1. Khái quát

Quyền con người là một trong những vấn đề có lịch sử lâu đời về cả phương diện thực tiễn cũng như lý luận. Đó luôn là mối quan tâm của nhân loại. Mỗi thời kỳ phát triển của quyền con người đều gắn liền với thành quả của cuộc đấu tranh giai cấp, các cuộc cách mạng – xã hội. Điều đó, phản ảnh quá trình nhân loại tự giải phóng mình, do vậy vấn đề này bao giờ cũng là điểm nóng của cuộc đấu tranh giai cấp, đặc biệt trên lĩnh vực đấu tranh tư tưởng. Song, do những giới hạn lịch sử khách quan, các giai cấp thống trị ở mỗi thời kỳ chỉ có thể đáp ứng và bảo đảm quyền con người ở một mức độ, một nấc thang nhất định. Sự phát triển của lịch sử đã cho thấy sức mạnh vô địch của nhu cầu về quyền và tự do của con người. Quyền con người có nội dung rất phong phú, có tính chất nhạy cảm, phức tạp và càng phức tạp hơn khi nó gắn với các chế độ chính trị khác nhau, bởi vậy thường có những quan điểm khác nhau thậm chí đối lập nhau, do cách tiếp cận khác nhau.

2. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, quyền công dân

Hồ Chí Minh tiếp cận với quyền con người hoàn toàn khác với các luận điểm của các học giả ở phương Tây. Xuất phát từ thực tiễn và truyền thống của dân tộc Việt Nam đã thôi thúc Người đi tìm chân lý. Người đã kế thừa những nội dung hợp lý của tư tưởng nhân quyền trước đó, để đưa ra những luận điểm mới mẻ sâu sắc và toàn diện về quyền con người, phù hợp đặc điểm của thời đại mới và tình hình cụ thể ở Việt Nam. Từ đặc điểm của dân tộc đang bị mất nước, bị bóc lột nặng nề dưới chế độ đế quốc thực dân và bọn địa chủ phong kiến tay sai, mọi quyền sống của con người cũng như quyền dân tộc đều không có. Vì vậy, để giải quyết vấn đề nhân quyền hay còn gọi là quyền con người ở Việt Nam chỉ có thể được giải quyết thông qua cuộc cách mạng để giải quyết hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam. Đó là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và mâu thuẫn giữa nhân dân ta, chủ yếu là nông dân với giai cấp địa chủ phong kiến tay sai, chỗ dựa cho bộ máy thống trị và bóc lột của chủ nghĩa thực dân Pháp. Hai mâu thuẫn đó có quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó mâu thuẫn giữa dân tộc ta với thực dân Pháp xâm lược là mâu thuẫn chủ yếu. Vì vậy, nhiệm vụ chống thực dân Pháp xâm lược và nhiệm vụ chống địa chủ phong kiến tay sai không tách rời nhau. Đấu tranh giành độc lập dân tộc phải gắn chặt với đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ. Đó là yêu cầu của cách mạng Việt Nam đặt ra, cần được giải quyết, có giải quyết được yêu cầu này thì quyền con người mới được bảo đảm. Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người bắt nguồn sâu xa từ lịch sử dân tộc và thực tiễn của đất nước, kế thừa có chọn lọc những tư tưởng nhân quyền tiến bộ của các nước phương Đông cũng như các nước phương Tây. Đặc biệt là vận dụng có sáng tạo tư tưởng giải phóng con người và xã hội của chủ nghĩa Mác – Lênin. Đây là đặc điểm nổi bật trong tư tưởng của Hồ Chí Minh về nhân quyền.
Kế thừa các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương, đất nước, ngay từ nhỏ Người đã có hoài bão lớn gắn trách nhiệm của mình với vận mệnh của đất nước “Khi tôi 13 tuổi, tôi đã từng lần đầu tiên nghe nói về tự do, bình đẳng và bác ái… Tôi muốn tự mình làm quen với văn hóa Pháp, để tìm hiểu điều gì ẩn sau những khái niệm này” để về giúp đồng bào mình. Đây là một trong những động lực đầu tiên thúc đẩy Người ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Người đã thâm nhập trực tiếp vào các nước phương Tây để kiểm nghiệm giá trị “tự do, bình đẳng, bác ái”, tìm hiểu ngọn nguồn, bản chất của chế độ thực dân đế quốc và cũng là để học hỏi tinh hoa thế giới để về giúp đồng bào. Đó là một đột phá mới trong tư duy chính trị lúc bấy giờ.
Với ý chí kiên cường, trải qua biết bao thử thách của thực tiễn cuộc sống, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã củng cố vững chắc lý tưởng độc lập, tự do của mình. Trong những năm tìm đường cứu nước, Người đã dành nhiều thời gian để khảo sát thực tế, tìm hiểu “tự do, bình đẳng, bác ái” được thực thi các nước “mẫu quốc” tại các thuộc địa như thế nào. Người đã đi vào sào huyệt của chủ nghĩa thực dân để xem cái “hào nhoáng” của những nền “văn minh với sứ mệnh khai hóa”. Người đã dày công nghiên cứu các cuộc cách mạng tư sản và các nhà tư tưởng tiến bộ khác đồng thời đã tìm thấy ở Tuyên ngôn Nhân quyền, Dân quyền của cách mạng Pháp (1789) và Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776) những “quyền bất khả xâm phạm” của con người. Đây chính là cơ sở quan trọng để Hồ Chí Minh khẳng định chân lý, dân tộc Việt Nam cũng phải được hưởng những “quyền bất khả xâm phạm” đó. Năm 1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, Người gửi “Bản yêu sách của dân tộc Việt Nam gửi đến Hội nghị Véc-xay (Versailles, Pháp). “Bản yêu sách” gồm 8 điểm rất ôn hòa, yêu cầu Chính phủ Pháp trao trả một số quyền tự do, dân chủ cơ bản tối thiểu và cơ bản cho nhân dân Việt Nam, cũng như các dân tộc ở Đông Dương… Nhưng tất cả những yêu sách ôn hòa đó của Nguyễn Ái Quốc đều không được Chính phủ Pháp, cũng như các nước tham gia Hội nghị Versailles quan tâm. Thực tế đó, giúp Người ngày càng nhận rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc và rút ra kết luận quan trọng rằng: muốn được giải phóng các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của bản thân mình và phải thông qua cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ. Đối với các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia là tiền đề, là điều kiện giành lấy và thực hiện quyền của con người. Đây là một vấn đề mới về lý luận và chính trị trong thời đại ngày nay.
Xuất phát từ thực tiễn và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tiếp thu và kế thừa những nội dung hợp lý của tư tưởng tiến bộ về nhân quyền, tư tưởng của Hồ Chí Minh không hề xa lạ và không đoạn tuyệt với những thành tựu văn minh tiến bộ của nhân loại, nhưng có sự vận dụng, phát triển sáng tạo của các tư tưởng đó. Người đã đưa ra những luận điểm mới mẻ, sâu sắc và toàn diện về quyền con người, đây là đặc điểm quan trọng và nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người. Điều đó, được thể hiện trong các nội dung sau:

2.1 Quyền của mỗi người gắn chặt và không tách rời với quyền của dân tộc

Một là, trong tư tưởng về nhân quyền ở nhiều nước phương Tây nêu ra, chủ yếu và cốt lõi của nó là đòi quyền tự do cho mỗi cá nhân. Điều này đúng nhưng chưa đủ trong thời kỳ phát triển mới. Bởi vì, thời kỳ này chủ nghĩa tư bản tự do cạnh tranh đã chuyển sang chủ nghĩa đế quốc xâm chiếm các thuộc địa, đặt ách thống trị bóc lột tàn bạo cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Vì vậy, quyền của mỗi người gắn chặt và không tách rời với quyền của dân tộc, do đó Hồ Chí Minh đã đấu tranh đòi nhân quyền cho cả dân tộc, quyền tự quyết, quyền bình đẳng dân tộc. Không dừng lại ở đó, Người đã đòi quyền cho tất cả các dân tộc đang bị áp bức bóc lột trên thế giới. Đây là sự phát triển, khái quát cao đem lại những nội dung mới về nhân quyền – quyền con người trong tư tưởng của Hồ Chí Minh thời đại mới. Điều này đã được thể hiện rõ trong Tuyên ngôn độc lập của Việt Nam do Người trực tiếp soạn thảo và công bố ngày 02-9-1945 khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó, Hồ Chí Minh khẳng định, một chân lý lớn của thời đại mới trong thế kỷ XX đó là: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Đây là sự phát triển mới của Hồ Chí Minh và chính Người thừa nhận, suy rộng ra từ câu mở đầu bất hủ của Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ năm 1776: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc”. Từ sự khẳng định: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng… có quyền được sống, quyền được tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc”, để đi đến khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Như vậy, từ những quyền cơ bản của con người được mở rộng thành quyền dân tộc, quyền con người trừu tượng thành quyền của người dân được sống trong độc lập, tự do, từ quyền dân tộc độc lập, được phát triển thành quyền độc lập của các dân tộc. Dựa trên cơ sở pháp lý về quyền “tự nhiên” đến chỗ khẳng định quyền đấu tranh “chống áp bức” của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc.

