Xin chào! em có một trường hợp không biết phải xử lý như thế nào.
Trường hợp: Công ty của em là Công ty TNHH 1 thành viên….. Có một nhân viên vi phạm nội qui, qui chế Công ty. Giám đốc Công ty quyết định cho nhân viên đó nghỉ việc nhưng nhân viên đó làm việc tại Công ty được 9 tháng và từ lúc vào làm cho đến ngày hôm nay Công ty chưa có ký kết hợp đồng lao động nào hết. Nhân viên đó khi vào làm chỉ có cái Quyết Định tuyển dụng (V/v: Tuyển dụng lao động hợp đồng có kỳ hạn)
Trường hợp trên em muốn giải quyết cho nhân viên đó nghỉ việc nhưng không biết giải quyết như thế nào cho phù hợp. Mong Anh(chị) có thể giúp em xử lý trường hợp trên./.
Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục Tư vấn pháp luật lao động của Công ty luật LVN Group,
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.0191
Trả lời:
Công ty Luật LVN Group đã nhận được câu hỏi của bạn. Cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Vấn đề của bạn chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý
Bộ luật lao động 2012
Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
Nội dung
Căn cứ vào Điều 16, Bộ Luật lao động 2012 thì người lao động và người sử dụng lao động bắt buộc phải ký hợp đồng lao động bằng văn bản trừ trường hợp đó là công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng thì có thể giao kết bằng lời nói:
“Điều 16. Hình thức hợp đồng lao động
1. Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.”
Trong trường hợp này, nhân viên này đã làm việc ở công ty bạn 9 tháng nhưng chỉ có thông báo tuyển dụng lao động có kỳ hạn mà chưa được ký hợp đồng lao động. Công ty bạn có trách nhiệm phải ký kết hợp đồng lao động với người lao động. Nếu nhân viên khởi kiện thì công ty bạn đã vi phạm quy định của pháp luật về lao động và sẽ bị xử phạt hành chính theo nghị định số 95/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
“Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động
1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
b) Từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
c) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
d) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;”
Trường hợp này, nhân viên của bạn đã vi phạm nội quy, quy chế của công ty, bạn sẽ được áp dụng hình thức kỷ luật là sa thải nhân viên trong các trường hợp như sau:
“Điều 126. Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma tuý trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe doạ gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
2. Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xoá kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
Tái phạm là trường hợp người lao động lặp lại hành vi vi phạm đã bị xử lý kỷ luật mà chưa được xóa kỷ luật theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật này;
3. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng.
Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hoả hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.”
Theo đó, nếu nhân viên của bạn đã vi phạm nội quy thuộc vào 1 trong các trường hợp nêu trên thì bạn hoàn toàn có quyền cho nhân viên đó nghỉ việc mà không phải bồi thường bất kì khoản tiền nào.
Trên đây là ý kiến tư vấn của chúng tôi về vấn đề mà bạn đang quan tâm. Việc đưa ra ý kiến tư vấn nêu trên căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra bản tư vấn này là để các cá nhân, tổ chức tham khảo.
Trường hợp trong bản tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong bản tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề, rất mong nhận được phản ánh của quý khách tới địa chỉ email Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Email hoặc tổng đài tư vấn trực tuyến 1900.0191. Chúng tôi sẵn sàng giải đáp.
Trân trọng!
BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT LAO ĐỘNG.