1. Khái quát chung

Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, pháp luật và đạo đức có mối quan hệ khăng khít với nhau. Pháp luật và đạo đức đều là những công cụ quan trọng trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Các nguyên tắc đạo đức tiến bộ đều không trái với pháp luật. Đạo đức và pháp luật trong mối quan hệ đan xen cùng tác động tích cực lên hành vi của con người. Trong lịch sử các nhà nước phong kiến đã sử dụng đạo đức và pháp luật để quản lý xã hội một cách có hiệu quả và ở một số quốc gia, đạo đức đã trở thành giá trị truyền thống của dân tộc. Nhìn một cách tổng thể, “điểm thống nhất của tư tưởng đạo đức và pháp luật Hồ Chí Minh là tất cả đều hướng về nhân dân, đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân”.

2. Đạo đức

Đạo đức là một trong những vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Trước hết, là một người sinh ra và lớn lên trong một môi trường “chân Nho”, Hồ Chí Minh không thể không chịu ảnh hưởng của Nho giáo nói chung và tư tưởng đức trị (nhân trị) của Khổng Tử nói riêng. Nhiều người biết tới một Câu nói nổi tiếng của Khổng Tử về xử kiện là: “thính tụng ngô do nhân đã, tất dã sử vô tụng hồ” (xử kiện thì ta cũng như người khác, nhưng làm sao cho khỏi phải xử kiện mới hơn). Mấy ngàn năm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một câu nói tương tự tại hội nghị tư pháp và được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, đó là: Xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử thì càng tốt hơn. Nhìn lại quá trình phát triển của khoa học lý luận về nhà nước và pháp luật, đã từng có một số quan điểm cho rằng, bản thân pháp luật là những chế tài nghiêm khắc. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm về vấn đề này hoàn toàn khác. Người không ủng hộ quan điểm coi pháp luật như một công cụ cai trị, theo Người, pháp luật của ta hiện nay là để bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động. Người đặt ra yêu cầu đối với cán bộ làm công tác xét xử không được lấy sự hà khắc làm đầu mà: phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung tòa án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân… Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ…Gần dân, hiểu dân, học dân để có cái nhìn nhân ái; giúp dân để dân hiểu, làm theo luật; luôn cố gắng học tập để có những quyết định sáng suốt, tránh làm oan, làm sai cho nhân dân. Làm cho dân hiểu luật không phải chỉ bàng xử phạt nặng, khiến dân “đau” mà nhớ lâu. Giả sử phải xét xử những ai vi phạm pháp luật, thì cần có thái độ công bằng, liêm khiết, trong sạch. Bởi vì: “nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người, ở đời và làm người phải thương nước thương dân, thương nhân loại đau khổ, bị áp bức”.

3. Quan niệm về đạo đức của Hồ Chí Minh có những nội dung mới

3.1 Tư tưởng mới 

Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào. Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người.

3.2 Đạo đức và pháp luật có mối quan hệ với nhau

Theo Hồ Chí Minh, pháp luật và đạo đức đều là những yếu tố do con người tạo ra để duy trì trật tự xã hội, và để phục vụ cho cuộc sống: “Vì lẽ sinh tồn, cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, tôn giáo…”. Cái cốt lõi ở đây là tư tưởng kết hợp pháp trị với đức trị được thể hiện giản dị, ngắn gọn nhưng đầy tính biện chứng và thuyết phục, về vấn đề này, ông Vũ Đình Hòe – một người được gần gũi với Bác từ những ngày đầu xây dựng Nhà nước kiểu mới đã có nhận định rằng: Trong tư tưởng của Người, trong cái nhất thể đạo đức – pháp luật, xét về cội nguồn thì Thiện, Đức có trước và là gốc của Lệ, Luật; mà xét về công dụng đối với đời sống xã hội thì: Đạo đức gây men sống, còn pháp luật (…) chỉ đạo hành động con người và bảo đảm cho hành động ấy có hiệu quả đối với xã hội. Là người theo lập trường mácxít về nhà nước và pháp luật, hiển nhiên Hồ Chí Minh phải đề cao pháp trị. Tư tưởng và hành động của Người đã chứng minh điều ấy. Nhưng là một người Á Đông vốn thấu hiểu bản chất và những giới hạn vốn có của pháp trị cũng như thấu hiểu sự trường tồn và vai trò của đức trị nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không tuyệt đối hóa một trong hai phương pháp trị nước ấy. Theo đó, câu nói “xét xử đúng là tốt nhưng không phải xét xử thì càng tốt hơn” của Người cần được hiểu là: việc xét xử phải lấy sự đúng đắn (nghiêm minh, công bằng) làm mục tiêu lớn nhất và tạo tiền đề cho việc không phải xét xử ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, “không phải xét xử” thì không có nghĩa là không còn xét xử mà chính là phòng ngừa để không phải xét xử hoặc sử dụng những phương pháp, hình thức khác để giải quyết vấn đề có hiệu quả mà không cần tới xét xử. Để đạt được mục tiêu ấy, dĩ nhiên, sự tự ý thức của cá nhân, đạo đức và những quy phạm xã hội khác (phong tục, tập quán, luật tục…) sẽ có một vai trò đặc biệt quan trọng. Đó là những công cụ hỗ trợ và thay thế pháp luật trong nhiều trường hợp. Tương tự như thế, khi nói về mối quan hệ giữa pháp luật và đạo đức, Người cho rằng: đạo đức là gốc của pháp luật còn pháp luật chính là thứ đạo đức chuẩn mực trong xã hội. Chính vì vậy, cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là tấm gương sáng ngời về tinh thần đề cao, tôn trọng pháp luật song song với việc kiên trì và bền bỉ trau dồi, rèn luyện đạo đức cách mạng. Đây chính là bài học lớn về kết hợp pháp luật và đạo đức trong quản lý xã hội mà Người đã để lại cho các thế hệ cán bộ và quần chúng nhân dân. Ngay từ khi Nhà nước mới ra đời, cũng như trong suốt quá trình lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện Nhà nước sau này, Hồ Chủ tịch vừa chăm lo xây dựng pháp luật, vừa chú trọng giáo dục, củng cố đạo đức cách mạng, nhất là đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ và thế hệ thanh niên. Bác từng gửi Thư khẩn cho ủy ban nhân dân các cấp (kỳ, tinh, huyện, xã) vào đầu tháng 12-1945 và cho đồng bào Bắc Kỳ vào đầu năm 1947 để răn bảo cán bộ “tu tỉnh, tẩy rửa mọi thói hư tật xấu”. Bài giảng mà Người giảng trên bục chỉnh huấn là bài khai tâm “Thiện và ác”. Có thể thấy, “điều cốt lõi trong tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về pháp luật đó chính là cơ sở đạo đức của pháp luật. Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật phải phù hợp với đạo đức và là điều kiện đảm bảo thực hành đạo đức”.
Tóm lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những tư tưởng phong phú và toàn diện liên quan đến bản chất của pháp luật, vai trò và mối quan hệ giữa pháp luật với các hiện tượng xã hội khác. Trong đó, nét độc đáo nhất phải kể đến là sự kết hợp hài hòa giữa tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội thể hiện bản chất của một nền pháp luật kiểu mới. Đồng thời, qua những tác phẩm rất ngắn gọn và súc tích từ khi Người bắt đầu ra đi tìm đường cứu nước đến khi trút hơi thở cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã thể hiện quan điểm xuyên suốt về vai trò của pháp luật đối với việc bảo đảm quyền con người, bảo đảm và phát huy dân chủ, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

