1. Các trường hợp tạm đình chỉ vụ án hình sự trong giai đoạn chuẩn bị xét xử

>> Xem thêm: Khám nghiệm hiện trường là gì? Khái quát chung về khám nghiệm hiện trường

Căn cứ theo khoản 1 điều 281 Bộ luật tố tụng 2015 quy định :

Điều 281. Tạm đình chỉ vụ án

1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Có căn cứ quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 229 của Bộ luật này;

b) Không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử; trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can, bị cáo trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị can, bị cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật này;

c) Chờ kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị.

2. Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để tạm đình chỉ không liên quan đến tất cả bị can, bị cáo thì có thể tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.

3. Quyết định tạm đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do tạm đình chỉ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

Theo đó, trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để tạm đình chỉ không liên quan đến tất cả bị can, bị cáo thì có thể tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo.

2. Nội dung quyết định tạm đình chỉ cần phải ghi cái gì ?

>> Xem thêm: Lú luận về động cơ phạm tội trong vụ án hình sự ?

Về nội dung, quyết định tạm đình chỉ vụ án phải ghi rõ lý do tạm đình chỉ và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật tố tụng hình sự 2015. Cụ thể bao gồm các thông tin:

– Số, ngày, tháng, năm, địa điểm ban hành văn bản tố tụng;

– Căn cứ ban hành văn bản tố tụng;

– Nội dung của văn bản tố tụng;

– Họ tên, chức vụ, chữ ký của người ban hành văn bản tố tụng và đóng dấu.

3. Căn cứ ban hành quyết định tạm đình chỉ vụ án

>> Xem thêm: Nguyên tắc “Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự”

Theo quy định tại Điều 281 BLTTHS thì: ““1. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp: a) Có căn cứ quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 229 của Bộ luật này; b) Không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử; trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can, bị cáo trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị can, bị cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật này; c) Chờ kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can, bị cáo mà căn cứ để tạm đình chỉ không liên quan đến tất cả bị can, bị cáo thì có thể tạm đình chỉ vụ án đối với từng bị can, bị cáo”

Căn cứ thứ nhất để Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án là khi có căn cứ quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 229 của BLTTHS. Theo đó, khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bị bệnh tâm thần (Người mắc bệnh hiểm nghèo là người mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, phong hủi, nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế được coi là bệnh hiểm nghèo). Đối với trường hợp này, khi nhận hồ sơ vụ án từ Viện kiểm sát chuyển sang mà phát hiện bị can không có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc mắc bệnh hiểm nghèo thì Thẩm phán phải trưng cầu giám định pháp y. Khi có kết quả giám định pháp y mà phát hiện bị can mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh tâm thần thì Thẩm phán sẽ ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.

Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp có kết luận giám định tư pháp xác định bị can mắc bệnh hiểm nghèo thì Thẩm phán đều phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án. Thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án trong trường hợp bị can được xác định mắc bệnh hiểm nghèo và không có khả năng gây nguy hiểm cho xã hội (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 29 BLHS). Điều 285 BLTTHS cũng quy định: “Khi xét thấy có một trong các căn cứ quy định tại Điều 157 của Bộ luật này hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16 hoặc Điều 29 hoặc khoản 2 Điều 91 của Bộ luật hình sự thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa và đề nghị Tòa án đình chỉ vụ án.”

Khi trưng cầu giám định, định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử thì việc giám định, định giá tài sản vẫn tiếp tục cho đến khi có kết quả. Trong trường hợp này, Thẩm phán sẽ ra quyết định tạm đình chỉ vụ án nhằm mục đích có thêm thời gian chờ kết quả giám định, định giá tài sản.

Căn cứ thứ hai để Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án là khi không biết rõ bị can đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử, trường hợp này sẽ áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 9 của Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT/BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã: “Khi nhận được văn bản của Tòa án yêu cầu truy nã bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra ra ngay quyết định truy nã và gửi thông báo quyết định truy nã theo đúng quy định tại Điều 161 BLTTHS và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch này.

Nếu hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có công văn yêu cầu mà việc truy nã vẫn chưa có kết quả thì Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã phải thông báo cho Tòa án biết để Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử vắng mặt người bị truy nã theo điểm a khoản 2 Điều 187 BLTTHS”.

