1. Tư vấn ly hôn khi gia đình không hạnh phúc ?

Thưa Luật sư, tôi có câu hỏi cần tư vấn như sau: Năm 2007 tôi kết hôn với chồng tôi. Sau thời gian sinh sống tuy không hạnh phúc nhưng chúng tôi vẫn có với nhau 2 đứa con trai. Cháu lớn sinh năm 2008, cháu bé sinh năm 2010. Bản thân tôi là con người sống đơn giản, không đòi hỏi nhiều vì biết chồng mình là người thế nào. Lấy nhau được 8 năm nhưng chồng tôi không chia sẻ với tôi bất cứ điều gì. Từ việc chăm sóc dạy dỗ con cái đến tài chính.
Điều đó là rất cần thiết cho cuộc sống gia đình nhưng tôi cũng không quan trọng vì nhận được sự giúp đỡ bao bọc từ gia đình chồng. Nhưng điều khiến tôi đau khổ nhất là chồng tôi đã bội bạc tôi. Không chỉ một lần và rất nhiều lần. Nghe có! Chứng kiến có! Hơn nữa anh ta còn rất ham cờ bạc nữa. Anh ta gây ra hậu quả nặng nề cả về tiền và những cuộc phiêu lưu tình ái của anh ta rồi bỏ chạy. Mặc dù làm gần nhà nhưng số ngày anh ta ngủ ở nhà chỉ đếm được trên đầu ngón tay trong một tháng. Bố mẹ, người thân và bản thân tôi cũng đã nhẫn nhịn, chịu đựng, khuyên răn nhưng anh ta là con ngựa bất kháng. Tôi thực sự mệt mỏi! Nhưng tôi không có đủ dũng khí để ly hôn vì tôi nghĩ đến các con của tôi, thương bố mẹ chồng tôi và lo lắng rằng sau khi ly hôn tôi sẽ là gánh nặng cho bố mẹ tôi ở quê. Vì về năng lực tài chính tôi không có khả năng nuôi hai đứa trẻ với đồng lương ít ỏi!
Mong Luật sư tư vấn giúp tôi. Trân trọng cảm ơn.
Người gửi: P.L

Vợ cản trở quyền trông nom con sau khi ly hôn của chồng thì giải quyết như thế nào?

Luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình gọi số:1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo như nội dung thư mà bạn trình bày thì bạn và chồng bạn đang có những mâu thuẫn nhất định. Trong trường hợp này nếu bạn và chồng bạn không thể giải quyết những mâu thuẫn này dẫn đến việc mâu thuẫn hôn nhân trở nên trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì bạn và chồng bạn có thể tiến hành ly hôn theo những phương thức sau đây:

Thứ nhất, thuận tình ly hôn khi cả hai vợ chồng bạn đều đồng ý ly hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

“Điều 55. Thuận tình ly hôn

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.”

Thứ hai, nếu chồng bạn không đồng ý ly hôn nhưng bạn vẫn mong muốn ly hôn thì bạn có thể ly hôn đơn phương theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hônnếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ củavợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”

Về việc bạn lo lắng rằng không thể nuôi con sau khi ly hôn, thì sẽ được giải quyết như sau:

Thứ nhất, về vấn đề giao cho ai nuôi con khi vợ chồng bạn ly hôn, vì cả hai con của bạn đều đã hơn 36 tháng tuổi vì thế, tòa án sẽ dựa trên năng lực tài chính cụ thể, điều kiện chăm sóc con của mỗi bên vợ chồng để ra quyết định. Nếu bạn không đủ khả năng để nuôi cả hai cháu, bạn có thể thỏa thuận với chồng để mỗi bên trực tiếp nuôi dưỡng một cháu hoặc yêu cầu thẩm phán quyết định trong trường hợp này theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014:

” Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.”

Thứ hai, với các con mà chồng bạn không trực tiếp nuôi dưỡng và chăm sóc, chồng bạn cũng vẫn có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 nên sẽ giảm bớt gành nặng về tài chính cho bạn trong việc nuôi dưỡng các con:

“Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.”