4. Ý nghĩa của việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền trong cải cách tư pháp hiện nay

Sau khi lãnh đạo Đảng và nhân dân ta tiến hành Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, giành chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng một Nhà nước thuộc về nhân dân, lợi ích phải vì dân; một Nhà nước dân chủ, trong đó nhân dân là chủ và nhân dân làm chủ; một Nhà nước phải vận hành và quản lý bằng pháp luật… Suy nghĩ của Hồ Chủ tịch là cơ sở tư tưởng cho việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền và về công tác tư pháp.
Trong thư gửi Hội nghị công tác tư pháp tháng 2/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cán bộ tư pháp phải tuyệt đối trung thành, các bạn là những người phụ trách thi hành luật pháp, lẽ tất nhiên các bạn phải nêu cao tấm gương phụng công thủ pháp, chí công vô tư cho nhân dân noi theo”. Cán bộ làm công tác tư pháp (làm việc trong các cơ quan Tư pháp, Toà án, Viện kiểm sát…) là những người được giao nhiệm vụ thi hành pháp luật, vì vậy hơn ai hết phải là những người gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, phải hết lòng vì sự nghiệp chung của đất nước, vì nhân dân mà bảo vệ pháp luật. Là người cầm cân nảy mực, cán bộ tư pháp phải thực thi pháp luật cho rõ ràng, công bằng, công minh, khách quan, cho “chí công, vô tư” theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm minh và thống nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu người làm công tác tư pháp phải “chí công vô tư” mà còn phải biết “phụng công, thủ pháp”, bởi vì “Phụng công thủ pháp, chí công, vô tư” được coi là một trong những tiêu chuẩn quan trọng của cán bộ tư pháp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm: Công tác tư pháp suy cho cùng là ở đời và làm người. Vì vậy, Hồ Chủ tịch đã căn dặn cán bộ tư pháp phải luôn công bằng, khi áp dụng pháp luật và khi xử lý các vụ việc, không được lẫn lộn giữa công và tội. Theo Người: Có công thì được thưởng, có lỗi thì phải bị phạt. Hồ Chủ tịch coi việc xây dựng hệ thống các cơ quan tư pháp là cơ sở để xã hội phát triển. Người từng nói: Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ, có được ánh sáng của Đảng dìu dắt. Song song với đó là phải kiên quyết đấu tranh xử lý tội phạm, đấu tranh chống những hành vi xâm hại đến danh dự, uy tín của Đảng, của Nhà nước.
Tại Hội nghị cán bộ tư pháp năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch… Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân; giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối, chính sách của Chính phủ. Theo Bác, xét xử đúng là tốt, nhưng nếu không phải xét xử thì càng tốt hơn.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cải cách tư pháp có ý nghĩa quan trọng, là nền tảng tư tưởng cho công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, nhằm xây dựng nền tư pháp trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, định hướng cho việc xây dựng chiến lược cải cách tư pháp, là nguyên tắc căn bản cho việc ban hành các chủ trương chính sách, hành động trong cải cách tư pháp.