Quyết định tạm đình chỉ vụ án trong trường hợp này được ban hành sau khi kết thúc thời hạn chuẩn bị xét xử theo quy định tại khoản 1 Điều 277 BLTTHS.

Căn cứ thứ ba để Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ban hành quyết định tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đó là khi chờ kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị. Tòa án phát hiện và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định của pháp luật trái với Hiến pháp, luật và các văn bản pháp luật khác. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan thì cần phải tạm đình chỉ vụ án trong thời gian chờ kết quả trả lời của cấp có thẩm quyền.

Trường hợp vụ án có nhiều bị can thì có thể tạm đình chỉ đối với từng bị can nếu căn cứ tạm đình chỉ không liên quan đến tất cả các bị can khác. Đối với bị can không liên quan đến căn cứ tạm đình chỉ thì phải tiếp tục tố tụng đối với bị can đó.

4. Một số vướng mắc, bất cập

>> Xem thêm: Mớm cung là gì ? Quy định của pháp luật về hành vi mớm cung

Thứ nhất, đối với căn cứ khi xác định bị can mắc bệnh tâm thần. Ở đây cần xác định bị can mắc loại bệnh tâm thần nào và mắc bệnh ở giai đoạn nào. Có loại bệnh tâm thần luôn luôn làm mất năng lực trách nhiệm hình sự, có loại bệnh tâm thần chỉ làm mất năng lực trách nhiệm hình sự khi bệnh ở mức độ nhất định và có loại bệnh hoàn toàn không làm mất năng lực này.

Nếu như bị can mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi khi thực hiện hành vi thì rõ ràng hành vi của bị can không đủ yếu tố thành tội phạm. Vì không thỏa mãn yếu tố chủ thể trong cấu thành tội phạm. Do vậy, không phải là căn cứ tạm đình chỉ vụ án.

Nếu như khi có kết quả giám định tư pháp xác định bị can mắc bệnh tâm thần làm hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi thì Thẩm phán cũng không được ra quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can đó mà phải xác định đó là tình tiết giảm nhẹ khi xét xử theo quy định tại điểm q Khoản 1 Điều 51 BLHS “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”.

Trường hợp khi có kết quả giám định tư pháp xác định khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị can vẫn có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi, còn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử bị can được xác định là mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi thì mới là căn cứ để Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và Chánh án sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định tại khoản 2 Điều 451 BLTTHS và Khoản 2 Điều 44 BLTTHS.

Thứ hai, đối với trường hợp khi có kết quả giám định tư pháp xác định bị can mắc bệnh hiểm nghèo thuộc trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 29 BLHS và là căn cứ để Viện kiểm sát rút quyết định truy tố theo quy định tại Điều 285 BLTTHS thì Thẩm phán không ra quyết định tạm đình chỉ mà phải ra quyết định đình chỉ vụ án.

5. Kiến nghị hoàn thiện luật

Từ những phân tích trên, tác giả kiến nghị sửa đổi Điều 281 BLTTHS như sau:

“Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Khi có căn cứ xác định bị can bị mắc bệnh tâm thần làm mất khả năng nhận thức thức và làm chủ hành vi sau thời điểm thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội;

b) Có căn cứ xác định bị can, bị cáo mắc bệnh hiểm nghèo trừ trường hợp được miễn trách nhiệm trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b Điều 29 Bộ luật Hình sự và Viện kiểm sát rút quyết định truy tố theo quy định tại Điều 285 BLTTHS.

c) Không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử; trường hợp này phải yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã bị can, bị cáo trước khi tạm đình chỉ vụ án. Việc truy nã bị can, bị cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 231 của Bộ luật này;

d) Chờ kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị.”

Cảm ơn quý khách đã gửi yêu cầu đến Công ty Luật LVN Group, trên đây là nội dung tư vấn của Công ty, mọi nội dung còn nhầm lẫn, chưa hiểu , còn vấn đề mà quý khách hang còn chưa rõ xin vui lòng liên hệ đến tổng đài của Công ty Luật LVN Group 1900.0191 hoặc vui lòng gửi tin nhắn đến email [email protected] để được giải đáp thắc mắc.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật LVN Group