Quyết định ly hôn hay không là phụ thuộc vào quyết định của bạn. Bạn nên xem xét kỹ lưỡng các vấn đề khi ly hôn về tài sản chung, con chung trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

2. Ly hôn khi chồng không thực hiện đúng trách nhiệm ?

Chào Luật sư của LVN Group! Tôi 30 tuổi, quê Bình Thuận, đăng ký kết hôn năm 2012 với chồng tôi tại Bình Định và hiện có 1 con chung 2 tuổi.Hiện tôi đang gặp vấn đề với hôn nhân và cần tư vấn ly hôn. Để không làm mất nhiều thời gian của Luật sư của LVN Group, tôi xin trình bày luôn như sau: Chồng tôi 30 tuổi, tốt nghiệp đại học ngành điện, điện tử. Trước khi kết hôn anh ấy làm tại TPHCM nhưng sau kết hôn anh ấy thuyết phục tôi về quê mở tiệm điện nước kinh doanh.
Vì không phải là người giỏi tính toán và kinh doanh nên tiệm không có khách. Từ đó anh chỉ nằm nhà chơi và mãi đến thời gian gần đây thì giấu tôi sinh tật cờ bạc khiến vợ chồng lâm vào cảnh nợ nần. Sợ chồng càng bị lôi kéo nên tôi đưa anh vào TPHCM để vợ chồng kiếm việc làm trở lại. Hiện tôi đang làm công việc văn phòng, còn anh thì mãi vẫn không có việc, hoặc đang giấu tôi làm việc gì đó mà không ai biết được, nhưng nói chung anh luôn trong tình trạng thiếu trước hụt sau, không đủ nuôi sống bản thân mà thường than phiền với tôi hết tiền, hỏi mượn. Tôi vì quá chản nản khi thấy chồng không có tính tự lập, ngang ngược, gia trưởng.cộng thêm những mâu thuẫn từ gia đình 2 bên, đặc biệt là sự thiếu tôn trọng của chồng với gia đình vợ nên quyết định ly dị. Hiện tôi cần tư vấn các vấn đề sau:
1. Tài sản và nợ: Chúng tôi có vay bố mẹ vợ 100tr+ bố mẹ chồng 90tr.Vợ chồng tôi có 1 cửa hàng điện nước ở Bình Định, vồn đầu tư khoảng 200tr, nay chồng tôi muốn về thanh lý cửa hàng và giữ tiền,không có ý định đưa tôi để trả tiền vay cho bố mẹ tôi, vậy sau này ly dị thì phần nợ sẽ giải quyết thế nào?
2. Con cái: Chồng tôi không có bằng chứng gì mà vu cho tôi ngoại tình rồi đòi bắt con. Nhưng từ lúc cháu sinh ra đến nay là do tôi chăm sóc chính đến 18 tháng tuổi. Thời gian mấy tháng gần đây tôi vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc nên mẹ chồng trông giúp khoảng 5 tháng, chồng chăm khoảng 2 tháng rồi bảo tôi không quan tâm chăm sóc con bằng họ nên đòi bắt cháu. Về điều kiện nuôi cháu: Lương tháng tôi 6tr + Thu nhập phụ gồm : tiền lời kinh doanh bánh trung thu hàng năm khoảng 50tr, vị chi trung bình khoảng 10tr/tháng. Tôi cũng đã xin cháu được học ở trường mầm non gần nhà tôi, có uy tín.
Chồng tôi: không có việc làm cụ thể, không chứng minh được thu nhập, hiện nuôi cháu phải nhờ giúp đỡ từ gia đình. 3. Về giấy tờ li hôn: CMND + hộ khẩu có tên tôi (bản gốc) Tôi giữ, Giấy đăng ký kết hôn Hiện không lấy được vì nhà chồng giữ, Giấy khai sinh của cháu, Hiện không lấy được vì nhà chồng giữ Do cháu sinh ra ở quê tôi nên tôi có thể xin lại bản sao giấy khai sinh, còn giấy đăng ký kết hôn làm sao lấy được vì xin bản sao phải về quê chồng, mà tôi lại e ngại bản tính cộc cằn và hung của chồng nên không dám về. Thêm nữa là trong thời gian chờ tòa giải quyết, có cách nào để tôi giành quyền nuôi con tạm thời vì tôi cảm thấy bố cháu tuy thương con nhưng có tật xấu mỗi khi rượu chè, anh ấy cũng quá chiều con làm bé có những hành động hỗn với người lớn , tôi em những ảnh hưởng xấu của chồng tác động đến nó.
Xin nhờ luât sư tư vấn giúp, va xin lưu ý giúp tôi là chồng tôi khi nổi nóng rất cục cằn và thiếu lý trí, nhờ tư vấn giúp tôi một biện pháp có tính an toàn cao ?
Chân thành cảm ơn sự giúp đỡ từ Luật sư của LVN Group!

