chứng minh bị cáo không phạm tội như Cáo trạng Viện kiểm sát đã truy tố. Đây là thời điểm thể hiện bản lĩnh cũng như năng lực, trình độ của Kiểm sát viên một cách rõ ràng nhất. Để đối đáp, tranh luận, Kiểm sát viên phải bình tĩnh, tự tin vận dụng linh hoạt lý luận pháp luật về cấu thành tội phạm; đồng thời hệ thống, tổng hợp những chứng cứ, tài liệu đã được kiểm tra tại phiên tòa và những tài liệu, chứng cứ khác được thu thập từ giai đoạn điều tra, truy tố đã có trong hồ sơ vụ án; trên cơ sở đó, phân tích một cách lô gic, lập luận một cách chặt chẽ để chứng minh hành vi của bị cáo là phạm tội và cũng nhằm bác bỏ những chứng cứ, căn cứ pháp luật mà bị cáo, người bào chữa của bị cáo nêu ra. Ví dụ: Vụ án Cố ý gây thương tích xảy xa hồi 17h30’ ngày 09/03/2012 tại khu vực thôn phố Mới, xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng. Phạm Tuấn Hưng đã có hành vi dùng dao nhọn gây thương tích cho Nông Văn Mạnh (cán bộ Công an huyện Chi Lăng). Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo quanh co không thừa nhận hành vi mà cho rằng do Mạnh chủ động lao vào đánh trước và tước dao trên tay Hưng, hai bên có sự giằng co khiến Mạnh bị thương ở ngón I-II bàn tay phải tổn hại 12% sức khỏe. Kiểm sát viên đã đưa ra các căn cứ về hiện trường, lời khai bị hại, nhân chứng và các tình tiết, diễn biến khác (theo các bút lục trong hồ sơ gốc), đồng thời phân tích, lập luận: Nguyên nhân ban đầu là do hành động khiêu khích của Hưng, mặc dù Hưng cho rằng Hoàng Văn Doản đỗ xe gây cản trở giao thông nên Hưng mới dùng xe mô tô của Hưng húc đẩy vào xe Doản và chửi bới thô tục đối với Doản (viện dẫn lời khai nhân chứng, người có liên quan xác định xe mô tô của Doản đỗ sát mép đường không ảnh hưởng giao thông); Hưng đã có những lời lẽ lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm và đánh Mạnh, khi Mạnh nhìn thấy và vào can ngăn, trong khi đó, sự can thiệp của Mạnh (Công an) là một hoạt động đúng đắn, đúng chức trách người Công an nhân dân (Mạnh đang mặc trang phục cảnh sát, lời khai bị hại, nhân chứng); sau khi được mọi người can ngăn, Hưng đã bỏ đi, còn Mạnh đi vào nhà anh Trần Văn Thơm (cách hiện trường ban đầu 25 m) nhờ vợ Thơm lau hộ vết máu trên vùng mặt (lời khai bị hại, nhân chứng, người biết việc); một lúc sau, Hưng có đi vào nhà Thơm (trên tay phải cầm theo 01 dao nhọn có cán bằng nhựa bản rộng 2,5cm, dài 25cm), Hưng cho rằng vào nhà Thơm để mượn đèn pin soi tìm sợi dây truyền vàng bị rơi khi xô xát trước đó; thấy Hưng đi vào, Mạnh đi ra vườn sau bếp nhà Thơm cách đó 12m, nhưng Hưng lại cho rằng việc gặp Mạnh ở vườn sau nhà chỉ là vô tình không cố ý tìm Mạnh (lời khai của Hưng có mâu thuẫn đã bị bác bỏ); tại vườn sau bếp nhà Thơm, trong tư thế đối diện, hai tay buông xuôi Hưng cho rằng Mạnh chủ động lao vào tước, giật dao trên tay Hưng (điều đó là không thể vì vết thương trên tay Mạnh ở khe ngón I-II là sắc gọn có chiều hướng từ lòng ra mu bàn tay phải – không phù hợp với tư thế, động tác tuốt, giật, giằng co nên không chấp nhận)… Từ những phân tích, nhận định và đề nghị của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử đã tuyên Phạm Tuấn Hưng 24 tháng tù; kết quả phúc thẩm y án sơ thẩm.

