“do trong tháng 3, bọn em không đi làm nên cần làm thủ tục gì nhờ công ty thông báo để chuẩn bị trước. Thời gian xin nghỉ việc chính thức sẽ là ngày 31/3/2015”. Mục đích của việc làm này gồm 3 mục đích: 1) Trong quá trình làm việc tại công ty X thì chúng em còn rất nhiều ngày phép cho nên muốn dồn hết phép vào tháng 3 để nghỉ. 2) Trong quá trình bàn giao công việc (từ tháng 2) nếu có vấn đề gì phát sinh thì trong tháng 3 có thể lên support tiếp 3) Do trong hợp đồng ký với bên công ty X có điều khoản là: khi nghỉ việc phải báo trước với công ty 1 tháng. Chỗ em làm hiện tại thì mỗi tháng mọi người đều được công ty hỗ trợ 230K tiền ăn trưa thông qua việc quẹt thẻ ra vào tại căng tin để lấy phiếu ăn. Do tháng 3 bọn em nghỉ, nên ngày 27/2/2015, bạn A có cầm thẻ của em và bạn ấy đưa cho một bạn khác (tạm gọi là bạn B) để quẹt phiếu ăn vì suy nghĩ là mình nghỉ phép thì vẫn được hưởng quyền lợi như nhân viên bình thường. Tuy nhiên, trong tháng 3, bạn B này ngoài việc quẹt phiếu ăn ra thì còn quẹt thẻ để tính công cho bọn em (điều này vi phạm nội quy công ty với mức phạt là 1M/1 lần trừ vào tiền thưởng, bọn em bị quẹt mất 10 lần => bị phạt 10M trừ vào tiền thưởng). Ngoài ra để đi làm thì công ty có hỗ trợ nhân viên các mức như sau: 1) Nếu sử dụng xe của công ty thì sẽ hỗ trợ: 100K/1 tháng 2) Nếu sử dụng xe cá nhân thì sẽ hỗ trợ: 500K/ 1 tháng. và việc này được update qua 1 tool của công ty cung cấp (update thông tin từ tháng trước để đăng ký cho tháng sau, ví dụ muốn hủy xe của tháng 1 thì phải update thông tin trên tool trong tháng 12).

Vấn đề xảy ra là, ý định nghỉ việc của em bắt đầu từ tháng 12 (việc này em đã thông báo trực tiếp cho người quản lý trực tiếp của mình), vì thế em đã update thông tin hủy việc sử dụng xe của công ty bắt đầu từ tháng 1 (trước đây em vẫn đăng ký sử dụng xe của công ty). Tuy nhiên vì nhiều lý do, quản lý của em không cho nghỉ nên em vẫn phải đi làm tới cuối tháng 2 mới nghỉ hẳn và phải sử dụng xe của công ty trong việc đi lại. Vì thế trong buổi họp kỷ luật vừa rồi, bên phía công ty có đưa ra quyết định xử phạt bọn em như sau: 1) Do cố tình nhờ người khác quét thẻ để tính công trong tháng 3 nên quyết định phạt khiển trách toàn công ty, bồi hoàn lại: 10.000.000đ trừ vào tiền thưởng 2) Cố tình gian dối trong việc quẹt thẻ tính phiếu ăn nên quyết định phạt khiển trách toàn công ty, phải bồi hoàn lại: 150K (tương đương 15 lần đã quẹt thẻ) 3) Cố tình gian dỗi trong việc đăng ký xe, phạt khiển trách toàn công ty, phải bồi hoàn lại: 800K Ngoài ra do các lỗi vi phạm trên nên phía công ty đưa ra hình thức xử phạt là xa thải.

Tuy nhiên sau đó lại nói là do ko muốn sử dụng hình thức này nên sẽ vẫn giữ hình thức là cho xin thôi việc,song với điều kiện là bọn em chấp nhận bị trừ hết ngày phép trong tháng 3 (coi như tháng 3 nghỉ không lương). Mặc dù trước đó trong kỳ chi trả lương, bọn em cũng chưa được thanh toán khoản này. Biên bản vụ việc được lập thành 3 bản và có đưa cho bọn em ký. Do chưa hiểu hết tần nghiêm trọng của vấn đề và tâm lý e sợ nên bọn em có ký vào biên bản này và hoàn tất các thủ tục nộp phạt để hoàn thiện thủ tục nghỉ việc. Tuy nhiên khi về nhà bình tâm suy nghĩ lại, em thấy có các vấn đề sau đây:

1) Việc nhờ quẹt thẻ hộ là giữa bạn A và bạn B, nhưng công ty lại ra quyết định xử phạt cả em, như thế là đúng hay sai? Ngoài ra ở đây theo em được biết là bạn A nhờ quẹt phiếu ăn tuy nhiên bạn B lại sử dụng cho cả việc quẹt thẻ để tính ngày công.