Hướng dẫn thủ tục ly hôn và phân chia tài sản sau khi ly hôn  ?

Luật sư tư vấn luật hôn nhân gia đình gọi : 1900.0191

Trả Lời:

1. Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình 2014 thì tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân trừ trường hợp quy định tại khoản 1 điều 40, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Theo đó cửa hàng điện nước là là vốn của cả 2 vợ chồng thì đây là tài sản chung khi chồng bạn muốn bán cửa hàng này thì phải thỏa thuận với bạn cũng như bạn cũng được 1 nửa số tài sản này. Việc vợ chồng bạn cùng vay tiền bố mẹ hai bên thì vợ chồng bạn phải thực hiện nghĩa vụ trả khoản vay này.

“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.”

“Điều 35. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung

1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

2. Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình.”

“Điều 64. Chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh

Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác.”

“Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;

3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;

4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;

5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;

6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.

2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.

2. Về vấn đề nuôi con thì ở đây là cháu bé mới được 2 tuổi tức là con dưới 36 tháng tuổi, theo quy định tại khoản 3 điều 81 luật hôn nhân gia đình thì con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, mặt khác bạn có đầy đủ về mặt vật chất cũng như mặt tinh thần để cháu có một môi trường phát triển tốt, bên cạnh đó thì bố cháu không có việc làm cũng như có các hành vi không tốt như nhậu nhẹt, chiều hư cháu thì khả năng bạn được quyền nuôi cháu là rất cao so với chồng bạn.

“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”

3. Về vấn đề giấy tờ ly hôn bạn có thể về nhà chồng bạn lấy hoặc có thể yêu cầu tòa án giúp đỡ trong trường hợp chồng bạn không cho lấy các loại giấy tờ trên.

4. Trong trường hợp hai bạn đang chờ tòa thụ lý và giải quyết ly hôn thì quyền chăm sóc nuôi dưỡng con của hai vợ chồng là ngang nhau, mặt khác hiện tại thì hai vợ chồng bạn chưa có ly hôn do đó quyền chăm sóc con ngang nhau và không có cơ quan nào có thể can thiệp vào để bạn có quyền tạm thời nuôi con trừ trường hợp bố cháu bé đánh đập, hành hạ thì mới có thể nhờ cơ quan chức năng can thiệp.

“Điều 71. Nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng

1. Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

2. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.”

3. Hướng dẫn thủ tục ly hôn và phân chia tài sản sau khi ly hôn ?

Thưa Luật sư của LVN Group cho em hỏi đôi chút về luật ạ, em mong văn phòng Luật sư của LVN Group có thể giúp em giải đáp và có thể giữ kín cho em về việc em hỏi. Chuyện là thế này gia đình em hiện đang có xảy ra chuyện lục đục giữa anh trai và chị dâu, mà chị dâu em lại đi kể với người khác là muốn chia đôi mảnh đất đang ở nhưng mẹ em chưa chia cho ai cả, và sổ đỏ thì có tên em và anh trai được tách từ năm 2004 để di dân đến điểm di dân tái định cư . Còn anh trai em cưới vợ sau đó vào năm 2009 và mới gần đây em đã chuyển khẩu sang khẩu của mẹ với lý do em là mẹ đơn thân và chị dâu em không cho bé nhập khẩu nên em phải nhập vào khẩu của mẹ. Bây giờ nếu anh trai em ly hôn thì sẽ phải phân chia tài sản như thế nào hay mảnh đất đó vẫn thuộc quyền sở hữu của mẹ em. trong những cuộc cãi vã thì chị dâu luôn ép anh trai em nổi nóng và thách thức anh trai em đánh chị ấy.
Em mong văn phòng Luật sư của LVN Group cho em câu trả lời sớm nhất ạ!