Thứ hai, đưa ra cơ sở, chứng cứ và căn cứ pháp luật để chứng minh bị cáo có phạm tội nhưng là tội danh khác nhẹ hơn hoặc cùng tội danh nhưng có khung hình phạt nhẹ hơn. Trường hợp này, Kiểm sát viên phải đưa ra các chứng cứ, tài liệu buộc tội để kiểm tra, đối chứng ngay tại phiên tòa (có thể trở lại phần thẩm vấn, xét hỏi); vận dụng lý luận pháp luật về cấu thành tội phạm, những biểu hiện hành vi khách quan của bị cáo; đồng thời phải lập luận, chứng minh rằng tội danh mà bị cáo, người bào chữa nêu ra có ít nhất một yếu tố cấu thành không thỏa mãn, đáp ứng hoặc khung, khoản, điều luật mà bị cáo, người bào chữa đề nghị là không chính xác, không đầy đủ để bác bỏ. Ví dụ: Vụ án cố ý gây thương tích xảy xa hồi 18h30’ ngày 19/6/2017 tại thôn Tin Đèo, xã Mai sao, huyện Chi Lăng. Hoàng Văn Thượng đã có hành vi dùng cọc tre đánh Linh Thị Duyên tổn hại 12% sức khỏe. Tại phiên tòa sơ thẩm, Luật sư của LVN Group bào chữa cho bị cáo cho rằng bị cáo phạm tội trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh (Bị cáo bị nạn nhân chửi bới, tấn công trước bằng hung khí nguy hiểm); vật chứng thu giữ không đảm bảo khách quan, kịp thời (do người nhà bị hại giao nộp). Kiểm sát viên đã vận dụng lý luận pháp luật về cấu thành tội phạm (tội cố ý gây thương tích trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh theo Điều 135 BLHS 2015); đồng thời phân tích: Mặc dù hai bên đã có những lời xúc phạm, chửi bới, thách thức lẫn nhau và Duyên đã có hành vi dùng liềm kim loại dài 28cm, lưỡi liềm rộng 1,4cm (liềm cắt lúa) chém một phát trúng vào vùng bụng bên trái của Thượng và tiếp tục dùng liểm đuổi khi Thượng đã bỏ chạy; nhưng trước đó, chính Thượng lại là người chủ động nhẩy xuống ruộng để đánh Duyên; một mặt, sau khi bị Duyên dùng liềm chém, Thượng đã bỏ chạy và luôn ở khoảng cách 5-6m cho đến khi rút được cọc tre bờ dào cạnh đường, Thượng đã chạy ngược lại đánh trả Duyên gẫy tay; mặt khác, kết luận giám định thương tích đối với Thượng là 0%. Như vậy, hành vi của Duyên chưa thể bị coi là trái pháp luật nghiêm trọng hoặc tinh thần của Thượng chưa bị coi là bị kích động mạnh vì hành vi của nạn nhân chưa có tính chất đè nén, áp bức nặng nề kéo dài mà chỉ là tức thời nên không thể coi hành vi của bị cáo là phạm tội trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh. Đối với ý kiến thứ ha, căn cứ Điều 86 BLTTHS quy định về chứng cứ, Điều 89 BLTTHS quy định về vật chứng, có thể khẳng định vật chứng (cọc tre) đã được thu hồi và lập biên bản khách quan, đầy đủ, kịp thời, có sự mô tả đúng thực trạng, kích cỡ lỗ cột, hiện trường… Vì vậy, không chấp nhận quan điểm của Luật sư của LVN Group. Từ những phân tích, nhận định và đề nghị của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử đã tuyên Hoàng Văn Thượng 12 tháng tù; kết quả phúc thẩm y án sơ thẩm.

Thứ ba, đưa ra ý kiến thống nhất với quan điểm của Viện kiểm sát về tội danh nhưng không thống nhất cách đánh giá tính chất, mức độ phạm tội của bị cáo, hoặc đưa ra một số tình tiết giảm nhẹ khác, về nhân thân… để đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt dưới mức Kiểm sát viên đề nghị hoặc cho bị cáo được hưởng án treo, giảm trách nhiệm bồi thường… Trường hợp này, Kiểm sát viên cần phải ghi chép đầy đủ, tỉ mỉ các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trách nhiệm bồi thường, các tình tiết về nhân thân mà bị cáo, người bào chữa nêu ra; từ đó, đối chiếu các quy định của pháp luật để xem xét các tình tiết đó đã được quy định trong luật hay chưa, quy định ở đâu, văn bản còn hiệu lực hay không, còn tình tiết nào chưa được Kiểm sát viên xem xét, cân nhắc để từ đó chấp nhận hay không chấp nhận.Ví dụ: Vụ đánh bạc xảy xa ngày 17/5/2017 tại thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Luật sư bào chữa cho bị cáo đưa ra quan điểm bị cáo có thời gian cống hiến trong quân đội, sau khi xuất ngũ được tín nhiệm bầu làm Phó bí thư Chi bộ thôn. Kiểm sát viên cần chứng minh thời gian công tác trong quân đội và ở địa phương bị cáo có những thành tích xuất sắc gì, từ đó, đối chiếu, vận dụng các tình tiết đã được quy định trong BLHS và các văn bản pháp luật khác để xem xét chấp nhận hay bác bỏ…