2) Việc quẹt thẻ tính phiếu ăn, do đang nhận thức là mình nghỉ phép nhưng chế độ thì vẫn được tính như người đi làm nên có nhờ người quẹt phiếu ăn hộ, như thế là đúng hay sai? Ngoài ra phía công ty cũng không đưa cho bọn em xem văn bản, nội dung nào để cập tới việc này mà chỉ quy chụp bọn em làm như thế là sai.

3) Việc đăng ký sử dụng xe của công ty, 1 phần do công việc yêu cầu cần phải đi làm thêm tháng 1 và 2, 1 phần do chủ quan trong suy nghĩ nên không cập nhận thông tin trên tool dẫn tới việc vẫn sử dụng xe của công ty nhưng lại không đăng ký. Công ty ra quyết định xử phạt do cố tình gian dối trong việc đăng ký xe bus như thế là đúng hay sai (tại vì việc này 1 phần do công việc yêu cầu mình đi làm thêm)?

4) Việc đăng ký nghỉ phép, bên phía công ty em sẽ phải update thông tin lên trên tool, tuy nhiên việc đăng ký thông tin này chỉ cần hoàn thành trước vào cuối các quý (dẫn đến trường hợp mọi người toàn nghỉ trước và update thông tin sau). Vì thế lần này bọn em cũng nghĩ trước và dự định hôm nào len bàn giao thủ tục thì sẽ update thông tin lên tool đấy sau. Tuy nhiên hiện nay phía công ty đang quy cho bọn em là nghỉ 5 ngày liên tục không phép (mặc dù bọn em còn rất nhiều ngày phép nên về lý thuyết khi bọn em nghỉ sẽ được tự động khấu trừ vào những ngày phép này) nên có thể xử lý theo hình thức xa thải được? Việc này em không biết là đúng hay sai? Và có luật nào quy định không ạ?

5) Về dự định ban đầu, tháng 3 bọn em sẽ là nghỉ phép. Tuy nhiên hiện nay khi xử lý, phía công ty đang xử lý cho chúng em là nghỉ không lương vì thế hủy hết số ngày phép mà em đang có và không giải quyết một chế độ gì cho chúng em? Việc công ty xử lý như thế là đúng hay sai?

6) Hiện nay, bọn em đã nghỉ việc và phía công ty mới ban hành quyết định xử phạt bọn em ra toàn công ty (thông tin như thế nào bọn em không được biết), việc này ảnh hưởng rất lớn tới danh dự của bọn em? Vì thế em muốn nhờ anh chị tư vấn giúp em việc công ty em đang xử lý như thế là đúng hay sai? Trong trường hợp sai em có được quyền yêu cầu công ty thu hồi quyết định xử phạt và bồi hoàn danh dự cho em không? (vì trong biên bản họp kiểm điểm đã có chữ ký của bọn em – tuy nhiên hôm đấy lại không có người bảo vệ quyền lợi cho bọn em, vì thế có những điều công ty đưa ra bọn em không biết là đúng hay sai?) Hiện tại tổn thất của em là đang là 8M, của bạn em là 7M. Trong trường hợp công ty vi phạm các điều khoản trên thì bọn em có được quyền khởi kiện công ty không? Mong anh/chị giải đáp thắc mắc giùm em ạ!

Em xin trân thành cảm ơn!

Người hỏi: T.Q.Sáng

Trả lời:

Kính chào bạn T.Q.Sáng, rất hân hạnh được trả lời câu hỏi của bạn. Trường hợp của bạn chúng tôi chia thành 3 vấn đề và giải quyết như sau:

1. Về vấn đề bạn và bạn A nghỉ làm việc trong tháng 3/2015 nhưng vẫn có bạn B quẹt phiếu ăn và quẹt thẻ chấm công, theo quyết định của công ty là các bạn vi phạm nội quy công ty và bị xử phạt bằng tiền, nếu như bạn cho rằng việc quẹt thẻ là giao kết giữa A và B, hay là hành vi đơn phương của B, mà không liên quan đến bạn thì bạn có thể khiếu nại quyết định xử phạt của công ty bằng Đơn khiếu nại gửi Ban Giám đốc/lãnh đạo công ty. Kèm theo đơn khiếu nại bạn phải đưa ra những chứng cứ, lý lẽ chứng minh cho việc bạn không cố tình vi phạm trong việc nghỉ làm việc mà vẫn quẹt phiếu ăn và quẹt thẻ chấm công. Đối với việc bạn đăng ký hủy sử dụng xe của công ty nhưng trên thực tế vẫn sử dụng xe của công ty cũng vậy.