2.2 Đấu tranh đòi quyền cho con người, nhấn mạnh tới quyền làm người

Hai là, Hồ Chí Minh không chỉ kế thừa những giá trị phổ biến về nhân quyền trong lịch sử mà còn nâng những giá trị đó lên một tầm cao mới. Ở đây, Người không chỉ đấu tranh đòi quyền cho con người, mà Người còn nhấn mạnh tới quyền làm người. Bởi vì, quyền con người không chỉ cần ăn, mặc, ở, đi lại để tồn tại mà còn vươn lên trên cái tồn tại để hoàn thiện và phát triển bản thân. Đó chính là quyền học tập, sáng tạo, quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền tự do, quyền dân sự, quyền về chính trị, kinh tế – văn hóa xã hội, cũng như quyền của các nhóm người đặc biệt trong xã hội như: quyền các dân tộc thiểu số, quyền phụ nữ, quyền của trẻ em, quyền của nhóm người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn cần được xã hội quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ để họ hòa nhập với cộng đồng xã hội… Như vậy, có thể thấy nội dung quyền con người trong tư tưởng của Hồ Chí Minh được phát triển rất phong phú cả về bề rộng và chiều sâu, tạo ra một hệ thống về quyền con người theo quan điểm khoa học và cách mạng.