Thứ tư, đưa ra ý kiến đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa hoặc trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Trường hợp này, Kiểm sát viên cần nghiên cứu kỹ, nắm vững nội dung bào chữa của bị cáo, người bào chữa để đối chiếu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, các văn bản áp dụng pháp luật về xác định sự thật vụ án, nguồn chứng cứ, vật chứng, bảo quản vật chứng, về công tác giám định, định giá, kết quả giám định; các quy trình thực hiện việc giám định, định giá… đã đảm bảo đúng, đầy đủ, khách quan hay chưa để chấp nhận hay bác bỏ. Ví dụ: Vụ án Nông Văn Phong phạm tội cố ý gây thương tích xảy xa ngày 02/4/2015 tại xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng. Tại phiên tòa, Luật sư của LVN Group bào chữa cho bị cáo đưa ra quan điểm: Lời khai bị cáo và lời khai nhân chứng có mâu thuẫn nhưng không thể chứng minh tại tòa, đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để điều tra bổ sung. Kiểm sát viên cần lập luận, viện dẫn các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án để khẳng định việc điều tra, thu thập chứng cứ là khách quan, đảm bảo đúng trình tự thủ tục tố tụng; lời khai giữa bị cáo, nhân chứng đã được cam đoan, được tiến hành đối chất chứng minh; xét thấy việc điều tra, đối chất không vi phạm gì về thủ tục tố tụng; mặt khác, tại phiên tòa, giữa nhân chứng và bị cáo tuy còn có mâu thuẫn về lời khai nhưng không giải thích được lý do tại sao và Luật sư của LVN Group bào chữa cũng không đưa ra được chứng cứ, tình tiết mới để khẳng định lời khai của bị cáo là đúng, lời khai nhân chứng là sai, từ đó không có cơ sở, căn cứ để chấp nhận ý kiến Luật sư của LVN Group.

5. Đối với người bị hại, người bào chữa của bị hại

Thứ nhất, đưa ra lý lẽ chứng minh cơ quan tố tụng bỏ lọt tội phạm, người phạm tội và yêu cầu xử lý. Kiểm sát viên phải tôn trọng những ý kiến từ phía bị hại, người bào chữa của bị hại; bình tĩnh xem xét kỹ những ý kiến, lý lẽ đó, đồng thời, đối chiếu với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án với các văn bản pháp luật; từ đó phân tích, đánh giá có đúng cơ quan tố tụng có bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội hay không. Nếu xác định là không bỏ lọt thì bác bỏ yêu cầu của bị hại, người bào chữa của bị hại; nếu xác định có dấu hiệu bỏ lọt thì Kiểm sát viên có thể đề xuất việc khởi tố bị can để tiếp tục điều tra, xử lý tội phạm, người phạm tội này sau nếu không ảnh hưởng đến vụ án đang xét xử, hoặc nếu thấy việc không điều tra bổ sung sẽ ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án và việc điều tra bổ sung này không thể thực hiện được tại phiên tòa, Kiểm sát viên cần vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22/12/2017 để đề nghị Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Thứ hai, đưa ra các lý lẽ, tình tiết tăng nặng để yêu cầu tăng hình phạt. Kiểm sát viên phải căn cứ các quy định của pháp luật, các tình tiết tăng nặng nào đã được cân nhắc, xem xét; tình tiết nào chưa được cân nhắc, xem xét áp dụng để từ đó chấp nhận hay không chấp nhận.

Thứ hai, đưa ra các cơ sở để đề nghị Hội đồng xét xử tăng mức bồi thường thiệt hại. Kiểm sát viên phải xem xét, tổng hợp các tài liệu, chứng từ họ xuất trình có đúng pháp luật hoặc có phù hợp thực tế không. Đối với yêu cầu bồi thường không đúng thì kiên quyết bác bỏ (áp dụng các quy định của BLHS, BLDS, các Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao để xác định thiệt hại và bồi thường thiệt hại); đối với yêu cầu bồi thường đúng pháp luật nhưng tại phiên tòa các khoản đó vẫn chưa được chi thực tế thì Kiểm sát viên cần phải xem xét kỹ yêu cầu để đề nghị HĐXX có thể tách ra thành một vụ kiện dân sự riêng (khi có đủ chứng từ chứng minh thiệt hại và người bị hại có đơn yêu cầu, hoặc không liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo); đối với yêu cầu bồi thường đúng pháp luật nhưng chưa đảm bảo về mặt pháp lý, song đó là các khoản chi có thật, phù hợp với thực tế thì đề nghị chấp nhận.

Đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Thường thì họ đưa ra lý lẽ nhằm tăng quyền lợi, giảm nghĩa vụ. Trường hợp này, cách đối đáp của Kiểm sát viên cũng tương tự như trường hợp bị hại yêu cầu tăng bồi thường, bị cáo xin giảm bồi thường…

Từ những trao đổi về nghiệp vụ nêu trên, có thể nói việc đối đáp, tranh luận tại phiên tòa hình sự giữa Kiểm sát viên với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác sẽ làm cho phiên tòa trở nên sống động hơn, khách quan hơn. Đối đáp, tranh luận tốt, có chất lượng sẽ nâng cao vị thế, vai trò của Viện kiểm sát, Kiểm sát viên tại phiên tòa.

Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)