Nếu tìm điểm sai của phía công ty thì chúng tôi không thể đánh giá được mức xử phạt của công ty đối với các hành vi của bạn là đúng hay sai, đúng ở mức nào, sai ở mức nào, mà chỉ có thể nói rằng, pháp luật lao động không cho phép người sử dụng lao động được dùng hình thức phạt tiền, trừ lương thay cho các hình thức xử lý kỷ luật lao động. Tuy nhiên một thực tế diễn ra rằng, người sử dụng lao động bao giờ cũng có mức xử phạt nhất định đối với các hành vi vi phạm nội quy lao động của người lao động.

Nếu như bạn không đồng ý với các quyết định xử phạt của công ty bạn hoàn toàn có thể gửi Đơn khiếu nại đến Thanh tra lao động thuộc Sở lao động – thương binh và xã hội. Khi đó việc xem xét các quyết định của công ty thuộc về Thanh tra lao động.

2. Về việc nghỉ phép, theo quy định của pháp luật lao động, người sử dụng lao động có quyền quy định lịch nghỉ hàng năm của người lao động và phải báo trước cho người lao động. Trường hợp của bạn, công ty đã có quy định về việc nghỉ phép, việc bạn tự ý nghỉ phép và dồn ngày nghỉ phép vào tháng 3 là trái với quy định của nội quy công ty về việc nghỉ phép, nhưng ở công ty của bạn lại thực tế diễn ra việc tất cả người lao động đều không thực hiện đúng theo quy định về nghỉ phép, hay nói cách khác là vận dụng 1 cách linh hoạt theo hoàn cảnh thực tế của từng người. Do đó, bạn hoàn toàn có thể chứng minh việc bạn không tuân thủ quy định về nghỉ phép là do thực tế diễn ra ở công ty của bạn và trên thực tế thì đã không gây ra thiệt hại nào cho công ty cả.

Về việc công ty hiện nay quy cho bạn là nghỉ 5 ngày liên tục không phép nên có thể xử lý theo hình thức sa thải: Pháp luật lao động có quy định về việc nếu người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động có quyền sa thải người lao động. Phía công ty bạn có đưa ra lý lẽ này nhưng trên thực tế đã không áp dụng hình thức sa thải đối với bạn mà vẫn chọn hình thức cho xin thôi việc, nên chúng tôi nghĩ bạn không cần quan tâm về vấn đề này nữa.

Tuy nhiên việc công ty xử lý kỷ luật lao động bạn kèm theo việc hủy hết số ngày phép của bạn và không giải quyết một chế độ nào cho bạn là công ty không thực hiện đúng quy định của pháp luật.

– Trước hết là về việc nghỉ phép (nghỉ hàng năm). Đây là chế độ nghỉ mà theo quy định của pháp luật lao động thì người lao động được hưởng nguyên lương trong những ngày này. Nếu không nghỉ thì được thanh toán bằng tiền. Người sử dụng lao động không thể lấy bất cứ một lý do nào để trừ ngày nghỉ hàng năm của người lao động. Do đó, hành vi của công ty bạn là trái pháp luật.

– Về việc công ty không giải quyết chế độ cho bạn khi cho bạn nghỉ việc. Theo quy định của pháp luật thì khi chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải hoàn thành các nghĩa vụ của mình, bao gồm thanh toán lương, phụ cấp, trợ cấp (nếu có), trả sổ bảo hiểm xã hội…Theo như thông tin của bạn thì công ty không áp dụng hình thức sa thải đối với bạn mà chỉ áp dụng hình thức cho xin thôi việc, vì vậy mà khi chấm dứt hợp đồng lao động với bạn, công ty không chỉ phải trả cho bạn tiền lương trong những ngày bạn làm việc nhưng chưa được trả lương mà còn phải trả cho bạn trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2014. Còn nếu như công ty áp dụng hình thức sa thải đối với bạn thì bạn sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc.

Việc công ty ban hành quyết định xử phạt bạn ra toàn công ty là không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bạn cũng nên tìm hiểu thông tin trong quyết định xử phạt của công ty, nếu có nội dung xâm phạm đến danh dự, uy tín của bạn, bạn hoàn toàn có thể yêu cầu công ty thu hồi, chỉnh sửa quyết định.

Trong trường hợp bạn không thỏa mãn với những việc làm của công ty, bạn hoàn toàn có thể khởi kiện công ty tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở, theo điểm b khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động năm 2012.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn luật lao động – Công ty luật LVN Group