Trả lời:

Trong trường hợp này, để xác định việc chia tài sản thì cần phải xác định được đâu là tài sản chung của anh trai và chị dâu bạn. Nếu phần đất và căn nhà này vẫn đứng tên người sử dụng là mẹ bạn, trong quá trình anh trai và chị dâu chung sống không xây nhà, sửa nhà hay được mẹ bạn tặng cho quyền sử dụng mảnh đất, quyền sở hữu nhà này thì mặc nhiên anh trai và chị dâu bạn không được chia đối với khối tài sản này. Ngoài ra, nếu anh trai và chị dâu của bạn cũng góp 01 phần trong quá trình tạo lập, duy trì khối tài sản này thì khi ly hôn, chi dâu bạn vẫn được chia 1 phần đối với phần tài sản được tăng thêm.

Kính chào Luật sư của LVN Group Tôi xin phép được hỏi Luật sư của LVN Group vấn đề như sau: Tôi và chồng kết hôn tháng 10/2013, đến nay đã được gần 3 năm. Chúng tôi có 1 bé gái sinh tháng 4/2015 đến nay nay được 16 tháng tuổi. Do chồng tôi thường xuyên đánh cờ bạc, không chí thú làm ăn dẫn đến nợ nần, và tình trạng này đã kéo dài từ lúc kết hôn đến nay. Do đó, tôi quyết định ly hôn để con gái sau này lớn lên có môi trường sống và học tập tốt hơn. Chúng tôi hiện sống chung với ba mẹ chồng và đang thuê nhà trọ tại quận 12- TP.HCM. Ba chồng tôi làm ở công ty may mặc ở q12, mẹ chồng tôi ở nhà nội trợ, chồng tôi chưa tốt nghiệp cấp 3,theo học nghề điện và hiện đang làm công nhân kỹ thuật điện tại huyện Hóc Môn- TP.HCM với mức lương hiện tại 7,5tr/ tháng. Tôi tốt nghiệp Đại học và đã làm Kế toán tại Ngân hàng được gần 6 năm với mức lương 9tr/ tháng. Tôi nghỉ thai sản từ tháng 4/2015, và trong thời gian nghỉ thai sản thì Ngân Hàng tôi giải thể nên tôi ở nhà chăm con nhỏ nên hiện tại tôi chưa có việc làm. Tôi và mẹ chồng vốn không hợp tính nhau nên hay xảy ra mâu thuẩn trong gia đình.Tôi đã từng đề nghị chồng tôi dọn ra ở riêng nhưng chồng tôi không đồng ý vì nhà có một đứa con trai duy nhất là chồng tôi. Hơn nữa, chồng tôi là con một nên được nuông chiều từ bé, lớn lên không biết sống tự lập, sống dựa dẫm vào cha mẹ, nợ nần gây ra cũng không tự trả được mà ba mẹ và vợ trả thay. Khi biết tôi có ý định ly hôn, mẹ chồng tôi không cho tôi mang theo con đi, bà nói chồng tôi phải viết trong đơn ly hôn là tôi hiện đang thất nghiệp không có khả năng nuôi con. Và chồng tôi cũng muốn giành quyền nuôi con nên tôi thấy mình rất bất lợi ngay lúc này. Tôi xin hỏi Luật sư của LVN Group: – Nếu ra tòa, tôi có được ưu tiên nhận quyền nuôi con dưới 36 tháng tuổi không vì tôi đang thất nghiệp? – Nếu tôi có khoản tiết kiệm trước hôn nhân mà tôi gửi cho mẹ ruột tôi giữ hộ nhưng không có giấy tờ chứng minh tài sản đó có trước hôn nhân, nếu tôi đem số tiền đó đi gửi tiết kiệm lúc này để chứng minh tài sản của tôi và tôi có đủ khả năng nuôi con thì tòa có ưu tiên cho tôi không? – Chúng tôi đăng ký kết hôn tại quê chồng ở Kiên Giang, quê tôi ở Đà Lạt, nếu nộp đon xin ly hôn tôi có phải về quê chồng để nộp hay tôi có thể nộp tại tòa án TP.HCM- nơi chúng tôi đang sinh sống. – Nếu tôi là người viết đơn xin ly hôn, chồng tôi ký và bảo tôi tự đi nộp tư chịu phí, đến ngày ra tòa thì chồng tôi sẽ tham gia giành quyền nuôi con, như vậy có đúng không? – Thủ tục ly hôn đầy đủ gồm những gì để tòa giải quyết nhanh chóng ạ? Tôi rất mong nhận được sự tư vấn của Luật sư của LVN Group. Tôi xin chân thành cám ơn!

=> Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 81Luật hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 của Quốc hội thì đối với trường hợp con dưới 36 tháng tuổi thì về nguyên tắc sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con. Trong trường hợp của chị, nếu chị chứng minh được mình hoàn toàn đủ điều kiện để chăm sóc con, cung cấp được môi trường sống tốt , đủ thời gian và các điều kiện khách quan khác để đảm bảo cuộc sống cho con thì bạn được giành quyền nuôi con. Vì vấn đề nghề nghiệp không mang yếu tố quyết định ở đây, bởi, sau khi ly hôn và nếu chị giành được quyền nuôi con thì chồng chị có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con theo mức mà 2 bên đã thỏa thuận với nhau, hoặc được Tòa án ấn định. Hơn nữa, chồng chị ngoài sự hỗ trợ của mẹ đẻ ra thì cũng không có nghề nghiệp ổn định, vì vậy, cũng không được xem xét, cân nhắc ưu tiên quyền nuôi con trong trường hợp này.

Xin chào Luật sư của LVN Group ! Em trai tôi năm nay 27 tuổi , em ấy kết hôn được 2 năm và có 1 cháu trai được 16 tháng tuổi , giờ em dâu tôi nói không sống chung được nữa và tự bỏ về nhà mẹ đẻ , con trai của em tôi vẫn đang ở với bố và bà nội . Giờ em dâu tôi nộp đơn lên tòa đòi ly hôn , tòa gọi em trai tôi lên hòa giải , nếu em tôi không muốn bỏ em tôi có nên đến tòa để hòa giải không ?nếu không đến thì em tôi có lợi hay bất lợi gì không ?và nếu đến hòa giải thì cũng có bất lợi hay có lợi gì không ?Em tôi đã níu kéo rất nhiều không được , em tôi có phải chia tài sản cho em dâu tôi không ? Có phải chu cấp tiền cho con đến 18 tuổi hay không ?Rất mong nhận được lời tư vấn của Luật sư của LVN Group .Tôi xin trân thành cảm ơn !

Trong trường hợp này, nếu đã có giấy triệu tập của Tòa án về việc tham gia hòa giải thì em trai bạn nên tham gia . Bởi nếu lần hòa giải lần thứ nhất em trai bạn không tham gia, thì Tòa án sẽ hoãn và tổ chức phiên hòa giải thứ hai. Nếu đến lần hòa giải thứ hai em trai bạn vẫn không tham gia thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử. Và nếu lần này em bạn vẫn vắng mặt thì Tòa án hoàn toàn có thể tiến hành xét xử và cho ly hôn nếu em dâu bạn cung cấp được căn cứ ly hôn. Vì vậy, em bạn cần phải tham gia hòa giải cũng như quá trình xét xử vụ án này để có thể đưa ra quan điểm cá nhân, từ đó, Tòa án còn dựa vào yêu cầu của bị đơn để xác định cho ly hôn hay không.

Thưa Luật sư của LVN Group, Tôi ở Hà Nội. Trước đây tôi có mua 02 mảnh đất ở trong Đồng Nai, sổ đỏ mang tên 02 vợ chồng. Vợ chồng tôi đã ly hôn, tòa án xử mỗi người sở hữu 01 lô đất. Nay tôi cần bán lô đất của tôi, bên cơ quan chức năng ở Đồng Nai yêu cầu tôi phải vào đấy làm thay đổi pháp lý sang tên của tôi (chỉ 01 mình tôi vào) rồi mới bán cho người khác được. Tôi xin hỏi có cần thiết phải làm như vậy không? Rõ ràng Tòa án đã có bản án rồi. Giờ yêu cầu một mình tôi vào làm thay đổi pháp lý sang tên tôi rồi mới làm sang tên người khác, như vậy có quá rườm rà không? Xin Luật LVN Group tư vấn giúp tôi.

Theo quy định của pháp luật dân sự, quyền sử dụng mảnh đất đối với bạn chỉ được pháp luật thừa nhận hoàn toàn khi bạn được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặc dù đã có bản án của Tòa, tuy nhiên, bạn vẫn chưa được đứng tên trong trường hợp này thì bạn vẫn phải hoàn tất thủ tục pháp lý và chuyển nhượng được.