2.3 Nói và viết, nói và làm

Ba là, cũng như các nội dung khác trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Người triệt để thực hiện giữa nói và làm, trở thành một nguyên tắc trong hành động của Hồ Chí Minh. Và chính Người đã nêu một tấm gương mẫu mực trong việc thực hiện triệt để nhất những tư tưởng đó còn hơn rất nhiều lần so với những điều Người nói và viết. Sự thống nhất giữa tư tưởng và hành vi, giữa lý luận và thực tiễn, giữa động cơ và hiệu quả đã trở thành đặc trưng nổi bật của Hồ Chí Minh so các nhà tư tưởng, các lãnh tụ khác. Người là tấm gương sáng, một pho sách trọn vẹn về nhân quyền và cuộc đấu tranh cho quyền con người. Người nói : “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao nước ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có căm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Hồ Chí Minh khẳng định: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo là vì mục đích đó”. Điều đó cho thấy, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề con người và giải phóng con người, coi đó là mục đích cao nhất cần đạt tới trong mọi hoạt động cách mạng của mình. Người là một nhân vật hiếm có trong lịch sử nhân loại, một lãnh tụ lấy mong muốn của dân tộc làm ham muốn của mình, lấy nỗi lo của nhân dân làm động cơ, mục đích hoạt động thực tiễn.
Trong suốt cuộc đời Hồ Chí Minh đã dồn hết tâm lực, trí tuệ để lãnh đạo nhân dân giành độc lập cho dân tộc, giành quyền làm chủ của con người, xây dựng, phát triển đất nước mang lại hạnh phúc và quyền làm người cho nhân dân, làm cho Việt Nam trở nên giàu mạnh, hùng cường, sánh vai với các cường quốc năm châu.. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Hồ Chí Minh nêu rõ mục tiêu của nước ta là: “1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở. 4. Làm cho dân có học hành”. Người luôn tâm niệm, Nhà nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, dân vẫn cứ chết đói, chết rét thì độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên không bao giờ được quên “dân là chủ” với quan niệm trên, trong chế độ mới, giá trị cao nhất của độc lập dân tộc là đem lại quyền làm chủ thực sự cho người dân, phải trao lại cho dân mọi quyền hành. Dân là chủ, nghĩa là trong xã hội nhân dân là người chủ của nước, nước là nước của nhân dân. Các cơ quan Đảng và Nhà nước là tổ chức được dân ủy thác làm công bộc phục vụ cho nhân dân. Nhiệm vụ của chính quyền dân chủ là phục vụ nhân dân, cán bộ, đảng viên là đầy tớ của dân. Đầy tớ là công bộc của dân, vì lợi ích chung mà gánh vác việc dân, phải trung thành và tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân. Họ phải như những người lính vâng mệnh quốc dân mà thi hành nhiệm vụ, thay mặt dân để ra quyết định, phải toàn tâm, toàn ý phục vụ đất nước phục vụ nhân dân. Người nhấn mạnh: Đảng không có mục tiêu nào khác là đem lại lợi ích cho dân.
Hơn ai hết, Hồ Chí Minh hiểu rất rõ giá trị của quyền con người và quyền làm người. Vì vậy, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập, ngày 03-9-1945 trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Người chỉ ra 6 nhiệm vụ cấp bách trong đó có nhiệm vụ ban hành hiến pháp để bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân và đề nghị tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái đủ 18 tuổi trở lên đều được quyền ứng cử và bầu cử theo luật định không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, tôn giáo và giống nòi. Hồ Chí Minh đã xem việc tổng tuyển cử, xây dựng Hiến pháp là một trong sáu nhiệm vụ cấp bách. Điểm cốt lõi trong quan niệm dân chủ của Hồ Chí Minh là xác định mối quan hệ giữa nhân dân với toàn bộ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, bao gồm Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể, trong đó nhân dân lao động là người làm chủ xã hội.Quán triệt tư tưởng đó, bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử dân tộc ta do Người trực tiếp làm trưởng ban soạn thảo đã được Quốc hội thông qua ngày 09-11-1946. Ngay trong lời nói đầu đã xác định: “bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân” là một trong những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp. Trong bản Hiến pháp năm 1946 đã giành cả chương II nói về “quyền lợi và nghĩa vụ công dân” gồm 18 điều cụ thể quy định các quyền dân sự, chính trị cũng như các quyền về kinh tế, văn hóa và xã hội… Theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng hệ thống quyền con người (nhân quyền) ở nước ta ngày càng mở rộng và được quán triệt ngày càng đầy đủ trong các bản Hiến pháp sửa đổi vào các năm 1959, 1982, 1992 và năm 2013 vừa qua cũng như trong đường lối, chủ trương, chính sách và pháp luật của Đảng và Nhà nước. Cả cuộc đời của Người là mẫu mực cho việc phục vụ nhân dân, trong Di chúc, Người viết: VỀ VIỆC RIÊNG – Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa. Và điều mong muốn cuối cùng của Người là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Người luôn luôn coi trọng mối quan hệ thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân, nhằm thực hiện quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc của mỗi người Việt Nam trên cơ sở bảo đảm và giữ vững các quyền dân tộc cơ bản của đất nước Việt Nam. Mặc dù, tính thống nhất của các quyền con người và quyền công dân thể hiện ở chỗ đều ghi nhận các quyền cá nhân của con người, song Chủ tịch Hồ Chí Minh không đồng nhất hai khái niệm đó trên cả hai phương diện: chủ thể của quyền và nội dung của quyền. Về chủ thể của quyền, ngoài công dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý đến những người không phải là công dân như tù binh, hàng binh nước ngoài, người nước ngoài, Việt kiều, những người bị pháp luật tước quyền công dân. Chẳng hạn, Người tặng áo cho hàng binh bị rét trong Chiến dịch biên giới (năm 1950); hay đặt niềm tin về tính thiện có trong tiềm thức sâu sa của những tù thường phạm. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu quý và đặt niềm tin vào các cháu nhi đồng, thiếu niên – những người chưa đủ tuổi được thụ hưởng và thực hiện quyền công dân.
Trong Nghị quyết của Quốc dân Đại hội Tân Trào (tháng 8-1945) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì biên soạn có phân biệt nội dung dân quyền gồm: “Quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền”. Nhìn chung, thông qua Hiến pháp 1946 và 1959, có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh phân chia nội dung các quyền con người gồm: a) Các quyền tự do dân chủ về chính trị; b) Các quyền dân sự hay các quyền tự do cá nhân; c) Các quyền về kinh tế – xã hội.

