Hiện tại mẹ tôi bị tạm giam vì tội chiếm đoạt tài sản nhà cũ của mẹ tôi ở riêng thì đã bán còn phần đất và nhà bố mẹ tôi cho 2 vợ chồng tôi ra ở riêng cách đây 5-6năm nhưng mới vừa sang tên cho tôi đứng ngày 27/10/2017 trước khi mẹ tôi bị tố cáo ở cơ quan công an. Mẹ tôi bị tạm giam 4 tháng kể từ ngày 27/2/2018 (phần đất cất nhà này trước khi sang tên cho tôi vẫn do bố mẹ tôi đứng tên) vậy xin hỏi luật sư là phần đất và nhà vợ chồng tôi đang ở và đứng tên sau này có bị thi hành án tịch thu không ạ. Giả sử bị tịch thu nhà đất thì có bị tịch thu hết phần tài sản bên trong nhà không ạ. (tài sản này đều do vợ chồng tôi ra ở riêng sắm) hiện tại thì cả gia đình tôi chỉ còn có 1cái nhà cất trên phần đất khoảng 750m vuông và do tôi đứng tên. Gia đình tôi thì còn bố tôi 65 tuổi hiện là thương binh 4/4, vợ tôi thì mới sinh em bé 3 tháng với 1 con lớn 7tuổi. Do đó tôi hiện là lao động chính nuôi cả nhà vậy liệu tôi có bị tịch thu nhà và tài sản trong nhà không thưa luật sư ?

Mong luật sư tư vấn sớm giúp tôi với, gia đình đang hoang mang lo lắng vô cùng vì nhà bị thu sẽ không còn chỗ nào ở cám ơn luật sư.

Người gửi : Nguyễn Văn Vũ

Luật sư trả lời:

1. Cơ sở pháp lý:

Bộ luật hình sự 2015

Luật thi hành án dân sự 2008 sửa đổi bổ sung năm 2014

Luật đất đai 2013

Luật nhà ở 2014 

Bộ luật dân sự 2015

2. Nội dung tư vấn:

Đầu tiên, chúng tôi xin được chia sẻ, động viên với bạn những sự vướng mắc, hoang mang mà bạn đang gặp phải. Trường hợp của bạn rất phức tạp, trên cơ sở các thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xin được tư vấn để bạn tham khảo như sau:

Thứ nhất, giao dịch ”sang tên – đổi chủ” hay pháp luật còn gọi với cái tên là chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì nhà của bạn và phần đất của bố mẹ bạn đã hoàn tất. Tức là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nhà ở đã được công chứng, quyền sở hữu nhà đất đã thuộc về bạn.

Thứ hai, chưa thể kết luận thấy việc bố mẹ bạn chuyển giao tài sản cho bạn là nhằm mục đích tẩu tán tài sản, né tránh việc thi hành án. Vì đây là một phương án mà hiện nay khá nhiều người trong tình cảnh như bố mẹ bạn thường áp dụng để trốn tránh thi hành án. Tuy nhiên, xét về mặt pháp lý, do việc chuyển giao này thông qua hình thức là “hợp đồng dân sự” nên rõ ràng những tài sản đó phải là của bạn. Mấu chốt quan trọng nhất chính là thời điểm mà bố mẹ bạn chuyển quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở cho bạn là vào ngày 27/10/2017 trước khi mẹ bạn bị bắt tạm giam 4 tháng kể từ ngày 27/2/2018. Còn nếu cho rằng mẹ bạn phạm tội “không thi hành án” – theo qui định tại Bộ luật hình sự thì cũng chưa được. Vì theo điều luật, để khởi tố vụ án thì phải có yếu tố “đã cưỡng chế mà vẫn cố tình không thi hành án”. Trong khi ở đây cơ quan Thi hành án chưa có căn cứ để thi hành án, do Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định:

Những căn cứ để cưỡng chế thi hành án được quy định trong Điều 70 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 như sau:

Căn cứ cưỡng chế thi hành án

1. Bản án, quyết định;

2. Quyết định thi hành án;

3. Quyết định cưỡng chế thi hành án, trừ trường hợp bản án, quyết định đã tuyên kê biên, phong toả tài sản, tài khoản và trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của Toà án.

Tuy nhiên, ở đây dưới vai trò là Luật sư của LVN Group tư vấn cho bạn, tôi vẫn xin được nêu trường hợp rủi ro có thể xảy ra như sau:

Do thời điểm xảy ra sự việc ”vỡ nợ” của mẹ bạn năm 2015. Sau khi cơ quan điều tra hoàn tất hồ sơ vụ án, viện kiểm sát truy tố để đưa ra tòa án xét xử mẹ bạn. Khi xét xử, có khả năng (ở đây là chúng tôi nhận định là có khả năng tòa án sẽ tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bố mẹ bạn và bạn. Lý do đề nghỉ hủy: Đây là hợp đồng có nội dung trái pháp luật, nhằm mục đích tẩu tán tài sản, né tránh trách nhiệm thi hành án. Cụ thể là nội dung của hợp đồng vi phạm vào điều cấm là “làm ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân, tổ chức khác” – theo qui định tại Bộ luật Dân sự. 

Bên cạnh đó, nếu hợp đồng chuyển giao tài sản nói trên bị tòa tuyên hủy, thì theo qui định của pháp luật, tài sản sẽ được hoàn trả lại bộ mẹ bạn – thuật ngữ pháp lý gọi là “khôi phục lại tình trạng ban đầu”. Khi đó, mẹ bạn trở lại tình trạng “có tài sản” – và là cơ sở để cơ quan thi hành án có thể kê biên, bán đấu giá.

Như đã nói ở trên, do hiện nay có rất nhiều người áp dụng biện pháp giống như mẹ bạn để ”trốn tránh việc thi hành án. Vì vậy, để đảm bảo lợi ích hợp pháp cũng như công bằng xã hội thì theo đánh giá của chúng tôi, khả năng Tòa án tuyên hủy hợp đồng mua bán nhà đất giữa bạn và mẹ bạn là rất cao.

Thứ ba, bạn có hỏi: ”Giả sử bị tịch thu nhà đất thì có bị tịch thu hết phần tài sản bên trong nhà không ? Tài sản này đều do vợ chồng tôi ra ở riêng sắm”. Chúng tôi xin khẳng định là không do tài sản đó được hình thành trong hôn nhân của 2 vợ chồng bạn nên nó sẽ là tài sản của vợ chồng bạn.

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn pháp luật đất đai trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi số: 1900.0191 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hình sự – Công ty luật LVN Group