4. Có nên ly hôn khi chồng chỉ nghe lời mẹ chồng ?

Thưa Luật sư của LVN Group, nhờ Luật sư của LVN Group giải đáp giúp em về mối quan hệ giữa em với chồng và mẹ chồng. Vợ chồng em cưới nhau được hơn một năm và có một bé trai 7 tháng tuổi. Em sinh được một tháng thì về nhà bố mẹ đẻ ở và mới chỉ ở cùng chồng và mẹ chồng được hơn 2 tháng.

Trong thời gian này giữa em và mẹ chồng hay xảy ra mâu thuẫn vì cách chăm con chăm cháu mỗi người một khác nhưng không nói qua nói lại xô xát, to tiếng với nhau. Nhưng em thấy cuộc sống càng ngày càng bế tắc vì mới lấy chồng mà đã xảy ra những mâu thuẫn như vậy, mỗi lần như vậy chồng thường bênh mẹ tuy không đánh chửi em nhưng chồng em nghe lời mẹ, chỉ nghĩ tới mẹ chứ không quan tâm tới vợ. Thậm chí vợ chồng em không chung đụng gì với nhau, vợ chồng nhưng không có không gian riêng tư (chồng em ngủ cùng mẹ chồng).

Em không biết chồng em có ở ngoài như thế nào hay không nhưng em không muốn tiếp diễn mối quan hệ như vậy em lấy chồng mà không được nhờ cậy gì, chồng có cũng hờ hững như không. Xin cho em lời khuyên ? Em cảm ơn. Nếu em đơn phương ly hôn thì em phải làm như thế nào ạ ?

Cảm ơn Luật sư!

Có nên ly hôn khi chồng chỉ nghe lời mẹ chồng, chỉ nghĩ tới mẹ chồng chứ không quan tâm tới vợ ?

Luật sư tư vấn pháp luật Hôn nhân về ly hôn, gọi: 1900.0191

Luật sư trả lời:

Theo những dữ liệu mà bạn đưa ra thì chúng tôi có thể xác định bạn muốn ly hôn đơn phương sẽ rất khó bởi theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 ban cần phải chứng minh được chồng bạn có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì ban mới có thể thực hiện được thủ tục ly hôn đơn phương, cụ thể

“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được….”

Do vậy, đối với trường hợp này bạn nên ngồi lại trao đổi, nói chuyện với chồng để đưa ra giải pháp khắc phục trước khi quyết đinh ly hôn,

5. Làm gì khi vợ cản trở quyền trông nom con sau khi ly hôn ?

Chào Luật sư của LVN Group, Tôi có vấn đề thắc mắc muốn được Luật sư của LVN Group công ty luật LVN Group tư vấn. Tôi và vợ tôi đã tiến hành thủ tục ly hôn, theo bản án quyết định của tòa án, vợ tôi là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, tôi là người thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng con.

Tuy nhiên, vấn đề khiến tôi bức xúc nhất ở đây là vợ tôi có hành vi cản trợ quyền trông nom chăm sóc con của tôi, mỗi lần tôi sang nhà thăm con thì vợ tôi đều không cho. Rõ ràng vợ tôi đang có hành vi cản trở quyền thăm nom con sau khi ly hôn. Tôi muốn hỏi Luật sư của LVN Group vậy trường hợp này vợ tôi làm như vậy có trái quy định của pháp luật không? Tôi cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình ?

Cám ơn Luật sư của LVN Group đã tư vấn giúp tôi.

Luật sư tư vấn:

Căn cứ quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau hki ly hôn:

1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Ngoài ra, căn cứ quy định tại Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

1. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 của Luật này; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình.

2. Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật, bạn hoàn toàn có quyền được trông nom, chăm sóc con sau khi ly hôn và vợ của bạn không được quyền cản trở việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Quy định tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình như sau:

“Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.”

Như vậy, hành vi cố tình ngăn cản việc thăm nuôi con sau khi ly hôn được coi là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 100.000 đến 300.000 đồng.

Khi bạn bị ngăn cản quyền thăm nuôi con sau khi ly hôn bạn có thể yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã nơi vợ bạn cư trú can thiệp buộc dừng hành ngay hành vi vi phạm, chấp hành đúng các quy định về chế độ thăm nuôi con theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về yêu cầu của bạn. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ Luật sư tư vấn thủ tục ly hôn và quyền nuôi con sau ly hôn trực tuyến qua tổng đài điện thoại, gọi số: 1900.0191 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật hôn nhân – Công ty luật LVN Group