2.4 Ghi nhận quyền con người quyền công dân trong các văn bản pháp lý

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền con người và quyền công dân, cơ bản và chủ yếu phải được ghi nhận trong các văn bản pháp lý (Hiến pháp, luật pháp). Bởi lẽ, quyền con người, quyền công dân phải thể chế hóa thành các quyền và nghĩa vụ cụ thể, có tính phổ cập, tính xã hội hóa, không phân biệt “nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Phải thông qua Hiến pháp, pháp luật thì các giá trị của con người mới trở thành quyền năng, trách nhiệm được xác định về pháp lý của nhà nước và được bảo đảm về chế độ chính trị, để có thể trở thành hiện thực trong thực tế. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyền lực của nhân dân trên hai phương diện gắn bó với nhau là quyền con người và quyền công dân phải được thể chế hóa bằng Hiến pháp, pháp luật để hợp pháp hóa việc nhân dân được tham gia vào các công việc Nhà nước; quyền con người và quyền công dân được thực thi bằng phương thức dân chủ cơ bản thông qua cơ chế bầu cử, ứng cử, bãi miễn, kiểm tra, giám sát bộ máy nhà nước và phân công, giám sát bộ máy nhà nước. Việc hợp pháp hóa quyền con người bằng quy định pháp lý là dấu hiệu đặc trưng của nhân quyền, so với các khái niệm khác liên quan đến đời sống xã hội của con người, như nhu cầu, lợi ích, đạo đức…
Nhưng đối với Hồ Chí Minh, việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp và pháp luật là chưa đủ. Bởi vì, quyền con người nói chung, trong đó có quyền công dân, là một thể thống nhất như chính bản thân con người với tư cách là một chủ thể “tổng hòa các quan hệ xã hội”, vừa cụ thể với những nội dung hiện thực theo yêu cầu của cuộc sống “ở đây và lúc này”, vừa là xu hướng với những hoài bão, lý tưởng độc lập, tự do, hạnh phúc và chủ nghĩa xã hội của con người. Cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng coi trọng việc kế thừa, phát huy vai trò điều chỉnh của hương ước có tính tự quản của làng (xã) cổ truyền. Tuy Người không nêu thành nguyên tắc “pháp trị”, “đức trị”, “nhân trị”, nhưng thực tế Người đã kết hợp chặt chẽ giữa luật pháp nhà nước với tuyên truyền, giáo dục đạo đức thông qua hoạt động của Đảng và các tổ chức đoàn thể xã hội, cũng như nêu gương điển hình, mà Người tự mình nêu gương trước. Đối với Người, “một tấm gương sống có giá trị hơn trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thông qua đó, Người giữ chữ Tín với mọi người và nâng tầm con người để thực hiện được các giá trị hiện thực của con người, chủ yếu thông qua quyền công dân, đồng thời hướng con người đến những giá trị tốt đẹp cùng với phần xấu bị mất dần đi trong quan hệ người – người. Có thể nói, tư tưởng dân chủ, nhân quyền của Hồ Chí Minh là có tính hiện thực và tính nhân văn sâu sắc. Chính vì thế, tư tưởng đó có sức sống lâu dài. Chẳng hạn, Hiến pháp năm 1992, theo tư tưởng của Người, lần đầu tiên trong lịch sử Hiến pháp Việt Nam đã dành Điều 50 để xác định quyền con người ở nước ta. Hiến pháp năm 2013 đã dành dung lượng đáng kể quy định quyền con người, quyền công dân. Thực hành tư tưởng Hồ Chí Minh về dân chủ và nhân quyền hiện nay, đã và sẽ là nền tảng và kim chỉ nam trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân, vì dân.
Như vậy, có thể thấy rằng, Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm đến vấn đề nhân quyền với một nội dung rất rộng lớn, toàn diện và sâu sắc. Tư tưởng nhân quyền của Người quán triệt trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; nhất là trên lĩnh vực xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Ngày nay, Đảng ta và Nhà nước ta đang tiếp tục phát huy tư tưởng nhân quyền của Người trong quá trình đổi mới. Văn kiện Đại hội XI của Đảng xác định: Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân.